(Baothanhhoa.vn) - Bằng nhiều giải pháp thiết thực, cùng sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân, công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia (CQG) trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần phát triển giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.

Góp phần phát triển giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa

Bằng nhiều giải pháp thiết thực, cùng sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân, công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia (CQG) trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần phát triển giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.

Góp phần phát triển giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa

Từ chủ trương xây dựng trường đạt CQG, trang thiết bị phục vụ dạy và học của Trường THCS Nhữ Bá Sỹ (Hoằng Hóa) được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.

Xác định được tầm quan trọng của việc xây dựng trường đạt CQG, ngành giáo dục đã sớm tham mưu cho tỉnh chỉ đạo các địa phương trong tỉnh quan tâm phát triển giáo dục nói chung, xây dựng trường học đạt CQG nói riêng. Trên cơ sở đó, các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng trường đạt CQG cấp huyện, cấp xã. Đến nay, các ban chỉ đạo vẫn được duy trì với nhiều hoạt động thiết thực như, xây dựng kế hoạch, lộ trình cho mục tiêu xây dựng trường đạt chuẩn theo từng năm, từng giai đoạn; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học... Từ hoạt động này, quy mô mạng lưới trường học ở các địa phương từng bước được quy hoạch khang trang, cơ sở vật chất trường, lớp, trang thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho giáo viên và học sinh giảng dạy, học tập.

Ghi nhận tại Trường Tiểu học Quảng Tâm (TP Thanh Hóa) cho thấy, từ năm học 1999-2000 đã được công nhận trường đạt CQG mức độ 1. Đến năm học 2011-2012 đạt CQG mức độ 2. Tuy nhiên, do yêu cầu đổi mới giáo dục, những tiêu chí trường chuẩn trước đây không còn phù hợp, vì vậy năm học 2021-2022, nhà trường đã bắt tay vào xây dựng và đề nghị công nhận lại trường chuẩn. Trong năm học này, nhà trường đã được UBND thành phố và chính quyền địa phương đầu tư gần 21 tỷ đồng để xây mới 24 phòng học và nhiều hạng mục quan trọng như, chỉnh trang khuôn viên sân trường, sân chơi, bãi tập, mua sắm mới một số trang thiết bị cho các phòng học, phòng chức năng... bảo đảm tiêu chí mới của trường CQG. Đặc biệt, từ chủ trương xây dựng trường chuẩn, 100% phòng học của nhà trường đều được trang bị ti vi màn hình lớn kết nối internet phục vụ dạy và học, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; khuôn viên sân trường, bồn hoa, cây cảnh luôn sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn. Những tiêu chí quan trọng này cùng sự nỗ lực của cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường trong dạy và học, cuối năm 2022, nhà trường đã được công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 3 và được công nhận trường đạt CQG mức độ II. Đến nay các tiêu chí của trường đạt CQG mức độ II vẫn được nhà trường duy trì hiệu quả.

Tương tự, từ phong trào xây dựng trường đạt CQG, diện mạo các trường học trên địa bàn huyện Hoằng Hóa ngày càng khởi sắc. Theo chia sẻ của lãnh đạo Trường Tiểu học Hoằng Thanh, trong suốt quá trình xây dựng trường chuẩn, nhà trường đã tham mưu cho chính quyền địa phương huy động các nguồn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Đến nay, hệ thống phòng học, phòng chức năng, các công trình phù trợ đều được xây dựng khang trang, sạch, đẹp. Nhà trường còn có 1 thư viện xanh ngoài sân trường trang trí bắt mắt và 1 phòng thư viện với hơn 600 đầu sách các loại phục vụ giáo viên và học sinh nghiên cứu, tham khảo học tập, giảng dạy. Ngoài ra nhà trường cũng đã đầu tư xây dựng 1 phòng Tin học, 1 phòng tiếng Anh với hệ thống màn hình tương tác cỡ lớn giúp học sinh có những giờ học ngoại khóa bổ ích, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Theo thống kê từ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hoằng Hóa, đến nay, toàn huyện đã có 121/121 trường ở cả 4 cấp học đạt CQG, đạt tỷ lệ 100%. Trong đó có nhiều trường đã đạt chuẩn mức độ 2 như, Trường Mầm non Hoằng Tân, Hoằng Tiến, Hoằng Quỳ; Trường Tiểu học Hoằng Trạch, Hoằng Ngọc; Trường THCS Hoằng Quý... Đây không chỉ là kết quả của sự quan tâm đầu tư của ngành chức năng, chính quyền các cấp và sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh mà còn là kết quả của sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của người dân trong công tác xã hội hóa giáo dục.

Thực tế cho thấy, phong trào xây dựng trường đạt CQG không chỉ là nhiệm vụ của các nhà trường và ngành giáo dục mà đã được cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân quan tâm thực hiện, ủng hộ. Nhiều xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã quan tâm, mở rộng khuôn viên, tăng quỹ đất, huy động các nguồn lực đầu tư cho các nhà trường theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, đáp ứng tiêu chí trường đạt CQG. Theo thống kê, hết quý I, năm 2025, toàn tỉnh có 1.716/1.979 trường đạt CQG, đạt tỷ lệ 86,7%. Trong đó cấp mầm non có tỷ lệ trường đạt chuẩn là 87%; cấp tiểu học 91,6%; cấp THCS 86% và cấp THPT là 66,3%. Qua đánh giá, các trường đạt CQG đã và đang phát huy vai trò là động lực thúc đẩy thực hiện chiến lược đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Từ ý nghĩa đó, phong trào xây dựng trường đạt CQG tiếp tục được ngành giáo dục tỉnh nhà xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên với sự tham gia của cấp ủy, chính quyền và người dân. Nhiệm vụ này cũng được ngành gắn chặt với yêu cầu đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới kiểm tra đánh giá cũng như công tác bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo.

Bài và ảnh: Phong Sắc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]