(Baothanhhoa.vn) - Để đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong kết nối cung cầu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng trang thông tin: http//nongsanantoanthanhhoa.vn.

Hỗ trợ doanh nghiệp, hộ sản xuất đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Để đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong kết nối cung cầu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng trang thông tin: http//nongsanantoanthanhhoa.vn.

Hỗ trợ doanh nghiệp, hộ sản xuất đưa nông sản lên sàn thương mại điện tửDiện tích cà chua sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tại thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa).

Đến nay, đã có hàng trăm cơ sở sản xuất, kinh doanh với hơn 400 mặt hàng nông sản, thực phẩm đăng ký hoạt động trên trang tin này. Đồng thời tỉnh đã phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam triển khai giới thiệu 2 sàn thương mại điện tử https://postmart.vn và https://voso.vn để hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn tiêu thụ các sản phẩm. Một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cũng đã đầu tư xây dựng ứng dụng thương mại điện tử riêng, trong đó các ứng dụng mạng xã hội (zalo, facebook...) được sử dụng rộng rãi để phục vụ công tác phát triển thị trường.

Trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức được 8 hội nghị hướng dẫn, hỗ trợ đưa các doanh nghiệp, hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử postmart.vn cho 1.320 lượt người tham gia. Thông qua các lớp tập huấn, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm và thủy sản trên địa bàn tỉnh đã được các chuyên gia thuộc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam hướng dẫn xây dựng kế hoạch truyền thông và xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm. Đồng thời, hướng dẫn cách đăng ký tài khoản, thông tin tài khoản thanh toán điện tử và cập nhật hình ảnh, giá bán, bảo đảm chất lượng hàng hóa, nông sản khi giao dịch trên sàn giao dịch thương mại điện tử postmart.vn. Phó giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Kiên Thọ (Ngọc Lặc) Phạm Văn Kiên cho biết: Nhờ được tham gia tập huấn những kiến thức cơ bản nên sản phẩm dưa vàng của HTX được quảng bá, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm trên không gian mạng. Nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh đã liên hệ đặt mua hàng của HTX thông qua sàn thương mại điện tử postmart.vn. Ngoài ra, HTX mở rộng quảng bá sản phẩm thông qua nhiều kênh online, như: zalo, facebook, các trang thương mại điện tử khác và các hiệp hội thương mại để thêm nhiều đơn hàng. Cùng với đó, HTX tích cực thực hiện các quy trình chuẩn (quy trình thu hoạch, sơ chế, đóng gói...) để đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử nhằm đảm bảo cho sản phẩm lưu thông đến tay người tiêu dùng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và có chất lượng tốt nhất. Nhờ giao dịch thương mại điện tử, HTX đã bước đầu kết nối được chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 108 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, cung ứng ra thị trường ước đạt hơn 500.000 tấn thực phẩm/năm. Ngoài ra, toàn tỉnh đã hình thành 23 “địa chỉ xanh” được xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được kiểm tra, giám sát, xác nhận và được cấp tem điện tử truy xuất nguồn gốc góp phần tạo dựng thương hiệu cho nông sản thực phẩm của tỉnh, tạo tiền đề cho chuỗi liên kết, cung ứng nông sản, thực phẩm phát triển bền vững.

Bên cạnh những kết quả đạt được, không ít sản phẩm nông nghiệp của tỉnh vẫn còn gặp khó khăn khi thai thác kênh bán hàng qua sàn thương mại điện tử. Đơn cử như nhóm hàng hải sản tươi sống, thực phẩm đông lạnh, rau củ tươi gặp khó trong vận chuyển, bảo quản để đảm bảo đến tay người tiêu dùng giá cả phù hợp, chất lượng đảm bảo. Phần lớn các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh là những hộ sản xuất nhỏ lẻ hạn chế cả về quy mô sản xuất lẫn kinh nghiệm quản trị hiện đại như kỹ năng marketing, nhất là marketing online. Vì vậy, cách đăng tin giới thiệu sản phẩm chưa gây được ấn tượng với khách hàng, nên đến nay vẫn còn nhiều hộ sản xuất chưa mạnh dạn đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử mà vẫn chọn bán hàng theo kênh truyền thống.

Từ những hạn chế trên, các ngành có liên quan của tỉnh cần phối hợp tổ chức đào tạo, tập huấn, tạo tài khoản, gian hàng cho các hộ sản xuất... Cùng với đó, cần tăng cường hỗ trợ nông dân và các chủ thể sản xuất đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử. Đồng thời, hướng dẫn các hộ sản xuất nông nghiệp tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng cao; sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, nền tảng thương mại điện tử... để nông dân, doanh nghiệp sớm làm chủ được hình thức bán hàng trên các sàn giao dịch điện tử.

Bài và ảnh: Lê Hợi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]