(Baothanhhoa.vn) - Là đô thị trẻ đang phát triển nhanh và là trung tâm du lịch lớn của tỉnh Thanh Hóa, thời gian qua, TP Sầm Sơn đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thu hút các nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh – chìa khóa thu hút các nguồn lực cho phát triển

Là đô thị trẻ đang phát triển nhanh và là trung tâm du lịch lớn của tỉnh Thanh Hóa, thời gian qua, TP Sầm Sơn đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thu hút các nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh – chìa khóa thu hút các nguồn lực cho phát triển

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là nhân tố góp phần thu hút các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng đô thị Sầm Sơn.

Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát đúng vào thời điểm bắt đầu mùa du lịch biển đã khiến cho ngành du lịch trên địa bàn thành phố chịu thiệt hại nặng nề và ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế, đời sống. Song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc tích cực của các ngành, MTTQ, đoàn thể, TP Sầm Sơn đã nỗ lực thực hiện tốt “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, các hoạt động kinh tế tiếp tục duy trì và có mức tăng. Cụ thể, trong 9 tháng năm 2021, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất tăng 1,49% so với cùng kỳ; tổng giá trị sản xuất theo giá hiện hành ước đạt 9.019 tỷ đồng, đạt 74,5% kế hoạch, tăng 8,8% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp - xây dựng ước đạt 4.075 tỷ đồng, đạt 116,1% kế hoạch, tăng 92,2% so với cùng kỳ (trong đó, xây dựng tăng mạnh và đạt 3.450 tỷ đồng, bằng 130% so với kế hoạch, tăng 117% so với cùng kỳ là nhờ kết quả thực hiện các dự án xây dựng, nhất là các dự án do SunGroup làm chủ đầu tư). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2.543 tỷ đồng, bằng 81,5% kế hoạch, tăng 24,8% so với cùng kỳ. Doanh thu từ lĩnh vực vận tải ước đạt 239 tỷ đồng, bằng 80% kế hoạch, tăng 5,7% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản ước đạt 21.803 tấn, bằng 81,7% so với kế hoạch, tăng 0,7% so với cùng kỳ (trong đó, sản lượng khai thác ước đạt 21.715 tấn).

Đặc biệt, Sầm Sơn đã tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 24-12-2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) giai đoạn 2021-2025; tập trung chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ GPMB thực hiện các dự án, phấn đấu đảm bảo hoàn thành và hoàn thành vượt tiến độ GPMB các dự án trọng điểm đã cam kết với nhà đầu tư. Thành phố được UBND tỉnh giao GPMB 187,98 ha trong năm 2021, đến nay đã tổ chức đo đạc, kiểm đếm được 216,12 ha (tương đương 115%); lập phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB 212 ha (tương đương 113%) và tổ chức chi trả kinh phí bồi thường được 152,37 ha (đạt 81%). Nhờ đó, thành phố là một trong 3 đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh về kết quả GPMB. Đặc biệt, công tác GPMB các dự án do Tập đoàn SunGroup làm chủ đầu tư có nhiều chuyển biến tích cực. Đến thời điểm này, phần lớn các hộ gia đình thuộc phạm vi của dự án Quảng Trường biển và trục cảnh quan lễ hội thành phố (khu vực từ đường Hồ Xuân Hương đến đường Ngô Quyền) đã đồng thuận di chuyển để bàn giao mặt bằng thực hiện dự án.

Có được những kết quả kể trên là nhờ TP Sầm Sơn đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Cụ thể là tập trung chỉ đạo rà soát, đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, nhất là thủ tục liên quan đến đầu tư, đất đai, môi trường; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành, đảm bảo 100% xử lý văn bản, hồ sơ công việc, giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện trên môi trường điện tử. Đồng thời, từng bước rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, mẫu hóa các thành phần hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo thuận lợi nhất cho tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân khi tham gia đầu tư kinh doanh; nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Đặc biệt, thành phố đã đưa vào vận hành trung tâm điều hành đô thị thông minh, đánh dấu một bước phát triển mới trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số của Sầm Sơn nói riêng và của tỉnh Thanh Hóa nói chung.

Cùng với đó, thành phố cũng quan tâm chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động giải quyết các nhiệm vụ theo lĩnh vực ngành quản lý; phối hợp với các sở, ban, ngành trong việc hướng dẫn và tạo điều kiện để nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ về trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất các dự án đầu tư trên địa bàn theo đúng quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, lãnh đạo, cán bộ, công chức vi phạm quy định của pháp luật, cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ giao, giải ngân kế hoạch đầu tư công. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình triển khai dự án sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương địa điểm đầu tư; đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư; kịp thời báo cáo, kiến nghị UBND tỉnh xem xét xử lý, thu hồi đối với các dự án chậm tiến độ hoặc không triển khai thực hiện. Đặc biệt, thành phố đã tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan dự án đầu tư, nhất là công tác GPMB, bảo đảm bàn giao mặt bằng đúng tiến độ đã cam kết với nhà đầu tư; thường xuyên chỉ đạo, làm tốt công tác tuyên truyền để các hộ dân bị ảnh hưởng chấp hành chủ trương đầu tư và chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư các dự án, nhất là các dự án trọng điểm, các dự án có diện tích sử dụng đất lớn và có nhiều hộ dân bị ảnh hưởng; kịp thời giải quyết những khiếu kiện, khiếu nại của người dân theo đúng quy định của pháp luật.

Để tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển, thời gian tới, TP Sầm Sơn tiếp tục quan tâm làm tốt công tác xúc tiến đầu tư, cải cách hành chính, GPMB, xây dựng các khu tái định cư để tạo điều kiện sớm triển khai các dự án lớn trên địa bàn. Điển hình như các dự án Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp và du lịch biển Sầm Sơn của Tập đoàn Sun Group; khu trung tâm hành chính mới; khu dân cư đô thị sinh thái hai bên bờ sông Đơ của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng HUD4; khu đô thị sinh thái biển của Tập đoàn Bất động sản Đông Á; các khu đô thị, dịch vụ thương mại phía Nam Sầm Sơn của tập đoàn Văn Phú Invest, Toàn Tích Thiện và một số dự án khác. Đồng thời, chú trọng quy hoạch, sắp xếp lại các khu dân cư, đô thị hiện có, nhằm hạn chế những bất cập, đảm bảo đồng bộ, khớp nối về hạ tầng với các khu đô thị mới.

Cùng với đó, thành phố cũng tích cực đấu mối với các sở, ngành cấp tỉnh và các bộ, ngành Trung ương để tranh thủ tối đa nguồn vốn ngân sách, vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Quy hoạch, đẩy mạnh đấu giá quyền sử dụng đất, các dự án có sử dụng đất để tạo nguồn lực cho ngân sách thành phố đầu tư hoàn thiện hạ tầng đô thị. Quan tâm khuyến khích các nguồn lực trong dân, doanh nghiệp để đầu tư, nâng cấp các cơ sở kinh doanh lưu trú, dịch vụ du lịch, các thiết chế văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí. Đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội cho các xã Quảng Đại, Quảng Minh, Quảng Hùng để đến năm 2025 nâng cấp thành phường, đạt tỷ lệ đô thị hóa 100%. Hoàn thiện và kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng đô thị, các tuyến đường giao thông, như đường ven biển đoạn qua Sầm Sơn, đường Voi - Sầm Sơn, đường Tây Sầm Sơn 3, Tây Sầm Sơn 5, hệ thống giao thông phía Nam Sầm Sơn...

Bài và ảnh: Hoàng Xuân


Bài và ảnh: Hoàng Xuân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]