(Baothanhhoa.vn) - Ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, phân phối nông sản đã và đang trở thành xu thế tất yếu của ngành nông nghiệp, không chỉ giúp nông dân đưa sản phẩm lên mạng một cách đơn thuần, mà còn thay đổi tư duy sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, bền vững hơn. Các cấp hội nông dân trong tỉnh đã vào cuộc mạnh mẽ để thúc đẩy và hỗ trợ nông dân trong công cuộc chuyển đổi số.

Nhà nông ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào sản xuất

Ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, phân phối nông sản đã và đang trở thành xu thế tất yếu của ngành nông nghiệp, không chỉ giúp nông dân đưa sản phẩm lên mạng một cách đơn thuần, mà còn thay đổi tư duy sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, bền vững hơn. Các cấp hội nông dân trong tỉnh đã vào cuộc mạnh mẽ để thúc đẩy và hỗ trợ nông dân trong công cuộc chuyển đổi số.

Nhà nông ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào sản xuất

Sản phẩm của Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới tham gia tại Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022.

Hiện nay, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai hơn 90% các nội dung tuyên truyền của hội trên không gian mạng; hơn 70% các thông tin, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của hội cấp tỉnh và cấp huyện được cập nhật kịp thời trên website của hội. Tại các hội nghị tập huấn công nghệ số, công nghệ thông tin về sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản do Hội Nông dân tỉnh tổ chức, các hội viên, nông dân đã được hướng dẫn cách thức tạo tài khoản, viết bài, chụp hình, xây dựng các video quảng bá về sản phẩm, dịch vụ để đăng trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội; sử dụng phương thức thanh toán điện tử an toàn, tin cậy cho các giao dịch thương mại điện tử; phương thức, cách làm, kết nối đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử cũng như cách tạo lập các trang web, mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá nông sản.

Xã Bình Sơn, huyện Triệu Sơn là nơi nổi tiếng với nghề sản xuất chè và mật ong của tỉnh Thanh Hóa. Hiện tại, diện tích chè của Bình Sơn đã đạt 300 ha, trong đó có 200 ha chè búp. Ngoài các kênh bán hàng truyền thống, từ vài năm nay, HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn đã tiến hành số hóa, đưa hình ảnh, thông tin các sản phẩm do HTX sản xuất lên sàn thương mại điện tử, các nền tảng internet, mạng viễn thông di động và mạng mở khác. Ông Lê Đình Tú, Giám đốc HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn, cho biết: “Thông qua các lớp tập huấn, chúng tôi đã nắm được những kiến thức, kỹ năng cơ bản để có thể tạo lập được các gian hàng trên sàn thương mại điện tử và xây dựng trang mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm đến nhiều khách hàng hơn. Việc tiếp cận chuyển đổi số là cần thiết để nông dân chúng tôi tiếp cận gần hơn với phương thức kinh doanh mới, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao thu nhập. Hiện nay, HTX đã tham gia các gian hàng điện tử và hiện chúng tôi đang có 4 sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh đang được quảng bá đến toàn quốc thông qua các gian hàng điện tử”.

Là công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới đã bước đầu quan tâm đầu tư chuyển đổi số trong trang trại và sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch mang nhãn hiệu Queen Farm. Công ty chủ động ứng dụng các phần mềm, mua công nghệ từ các nước có nền nông nghiệp tiên tiến, việc bón phân, tưới nước cho cây trồng cũng được tự động hóa, thiết bị cảm ứng nhiệt sẽ tự động điều chỉnh, điều hòa chế độ tưới để đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển ổn định nhất. Công ty đã áp dụng việc phân phối, bán hàng, ký gửi hàng hóa trên các trang thương mại điện tử lớn như Lazada, shopee, amazon, alibaba... để tiếp cận khách hàng nhanh nhất mà không cần gặp mặt trực tiếp.

Thực tế, những năm gần đây cùng với sự phát triển của xã hội, các mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh đã không còn xa lạ với người nông dân. Từ những trang trại “chăn nuôi không người”, “vườn rau không đất”, “trang trại tự động”, “sàn thương mại điện tử”... là những thành công bước đầu của nông dân thời kỳ 4.0 khi đưa công nghệ vào quy trình sản xuất hàng hóa. Từ việc tích cực thực hiện chuyển đổi số, nhiều hàng hóa nông sản của các hội viên nông dân trong tỉnh đã được giới thiệu, quảng bá thông qua sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Các sản phẩm sẽ được rà soát, đưa thông tin sản phẩm và thông tin hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn.

Trong năm 2022, Hội Nông dân tỉnh đề ra mục tiêu vận động được từ 4.000 hộ sản xuất, chế biến, kinh doanh nông, lâm nghiệp, thủy, hải sản bán và giới thiệu sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử của bưu điện (Postmart.vn/Agri-postmart.vn); xây dựng được 1 điểm quảng bá thương hiệu, giới thiệu và tiêu thụ nông sản, hàng hóa của nông dân Thanh Hóa tại Trung tâm Hỗ trợ nông dân gắn với các sản phẩm của bưu điện; xây dựng quầy quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ nông sản, hàng hóa tại bưu điện trung tâm huyện, thị xã, thành phố và những điểm bưu điện văn hóa xã nơi có đủ các điều kiện; triển khai thực hiện có hiệu quả 2 đến 3 chương trình phối hợp kết nối, tiêu thụ nông sản trên phạm vi toàn tỉnh... Đồng thời, tận dụng tối đa công nghệ để hỗ trợ nông dân trong việc nâng cao kiến thức về chuyển đổi số, thay đổi tư duy sản xuất truyền thống sang nền nông nghiệp số minh bạch, trách nhiệm về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm nhằm thay đổi nhận thức, phương thức sản xuất để từ đó thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.

Bài và ảnh: Hoàng Lan


Bài và ảnh: Hoàng Lan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]