(Baothanhhoa.vn) - Trong những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, việc áp dụng cơ giới vào sản xuất nông nghiệp đã được các địa phương trong tỉnh quan tâm thực hiện, góp phần giải phóng sức lao động, tăng năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Trong những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, việc áp dụng cơ giới vào sản xuất nông nghiệp đã được các địa phương trong tỉnh quan tâm thực hiện, góp phần giải phóng sức lao động, tăng năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Nông dân xã Quảng Trạch (Quảng Xương) áp dụng cơ giới trong khâu thu hoạch lúa.

Tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng. Hằng năm, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp được áp dụng cơ giới trong khâu làm đất chiếm 91,46% diện tích, khâu gieo trồng 9,8%, khâu thu hoạch 57,6%... Đến nay, toàn tỉnh có 450 máy kéo cỡ lớn, 2.483 máy kéo cỡ trung, 11.295 máy kéo cỡ nhỏ, 9.327 máy bơm, 160 máy cấy lúa, 600 máy gặt đập liên hợp, 12.500 máy tuốt vò lúa, 4.215 máy xay xát lúa gạo, 5.220 máy nghiền thức ăn gia súc, 440 máy sấy nông sản, 15.567 máy chế biến lương thực, 6.405 máy chế biến gỗ, 4 máy thu hoạch mía, 1.749 máy bơm động cơ các loại đã chủ động tưới tiêu cho 75% diện tích lúa, 12,1% diện tích mía và 52% diện tích cây trồng hàng năm. Hiện toàn tỉnh có 545 tổ chức, cá nhân (1 doanh nghiệp, 3 HTX, 541 hộ gia đình) vay 178,320 tỷ đồng, (trong đó, ngân hàng hỗ trợ lãi suất 18,644 tỷ đồng) để đầu tư mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Không chỉ ở lĩnh vực trồng trọt, trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều trang trại, gia trại ở các địa phương trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ chuồng nuôi kép kín; sử dụng hệ thống máng ăn tự động; thiết bị núm uống nước tự động... Góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi của tỉnh chuyển dịch từ nhỏ lẻ, phân tán sang sản xuất hàng hóa quy mô trang trại, gia trại theo hình thức công nghiệp.

Việc áp dụng cơ giới trong sản xuất đã góp phần làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi 10-15%; giảm chi phí sản xuất từ 0,7-2,8 triệu đồng/ha/vụ sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch từ 2-3%; bảo đảm tính thời vụ, nâng cao chất lượng nông sản và tăng thu nhập cho người lao động. Hiệu quả áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất tăng từ 1,2-1,3 lần so với lao động thủ công.

Tuy nhiên, tiến độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn chậm, công nghệ cơ giới hóa thấp, chưa đồng bộ ở các khâu sản xuất. Trong khi đó đầu tư ban đầu cho cơ giới hóa lại khá cao, nhất là những máy móc, thiết bị nhập khẩu. Ngoài ra, do đất sản xuất nông nghiệp còn manh mún nên việc áp dụng cơ giới hiệu quả chưa cao; kết cấu hạ tầng các khu vực sản xuất nông nghiệp nhìn chung còn yếu kém, gây khó khăn cho việc triển khai áp dụng cơ giới.

Để đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, các địa phương trong tỉnh đang tiếp tục thực hiện định hướng vùng sản xuất tập trung và đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Khuyến khích người dân, doanh nghiệp, tổ hợp tác, HTX tổ chức dồn điền, đổi thửa, hình thành cánh đồng mẫu lớn để đưa cơ giới vào sản xuất đồng bộ từ khâu làm đất, thu hoạch, vận chuyển, chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Thực hiện tốt các chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước cho nông dân, doanh nghiệp vay vốn không lãi suất, lãi suất thấp hoặc hỗ trợ kích cầu một phần giá trị máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Chú trọng công tác đào tạo nghề cho nông dân, hợp tác, gắn đào tạo với sử dụng lao động tại chỗ, thúc đẩy sự phân công lao động trong nông nghiệp. Tạo điều kiện để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.


Bài và ảnh: Hải Đăng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]