(Baothanhhoa.vn) - Kể từ khi Quyết định 861 và Quyết định 612 có hiệu lực, hàng nghìn học sinh (HS) phải đi buổi đến trường, không còn được hưởng chế độ bán trú. Kinh phí tổ chức nấu ăn cho các cháu HS mầm non cũng bị cắt giảm... Trong khi điều kiện kinh tế của đa phần người dân vừa thoát khỏi vùng đặc biệt khó khăn còn chưa khác trước là bao, thì việc học tập của nhiều em nhỏ đã trở nên bấp bênh.

Ra khỏi vùng khó, còn đó nhiều nỗi lo... (Bài 1): Bấp bênh “con chữ” nơi bản nghèo

Kể từ khi Quyết định 861 và Quyết định 612 có hiệu lực, hàng nghìn học sinh (HS) phải đi buổi đến trường, không còn được hưởng chế độ bán trú. Kinh phí tổ chức nấu ăn cho các cháu HS mầm non cũng bị cắt giảm... Trong khi điều kiện kinh tế của đa phần người dân vừa thoát khỏi vùng đặc biệt khó khăn còn chưa khác trước là bao, thì việc học tập của nhiều em nhỏ đã trở nên bấp bênh.

Ra khỏi vùng khó, còn đó nhiều nỗi lo... (Bài 1): Bấp bênh “con chữ” nơi bản nghèoKhông có sự điều chỉnh chính sách, Trường PTDTBT THCS Sơn Hà (Quan Sơn) sẽ phải chuyển đổi mô hình, việc học tập của các em sẽ gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Đỗ Đức

Chật vật đến trường

Trời gần đứng bóng, con đường vượt dốc Mã Lai từ Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở (PTDTBT THCS) Giao Thiện (Lang Chánh) để về nhà của HS thôn Khụ 1 càng trở nên nặng nề hơn bởi nắng nóng hầm hập. Trong hàng dài HS khom lưng, rạp người trên con dốc ấy, hai em Lương Huy Khải (lớp 8A) và Lương Thị Anh Thư (lớp 9B) dùng hai tay cật lực đẩy xe, vẻ mặt lộ rõ sự lo lắng. Bởi khi vượt lên đỉnh đồi, thì phía bên kia cũng là con dốc cắm xuống vực sâu, lại có đoạn cua tay áo, ngồi xe đạp nếu phanh không kịp thì rất dễ gặp tai nạn. Trên đôi chân và lòng bàn tay của Khải vẫn còn chi chít những vết xước còn rớm máu vì bị ngã xe. Theo chia sẻ của hai em, trên con đường dài gần 10 cây số này, rất nhiều bạn đã bị ngã xe, phần nhiều là HS lớp 6, lớp 7.

Trước năm học 2021-2022, hai chị em Anh Thư cùng toàn bộ HS của Trường PTDTBT THCS Giao Thiện được Nhà nước hỗ trợ nuôi ăn bán trú theo Nghị định số 116/NĐ-CP ngày 18-7-2016 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ HS và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn (gọi tắt là Nghị định 116-PV), mỗi em được hưởng 596 nghìn đồng tiền ăn, 15kg gạo/tháng, chi phí học tập trong 9 tháng của năm học... Từ khi Quyết định 861 và Quyết định 612 có hiệu lực, xã Giao Thiện không còn là xã đặc biệt khó khăn, chỉ còn 2/6 thôn đặc biệt khó khăn (thôn Húng và thôn Chiềng Lằn), quá nửa HS phải rời khỏi khu bán trú về nhà, đi buổi đến trường.

Ngày trước còn được bán trú, Anh Thư được học tập trên lớp, học ngoại khóa, về phòng bán trú được thầy cô giáo hướng dẫn, kèm cặp, nên nhiều năm liền được xếp loại tiên tiến. Nhưng từ ngày em đi buổi đến trường, học lực sa sút hẳn. Trong căn nhà cũ kỹ, tuềnh toàng bên sườn đồi nơi hai chị em Anh Thư ở là rải rác những áo quần xen lẫn sách vở dưới nền nhà. Tài sản quý giá nhất trong căn nhà ấy có lẽ là một chiếc giường đã cũ và một chiếc bàn gỗ bạc phếch vì bụi, phía trên đặt một chiếc hộp với hỗn độn bông, băng, bật lửa, kìm cắt móng tay... Chỉ tay vào chiếc bàn ấy, bà Lương Thị Liên, bác ruột của hai chị em Anh Thư, nói: “Đó là bàn học tập của các cháu. Bố mẹ các cháu thường đi làm ăn xa, việc học tập do tôi quán xuyến. Nhưng tôi cũng bận đi làm đồng, thành ra việc học tập là do các cháu tự lo”...

Câu chuyện hoàn cảnh HS cũng khiến thầy Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Giao Thiện Trịnh Quốc Việt trầm tư, lo lắng. Ngay sau khi Quyết định 861 và Quyết định 612 có hiệu lực, 250 HS của nhà trường đã phải rời khu bán trú để đi buổi đến lớp. 3 trong số những HS này đã phải nghỉ học theo bố mẹ đi làm. Các thầy cô giáo đã vận động nhưng các em không quay trở lại lớp. Hiện tại, nhà trường chỉ còn 25 HS bán trú, ở 2 thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã. 2 năm học gần đây (năm học 2021-2022 và 2022-2023) nhà trường không đủ HS bán trú theo quy định. “Nếu không có sự điều chỉnh chính sách, thì chỉ sau năm học 2023-2024, nhà trường sẽ phải chuyển sang mô hình trường THCS, vì không đảm bảo tỷ lệ HS bán trú là 45% theo quy định”.

Trong khi đó, dù đã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn, nhưng theo kết quả rà soát mới nhất, xã Giao An vẫn còn 31,85% hộ nghèo và 31,85% hộ cận nghèo. Trong số thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, thì thôn Khụ 1 và Khụ 2 đều có tỷ lệ hộ nghèo còn trên 29% và trên 42% hộ cận nghèo, lại cách trường từ 7-11km. Do quãng đường xa, đèo dốc cao, nên trong 2 năm học gần đây đã có 20 HS ở thôn Khụ 2 chuyển sang học trái tuyến tại Trường TH&THCS Giao An (Lang Chánh) và 6 HS thôn Khụ 1 chuyển sang học tại Trường THCS Vân Am (Ngọc Lặc). “Việc chọn học ở trường gần sẽ giúp phụ huynh thuận lợi hơn trong việc đưa đón, nhưng sẽ rất thiệt thòi cho các cháu thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, do không được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước”.

Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lang Chánh, chỉ riêng năm học 2022-2023, trên địa bàn huyện có 21 em HS THCS bỏ học (chủ yếu là HS lớp 8, lớp 9). Tình trạng này có nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân về điều kiện kinh tế gia đình các cháu còn gặp nhiều khó khăn.

Sự học rồi sẽ về đâu?

Tương tự, sau Quyết định 861 và Quyết định 612, xã Sơn Hà (Quan Sơn) không còn là xã đặc biệt khó khăn, cũng không còn bản đặc biệt khó khăn. Điều này đồng nghĩa không còn HS THCS nào được chính sách hỗ trợ nuôi ăn bán trú. Trong khi điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, sau vận động không có phụ huynh đồng ý, nên toàn bộ khu bán trú của Trường PTDTBT THCS Sơn Hà rộng khoảng 1.500 m2 với 10 phòng ở, 1 phòng ăn, cùng đầy đủ công trình phụ trợ và đồ dùng bán trú đã phải bỏ không trong 2 năm học gần đây. Và nếu không có sự thay đổi về chính sách, sau năm học 2023-2024, ngôi trường này cũng phải chuyển đổi sang mô hình trường THCS, do 3 năm liền không đảm bảo tỷ lệ HS bán trú.

Ra khỏi vùng khó, còn đó nhiều nỗi lo... (Bài 1): Bấp bênh “con chữ” nơi bản nghèoKhông còn được bán trú, việc học tập của hai chị em Lương Thị Anh Thư ở thôn Khụ 1, xã Giao Thiện (Lang Chánh) trở nên bấp bênh hơn.

Điều đáng lo là rất nhiều HS cách trường trên 10 km, như ở các bản Xum, Lầu. Ở nhiều bản, HS phải vượt suối đến trường, tiềm ẩn nguy hiểm, nhất là trong mùa mưa bão, như các bản Nà Ơi, Nà Sắng, Làng. Trong lúc còn nhọc nhằn nỗi lo mưu sinh, bất đắc dĩ phụ huynh đã phải thuê xe đưa đón các em đến trường, với mức phí trung bình từ 450-500 nghìn đồng/em/tháng tùy vào quãng đường gần xa. Thầy giáo Nguyễn Viết Năm, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Sơn Hà, cho biết: “Năm học 2022-2023, nhà trường có 2 HS nghỉ học (1 HS ở bản Lầu và 1 HS ở bản Hạ). Do nhiều HS ở xa trường, lại cách sông, suối, những hôm trời mưa gió HS nghỉ học để đảm bảo an toàn, nên nhà trường rất khó duy trì sĩ số lớp. Cùng với đó, từ khi HS không được hỗ trợ bán trú, việc học tập của nhiều em đã bị sa sút đáng kể, do bố mẹ phải đi làm ăn xa, không giám sát được việc học tập của các em”.

Trường hợp của em Vi Anh Tú, ở bản Xum là một ví dụ. Em là HS lớp 9, mẹ đi làm công nhân ở Bắc Ninh, bố đi xuất khẩu lao động, nên em ở nhà với ông bà. Nhà cách trường hơn 10 km, hai năm học gần đây, đều đặn em cùng em gái là Vi Thị Thu, học lớp 6 phải dậy từ lúc 5h30 sáng để chuẩn bị đến trường. Vi Anh Tú cho biết: “Gia đình em là hộ cận nghèo, mỗi tháng bố mẹ phải lo nộp tiền xe cho hai anh em là 900 nghìn đồng, rồi tiền học phí, sách vở, ăn sáng. Em sẽ cố gắng học xong lớp 9 rồi đi làm, giúp đỡ bố mẹ nuôi em ăn học”.

Một buổi trưa mây đen sầm sập nơi miền biên viễn, hai anh em Tú cùng những HS ở bản Xum lên chiếc xe cũ kỹ gầm máy ỳ ạch trên con đường lượn qua những núi đá chênh vênh rồi suối sâu, nước xiết để về nhà. Giống với anh em Tú, ở đây, những căn nhà chúng tôi ghé qua đều không có góc học tập dành cho các cháu. Tôi chợt buồn, rồi tự hỏi, sự học của các cháu sẽ đi về đâu?...

Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, II, I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Quyết định 861-PV) và Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16-9-2021 của Ủy ban Dân tộc về phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Quyết định 612-PV), tỉnh Thanh Hóa còn 21 xã, 132 thôn đặc biệt khó khăn, giảm 79 xã (sau sáp nhập giảm 74 xã), 554 thôn so với giai đoạn 2016-2020. Đây là kết quả đáng mừng, khẳng định sự nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Song trước mắt, từ các quyết định trên, nhiều huyện miền núi đang gặp không ít khó khăn, nhất là các lĩnh vực giáo dục, thu hút cán bộ, bảo hiểm y tế,...

Bài và ảnh: Đỗ Đức

Bài 2: Dọc ngang nỗi niềm nhà giáo.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

1 bình luận

 Thuy - 10:28 15/05/23

 Trả lời

Tuyệt vời. Cảm ơn nhà báo đã nói lên được bảo nỗi niềm của người dân miền núi.

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]