(Baothanhhoa.vn) - Nhằm thu hẹp diện tích các vùng trồng trọt đa cây, canh tác theo phương thức quảng canh, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đã tích cực mở rộng diện tích cây trồng thâm canh, tạo ra những cánh đồng chuyên cây, chuyên canh cho năng suất, sản lượng cao.

Mở rộng diện tích chuyên canh cây trồng

Nhằm thu hẹp diện tích các vùng trồng trọt đa cây, canh tác theo phương thức quảng canh, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đã tích cực mở rộng diện tích cây trồng thâm canh, tạo ra những cánh đồng chuyên cây, chuyên canh cho năng suất, sản lượng cao.

Mở rộng diện tích chuyên canh cây trồngVùng chuyên canh sản xuất ớt xã Yên Thái (Yên Định).

Huyện Yên Định là một trong những địa phương đi đầu cả tỉnh về xây dựng vùng chuyên canh cây trồng nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất theo hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với bà con nông dân. Mỗi năm diện tích sản xuất cây trồng chuyên canh theo hướng liên kết bao tiêu sản phẩm trên địa bàn huyện đạt khoảng 5.000 ha, với các loại cây trồng thâm canh chính, như: lúa thuần, lúa lai F1, ớt xuất khẩu, ngô ngọt, ngô F1, khoai tây... Trong đó, diện tích chuyên canh theo liên kết sản xuất hạt giống lúa đạt lợi nhuận từ 90 đến 110 triệu đồng/ha/năm; sản xuất hạt giống ngô lai F1 đạt lợi nhuận 110 đến 120 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 2 lần so với sản xuất lúa, ngô thương phẩm đại trà. Đạt được kết quả đó, huyện Yên Định đã tích cực thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, xây dựng vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân, HTX và doanh nghiệp. Đồng thời, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh, tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao. Bên cạnh đó, huyện đã triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp của Trung ương và tỉnh để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nói riêng. Huyện cũng thực hiện hỗ trợ các xã, thị trấn làm đường giao thông nội đồng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng chuyên canh cho năng suất, chất lượng, hiệu quả cao.

Bà Nguyễn Thị Tình, Giám đốc Công ty Thương mại và Dịch vụ Tình Cầm (Yên Định), cho biết: Là đơn vị chuyên xuất khẩu ớt để phục vụ chế biến thực phẩm cho thị trường các nước: Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Đài Loan... Để ổn định nguồn nguyên liệu, công ty đã liên kết với 7 HTX dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn huyện Yên Định sản xuất chuyên canh gần 100 ha ớt. Việc phối hợp với các HTX xây dựng vùng chuyên canh, sản xuất theo một quy trình là hướng tới mục đích đưa chất lượng sản phẩm ớt đồng đều và chủ động nguồn nguyên liệu xuất khẩu. Nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng, công ty đã xây dựng được 15 mã vùng trồng ớt với diện tích 80 ha. Theo tính toán của người dân, thu nhập bình quân từ cây ớt xuất khẩu đạt hơn 200 triệu đồng/ha, có thôn cao nhất đạt 230 triệu đồng/ha, hiệu quả cao hơn so với nhiều loại cây trồng khác. Thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục liên kết với các HTX và bà con nông dân để mở rộng diện tích chuyên canh cây ớt thương phẩm.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành được vùng lúa chuyên canh 150.000 ha, vùng ngô thâm canh 20.000 ha, vùng mía nguyên liệu 14.300 ha, vùng sắn nguyên liệu 13.500 ha, vùng cây ăn quả tập trung 8.000 ha, vùng cây thức ăn chăn nuôi 15.000 ha, rừng gỗ lớn 56.000 ha, vùng luồng thâm canh 37.845 ha, vùng quế 1.030 ha... Vùng chuyên canh các loại cây trồng tập trung ở các địa phương, như: vùng sản xuất giống lúa thuần, lúa lai F1, sản xuất rau an toàn tập trung chuyên canh tại các huyện Thọ Xuân, Đông Sơn, Thiệu Hóa...; vùng sản xuất chuyên canh ngô ngọt, bí, hành lá... tại các huyện Thọ Xuân, Yên Định, Hoằng Hóa...; vùng trồng cây ăn quả tại các huyện Thọ Xuân, Như Xuân, Thạch Thành... Qua thực tiễn sản xuất, các vùng chuyên canh cây trồng rất thuận lợi trong các khâu chăm bón, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm. Những vùng chuyên canh cây trồng không những mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất nhỏ lẻ từ 1,5 đến 2 lần trở lên mà còn góp phần nâng cao trình độ sản xuất cho người dân, tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, hình thành chuỗi liên kết sản xuất.

Để tiếp tục mở rộng diện tích chuyên canh cây trồng, ngành nông nghiệp và các địa phương đang tích cực huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống đường giao thông, thủy lợi tạo thuận lợi cho phát triển các vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Cùng với đó, thực hiện tốt chính sách “tam nông”, coi trọng mối liên kết “bốn nhà” và phát triển công nghiệp chế biến nông sản. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động nông dân tích cực cải tạo đồng ruộng, thay đổi tập quán canh tác trong sản xuất. Ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện xây dựng bản đồ nông hóa ở những huyện còn lại trên địa bàn tỉnh, phục vụ thâm canh chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quản lý sử dụng bền vững tài nguyên đất sản xuất nông nghiệp.

Bài và ảnh: Lê Hợi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]