(Baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, tạo động lực cho người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, gắn với thị trường đầu ra sản phẩm. Tuy nhiên, việc thực hiện một số chính sách, cơ chế hỗ trợ vẫn còn những vướng mắc cần được tháo gỡ.

“Điểm nghẽn” trong thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp

Thời gian qua, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, tạo động lực cho người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, gắn với thị trường đầu ra sản phẩm. Tuy nhiên, việc thực hiện một số chính sách, cơ chế hỗ trợ vẫn còn những vướng mắc cần được tháo gỡ.

“Điểm nghẽn” trong thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp

Người dân trồng gai xanh nguyên liệu xã Cẩm Tú (Cẩm Thủy) mong muốn bổ sung nhóm hộ được hỗ trợ chi phí mua máy tước vỏ cây gai xanh.

Nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh

Với chủ trương đưa nông nghiệp trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, giá trị gia tăng cao, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết về cơ chế, chính sách cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, giai đoạn 2021-2025. Trong đó, ưu tiên chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ phát triển cây gai xanh nguyên liệu; hỗ trợ mua thiết bị giám sát hành trình và phí thuê bao dịch vụ thiết bị giám sát hành trình cho chủ tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên; chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn tỉnh... Các nghị quyết ra đời đã tạo điều kiện cho các địa phương thúc đẩy sản xuất, hình thành các vùng sản xuất tập trung, theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp, góp phần ổn định và nâng cao đời sống người dân.

Tuy nhiên, qua thực tế thực hiện, một số cơ chế, chính sách khi đưa vào thực tiễn gặp vướng mắc cần tháo gỡ kịp thời. Trong thực hiện chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, lãnh đạo nhiều địa phương ở các huyện Quan Hóa, Bá Thước, Cẩm Thủy, Thường Xuân và thị xã Nghi Sơn... đều cho rằng, bộ tiêu chí về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoặc theo hướng công nghệ cao theo Quyết định số 4145/QĐ-UBND ngày 10-10-2019 của UBND tỉnh là quá cao so với thực tế, nên nhiều dự án sản xuất không đảm bảo tiêu chí. Vì vậy, các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất không đáp ứng được yêu cầu nên không được thụ hưởng chính sách hỗ trợ.

Anh Nguyễn Văn Hùng, nông dân xã Vĩnh Hưng (Vĩnh Lộc), cho biết: Gia đình tôi tích tụ được 6,2 ha (trong đó 2 ha đất của gia đình tự tích tụ, 4 ha đất công ích của UBND xã cho thầu) để sản xuất nông nghiệp tập trung và ứng dụng công nghệ cao, gia đình đã đầu tư ứng dụng công nghệ vào sản xuất và được chứng nhận 4 ha rau, quả đạt tiêu chuẩn VietGAP, nhưng không được hỗ trợ từ các chính sách phát triển nông nghiệp của tỉnh, do thuê đất công ích của xã nên không thuộc đối tượng được thụ hưởng.

Tại huyện Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn, TP Thanh Hóa còn phát sinh những bất cập trong thực hiện hồ sơ chứng minh nguồn vốn đầu tư ban đầu của dự án sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao hoặc theo hướng công nghệ cao. Theo đó, Quyết định số 4145/QĐ-UBND ngày 10-10-2019 của UBND tỉnh quy định mức đầu tư bình quân ban đầu đối với cây ăn quả tối thiểu 400 triệu đồng/ha, cây rau tối thiểu 1,5 tỷ đồng/ha, cây hoa 2 tỷ đồng/ha, cây lúa 250 triệu đồng/ha... Để có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn vốn đầu tư, người dân phải nộp thêm thuế VAT tương ứng 40 triệu đồng đối với cây ăn quả, 150 triệu đồng đối với cây rau, 200 triệu đồng đối với cây hoa và 25 triệu đồng đối với cây lúa. Trong khi đó mức hỗ trợ của chính sách là 10 triệu đồng/ha/năm đối với cây ăn quả, 20 triệu đồng/ha/năm đối với cây rau và hoa, 5 triệu đồng/ha/năm đối với cây lúa. Ngoài ra, đối với cây ăn quả phải tính từ thời điểm trồng đến thời điểm bắt đầu cho thu hoạch ít nhất là 3 năm và cho thu hoạch ổn định từ năm thứ 5 mới được công nhận. Với bất cập nêu trên nên không thể triển khai thực hiện chính sách đến các đối tượng được thụ hưởng.

Với chính sách hỗ trợ phát triển cây gai xanh nguyên liệu, theo quy định chỉ hỗ trợ chi phí cho các hộ dân chuyển đổi từ trồng cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng gai. Trong khi diện tích đất trồng gai hiện nay trên địa bàn các huyện miền núi chủ yếu là đất lâm nghiệp (đất rừng sản xuất), nên không thuộc đối tượng hỗ trợ... Ngoài ra, để thụ hưởng chính sách thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải có hợp đồng liên kết sản xuất trực tiếp với Nhà máy Sản xuất sợi gai An Phước (Cẩm Thủy) và các thủ tục liên quan khác nên người trồng gai gặp nhiều khó khăn trong quá trình làm hồ sơ để được thụ hưởng chính sách.

“Điểm nghẽn” trong thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp

Nhiều vướng mắc trong thực hiện chính sách hỗ trợ lắp đặt giám sát hành trình trên tàu cá ở xã Ngư Lộc (Hậu Lộc) cần được tháo gỡ.

Việc thụ hưởng chính sách hỗ trợ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên của ngư dân cũng phát sinh những bất cập bởi phần lớn thiết bị được ngư dân lắp đặt chủ yếu trong những tháng đầu năm 2019. Vậy nên, đa số ngư dân không xuất trình được hóa đơn mua thiết bị giám sát, không đảm bảo điều kiện thụ hưởng chính sách theo quy định. Theo ông Nguyễn Hải Năm, Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc (Hậu Lộc): Do đa số các tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình từ trước khi có thông báo nên chưa đáp ứng được các quy định. Mặt khác, trong hóa đơn chứng từ một số công ty cung cấp thiết bị cho ngư dân không ghi cụ thể tên thiết bị giám sát hành trình được lắp đặt nên rất khó cho việc thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho ngư dân.

Cần điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn

Ông Trịnh Việt Cường, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Lộc, cho biết: Các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ra đời rất kịp thời, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn huyện có các dự án thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao hoặc theo hướng công nghệ cao bằng hình thức thuê thầu đất công ích do UBND cấp xã quản lý nhưng không được thụ hưởng theo quy định chính sách. Vì vậy, cần mở rộng đối tượng hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân thuê đất công ích do UBND cấp xã quản lý để thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao hoặc theo hướng công nghệ cao.

Đại diện các huyện Bá Thước, Thường Xuân, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc mong muốn bổ sung các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tích tụ, tập trung đất đai phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao hoặc theo hướng công nghệ cao trong lĩnh vực lâm nghiệp và chăn nuôi được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ. Đối với chính sách hỗ trợ phát triển cây gai xanh nguyên liệu, các địa phương trong vùng quy hoạch đề nghị bổ sung hỗ trợ hệ thống tưới, đường vận chuyển (đường nội đồng) cho vùng trồng gai xanh nguyên liệu. Bổ sung “nhóm hộ” vào nội dung hỗ trợ chi phí mua giống cây gai xanh, hỗ trợ chi phí mua máy tước vỏ cây gai xanh. Bổ sung hỗ trợ chi phí chuyển đổi cho đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh nguyên liệu, như: Đất được quy hoạch là đất rừng sản xuất, đất trồng cây kém hiệu quả (trừ đất sản xuất lúa), các loại cây trồng lâu lăm (kể cả cây lâm nghiệp) được trồng trên đất sản xuất nông nghiệp... Tăng mức hỗ trợ một lần chi phí mua giống cây gai xanh với mức 60% (không quá 12 triệu đồng/ha đối với doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, không quá 1,5 triệu đồng/0,1 ha đối với hộ gia đình, cá nhân)...

Những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ mua thiết bị giám sát hành trình, ông Trịnh Xuân Hán, Chủ tịch UBND xã Hòa Lộc mong muốn thông qua hình thức nghiệm thu thực tế, dựa vào tiêu chuẩn kỹ thuật của thiết bị và điều kiện hoạt động hiệu quả thực tế của các thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá đã lắp đặt, để hỗ trợ các chủ tàu cá đảm bảo tiến độ và kịp thời động viên bà con ngư dân an tâm bám biển.

Những đề xuất, kiến nghị xuất phát từ thực tiễn sản xuất ở các địa phương trong tỉnh cần được nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung một số nội dung đối với các cơ chế, chính sách ngành nông nghiệp đang triển khai thực hiện giai đoạn 2021-2025 phù hợp với thực tiễn sản xuất.

Bài và ảnh: Lê Hợi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]