(Baothanhhoa.vn) - Chiến thắng Điên Biên Phủ đã đi qua được 70 năm, nhưng những chứng tích trên chiến trường năm xưa, gắn liền với sức mạnh đoàn kết, lòng quả cảm, khí thế hào hùng của quân, dân ta vẫn còn vẹn nguyên trên vùng đất Điện Biên và trường tồn cùng non sông, đất nước. Ở đó có Di tích Hầm Đờ-cát, nơi lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” tung bay.

Hầm Đờ-cát, nơi lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” tung bay

Chiến thắng Điên Biên Phủ đã đi qua được 70 năm, nhưng những chứng tích trên chiến trường năm xưa, gắn liền với sức mạnh đoàn kết, lòng quả cảm, khí thế hào hùng của quân, dân ta vẫn còn vẹn nguyên trên vùng đất Điện Biên và trường tồn cùng non sông, đất nước. Ở đó có Di tích Hầm Đờ-cát, nơi lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” tung bay.

Hầm Đờ-cát, nơi lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” tung bayHầm Đờ-cát - nơi 70 năm về trước lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” trong chiến dịch Điện Biên Phủ phấp phới tung bay.

Điện Biên Phủ được bao bọc bốn bề núi non trùng điệp và những quả đồi nối tiếp nhau, ở giữa là cánh đồng Mường Thanh rộng lớn với dòng Nậm Rốm hiền hòa chảy qua. Đó còn là một vựa thóc “khổng lồ” giữa trùng điệp núi rừng nơi góc trời Tây Bắc. Điện Biên Phủ, một nơi không hẹn trước của quân đội Pháp và quân đội Nhân dân Việt Nam, nhưng đã trở thành điểm hẹn tất yếu của lịch sử. Đầu tháng 12/1953, tướng Na-va quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược với quân chủ lực Việt Minh. Những công trình hiện đại đã bắt đầu mọc lên ở thung lũng Mường Thanh. Điều đó cho thấy rõ ý đồ của Na-va trong việc xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương. Tập đoàn cứ điểm này có 3 phân khu, 49 cứ điểm được phân thành 8 cụm. Mỗi cụm cứ điểm là một hệ thống binh lực, hỏa lực mạnh được ưu tiên bảo vệ bởi những loại vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại và có thể yểm trợ lẫn nhau khi cần thiết. Bao quanh mỗi cụm cứ điểm là những hệ thống chiến hào ngang dọc chìm nổi phức tạp, những hàng rào dây thép gai dày đặc xen kẽ bởi những bãi mìn. Việc tiến hành chiếm đóng Điện Biên Phủ và biến nơi đây thành một “pháo đài không thể công phá”, “Cỗ máy nghiền thịt khổng lồ” của quân đội Pháp là giai đoạn chuẩn bị của một trận đánh lớn. Nước Pháp trông chờ vào trận đánh này.

Lật giở những trang tư liệu về Di tích Hầm Đờ-cát và Trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cung cấp chúng tôi mới hay biết, hầm Đờ-cát là tên thường gọi của Nhân dân địa phương để chỉ căn hầm làm việc của Bộ chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, trong đó có viên tướng Tổng chỉ huy là Đờ-cát. Hầm Đờ-cát là công sự kiên cố nhất, được ví là “trái tim”, “linh hồn” của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và được thiết kế xây dựng bằng những vật liệu vững chắc nhất lúc bấy giờ, có khả năng chống chọi với các loại hỏa lực của đối phương. Căn hầm có chiều dài 20m, rộng 8m được chia thành 4 ngăn vừa dùng cho cả nơi làm việc và ăn nghỉ. Bao quanh phía ngoài hầm Đờ-cát là hàng rào dây thép gai và mìn cài dày đặc và hệ thống hỏa lực bố trí ở các boong ke lúc nào cũng sẵn sàng nhả đạn. Ở bốn hướng của căn hầm là 4 chiếc xe tăng thường xuyên túc trực và phía Tây Nam là trận địa pháo dàn hàng ngang, nhằm bảo vệ một cách tối đa cho cơ quan chỉ huy. Đặc biệt xung quanh cơ quan đầu não Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là 4 cụm cứ điểm được bố trí phòng vệ hết sức nghiêm ngặt. Đó là những “lớp áo giáp”, “cánh cửa thép” hay “thiên thần gác cửa” mà quân đội Pháp đề cao trong ngôn từ để bảo vệ cơ quan chỉ huy của mình.

Đối với quân đội Nhân dân Việt Nam, mục tiêu đánh chiếm và bắt sống Bộ chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là mục tiêu quan trọng và quyết định đi đến thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ. Vào 15 giờ ngày 7/5/1954, sau khi nhận lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận Điện Biên Phủ, các đại đoàn của quân đội Nhân dân Việt Nam chia làm nhiều mũi tấn công tiến vào phân khu Trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đại đoàn 312 đánh phía Đông vượt cầu Mường Thanh; Đại đoàn 308 đánh phía Tây mở đường qua sân bay; một mũi tấn công từ hướng Tây Nam do Đại đoàn 316 đảm nhiệm. Các mũi tấn công như những gọng kìm siết chặt vòng vây, vượt qua những làn đạn của quân Pháp tiến thẳng vào cơ quan đầu não Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Tổ xung kích của đồng chí Tạ Quốc Luật - Đại đội trưởng Đại đội 360, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312, gồm 2 chiến sĩ Hoàng Đăng Vinh, Bùi Văn Nhỏ xông vào trong hầm chỉ huy.

Khi các chiến sĩ của tổ xung kích tiến vào căn hầm, các gian hầm sáng choang ánh điện. Đờ-cát quân phục màu vàng nhạt, trên ngực đeo một cặp huân chương... vẫn đang cố xé những tài liệu cuối cùng. Ngay lập tức, Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật hạ lệnh bằng tiếng Pháp: “Giơ tay lên, hạ vũ khí xuống, các ông đã bị bắt...”. Vị tướng chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có dáng dấp giống hoàng đế La Mã giờ đây không còn giữ được vẻ ngang tàng, hống hách trước kia nữa, mà đã cùng 20 sĩ quan tùy tùng đầu hàng vô điều kiện theo lệnh của Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật và cùng đi ra khỏi căn hầm giữa 2 hàng súng của các chiến sĩ quân đội Nhân dân Việt Nam. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ sụp đổ hoàn toàn, trên các cứ điểm trắng xóa cờ hàng của giặc, Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn đã điện về Mường Phăng báo cáo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng ra lệnh mang ảnh Đờ-cát ra đối chiếu, kiểm tra quân hàm, chữ ký đề phòng Pháp đánh tráo chỉ huy. Sau khi đã xác định chính xác, tin bắt sống tướng Đờ-cát đã lan đi khắp chiến trường trong tiếng reo hò vang dậy của quân và dân ta. Đúng 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” đã phấp phới tung bay trên nóc hầm tướng Đờ-cát giữa chiều hè tháng 5 lịch sử.

Kể cho chúng tôi nghe về thời khắc nghe tin thắng trận, ông Nguyễn Việt Điểm - cựu lính pháo binh Điện Biên năm xưa không giấu được niềm xúc động: “Sau khi nghe tin quân ta đã bắt sống tướng Đờ-cát và cho ông ta kêu binh sĩ ra đầu hàng, chúng tôi hân hoan, sung sướng tột độ. Suốt buổi chiều và tối 7/5/1954, binh lính pháp lũ lượt kéo nhau từ trong các hầm, hào ra hàng. Ngay trong đêm, tôi cùng các đồng đội ở các đại đoàn được lệnh dùng bạt, dù lập những trại, lán dã chiến trên các bãi đất dọc sông Nậm Rốm để nhốt tù binh Pháp. Đến 24 giờ, Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt hoàn toàn, chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc toàn thắng”.

Hòa vào dòng người tham quan các di tích ở chiến trường Điện Biên Phủ là ông Phạm Trung Tín ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Cha ông là chiến sĩ Điên Biên năm xưa và đã góp một phần xương, máu làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng 70 năm về trước. Ông Tín xúc động chia sẻ: “Được đặt chân lên đồi A1, Sở chỉ huy chiến dịch Điên Biên Phủ, nơi in bóng hình Đại tướng Võ Nguyên Giáp hay hầm Đờ-cát... tôi chợt nhớ đến những câu chuyện về Điện Biên Phủ mà bố vẫn thường kể cho nghe. Đó là một thời lửa đạn, gian khó, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt nhưng gan không núng, chí không mòn và oai hùng. Cho đến hôm nay, chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị và truyền cảm hứng cho muôn đời sau".

Di tích hầm Đờ-cát, nơi lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” phấp phới tung bay - là một trong những minh chứng sức mạnh đoàn kết, lòng yêu nước sẽ luôn chiến thắng mọi thế lực thù địch, mọi kẻ thù xâm lược.

Bài và ảnh: Hòa Bình



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]