(Baothanhhoa.vn) - Bạo lực học đường là chuyện không mới nhưng lại được phổ biến rộng rãi bằng những video clip trên mạng xã hội, gây bức xúc trong dư luận. Đó được xem là hồi chuông báo hiệu sự gia tăng bạo lực ở lứa tuổi vị thành niên, sự bất lực của nhà trường và phụ huynh hay sự xuống cấp của đạo đức xã hội?

Tin liên quan

Đọc nhiều

Từ bạo lực học đường đến tội phạm vị thành niên: Ranh giới mong manh?

Bạo lực học đường là chuyện không mới nhưng lại được phổ biến rộng rãi bằng những video clip trên mạng xã hội, gây bức xúc trong dư luận. Đó được xem là hồi chuông báo hiệu sự gia tăng bạo lực ở lứa tuổi vị thành niên, sự bất lực của nhà trường và phụ huynh hay sự xuống cấp của đạo đức xã hội?

Từ bạo lực học đường đến tội phạm vị thành niên: Ranh giới mong manh?

Tham gia các hoạt động cộng đồng là một cách giúp học sinh rèn luyện kỹ năng ứng xử trong cuộc sống.

Cuối tháng 3-2019, vụ việc nữ sinh N.T.H.Y., Trường THCS Phù Ủng (huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) bị nhóm bạn cùng lớp lột quần áo, đánh, đấm, đạp vào đầu, ngực... được phát tán trên facebook khiến nhiều người ám ảnh về hành vi bạo lực học đường. Sự việc diễn ra ngay trong lớp học nhưng không có sự can ngăn của các bạn cùng lớp. Nữ sinh không biết phản kháng, bị đánh đến mức hoảng loạn phải nhập viện, còn nhà trường khi biết việc lại “xuê xoa” cho xong. Sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, làm rõ, các cá nhân, tập thể có liên quan phải nhận hình thức kỷ luật. Tuy nhiên, khi xem lại clip, điều khiến nhiều người băn khoăn vì sao nhóm nữ sinh lại có thể có những hành động bạo lực đến vậy? Vụ việc không đơn thuần chỉ là bắt nạt mà là hành vi xâm phạm đến thân thể, danh dự của bạn cùng lớp.

Tại tọa đàm “Ngăn ngừa bạo lực học đường - để trẻ em không đơn độc” được Báo Tiền Phong tổ chức ngày 8-4-2019, đại diện lãnh đạo Cục Hình sự, Bộ Công an thông tin, riêng thống kê của ngành công an, trong quý I-2019, trên cả nước đã có 310 vụ bạo lực học đường, chủ yếu là học sinh ở lứa tuổi THCS và THPT. Tra từ khóa “bạo lực học đường” trên Google, chỉ trong giây lát, sẽ có hàng nghìn kết quả hiển thị. Thậm chí, nháy vào lựa chọn video sẽ có bạt ngàn những clip các bạn trẻ đánh nhau, đánh hội đồng ngay trong lớp học, khu vực gần trường học hay trên đường phố. Nhờ sự “tiếp sức” của điện thoại thông minh và internet, bạo lực học đường bây giờ không đơn thuần là mâu thuẫn trong trường học mà đã trở thành một hiện tượng xã hội tiêu cực. Bởi các hành vi bạo lực tại môi trường học đường không còn dừng lại ở sự kỳ thị, tẩy chay, bắt nạt, trấn lột mà nó đã lên đến mức độ nặng nề hơn rất nhiều, đó là mắng chửi, làm nhục, xâm phạm đến thân thể, danh dự, làm tổn thương tâm hồn của học sinh. Thậm chí, chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ, vì “nhìn thấy ghét”, mà một số học sinh đã nổi máu “yêng hùng” vốn sẵn có trong tâm lý lứa tuổi vị thành niên, đấm đá, bạt tai, túm tóc, lột đồ bạn cùng lớp để cho bạn bè khác chứng kiến hò reo cổ vũ, quay clip và tung lên mạng. Đơn cử như việc đánh nhau sau giờ tan học giữa 2 nữ sinh tại Trường THCS Yên Thọ (Như Thanh) và 1 nữ sinh của Trường THCS Vạn Hòa (Nông Cống) xảy ra hồi tháng 4-2017. Trong clip, hai nữ sinh cùng dùng gậy chuẩn bị từ trước xông vào đánh nữ sinh kia, thậm chí có hành động lột đồ đối phương, nữ sinh bị đánh cũng túm tóc và tấn công lại. Đáng buồn là vào thời điểm 3 nữ sinh đánh nhau, có rất nhiều nam, nữ học sinh đứng xung quanh chứng kiến nhưng không ai vào can ngăn, thậm chí còn cười, nói, la hét và quay clip để phát lên mạng.

Luật sư Trần Đại Xuân, Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Đáng báo động hiện nay các vụ cố ý gây thương tích, làm nhục người khác đã và đang xảy ra trong các nhà trường, các học sinh tự quay clip, tung lên mạng xem đó như một chiến tích, hả hê, bình luận xấu... gây bức xúc, hoang mang trong dư luận. Tuy nhiên, các đối tượng có hành vi trên lại không biết mình đã phạm tội. Đó là điều đáng nói trong các giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường, cũng như phòng, chống tình trạng phạm tội ở lứa tuổi vị thành niên. Học sinh ở lứa tuổi vị thành niên - lứa tuổi mà các em chưa phát triển đầy đủ về thể chất cũng như tâm sinh lý, trình độ nhận thức, kinh nghiệm sống còn nhiều hạn chế. Nhiều em thiếu những điều kiện và bản lĩnh tự lập, thiếu khả năng tự kiềm chế, dễ bị kích động, bị lôi kéo vào những hoạt động phiêu lưu mạo hiểm. Từ một thế giới ảo trên điện thoại, máy tính, các em đã học, thực hiện, thậm chí thực hiện mà không biết đang trong thế giới thực. Đến khi thực hiện hành vi phạm tội, bị bắt giữ thì đã muộn.

Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có sự điều chỉnh mạnh mẽ trong chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội, đặc biệt là đối với các em từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Bộ luật đã thu hẹp đáng kể phạm vi trách nhiệm hình sự của các đối tượng này. Theo đó các em chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thuộc 28 tội danh trong tổng số 314 tội danh được quy định trong Bộ luật Hình sự. Đặc biệt, người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi bị kết án thì không được coi là có án tích. Người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi bị kết án do lỗi vô ý đối với tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng cũng được coi là không có án tích sau khi chấp hành xong hình phạt tù.

Tuy nhiên, hiện nay, các hành vi phạm tội của một số đối tượng đang ở lứa tuổi vị thành niên lại có chiều hướng “leo thang” về mức độ phạm tội. Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vừa qua có rất nhiều các đối tượng vị thành niên phạm tội. Ví dụ như vụ giết người xảy ra tại phường Quảng Hưng (TP Thanh Hóa) vào 20 giờ, ngày 11-2-2018, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt mà một nhóm đối tượng 6 người đã dùng súng tự chế bắn chết anh Đặng Văn Giang. Trong đó nhóm đối tượng trên có Nguyễn Đình Tú (sinh năm 2000) khi phạm tội mới 17 tuổi, 1 tháng, 12 ngày. Hay vụ việc xảy ra tại xã Đông Tân (TP Thanh Hóa) vào khoảng 22 giờ 30 phút, ngày 29-6-2018, đối tượng Lê Văn Thanh (sinh năm 2001) đã có hành vi dùng kiếm truy sát giết anh Hồ Văn Đức chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt cách đó một tháng, khi đá bóng. Lúc thực hiện hành vi phạm tội, Thanh mới chỉ 17 tuổi, 9 tháng, 5 ngày.

Con đường trở thành tội phạm của những đối tượng phạm tội vị thành niên thường có những mẫu số chung phổ biến, như: Gia đình khiếm khuyết, bố mẹ ly hôn hoặc bỏ bê không quan tâm, không gương mẫu hoặc quá nuông chiều con cái. Các em thiếu sự yêu thương, răn dạy, quản lý của gia đình. Trong khi môi trường sống hội nhập, các ấn phẩm văn hóa đồi trụy, game online, phim hành động bạo lực tràn lan trên thị trường, nhất là trên mạng internet đã ít nhiều tác động tâm sinh lý của mỗi người...

Từ “bạo lực học đường” đến “tội phạm vị thành niên” là ranh giới rất mong manh. Đã đến lúc cần nâng cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường và giáo dục nhận thức, kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử cho học sinh để ngăn chặn những hành vi bạo lực, hạn chế tội phạm vị thành niên.

Bài và ảnh: Minh Hiền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]