(Baothanhhoa.vn) - Những ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tôi hòa cùng dòng người vào Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại TP Thanh Hóa, dâng nén tâm hương tưởng nhớ Bác. Mỗi lần đến nơi này, trong tôi luôn bồi hồi, xúc động, nhất là khi nghe cán bộ, hướng dẫn viên thuyết minh về những hình ảnh, tư liệu Bác Hồ với Nhân dân Thanh Hóa, Thanh Hóa làm theo lời Bác dạy.

Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh - nơi lắng đọng niềm kính yêu vô hạn

Những ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tôi hòa cùng dòng người vào Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại TP Thanh Hóa, dâng nén tâm hương tưởng nhớ Bác. Mỗi lần đến nơi này, trong tôi luôn bồi hồi, xúc động, nhất là khi nghe cán bộ, hướng dẫn viên thuyết minh về những hình ảnh, tư liệu Bác Hồ với Nhân dân Thanh Hóa, Thanh Hóa làm theo lời Bác dạy.

Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh - nơi lắng đọng niềm kính yêu vô hạnCán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên và Nhân dân trên địa bàn TP Thanh Hóa đến dâng hoa, dâng hương báo công với Bác tại Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (TP Thanh Hóa). Ảnh: Trần Thanh

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Thanh Hóa những tình cảm sâu sắc và sự quan tâm đặc biệt. Bác đã bốn lần về thăm Thanh Hóa. Qua những lần Người về thăm, lời Bác dạy luôn khắc sâu vào trong tâm trí mỗi người dân Thanh Hóa. Ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩnh biệt chúng ta, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho toàn thể đồng bào, chiến sĩ cả nước và bạn bè quốc tế. Ngay sau khi Người đi xa, Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đều bày tỏ nguyện vọng được góp công sức xây dựng nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại TP Thanh Hóa. Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh nhật Bác, vào ngày 19-5-2000, công trình Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được khởi công xây dựng. Công trình có diện tích 12.000m2, được xây dựng tại khu vực Bác Hồ nói chuyện với Nhân dân Thanh Hóa trong lần đầu tiên Người về thăm, ngày 20-2-1947. Sau hơn 1 năm xây dựng, công trình chính thức hoàn thành, thỏa ước nguyện, tình cảm, lòng tôn kính của mỗi người con xứ Thanh đối với Bác Hồ kính yêu. Ngày 1-9-2001, lễ khánh thành Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được tỉnh Thanh Hóa tổ chức long trọng với sự tham dự của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trần Đức Lương. Từ khi đi vào hoạt động, Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là địa chỉ đỏ để Ðảng bộ, quân và dân Thanh Hóa đến báo công, dâng hương, dâng hoa trong những sự kiện chính trị trọng đại của quê hương, đất nước; đồng thời là nơi lưu giữ nhiều hình ảnh, tư liệu, hiện vật vô cùng quý giá qua bốn lần Bác về thăm, cùng những thành tựu mà Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã làm được theo lời di huấn của Người, nhằm giáo dục truyền thống cho các thế hệ noi theo, tiếp bước, tiếp tục đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Không gian thiêng liêng của Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là những hình ảnh, tư liệu sống mãi với thời gian trong lần đầu tiên Bác về thăm Thanh Hóa vào ngày 20-2-1947. Bác làm việc với các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa tại Rừng Thông (Đông Sơn), với hai nội dung thiết thực: “Cán bộ” và “Kháng chiến”. Buổi chiều Bác gặp gỡ nói chuyện với các nhân sĩ, tri thức, phú hào tại nhà ông Đỗ Hùng. Bác nói về tình hình thế giới, tình hình trong nước, đường lối kháng chiến kiến quốc của Đảng ta. Đối với Thanh Hóa Bác nêu rõ cần quan tâm đến văn hóa, quân sự, chính trị, tích cực tăng gia sản xuất và Bác kêu gọi ủng hộ đồng bào tản cư. Chiều tối cùng ngày, Bác về thăm thị xã Thanh Hóa, Bác đã gặp gỡ và nói chuyện với đông đảo Nhân dân tại nhà Bác Cổ, lúc ấy là Nhà thông tin (nay là Công ty CP Phát hành sách Thanh Hóa). Đặc biệt, trong chuyến thăm ấy, Bác mong muốn: “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu thì phải làm sao cho mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu... Tôi kêu gọi đồng bào trong tỉnh xắn tay áo làm đi, lần sau về đây, tôi sẽ thấy mỗi người là một người kiểu mẫu”.

Tại Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh còn lưu giữ, trưng bày nhiều hình ảnh, tư liệu gắn liền với tuổi thơ của Bác ở Nam Đàn (Nghệ An), thời gian Bác sinh sống, học tập ở Huế, cùng những năm tháng Người ra đi tìm đường cứu nước cho đến ngày đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó còn là tấm áo, đôi dép cao su và những đồ dùng hàng ngày rất đỗi giản dị của Bác. Dù chỉ là những bức ảnh, hiện vật, nhưng với rất nhiều người, mỗi lần được xem, đọc những bức thư khen của vị lãnh tụ kính yêu gửi cho quân và Nhân dân Thanh Hóa cũng lặng người xúc động, cảm thấy như đang được ở bên Bác. Bên cạnh những hiện vật, tài liệu gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Người, Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có một hiện vật thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân khi đến dâng hương, tham quan, đó là chiếc trống đồng - biểu tượng tinh hoa văn hóa, hồn cốt dân tộc Việt Nam do nghệ nhân Đặng Ích Hoàn và các cộng sự ở làng nghề Chè Đông - Trà Đồng, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa) đúc bằng phương pháp thủ công. Trống đồng có chiều cao 1,51m, đường kính mặt 2,01m, nặng 1.840kg, được dâng lên Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2010-2015). Qua đó, thể hiện lòng biết ơn với Bác Hồ. Ngoài ra, xung quanh khu tưởng niệm được trồng nhiều loài cây đặc sắc nhất của núi rừng Thanh Hóa. Trong đó, có nhiều cây ăn quả, cây lấy gỗ quý hiếm, các loài hoa, bốn mùa đơm bông, tỏa hương thơm ngát. Đặc biệt là phía sau nhà tưởng niệm có ba cây xoài cổ thụ, hơn một trăm năm tuổi, không chỉ tôn thêm sự cổ kính, uy nghiêm, mà còn góp phần tạo nên không gian xanh mát giữa lòng thành phố quê Thanh.

Trong những cuốn sổ ghi cảm tưởng được lưu giữ ở Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều cuốn đã ngả màu theo năm tháng, có những cuốn vẫn còn thơm mùi mực vừa mới ghi. Theo những cán bộ làm nhiệm vụ tại Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, không chỉ có những người con xứ Thanh, mà hầu hết mọi người dân từ các tỉnh, thành phố trên mọi miền của Tổ quốc và bạn bè quốc tế mỗi lần về Thanh Hóa công tác, làm việc vào viếng Bác, khi viết những dòng cảm tưởng đều xúc động trào dâng. Trong không khí mừng Đảng, mừng Xuân Nhâm Dần 2022, chiều 24-1-2022, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã về thăm, làm việc và chúc tết Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các thành viên đoàn công tác đã đến đặt vòng hoa, dâng nén tâm hương tỏ lòng biết ơn vô hạn, tưởng nhớ công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với niềm xúc động và biết ơn vô hạn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính viết: “Nhân dịp đón tết cổ truyền của dân tộc - Xuân Nhâm Dần 2022; hôm nay, tại Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, với lòng thành kính và biết ơn vô hạn, chúng con thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước kính dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ Anh linh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Nhớ ơn Người, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta xin nguyện: Đoàn kết một lòng, ra sức thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, không ngừng nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, CNH, HĐH đất nước, quyết tâm xây dựng đất nước ta phồn vinh, hạnh phúc, ngày càng “Đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn”.

Lật giở từng trang trong các cuốn sổ ghi cảm tưởng được lưu giữ ở Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi không khỏi xúc động trước tình cảm lắng đọng của mỗi người dân dành cho Người. Ngày 15-12-2001, trong lần đầu tiên đến thăm, viếng Bác ở Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, PGS.TS Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Giám đốc Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam xúc động viết: “Là người con của Thanh Hóa, con vô cùng xúc động khi đến viếng Bác tại TP Thanh Hóa quê nhà. Con cũng tự hào rằng, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng một công trình văn hóa có ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Theo lời dạy của Bác Hồ, chúng con hy vọng, có quyền hy vọng tỉnh Thanh Hóa sẽ thực hiện những lời dạy của Người qua những lần về thăm”.

Từ tỉnh Ninh Bình về thăm Thanh Hóa, ông Nguyễn Ngọc Quang, hội viên Câu lạc bộ hưu trí Ninh Bình ghi dòng tâm tưởng: “Chúng cháu là đảng viên, hội viên trong Câu lạc bộ hưu trí Ninh Bình về tỉnh Thanh Hóa để học tập kinh nghiệm với Câu lạc bộ Hàm Rồng và được về dâng hoa, dâng hương, tưởng nhớ công lao trời biển của Bác tại Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng cháu rất xúc động khi được thấy hình ảnh của Bác. Những lời Bác dạy với Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa như Bác đang nói, dạy bảo chúng cháu. Toàn thể cán bộ hưu trí trong Câu lạc bộ hưu trí Ninh Bình nguyện mãi đi theo con đường Đảng và Bác Hồ đã chọn”. Với lòng thành kính, rưng rưng xúc động, cô Tống Thị Thùy, giáo viên Trường THCS Thiệu Chính (Thiệu Hóa) viết: “Con rất xúc động mỗi khi đến viếng Bác - Người đã hy sinh cả cuộc đời mình chăm lo cho hạnh phúc của Nhân dân. Theo lời dạy của Bác “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, con nguyện đem hết sức mình chăm lo cho sự nghiệp trồng người”. Còn anh Nguyễn Văn Tuấn, ở phố Lê Hoàn (TP Thanh Hóa) viết: “Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh không những thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của Nhân dân tỉnh ta với công lao trời biển của Bác Hồ, mà nơi đây còn giúp thế hệ trẻ hiểu biết hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc, của xứ Thanh”.

Gần 21 năm qua, kể từ ngày Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành, mở cửa, các tầng lớp Nhân dân trong, ngoài tỉnh và bạn bè quốc tế vào viếng Bác lên tới hàng chục nghìn người. Trong đó có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ và nhiều đoàn khách quốc tế. Những ngày này, toàn Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đang ra sức thi đua lập nhiều thành tích để hướng đến kỷ niệm 75 năm ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa. Và Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là địa chỉ đỏ để các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh đến dâng hoa, dâng hương, báo công với Bác. Khu tưởng niệm ấy, hôm nay và mai sau vẫn mãi bền vững, trường tồn với thời gian như tấm lòng của mỗi người con quê Thanh với Bác, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ kế tiếp ra sức phấn đấu “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” để xây dựng quê Thanh giàu đẹp, đất nước phồn vinh như lời dặn của Bác.

Bài và ảnh: Trần Thanh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]