(Baothanhhoa.vn) - Năm 2021, huyện Thọ Xuân tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, có hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch COVID-19; vừa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế - xã hội phục hồi, phát triển, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động và đạt nhiều kết quả tích cực.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Huyện Thọ Xuân thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép”

Năm 2021, huyện Thọ Xuân tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, có hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch COVID-19; vừa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế - xã hội phục hồi, phát triển, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động và đạt nhiều kết quả tích cực.

Huyện Thọ Xuân thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép”

Nông dân xã Thọ Hải chăm sóc rau an toàn trồng trong nhà lưới.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, năm qua, huyện Thọ Xuân đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch. Đồng thời, kiện toàn ban chỉ đạo, thành lập 6 tiểu ban giúp việc; nâng cấp cơ sở vật chất 7 khu cách ly tập trung cấp huyện; thành lập 2 khu thu dung và điều trị COVID-19. Ngay sau khi có các ca F0 trong cộng đồng, các cấp, các ngành của huyện đã thực hiện truy vết, xét nghiệm, nhanh chóng bóc tách F0; thực hiện giãn cách, cách ly, phong tỏa phù hợp với từng địa bàn dân cư, dựa trên mức độ nguy cơ lây lan dịch. Công tác tiêm chủng vắc-xin được thực hiện bảo đảm theo kế hoạch. Đi đôi với đó, huyện cũng đã chuyển trạng thái từ mục tiêu “Không có dịch COVID-19” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” bảo đảm theo quy định của Trung ương, của tỉnh và phù hợp với điều kiện thực tế trên địa bàn. Với việc triển khai nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo, các giải pháp phòng, chống dịch và đạt kết quả tích cực.

Đi đôi với phòng, chống dịch COVID-19, huyện Thọ Xuân đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra các giải pháp thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu; chú trọng thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động. Theo báo cáo của UBND huyện Thọ Xuân, năm 2021, tốc độ tăng giá trị sản xuất trên địa bàn 16,5%, đạt 100% kế hoạch; trong đó, nông, lâm nghiệp, thủy sản, tăng 4,7%; công nghiệp - xây dựng, tăng 21,3%; dịch vụ, tăng 12,2%. Sản xuất nông, lâm nghiệp tiếp tục có bước phát triển và khá toàn diện, giữ vai trò quan trọng cho sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Đã tích tụ, tập trung đất đai được 216,8 ha, tăng 18,5% kế hoạch; triển khai các mô hình sản xuất rau an toàn tập trung, rau an toàn trong nhà lưới, nhà màng. Công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm được quan tâm thực hiện có hiệu quả; cơ cấu chăn nuôi chuyển dịch sang các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có lợi thế; phát triển chăn nuôi nông hộ, trang trại, gia trại theo chuỗi khép kín an toàn, bền vững được đẩy mạnh... Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục được quan tâm; đến nay, đã có 4 xã NTM nâng cao, 1 xã NTM kiểu mẫu, 5 thôn NTM kiểu mẫu. Toàn huyện có thêm 5 sản phẩm OCOP cấp tỉnh (3 sao), nâng tổng số sản phẩm OCOP của tỉnh được công nhận là 12 sản phẩm (1 sản phẩm 4 sao và 11 sản phẩm 3 sao). Các sản phẩm công nghiệp tiếp tục phát triển, mở rộng quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ gắn với xây dựng thương hiệu; giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt 13.641 tỷ đồng, tăng 21,3% so với cùng kỳ... Hoạt động thương mại duy trì ổn định và tiếp tục phục hồi, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 7.974 tỷ đồng, tăng 12,2% so với cùng kỳ. Tổng huy động vốn đầu tư phát triển năm 2021 đạt 6.021 tỷ đồng, tăng 2,1% kế hoạch. Công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ môi trường được tăng cường. Huyện đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm của tỉnh, của huyện, như: tuyến đường từ thị trấn Thọ Xuân đi Khu đô thị Lam Sơn - Sao Vàng, hạ tầng Khu Công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng...

Đi đôi với phòng, chống dịch, phát triển kinh tế, huyện Thọ Xuân tập trung tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ, kỷ niệm của đất nước, địa phương. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được quan tâm thực hiện. Các đơn vị, trường học đã chủ động, kịp thời điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học, linh hoạt trong tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá, để vừa bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19, vừa hoàn thành năm học 2020 – 2021, triển khai năm học 2021 - 2022. Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia tiếp tục được quan tâm và đã hoàn thành xây dựng 9 trường đạt chuẩn quốc gia. Tập trung nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, tăng cường ứng dụng kỹ thuật mới vào chẩn đoán và điều trị, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được tập trung chỉ đạo thực hiện, đã có 3.134 người được tạo việc làm mới, trong đó, có 192 người đi làm việc ở nước ngoài.

Phát huy kết quả đạt được, năm 2022, huyện Thọ Xuân phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất 17%; thu nhập bình quân đầu người đạt 56 triệu đồng trở lên; diện tích được tích tụ, tập trung để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao 210 ha trở lên; giá trị sản phẩm trên một ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt từ 135 triệu đồng/ha/năm trở lên; tổng huy động vốn đầu tư phát triển 6.000 tỷ đồng trở lên; thành lập mới 160 doanh nghiệp... tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 77%.

Để đạt mục tiêu đề ra, đồng chí Hoàng Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, cho biết: Huyện tiếp tục tập trung, ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, với phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong xử lý mọi tình huống liên quan đến dịch, với mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ sức khỏe, tính mạng Nhân dân là trên hết, trước hết, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành. Từng địa phương, cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải chủ động xây dựng phương án, kế hoạch; tổ chức bổ sung, điều chỉnh các nội quy, quy chế, quy định, quy tắc ứng xử cho phù hợp, sát với đặc thù, điều kiện cụ thể của từng ngành nghề, lĩnh vực, thực hiện tốt mô hình “3 xanh”... để chủ động chuyển sang thích ứng với dịch. Bảo đảm lộ trình, bước đi cụ thể, chắc chắn, có kiểm soát và khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.

Huyện tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, theo chuỗi giá trị, trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm có thị trường tiêu thụ. Đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, tạo thuận lợi cho phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm lợi thế và nhu cầu thị trường. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị, kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ môi trường, trọng tâm là các sản phẩm chủ lực, có lợi thế, như: bò thịt, lợn thịt, trứng gia cầm... áp dụng mô hình sản xuất theo hợp đồng và xây dựng cụm chăn nuôi công nghiệp liên kết với chế biến thực phẩm. Xây dựng NTM theo hướng toàn diện, bền vững, đi vào chiều sâu, gắn với thực hiện các tiêu chí xây dựng cơ sở vật chất đạt tiêu chí phường. Chú trọng phát triển tiểu thủ công nghiệp gắn với khôi phục các làng nghề truyền thống; đồng thời, nhân cấy nghề mới đối với sản phẩm có thị trường tiêu thụ, nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập và cung cấp nguồn hàng cho xuất khẩu. Chủ động kiểm tra, nắm chắc tình hình hoạt động của doanh nghiệp tại các khu vực sản xuất công nghiệp để tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất nhanh, nhất là các cơ sở sản xuất công nghiệp có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, giải quyết việc làm. Tạo mọi điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp dự kiến đưa vào hoạt động năm 2022, như: Công ty May Minh Anh, Công ty May Thọ Lộc... Huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; trong đó, ưu tiên đầu tư các công trình trọng điểm, công trình có tính kết nối, tác động lan tỏa tạo tiền đề cho thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tập trung triển khai kế hoạch hành động thực hiện khâu đột phá về công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm trên địa bàn. Thực hiện tốt quy chế phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn.

Đi đôi với đó, huyện Thọ Xuân tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động thông tin, tuyên truyền theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với thực hiện Chương trình xây dựng NTM, văn minh đô thị. Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, tăng quyền tự chủ, minh bạch và trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giữ vững thành tích giáo dục mũi nhọn đứng trong tốp 5 của tỉnh. Củng cố, hoàn thiện và nâng cao năng lực, đầu tư cơ sở vật chất mạng lưới y tế dự phòng, y tế cơ sở, bảo đảm đủ khả năng dự báo, giám sát, phát hiện sớm, khống chế kịp thời, hiệu quả dịch COVID–19; đồng thời, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế Bệnh viện Đa khoa huyện. Thực hiện đồng bộ, kịp thời các chính sách giải quyết việc làm, bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động; tổ chức đầy đủ, kịp thời các chính sách trợ giúp xã hội và chính sách ưu đãi người có công. Phối hợp với các doanh nghiệp trong công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, mở rộng thị trường xuất khẩu lao động.

Bài và ảnh: Xuân Hùng


Bài và ảnh: Xuân Hùng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]