Giương cao ngọn cờ đoàn kết, tập hợp để chăm lo cho cuộc sống Nhân dân
Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa lần thứ XV, nhiệm kỳ 2024 - 2029 là một gạch nối giữa hành trình đã qua và tương lai phía trước, tiếp tục cụ thể hóa vai trò, vị trí của MTTQ là cơ sở chính trị của chính quyền Nhân dân, nơi thể hiện ý chí nguyện vọng, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của dân, để Nhân dân là chủ thể, là trung tâm hướng tới của mọi chủ trương, chính sách...
Quang cảnh Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa lần thứ XV, nhiệm kỳ 2024 - 2029. (Ảnh Minh Hiếu).
1. Trước thềm Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa lần thứ XV, tôi trở lại khu tái định cư cho đồng bào sinh sống trên sông ở thôn Lam Đạt, xã Thiệu Vũ (Thiệu Hóa), gặp những con người hằng cháy bỏng ước ao được có đất, có nhà. Trong căn nhà kiên cố còn tinh tươm màu mới, Nguyễn Văn Hậu (SN 1980) đưa mắt nhìn những đứa trẻ làng chài đang nô đùa phía trước sân cười tíu tít. Chúng vui, anh cũng vui. Với anh, dù cuộc sống còn chưa đủ đầy, vật dụng, đồ đạc trong còn thiếu thốn, nhưng được ở trong căn nhà mới, được sống trên bờ đã là một niềm vui vô bờ bến, như một... đặc ân mà xã hội dành tặng. Anh cười: “Có mơ cũng không thấy chú à. Chẳng biết nói sao cho hết lời được. Từ đời cố, đời ông, rồi đời bố lênh đênh bèo bọt, sống chết, sinh tử trên sông vẫn khao khát đến ngày được lên bờ, nhưng trước tôi đã có ai chạm tay được vào ước mơ ấy?!”.
Một góc khu tái định cư cho đồng bào sinh sống trên sông ở thôn Lam Đạt, xã Thiệu Vũ (Thiệu Hóa).
Nhìn tôi mắt long lanh tôi biết anh vui lắm. Bởi nào có xa xôi chi cho lắm, lần gặp ở 2 năm trước, một chiều mưa tầm tã trên xóm chài Thủy Cơ bập bềnh trên sông Chu, Hậu ướt như chuột lội trong con thuyền tuềnh toàng chỗ quây tôn, nơi che bạt nhưng chẳng còn chỗ nào khô ráo, sộc lên mùi ẩm mốc. Kể cả cái ban thờ có đặt di ảnh người vợ xấu số sau một tai nạn đắm thuyền cũng ướt sũng, nước tòng tọc chảy xuống. Nhưng con thuyền ấy lại là nơi trú ngụ duy nhất của 5 bố con anh và người mẹ già tuổi đã gần đất xa trời, cứ lênh đênh lúc ngược Thọ Xuân, khi xuôi Ba Bông, Lạch Trường... đuổi con tôm con cá. Rồi khi sông cạn nước ròng, cá tôm chẳng có, những đàn ông xóm chài như Hậu lại lên bờ đi bốc vác, làm thuê, thậm chí đi làm “cát tặc”, chỉ vì manh áo miếng cơm. Cuộc sống đắp đổi nay đây mai đó, 4 đứa con của anh lít nhít trứng gà trứng vịt, bữa đói nhiều hơn bữa no, ở trường thì ít nhưng trên sông thì nhiều, nên anh cũng chẳng dám nghĩ đến ngày mai...
Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng và chung vui với đồng bào sinh sống trên sông được ở trong ngôi nhà mới ở thôn Lam Đạt, xã Thiệu Vũ, tháng 8/2023. (Ảnh Tư liệu của Minh Hiếu)
Sau Thông báo số 129-TB/VPTU, ngày 18/4/2022 của Văn phòng Tỉnh ủy thông báo Kết luận của đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại Hội nghị triển khai công tác hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào nghèo sinh sống trên sông tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, ở thôn Lam Đạt, xã Thiệu Vũ (Thiệu Hóa) một khu tái định cư đã hiện hữu với đầy đủ các hạng mục công trình dân sinh, phục vụ di dời 28 hộ/140 nhân khẩu đồng bào giáo dân sinh sống trên sông có hộ khẩu thường trú tại xã Thiệu Vũ lên bờ. Gia đình nhà Nguyễn Văn Hậu là một trong số hộ may mắn ấy. Không những được cấp đất, mỗi hộ còn được hỗ trợ 150 triệu đồng từ Ủy ban MTTQ tỉnh, Ủy ban MTTQ huyện Thiệu Hóa và Caritas Giáo phận Thanh Hóa để làm nhà ở. Rồi lúc dựng cửa làm nhà, Ủy ban MTTQ xã Thiệu Vũ đã vận động các tầng lớp Nhân dân trong xã chung tay hỗ trợ, người xúc cát đánh hồ, người bê gạch, nấu cơm nước, rồi khuân vác đồ đạc, giúp đỡ các hộ dân sinh sống trên sông lên bờ ổn định cuộc sống.
Niềm vui của anh Nguyễn Văn Hậu (bên trái ảnh) trong ngôi nhà mới.
Hôm nay trở lại, Lam Đạt đã là một niềm hân hoan với những nụ cười sáng lạn dưới hàng cờ đỏ sao vàng phấp phới - những hàng cờ chào mừng Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa khóa XV, nhiệm kỳ 2024-2029 bà con vừa nô nức treo lên. Đó chẳng phải một dấu ấn nhân văn của Ủy ban MTTQ tỉnh trong nhiệm kỳ qua đã tập hợp rộng rãi các tầng lớp Nhân dân chung tay quyên góp, ủng hộ để trao cơ hội, tạo động lực mạnh mẽ cho các hộ đồng bào sinh sống trên sông lên bờ, thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu đấy sao!
Những đứa trẻ ở xóm chài Thủy Cơ được vui chơi, học tập, không phải sống theo bố mẹ lênh đênh trên dòng sông. (Ảnh tư liệu của Minh Hiếu).
Dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Tòa Giám mục Thanh Hóa, các địa phương vận động đồng bào sinh sống trên sông lên bờ ổn định cuộc sống. Đến nay, toàn tỉnh có đã có 179 hộ được cấp đất với diện tích 20.205m2. MTTQ và các đơn vị đã huy động nguồn kinh phí hỗ trợ xây 182 nhà Đại đoàn kết cho đồng bào sinh sống trên sông với tổng giá trị trên 52,442 tỷ đồng. |
2. Ở xã biên giới Sơn Thủy (Quan Sơn), anh Thao Văn Công (SN 1983) không chỉ được đồng bào Mông quý mến vì làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, mà còn bởi sự gần gũi, chân chất, nói đi đôi với làm. Mà nhờ vào sự gần gũi, chân chất ấy, anh Công đã vận động người Mông ở bản Xía Nọi, Mùa Xuân làm theo chủ trương của Đảng xóa bỏ hủ tục trong tang ma, hôn nhân cận huyết thống, tập trung thâm canh nông nghiệp, xóa bỏ tập quán canh tác du canh, tự cung tự cấp.
Đường lên các bản Mùa Xuân, Xía Nọi, xã Sơn Thủy (Quan Sơn) đã được đầu tư, nâng cấp.
Câu chuyện vận động đồng bào Mông đưa người quá cố vào quan tài là cả một hành trình dài mà vị Chủ tịch MTTQ trẻ kể lại tôi nghe với đủ thứ khó khăn, bộn bề vất vả. Chẳng ai biết từ khi nào, trong các đám tang, không người Mông nào chịu đưa người quá cố vào quan tài, mà quàn quấn vào cái cáng treo trên thưng nhà. Túng thiếu thì vay mượn, phải mổ đủ trâu bò cúng ma, “báo hiếu” cả tuần trời. Có gia đình vì lo đám tang mà 5 năm sau vẫn trả chưa hết nợ, cuộc sống nghèo lại thêm nghèo.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Sơn Thủy (Quan Sơn) Thao Văn Công (ngoài cùng bên trái) cùng với cán bộ bản, bộ đội biên phòng tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ hủ tục, phát triển kinh tế.
Nhưng rồi, có chủ trương của Đảng, có quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong xã, Ủy ban MTTQ xã Sơn Thủy đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện bài bản, khoa học và phù hợp với trình độ, nhận thức của người dân. Mà chính anh Công chẳng quản đêm ngày, sớm tối cùng với cấp ủy, ban công tác mặt trận bản vận động trưởng các dòng họ, người có uy tín trong vùng đồng bào Mông đi từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền, vận động. Ban đầu nói chẳng ai nghe, nhưng rồi kiên trì và bền bỉ, mưa dầm thấm sâu, dần dần rồi cũng có hộ làm theo. Và cho đến nay, toàn bộ đám tang ở các bản: Mùa Xuân, Xía Nọi đã được tổ chức theo nếp sống mới, người quá cố được đưa vào quan tài, không tổ chức ma chay, ăn uống linh đình gây lãng phí, tốn kém...
Một góc bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy (Quan Sơn). (Ảnh tư liệu của Quang Trung).
Trong câu chuyện vận động người Mông trồng lúa nước cũng thế, chẳng dễ dàng gì. Bao đời nay, người Mông ở Sơn Thủy vẫn bìu díu đi vào rừng sâu, gặp cây thì chặt, gặp rừng thì phá, chỉ cố để lấy đám đất trống tra hạt, rồi để lại đó chờ nước ở trời, được chăng hay chớ. Còn những đám đất gần nhà, ven suối thuận lợi tưới tiêu họ để lại đó, mặc sức cho cỏ dại sinh sôi rậm rạp. Đói nghèo, túng thiếu cũng từ đó mà ra, những cánh rừng bạt ngàn bị hạ xuống nhưng chẳng bao giờ họ khấm khá lên được. Không buồn sao được, nhưng đó là đồng bào mình. “Mình may mắn được đi học, được làm cán bộ, phải cố gắng hết sức để giúp đồng bào mình phát triển. Chỉ có tin và làm theo Đảng, đồng bào Mông mình mới khá lên được” - Anh Công chia sẻ.
Những ruộng lúa nước đã được đồng bào Mông thâm canh ở bản Mùa Xuân.
Có trách nhiệm và quyết tâm, anh Công đã động viên vợ mình cùng đi học cách thâm canh lúa nước hai vụ. Khi việc thành thạo, anh cùng với cán bộ nông nghiệp của huyện hướng dẫn, cầm tay chỉ việc cho người Mông trong bản. Ban đầu chẳng mấy người hào hứng, nhưng qua một vụ, rồi hai, những ruộng lúa ở Mùa Xuân, Xía Nọi cứ bời bời xanh tốt, cho hạt tròn mẩy, năng suất mỗi ngày thêm cao, nên đến nay, chẳng nhà nào trong bản không có ruộng lúa. Không chỉ thâm canh lúa nước hai vụ, đồng bào đã khai khẩn, cải tạo phần đất hoang hóa để trồng lúa nước, trồng cây khoai mán sọ, cây dứa gai, sắn... Cuộc sống mỗi ngày khấm khá, giờ đây chẳng hộ đồng bào Mông nào còn phá rừng lấy đất làm nương rẫy nữa. Rồi đường giao thông được mở, dân trí được cải thiện, nếp nghĩ cách làm được thay đổi, cuộc sống ở các bản đồng bào Mông ở xã Sơn Thủy đang đổi khác từng ngày.
Niềm vui của người dân bản Mùa Xuân khi đã tự túc được lúa gạo để ăn.
Không chỉ có Thao Văn Công, từ vùng đồng bằng ven biển, đến trung du, hay miền núi xa xôi, tôi vẫn thường gặp những người cán bộ mặt trận cần mẫn, chẳng quản khó khăn, vất vả, luôn nỗ lực vươn lên làm tròn chức trách và bổn phận của mình, là “cầu nối” vững chắc trong mối quan hệ mật thiết, máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân - đúng như trong phát biểu chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tại Đại hội sáng nay (14/7) rằng: "... phải giữ vững mối quan hệ “máu-thịt” giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân...". Họ là những hạt nhân tập hợp các tầng lớp Nhân dân, vận động Nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, ấm no, góp phần tạo nên những “hoa thơm”, “quả ngọt” cho một nhiệm kỳ nhiều khó khăn nhưng cũng rất đỗi tự hào của MTTQ các cấp trong tỉnh.
Một góc bản đồng bào Mông Xía Nọi, xã Sơn Thủy (Quan Sơn).
3. Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa lần thứ XV diễn ra với ăm ắp niềm vui mừng, phấn khởi về những trưởng thành vượt bậc trong hành trình đã qua của của MTTQ các cấp. Hay nói đúng hơn đó là hình mẫu, là những biểu hiện, minh chứng cho sức lớn mạnh không ngừng của khối đại đoàn kết toàn dân. Ở đó không chỉ có những căn nhà cho đồng bào sinh sống trên sông, mà còn có hàng nghìn căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, là những máy thở cùng các thiết bị, vật tư y tế trị giá hàng trăm tỷ đồng và hàng nghìn tấn nhu yếu phẩm để chung tay cùng cả nước chiến thắng đại dịch COVID-19. Là những cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước được đông đảo các tầng lớp, thành phần tham gia vì mục tiêu chung là xây dựng quê hương, đất nước mỗi ngày thêm tươi đẹp....
Đại biểu dự Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa lần thứ XV.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIV, MTTQ các cấp đã hoàn thành 12/12 chỉ tiêu đề ra, trong đó có 2 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức và nhiều kết quả nổi bật, như: công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp Nhân dân, đồng bào các dân tộc, tôn giáo đi vào chiều sâu, đạt kết quả rõ nét; huy động được nguồn lực to lớn trong Nhân dân trị giá trên 2.905 tỷ đồng tham gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, phát triển kinh tế - xã hội. Các hoạt động vì người nghèo, cứu trợ, an sinh xã hội được triển khai có hiệu quả với nhiều cách làm sáng tạo, huy động cao nhất nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, những tấm lòng hảo tâm, nhân văn, nhân ái của cộng đồng tham gia ủng hộ, xây dựng Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Cứu trợ, tặng quà cho các đối tượng hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn và các chương trình an sinh xã hội trị giá 1.935 tỷ đồng, xây dựng và sửa chữa 4.987 căn nhà Đại đoàn kết... |
Mà trong sức lớn mạnh ấy, ngoài vai trò lãnh đạo thường xuyên, sâu sát của cấp ủy, tinh thần đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động hướng mạnh về cơ sở của MTTQ các cấp, còn có công sức của biết bao tấm gương sáng của người làm công tác mặt trận, đoàn thể, những điển hình tiêu biểu trong xã hội đã có sức lan toả sâu rộng đến từng địa bàn dân cư, chung tay, góp sức vì cộng đồng, san sẻ với những mảnh đời có hoàn cảnh bất hạnh, nghiệt ngã... Không chỉ góp phần làm tốt các chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, họ còn góp phần xây dựng MTTQ thành địa chỉ tin cậy, “mái nhà chung” ấm áp, đoàn kết gắn bó của những tấm lòng nhân ái, những nghĩa cử cao đẹp, lan tỏa tinh thần yêu nước, tương thân, tương ái trong cộng đồng, xã hội.
Quang cảnh đại hội.
Tại đại hội, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, thống nhất xây dựng phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới với nhiều hứa hẹn. Trong đó có những bài học kinh nghiệm, giải pháp phát huy vai trò của MTTQ vận động đồng bào các dân tộc, già làng, trưởng bản, người có uy tín tiêu biểu trong tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự trên truyến biên giới Việt - Lào của đại biểu Thao Thị Mè, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Nhi Sơn (Mường Lát). Là đại biểu Phạm Thị Thu, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Ngọc Lặc đề xuất giải pháp phát huy vai trò của MTTQ trong tuyên truyền, vận động Nhân dân làm hàng rào xanh trong xây dựng khu dân cư sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn. Hay chia sẻ của Linh mục Trần Xuân Mạnh, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết công giáo Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết công giáo tỉnh Thanh Hóa về công tác tuyên truyền, vận động giáo dân tích cực tham gia phong trào sống Tốt đời, đẹp đạo, xây dựng xứ đạo bình yên, gia đình văn hóa....
Năm 2024, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với các ban, ngành tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 22-CT/TU, ngày 30/3/2024 về Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024-2025 với mục tiêu phấn đấu đến ngày 30/9/2025, toàn tỉnh có ít nhất 5.000 hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở. |
Phía sau mỗi ý kiến, tham luận chứa đựng cả tình cảm, tâm huyết và trách nhiệm của đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân để xây dựng, thống nhất “kim chỉ nam” hành động cho cả một nhiệm kỳ mới với nhiều thách thức nhưng hết sức vẻ vang. Mà mục tiêu quan trọng nhất đó là khơi dậy và phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng vẻ vang của quê hương Thanh Hóa anh hùng để phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh.
Là tiếp tục tập hợp rộng rãi các tầng lớp Nhân dân tạo thành sức mạnh đoàn kết thống nhất và mang sức mạnh ấy để quan tâm, chăm lo cuộc sống của Nhân dân... Như trong phát biểu chỉ đạo tại đại hội, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đã nêu: “Mặt trận Tổ quốc các cấp cần tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong củng cố và tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; đa dạng hóa các hình thức tập hợp, vận động, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp Nhân dân, tích cực vận động, phát huy vai trò của các chức sắc, chức việc, người có uy tín trong các tôn giáo và trong cộng đồng dân cư, bảo đảm sự đồng thuận, thống nhất cao về tư tưởng và hành động, tất cả vì mục tiêu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”.
Đại biểu biểu quyết tại Đại hội.
Hay chỉ đạo của đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam: MTTQ các cấp cần tiếp tục đổi mới cách nghĩ, cách làm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thích ứng với xã hội số để tuyên truyền, vận động Nhân dân theo hướng toàn dân, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, sát với thực tiễn ở cơ sở; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực chất các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, với phương châm: “nghĩ thật, nói thật, làm thật, kết quả thật và Nhân dân được hưởng lợi thật”...
Đại biểu dự đại hội.
Mà điều cốt yếu, gần gũi nhất khi quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh là cuộc sống ấm no, hạnh phúc của Nhân dân. Và, Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa lần thứ XV với phương châm Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Phát triển sẽ tiếp tục giương cao ngọn cờ đoàn kết, tập hợp mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó để không ngừng quan tâm chăm lo cuộc sống Nhân dân để Nhân dân là chủ thể, là trung tâm hướng tới của mọi chủ trương, chính sách, cũng là để kiến tạo quê hương đất nước trên hành trình đổi mới, hội nhập và phát triển.
Với tinh thần “Đoàn kết, dân chủ, đổi mới, phát triển”, Đại hội đã hiệp thương dân chủ cử ra 120/125 vị Ủy viên, với số lượng, thành phần, cơ cấu phù hợp, thể hiện rõ tính đại diện, tính tiêu biểu, có khả năng đảm trách và cụ thể hóa thực hiện những trọng trách của MTTQ Việt Nam tỉnh trong nhiệm kỳ mới. Tại phiên họp đầu tiên, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa khóa XV nhiệm kỳ 2024 - 2029, đã hiệp thương dân chủ cử ra Ban Thường trực gồm 9 vị. Đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ, tiếp tục tái cử chức danh Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa. |
Đỗ Đức
- 2024-11-18 09:23:00
Lịch sử ra đời Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc
- 2024-11-18 08:00:00
Hôm nay có gì? - Sự kiện nổi bật ngày 18/11/2024
- 2024-07-14 15:12:00
Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa lần thứ XV, nhiệm kỳ 2024 – 2029
Những sự kiện nổi bật trong tuần
Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hoá lần thứ XV: Các đại biểu tham luận nhiều nội dung quan trọng
Điểm nóng 14/7: Từ 2 chiếc xe ô tô có dấu hiệu ‘lạ’ công an phá đại án Cục Đăng kiểm
Giữ vững mối quan hệ “máu-thịt” giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, sự đoàn kết của Đảng bộ, đoàn kết giữa các thành phần, giai cấp, tầng lớp xã hội, giữa đồng bào các dân tộc “Đã nói là làm, đã đi là đến, đã bàn là thông, đã quyết cả tỉnh một lòng” (*)
Công tác Mặt trận sẽ khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, sức sáng tạo, trí tuệ của các tầng lớp Nhân dân, tạo thành sức mạnh to lớn, góp phần xây dựng Thanh Hoá sớm trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, tỉnh kiểu mẫu của cả nước (*)
Nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ gửi tới Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa lần thứ XV
Hôm nay có gì? - Sự kiện nổi bật ngày 14/7/2024
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu
Điểm nóng 14/7: Kỷ luật một loạt cán bộ vì đất đai mà đánh mất phẩm chất