(Baothanhhoa.vn) - Trong những năm qua, với mục tiêu đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phục hồi, phát triển, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách. Tuy nhiên, chính khoảng cách giữa cơ chế, chính sách và thực thi đặt ra nhiều trăn trở, thách thức. Đó cũng là nội dung xoay quanh cuộc trò chuyện giữa Báo Thanh Hóa với ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa.

Cần khắc phục những rào cản trong thực thi cơ chế, chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp, tạo động lực, niềm tin bằng hành động quyết liệt và hiệu quả thiết thực

Trong những năm qua, với mục tiêu đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phục hồi, phát triển, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách. Tuy nhiên, chính khoảng cách giữa cơ chế, chính sách và thực thi đặt ra nhiều trăn trở, thách thức. Đó cũng là nội dung xoay quanh cuộc trò chuyện giữa Báo Thanh Hóa với ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa.

Cần khắc phục những rào cản trong thực thi cơ chế, chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp, tạo động lực, niềm tin bằng hành động quyết liệt và hiệu quả thiết thựcÔng Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cùng đoàn công tác tham quan doanh nghiệp Thanh Hóa hoạt động trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Ảnh: P.V

Phóng viên (PV): Nếu sử dụng màu chủ đạo để vẽ bức tranh tình hình hoạt động của DN Thanh Hóa những tháng đầu năm 2023, cá nhân ông sẽ lựa chọn gam màu nào?

Ông Cao Tiến Đoan: Bức tranh kinh tế bao giờ cũng phải được vẽ nên bằng những con số mang tính định lượng. Và chính những con số ấy sẽ nói cho chúng ta mọi điều.

Lũy kế 2 tháng đầu năm, Thanh Hóa có 285 DN thành lập mới, bằng 9,5% kế hoạch, giảm 26% so với cùng kỳ. Trong khi đó, toàn tỉnh có 34 DN thông báo giải thể tăng 47,8% so với cùng kỳ, 35 DN đã giải thể, tăng 75% so với cùng kỳ (tăng 15 DN); 443 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 10% so với cùng kỳ; 239 DN quay trở lại hoạt động, giảm 59% so với cùng kỳ...

Tính riêng tháng 2-2023, Thanh Hóa có 12 DN thông báo giải thể, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ (tăng 6 DN); 16 DN đã giải thể, gấp 4 lần so với cùng kỳ (tăng 12 DN); 46 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 39% so với cùng kỳ (tăng 13 DN); 22 DN hoạt động trở lại, giảm 31,2% so với cùng kỳ (giảm 10 DN). Các DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng với 40 DN, chiếm 88%. Trong tháng 2-2023, tổng nộp ngân sách Nhà nước của các DN ước đạt 1.126 tỷ đồng, giảm 21,25% so với cùng kỳ và chiếm 25% tổng thu ngân sách.

PV: Từ số liệu thống kê có thể dễ dàng nhận thấy một điều, số DN giải thể, thông báo giải thể, đăng ký tạm dừng kinh doanh có thời hạn đều tăng. Điều này đã báo hiệu một năm với nhiều khó khăn, thử thách cho cộng đồng DN, thưa ông?

Ông Cao Tiến Đoan: Như đã thấy, đến thời điểm này, đại dịch COVID-19 đã được kiểm soát tốt trên phạm vi toàn quốc nhưng vẫn còn đó những nguy cơ buộc chúng ta phải luôn đề phòng, chuẩn bị các phương án dự liệu.

Sau khoảng thời gian dài phòng, chống dịch COVID-19, khả năng “chống chịu” của DN bị bào mòn. Dự báo tình hình thế giới năm 2023 tiếp tục có nhiều bất ổn, lạm phát tăng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tình hình trong nước, cộng đồng DN gặp nhiều khó khăn về huy động vốn, chi phí sản xuất tăng; đơn hàng, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất...

Chỉ riêng việc đáp ứng các quy định về phòng cháy, chữa cháy cũng là thách thức rất lớn đối với cộng đồng DN trong bối cảnh hiện nay. Lẽ dĩ nhiên, những quy định về phòng cháy, chữa cháy được đưa ra là đúng nhưng tôi cho rằng nó có phần khô cứng, thiếu sự linh hoạt và thiếu cái nhìn tổng quát. Trong khi DN bắt buộc phải tuân thủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy nhưng hạ tầng cơ sở, hạ tầng xã hội để triển khai đồng bộ, hiệu quả như quy định lại chưa đáp ứng được. Thay vì bắt buộc thì chúng ta nên nghiên cứu để linh hoạt thích ứng, vừa đúng quy định về phòng cháy, chữa cháy vừa đảm bảo cho DN hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Công tác thanh, kiểm tra, rà soát diễn ra nhiều, rất dễ dẫn đến sự chồng chéo, vô hình chung tạo thành áp lực đối với cộng đồng DN, tạo nên sức ỳ, ngại làm mới, ngại đột phá. Công tác đánh giá, tham mưu từ các cấp cơ sở về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN chưa bao quát, chưa sát với thực tế...

PV: Trong những năm qua, chúng ta đã nói quá nhiều đến cơ chế, chính sách hỗ trợ DN. Và thực tế, nhiều cơ chế, chính sách của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Thanh Hóa đã được triển khai, thực hiện. Ông đánh giá như thế nào về cách thức triển khai, thực hiện, tác động của các cơ chế, chính sách này đến cộng đồng DN Thanh Hóa?

Ông Cao Tiến Đoan: Để tạo động lực giúp DN sớm phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh, thời gian qua, Chính phủ cùng các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, đặc biệt là “các gói” kích cầu và hỗ trợ tài chính... Giải quyết vấn đề nguồn vốn - một trong những yếu tố sống còn của DN cũng được quan tâm, tạo điều kiện, tháo gỡ kịp thời thông qua nhiều cơ chế, chính sách thiết thực, cụ thể như: Nghị định 31/2022/NĐ-CP về việc hỗ trợ lãi suất từ Ngân hàng Nhà nước đối với các khoản vay của DN, HTX, hộ kinh doanh; Thông tư 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các ngân hàng thương mại triển khai thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP...

Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách đồng hành, hỗ trợ DN phục hồi, phát triển. Ngày 10-2-2023, trên tinh thần khẩn trương, nghiêm túc làm việc, đối thoại với cộng đồng DN, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 23/KH-UBND về việc thực hiện chính sách, nhiệm vụ hỗ trợ phát triển DN tỉnh Thanh Hóa năm 2023. Theo kế hoạch, tỉnh Thanh Hóa sẽ dành gần 15 tỷ đồng triển khai, thực hiện. Trong đó, UBND tỉnh đã xác định rõ các nội dung cụ thể cần thực hiện trong quá trình hỗ trợ phát triển DN...

Tuy nhiên, bên cạnh sự quan tâm, tạo điều kiện ấy, việc đưa các cơ chế, chính sách đi vào thực tiễn vẫn còn những hạn chế, rào cản nhất định do quá nhiều ràng buộc, điều kiện kèm theo. Từ ví dụ đơn giản, thực tế nhất, ai cũng hiểu, nguồn vốn, nguồn vốn và nguồn vốn, đó là yếu tố sống còn đối với DN, giống như con người cần có máu lưu thông để nuôi sống toàn bộ cơ thể, chậm trễ bao nhiêu thì cơ thể phải chịu tổn thương bấy nhiêu, thậm chí không có khả năng phục hồi. Trong khi đó, với các khoản vay hưởng chính sách hầu như DN rất khó tiếp cận và chưa hiệu quả. Đến khi đáp ứng đủ các điều kiện kèm theo ấy thì DN lại trượt mất “thời điểm vàng” để thích ứng, chuẩn bị tốt các điều kiện phục hồi và phát triển.

PV: Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thử thách như thế, làm sao để giữ lửa động lực phát triển cho cộng đồng DN?

Ông Cao Tiến Đoan: Để cộng đồng DN yên tâm hoạt động sản xuất, kinh doanh, dám đầu tư, dám đột phá để phát triển thì vấn đề tiên quyết là các cơ chế, chính sách, luật định phải có tính chiến lược, bao quát, lâu dài chứ không thể ngắn hạn.

Đối với công tác thanh, kiểm tra, thay vì làm ồ ạt, đại trà, chúng ta nên sàng lọc, nhóm đối tượng để vừa đảm bảo tính tập trung, đúng người đúng đối tượng vừa để các DN yên tâm hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Chúng ta vẫn nên có cơ chế, chính sách hỗ trợ nguồn lực đối với những DN đang có chiều hướng phát triển để “nuôi dưỡng”, tạo động lực hơn nữa.

Khi cơ chế, chính sách đã có rồi thì vấn đề thực thi ra sao đóng vai trò rất quan trọng. Thực tế rõ ràng, khi DN bắt tay vào làm bất kỳ dự án nào, DN như con tằm rút ruột mình ra, đưa hết hồn cốt, nguồn lực tập trung ở đó rất nhiều, thậm chí ký nợ cả lương công nhân để dốc sức thực hiện. Nếu việc thực thi cơ chế, chính sách chậm trễ, thiếu sự đồng bộ, nhiều rào cản, thủ tục hành chính cồng kềnh thì DN phải chịu rủi ro rất lớn. Những rủi ro ấy sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến “sinh mạng” của chính DN, quyền lợi của người lao động. Nếu vì những nguyên nhân đó mà DN phải rút lui khỏi thương trường thì đó là điều quá đáng tiếc, đáng để suy ngẫm.

Do đó, cộng đồng DN rất cần có những cơ chế, chính sách, chưa bàn đến chuyện thông thoáng, mà trước hết chính sách phải có tính thực tiễn cao, được thực thi chuẩn mực, tạo niềm tin, uy tín cho DN vững tin sản xuất, kinh doanh, mạnh dạn đổi mới, bứt phá. Nếu chúng ta không xoáy sâu vào hai chữ “chuẩn mực” và bằng nhiều giải pháp để đạt được sự “chuẩn mực” ấy thì nhiều DN sẽ bị thụt lùi.

Chúng ta sẽ phải chứng kiến nhiều hơn “cái chết yểu” của DN trên thương trường, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đất nước. Để cộng đồng DN nói chung lớn mạnh thì cả chính quyền và DN phải luôn đặt cái tâm làm trọng, lấy tầm làm chiến lược, lấy sạch làm đẹp, lấy sự đoàn kết làm động lực, đồng hành cùng phát triển...

PV: Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 153/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, quy hoạch đưa ra mục tiêu, nội dung cụ thể về phát triển kinh tế. Cộng đồng DN Thanh Hóa nhận thức như thế nào về vai trò, trách nhiệm, cả thách thức và cơ hội của mình, thưa ông?

Ông Cao Tiến Đoan: Trước sự quan tâm, tạo điều kiện của Trung ương đối với tỉnh Thanh Hóa, cộng đồng DN rất phấn khởi. Với quyết định này, Thanh Hóa trở thành tỉnh thứ 4 trong cả nước được phê duyệt Quy hoạch tỉnh.

Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đưa ra quan điểm, mục tiêu là phát huy vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng và tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phát triển hài hòa, cân đối giữa các vùng, miền, nhất là vùng đồng bằng và ven biển với vùng miền núi, giữa thành thị với nông thôn; giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển nhanh với phát triển bền vững, giữa phát triển hợp lý theo chiều rộng với phát triển theo chiều sâu, trong đó phát triển theo chiều sâu là chủ đạo; đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.

Những vấn đề mà quy hoạch đề ra như: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực hội nhập kinh tế quốc tế; thực hiện chuyển đổi số, lấy chính quyền số làm động lực để phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo đột phá trong cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; sử dụng hợp lý các nguồn lực cho phát triển, chú trọng đến phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phù hợp với khả năng đáp ứng về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội để nâng cao chất lượng tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế... Đó là những vấn đề mà cộng đồng DN đặc biệt quan tâm, vừa là thử thách đồng thời cũng mở ra thời cơ, vận hội mới.

Nhận thức được vai trò, trách nhiệm, cả những thách thức và thời cơ hiện hữu, trong thời gian tới, Hiệp hội DN tỉnh sẽ tổ chức hội nghị, hội thảo để làm rõ hơn những mục tiêu, những khái niệm về phát triển kinh tế (kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh) đề ra trong quy hoạch, từ đó có định hướng, xây dựng lộ trình hoạt động, phát triển trong thời gian tới.

PV:Cảm ơn ông!

Hương Thảo (thực hiện)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]