(Baothanhhoa.vn) - Với mục tiêu phát huy lợi thế, đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Bá Thước đang chú trọng phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng có lợi thế của địa phương. Từ chủ trương này đã tạo ra sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển du lịch sinh thái, góp phần giảm nghèo bền vững.

Bá Thước đẩy mạnh phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế

Với mục tiêu phát huy lợi thế, đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Bá Thước đang chú trọng phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng có lợi thế của địa phương. Từ chủ trương này đã tạo ra sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển du lịch sinh thái, góp phần giảm nghèo bền vững.

Bá Thước đẩy mạnh phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thếGian hàng giới thiệu các sản phẩm nông sản đặc trưng của huyện Bá Thước tại hội nghị kết nối cung - cầu sản phẩm nông sản năm 2022.

Vịt Cổ Lũng hay còn gọi là vịt Quốc Thành, vịt Mường Khoòng có xuất xứ ở địa bàn các xã Cổ Lũng, Lũng Niêm, Lũng Cao, Thành Sơn, Thành Lâm của huyện Bá Thước. Giống vịt này chỉ ăn lúa và cua ốc, rong rêu bên suối, thịt chắc, ngọt và có vị thơm riêng biệt, ngon nức tiếng. Loại vịt này được người dưới xuôi xem là đặc sản, giá đắt gấp 3 - 4 lần các loại vịt khác. Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh và góp phần bảo tồn nguồn gen giống vịt bản địa quý hiếm này, thời gian qua, UBND huyện Bá Thước đã triển khai thực hiện Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phục hồi và phát triển giống vịt bản địa Cổ Lũng chất lượng tốt”. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, có các cơ chế chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích các hộ chăn nuôi trên địa bàn tích cực nhân giống phát triển và mở rộng quy mô chăn nuôi vịt Cổ Lũng. Dự án đã thực hiện thành công mô hình chăn nuôi vịt sinh sản, vịt thương phẩm và ấp nở trứng vịt theo hướng an toàn sinh học. Hiện các mô hình này đã được nhân rộng ra toàn huyện, giúp Nhân dân mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Ông Bùi Văn Sâm, Chủ tịch UBND xã Cổ Lũng, cho biết: “Vịt Cổ Lũng được xác định là con nuôi có lợi thế trên địa bàn xã, với khoảng 500 hộ nuôi. Trong đó có 25 hộ tham gia HTX chăn nuôi vịt Cổ Lũng theo quy trình nghiêm ngặt để đảm bảo giống vịt Cổ Lũng nhanh lớn, thịt có chất lượng thơm ngon, ít dịch bệnh. Để gìn giữ giá trị của vịt Cổ Lũng, tháng 11-2020, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã ban hành quyết định về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho vịt Cổ Lũng - Bá Thước. Khu vực địa lý, gồm các xã Ban Công, Thành Lâm, Thành Sơn, Lũng Niêm và Lũng Cao thuộc huyện Bá Thước.

Do có khí hậu tương đối mát mẻ nên huyện Bá Thước được xem là “thủ phủ” của cây quýt hoi (còn gọi là cây quýt hôi). Loài cây này được biết đến là một vị thuốc quý của người dân địa phương, thường dùng vỏ quýt hoi để làm trà uống trong gia đình hoặc ngâm quả với mật ong để trị ho. Các món ăn của người dân nơi đây cũng thường dùng vỏ, lá quýt để chế biến, tạo hương vị. Mặc dù có rất nhiều giá trị, thế nhưng trong một thời gian dài, cây quýt hoi không được chăm sóc, đất đai bạc màu; thị trường tiêu thụ cũng không được ai quan tâm, người dân chỉ mang quả ra chợ bán hay chế biến sử dụng cá nhân, cho gia đình, vì thế giống cây này dần bị thu hẹp diện tích.

Để loại giống cây quý này không bị mai một, từ năm 2018, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt đề án phục tráng và xây dựng giống quýt hoi Bá Thước. Cùng với việc tuyên truyền, hỗ trợ bà con nông dân chú trọng chăm sóc, tỉa cành, bón phân đúng quy trình và thời kỳ, huyện Bá Thước đã phối hợp với Viện Thổ nhưỡng nông hóa, thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam lai tạo, nhân giống và chuyển giao quy trình trồng, chăm sóc cây quýt hoi cho người dân huyện Bá Thước. Hiện nay, trên địa bàn huyện có khoảng 450 hộ trồng quýt hoi với gần 60 ha, tập trung ở các xã Ban Công, Thành Lâm, Thành Sơn, Lũng Cao, số còn lại được trồng rải rác ở các xã Cổ Lũng, Lũng Niêm. Trong đó xã Thành Sơn có 15,5 ha chủ yếu ở các thôn Kho Mường, Pù Luông và Pả Ban; xã Thành Lâm diện tích 18,54 ha, chủ yếu trồng các ở thôn Tân Thành, Bầm, Đanh; xã Ban Công diện tích 10,4 ha tập trung chủ yếu ở các thôn Ba, Nghìa và Chiềng Lâu; xã Cổ Lũng 2,3 ha chủ yếu trồng phân tán vườn hộ; Lũng Cao 7,3 ha, trồng tập trung ở khu vực Son - Bá - Mười và trồng phân tán ở các thôn trong xã.

Ngoài các sản phẩm nêu trên, các loại cây trồng khác như lúa nếp hạt cau, nếp cái hoa vàng, mía tím cũng được địa phương xác định là sản phẩm đặc sản có lợi thế. Theo đó, đối với lúa gạo đặc sản tập trung tại các ruộng bậc thang ở các xã Ban Công, Thành Sơn, Thành Lâm, Lũng Niêm, Cổ Lũng và Lũng Cao, được trồng với diện tích khoảng 100 ha đã tạo cảnh quan du lịch, vừa là đặc sản phục vụ khách tham quan, du lịch tại địa phương.

Để thúc đẩy tiêu thụ nông sản đặc trưng, đặc sản miền núi của địa phương, huyện Bá Thước đã tích cực hỗ trợ tiếp cận thị trường, thông qua các hội nghị kết nối cung cầu để nông dân sản xuất tiếp cận được xu hướng thị trường. Có các chính sách tín dụng đặc thù để các hộ sản xuất yên tâm đầu tư sản xuất nông sản đặc trưng, đặc sản và cung cấp ra thị trường. Bên cạnh đó, tổ chức các lớp tập huấn, hỗ trợ các nội dung liên quan đến lập kế hoạch trong sản xuất gắn với thị trường để nông dân định hướng sản xuất thích ứng được với sự chuyển đổi của thị trường. Nâng cao năng lực tiếp cận thị trường cho nông dân sản xuất nông sản đặc trưng, đặc sản miền núi. Phát triển liên kết trong chế biến, bảo quản, sơ chế để nâng cao giá trị nông sản đặc trưng, đặc sản đáp ứng yêu cầu của kênh phân phối hiện đại; lựa chọn sản phẩm, xây dựng một số mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi.

Với mục tiêu phát huy lợi thế đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng quy mô, chất lượng, giá trị tăng, an toàn, hiệu quả, bền vững đáp ứng nhu cầu thị trường và du lịch, huyện Bá Thước đã ban hành kế hoạch phát triển sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của huyện để phục vụ du lịch và thị trường giai đoạn 2021-2025. Theo đó, huyện đã định hướng các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế, như tập trung phát triển 400 ha cây cam, bưởi, quýt hoi (diện tích quýt hoi khoảng 50 ha); trong đó cam, bưởi tập trung trồng tại các xã Lũng Cao, Lương Nội, Điền Quang; cây quýt hoi tập trung tại các xã Thành Sơn, Thành Lâm, Ban Công, Cổ Lũng, Lũng Niêm. Việc phát triển diện tích cây ăn quả gắn liền với tích tụ tập trung đất đai, tạo ra diện tích trồng quy mô lớn (diện tích từ 0,5 ha trở lên) đáp ứng việc liên kết bao tiêu sản phẩm, đồng thời tạo ra sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp trên địa bàn.

Để đạt được những mục tiêu đề ra, huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, HTX, doanh nghiệp cùng chung tay tham gia kế hoạch phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế phục vụ du lịch và thị trường giai đoạn 2021-2025. Tăng cường quy hoạch, bố trí đất đai, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ các vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp có lợi thế. Ưu tiên phát triển hệ thống đường giao thông, công trình thủy lợi và hệ thống điện... trong vùng sản xuất tập trung các sản phẩm có lợi thế. Ngoài ra, huyện chú trọng công tác kết nối thị trường, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm, trong đó tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm lợi thế của huyện như mía tím, quýt hoi, vịt Cổ Lũng, gà đồi, lợn cỏ, lợn cỏ lai lợn lòi,... đảm bảo ưu thế cạnh tranh trên thị trường. Đặc biệt, huyện sẽ phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản, ưu tiên chế biến tinh, chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm có giá trị gia tăng cao, theo nhu cầu thị trường tiêu thụ, nhất là đối với sản phẩm rau, củ và thịt gia cầm (gà, vịt) gắn với chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn.

Bài và ảnh: Trường Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]