(Baothanhhoa.vn) - Với hệ thống hỏa lực mạnh và hiện đại, địch đã gây ra nhiều khó khăn cho quân ta tại chiến dịch Điện Biên Phủ ở giai đoạn đầu. Hệ thống boong ke, công sự kiên cố và các loại súng máy giúp địch cố thủ và gây nhiều thương vong cho các đơn vị giải phóng tiếp cận. Và rồi, hệ thống hầm hào của ta nhanh chóng được triển khai ngày đêm, dần siết chặt đến tận các trận địa, như các gọng kìm, thòng lọng bóp nghẹt “cổ họng” quân thù...

Hệ thống “thòng lọng” siết chặt trận địa Điện Biên

Với hệ thống hỏa lực mạnh và hiện đại, địch đã gây ra nhiều khó khăn cho quân ta tại chiến dịch Điện Biên Phủ ở giai đoạn đầu. Hệ thống boong ke, công sự kiên cố và các loại súng máy giúp địch cố thủ và gây nhiều thương vong cho các đơn vị giải phóng tiếp cận. Và rồi, hệ thống hầm hào của ta nhanh chóng được triển khai ngày đêm, dần siết chặt đến tận các trận địa, như các gọng kìm, thòng lọng bóp nghẹt “cổ họng” quân thù...

Hệ thống “thòng lọng” siết chặt trận địa Điện BiênCựu chiến binh Phạm Bá Miều - tiểu đội trưởng tham gia đào hầm hào và đánh trận Điện Biên Phủ kể chuyện với phóng viên Báo Thanh Hóa.

Gần đến kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, đoàn phóng viên Báo Thanh Hóa tiếp tục trở lại điểm nóng năm xưa. Ghi nhận từ các trận địa pháo, những ngọn đồi diễn ra các trận đánh ác liệt như Him Lam, Độc Lập, A1, C1, Sân bay Mường Thanh, Hầm Chỉ huy tướng Đờ-cát, đến Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ... đều có các chứng tích và ngồn ngộn các thông tin liên quan đến hệ thống hầm - hào giao thông. Đây chính là chiến thuật quân sự độc đáo và sáng tạo của quân đội ta để có thể chiến thắng quân thù được coi là mạnh hàng đầu thế giới thời điểm bấy giờ.

Nhờ sự giúp đỡ của Báo Điện Biên Phủ cùng một số cơ quan, đơn vị tỉnh bạn, chúng tôi đã tìm gặp được những nhân chứng sống. Ở tuổi 94, tuy sức khỏe giảm sút nhiều, nhưng cựu chiến binh Phạm Bá Miều, sinh sống tại phường Tân Thanh, TP Điện Biên Phủ vẫn còn khá minh mẫn. Đề cập đến những câu chuyện chiến đấu tại “chảo lửa Điện Biên” 70 năm về trước, người cựu chiến binh quê gốc xã Hòa An, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình bỗng rạng ngời hẳn lên.

Ông như lật từng trang trong tiềm thức: “Đơn vị của tôi là Đại đội 315, Tiểu đoàn 249, thuộc Trung đoàn 174, Đại đoàn 316. Năm 1952, với vai trò quân tình nguyện Việt Nam, đơn vị tôi được điều sang tỉnh Phông - Xa - Lỳ để giúp đỡ phía bạn Lào. Cuối năm 1953, tôi và các đồng đội được lệnh về nước để tham gia chiến dịch Trần Đình - gọi theo tên bí danh mà khi về nước, chúng tôi mới biết đó là chiến dịch Điện Biên Phủ. Đơn vị đóng quân tại xã Tà Lèng, cách trung tâm sào huyệt cứ điểm Điện Biên Phủ chừng 4 - 5km. Tôi là tiểu đội trưởng, được nghiên cứu sơ đồ trận địa. Từ đồi Tà Lèng, qua ống nhòm thấy các cứ điểm của địch hiện đại, rất kiên cố với hệ thống hàng rào thép gai, ụ súng, bãi mìn... toàn đóng trên các đồi cao. Nhận thấy tình hình khó khăn nếu chạy trên mặt đất để tấn công địch, và trên thực tế sau đó, nhiều đơn vị khác của ta cũng chịu thiệt hại nặng nề về quân số”.

Theo cựu tiểu đội trưởng - cựu chiến binh Phạm Bá Miều: “Cùng với việc thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”, cơ quan chỉ huy chiến dịch cũng xây dựng cách đánh mới phù hợp. Đơn vị tôi được chỉ đạo đào hệ thống hào chính khoảng hơn 4km ra tận trận địa. Các đoạn hào thường rộng 1/2m, phải sâu bảo đảm người đứng không nhô đầu lên khỏi mặt đất. Cứ sau mỗi đoạn hào chính là có các hào nhánh và hàm ếch để tránh đạn và trú ẩn nếu bị địch bắn trả”.

Cũng theo cựu chiến binh Miều, việc triển khai không hề dễ dàng, sơ sẩy có thể mất mạng. “Cả tháng trời, các chiến sĩ hết nằm đào, rồi ngồi đào cả ngày lẫn đêm, khi sâu hẳn thì mới có thể đứng. Những thời điểm trời mưa, phải vừa tát nước vừa đào. Dụng cụ chỉ xẻng và cuốc chim, nên khó khăn nhất là gặp phải những tảng đá, không có xà beng, chúng tôi phải hì hục dùng sức người và dụng cụ thô sơ phá từng ít một. Khi xong hệ thống hầm hào, đơn vị tôi được giao nhiệm vụ đánh đột phá vào sở chỉ huy địch ở đồi A1”.

Trên thực tế, sau khi thất bại ở một số chiến trường miền Bắc Việt Nam và Thượng Lào, thực dân Pháp co cụm và chủ trương xây dựng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là nơi “bất khả xâm phạm”. Tại đây, địch đóng quân trên tất cả những điểm cao quan trọng và xây dựng trận địa với lô cốt có hệ thống pháo, các ụ súng, hầm trú ẩn vững chắc. “Đây lại là địa hình quân địch có thể phát huy tối đa ưu thế về không quân, chiến xa và pháo binh kết hợp với những đợt phản kích của lực lượng cơ động thiện chiến. Địch sẽ khai thác những nhược điểm của bộ đội ta khi chiến đấu trên địa hình thiếu chỗ ẩn náu, nhất là chiến đấu ban ngày...” – thông tin từ Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Nhận định tình hình, Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ xác định chưa phù hợp chạy trên mặt đất để tiến công bởi hệ thống súng máy và pháo quân địch rất mạnh, chỉ có thể tiến dần bằng hệ thống giao thông hào. Khi ấy, phương châm “vây lấn, tấn diệt” thì chiến sĩ Điện Biên nào cũng thuộc lòng. “Trận địa chiến hào” sau này đã trở thành chiến thuật độc đáo - đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” này.

Hệ thống “thòng lọng” siết chặt trận địa Điện BiênHệ thống hào giao thông của quân ta trên đồi A1 ở TP Điện Biên Phủ.

Chiến thuật này được cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết trong cuốn sách “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử” sau này: “Bộ đội xây dựng hai loại đường hào với những yêu cầu đảm bảo vừa cơ động cho pháo, vận chuyển thương binh, điều động bộ đội lớn và tiếp cận các vị trí chiến đấu của địch. Một là đường hào trục theo đường vòng rộng bao quanh toàn bộ trận địa địch ở phân khu trung tâm; hai là đường hào bộ binh sẽ chạy từ những vị trí trú quân của các đơn vị trong rừng đổ ra cánh đồng, cắt ngang đường hào trục, tiến vào những vị trí địch mà ta định tiêu diệt".

Để tránh máy bay địch phát hiện và kẻ thù công kích, "các đường hào chủ yếu được đào vào ban đêm, các chiến sĩ cặm cụi trên từng tấc đất như những con dúi. Mỗi mét chiến hào được đào là mồ hôi, nước mắt, công sức của biết bao con người (...). Đôi tay của các chiến sĩ ngày càng chai sần, rớm máu... Gặp phải ruộng lầy, bùn hay những đêm mưa, bộ đội lại ngụp lặn trong nước, dùng tay, mũ sắt để đựng bùn, nước đổ đi, vô cùng cực khổ, gian nan. Đào được đến đâu lại được củng cố, ngụy trang và sử dụng đến đó. Phát hiện việc làm của ta, máy bay địch thả đèn dù ra hiệu cho pháo bắn, triệt hạ lực lượng và san lấp đường hào... Tuy nhiên, bằng ý chí và sự dũng cảm không tưởng, các đường hào vẫn ngày một dài thêm. Máu đã đổ nhiều trên các chiến hào đó”.

Theo nhiều cứ liệu lịch sử ghi lại, các đơn vị đều vừa chiến đấu, vừa phát triển hệ thống giao thông hào, rồi nối thông nhau thành chiến trận chặt chẽ trong lòng đất. Hệ thống hầm hào cứ thế tiến sâu vào trận địa, siết chặt vòng vây, chia cắt khiến các cứ điểm của quân thù ngày càng cô lập. Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn ví, “Trong khi ta liên tục di chuyển, áp sát từng “mạch máu” của con nhím Điện Biên Phủ thì Pháp lại thụ động đối phó khi không thể triệt tiêu được những đường hào của ta đang ngày càng phát triển (...). Vòng dây khổng lồ, sinh sôi nhanh chóng này, chính là cái quyết định số phận của con nhím thép Điện Biên Phủ".

Có tổng cộng khoảng 200km giao thông hào của bộ đội ta trên khắp chiến trường Điện Biên Phủ - đó là con số các cán bộ Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ thông tin với phóng viên. Ngày nay, rõ nét nhất là trên đồi A1 vẫn còn nguyên hệ thống lô cốt, ụ súng của địch và hầm hào ngang dọc chằng chịt của quân ta. Trong toàn bộ chiến dịch thì các trận đánh trên đồi A1 được coi là ác liệt nhất, hai bên giành nhau từng tấc đất. Đây là điểm cao nhất của khu vực phía Đông trận địa, nằm gần Sân bay Mường Thanh, chỉ cách Sở Chỉ huy chiến dịch của Pháp chừng 500m. Chiếm được A1 là kiểm soát được phần lớn trận địa Điện Biên Phủ nên phía ta chọn nơi đây làm nơi quyết chiến chiến lược.

Ngày nay, hố bộc phá gần 1.000kg được kích nổ trên đồi A1 của quân ta vào ngày 6/5/1954 vẫn sâu hun hút, được phục dựng và bảo vệ. Để tiến sát lô cốt quân địch đặt bộc phá, cũng là kết quả của việc bí mật đào hào ngầm áp sát của các chiến sĩ ngày ấy. Tiếng nổ ấy đã phá bung phòng tuyến cuối cùng và khó xuyên thủng nhất của quân địch ở đây, đồng thời là hiệu lệnh tiến công chung để quân ta tràn lên tổng tiến công và giành chiến thắng ngay trong ngày hôm sau.

Bài và ảnh: Lê Đồng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]