Hiệu quả đào tạo nghề theo hướng liên kết
Những năm gần đây, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Quảng Xương luôn chủ động tìm hiểu, nắm bắt tình hình lao động, việc làm theo nhu cầu xã hội và của doanh nghiệp; chủ động đặt vấn đề liên kết, hợp tác đào tạo và cung ứng lao động sau khi tốt nghiệp. Đây là hướng đi phù hợp trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Các học viên trong chương trình liên kết đào tạo của Trung tâm GDTX-GDNN huyện Quảng Xương trong ngày tốt nghiệp.
Để công tác giáo dục, đào tạo nghề đạt hiệu quả, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Quảng Xương đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh và huyện về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đồng thời, dựa trên kế hoạch phát triển kinh tế của huyện, trung tâm đã tổ chức điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề, xác định các nghề đào tạo, thực hiện tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho lao động; chủ động xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện đáp ứng nhu cầu đào tạo, chiêu sinh; liên kết với các trường, các doanh nghiệp, đặc biệt là các xã, thị trấn trong huyện mở các lớp dạy nghề phù hợp với địa phương, khả năng của người học. Cùng với đó, trung tâm cũng tập trung huy động các nguồn lực đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất; quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất cho đội ngũ cán bộ, giáo viên; thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy; đa dạng hóa các loại hình đào tạo; tổ chức giảng dạy theo hướng có mô hình, có trọng tâm, trọng điểm; giảng dạy theo phương châm “học đi đôi với làm”. Học viên vừa học vừa được thực hành, đảm bảo tay nghề vững vàng khi kết thúc khóa học.
Ngoài nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Quảng Xương đã liên kết với các trường cao đẳng, đại học, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn như Trường Cao đẳng công nghiệp Nam Định, Trường Trung cấp Thủ Đô, Trường Cao đẳng nghề Nghi Sơn... mở các lớp dạy nghề, như: chế biến món ăn, may công nghiệp, kế toán doanh nghiệp, điện dân dụng, hóa vô cơ, công nghệ thông tin, thương mại điện tử...
Để bảo đảm chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động, trung tâm phối hợp với các trường đại học, cao đẳng và các doanh nghiệp trong xây dựng chương trình đào tạo. Đồng thời cử giáo viên đến các doanh nghiệp đang sử dụng lao động do nhà trường đào tạo, tìm hiểu yêu cầu của doanh nghiệp đối với người lao động về kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề, trình độ ngoại ngữ, tin học... Tổ chức hội nghị, hội thảo mời các giảng viên, chuyên gia của các trường đại học, cao đẳng và các đầu bếp, cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp tham gia góp ý xây dựng chương trình đào tạo; phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Giáo dục và Đào tạo và các doanh nghiệp mở các lớp học nghề. Trên cơ sở đó, tổng hợp ý kiến đóng góp của các đối tác và học sinh, học viên để cập nhật, bổ sung, điều chỉnh nội dung chương trình đào tạo cho phù hợp. Hiện nay trung tâm đang duy trì 16 lớp liên kết đào tạo trung cấp nghề cho trên 600 học viên. Tỷ lệ học viên sau khi tốt nghiệp ra trường có việc làm luôn cao hơn mức bình quân chung của tỉnh; đối với hệ trung cấp nghề, sơ cấp nghề đều đạt trên 97%.
Tại các chương trình đào tạo liên kết, các trường, doanh nghiệp liên kết sẽ hướng dẫn kỹ năng cần thiết, đồng thời góp ý cho trường những nội dung cần phải bổ sung vào chương trình giáo dục, đào tạo nghề để đáp ứng yêu cầu công việc của họ. Ngoài việc góp ý vào chương trình đào tạo còn tham gia giảng dạy và chấm điểm sinh viên của trường. Hiện các doanh nghiệp liên kết với Trung tâm GDNN-GDTX huyện Quảng Xương có thể tham gia giảng dạy đến 40% khối lượng chương trình đào tạo. Trong quá trình đào tạo, phía doanh nghiệp, công ty liên kết cử thợ tay nghề cao, các chuyên gia đào tạo trực tiếp “cầm tay chỉ việc” cho các học viên trong khâu thực hành; đồng thời hỗ trợ trung tâm về mặt kỹ thuật, vật tư đào tạo. Do đó, học viên có được những hình dung cơ bản về kỹ thuật, quy trình sản xuất tại nhà xưởng của doanh nghiệp, nên hầu hết các em sau khi kết thúc khóa học đều đạt yêu cầu công việc.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Quảng Xương, cho biết: Truyền thống giáo dục Việt Nam vẫn là học trước rồi làm sau, thầy dạy trò nghe, học sách giáo khoa là chính, học lý thuyết nhiều thực hành ít, dẫn tới sinh viên ra trường nhưng kỹ năng làm việc thực tế kém. Tuy nhiên, khi bắt tay với doanh nghiệp trong học lý thuyết kết hợp với thực hành nghề đã tạo thuận lợi cho người học nắm chắc kỹ năng, tay nghề được nâng cao, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp tuyển dụng.
Có thể thấy, việc liên kết giữa Trung tâm GDNN-GDTX huyện Quảng Xương với các doanh nghiệp, các trường cao đẳng, đại học mang lại hiệu quả cao trong công tác đào tạo. Đây là hướng đi phù hợp để nâng cao nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho lao động hiện nay. Đồng thời cũng là một tất yếu khách quan trong xu thế hội nhập khi giải quyết được tình trạng mất cân đối cơ cấu lao động cũng như thiếu hụt lực lượng lao động đã qua đào tạo nghề.
Bài và ảnh: Minh Khanh
{name} - {time}
-
2024-11-21 10:11:00
IELTS 7.0 cần bao nhiêu từ vựng? Bí quyết học từ vựng hiệu quả
-
2024-11-21 10:01:00
Đầu tư mua sắm trang thiết bị theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 gặp khó
-
2023-12-22 07:35:00
Bộ GD-ĐT đưa chứng chỉ Vstep vào danh mục miễn thi Tốt nghiệp THPT Ngoại ngữ
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024: Sẽ bổ sung các vật dụng cấm mang vào phòng thi
Bồi dưỡng truyền thống văn hóa, lịch sử quê hương cho học sinh
Ứng dụng KH&CN tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Hành trình đi tìm con chữ của những đứa trẻ trong sương
Lớp học thời 4.0
Hậu Lộc với phong trào khuyến học, khuyến tài
Phía sau bục giảng...
Các từ vựng cơ bản trong tiếng Anh