(Baothanhhoa.vn) - Nét đẹp, sức sống của những di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật như tấm bia Trường Thi (TP Thanh Hóa), đền thờ Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi (Đông Thanh, Đông Sơn)... là minh chứng sinh động cho truyền thống hiếu học, khuyến học - khuyến tài trên mảnh đất xứ Thanh.

Những dấu ấn tiêu biểu trên “đất học” xứ Thanh

Nét đẹp, sức sống của những di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật như tấm bia Trường Thi (TP Thanh Hóa), đền thờ Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi (Đông Thanh, Đông Sơn)... là minh chứng sinh động cho truyền thống hiếu học, khuyến học - khuyến tài trên mảnh đất xứ Thanh.

Những dấu ấn tiêu biểu trên “đất học” xứ ThanhKhông gian thờ chính Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi đến nay chỉ còn lại gian nhà nhỏ đã nhuốm màu thời gian.

Độc đáo tấm bia Trường Thi

Ngay ở khu vực thường gọi là “ngã ba bia”, phường Trường Thi, TP Thanh Hóa có một tấm bia bao năm qua vẫn lặng lẽ hiện diện giữa lòng phố thị, đó là tấm bia khuyến học - bia Trường Thi, được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 1998. Theo Địa chí Thanh Hóa (tập II, Văn hóa - Xã hội), bia được dựng từ thời Thành Thái, quãng độ năm 1890-1891. Bia được trang trí bằng các nét chạm khắc, họa tiết đẹp, ấn tượng...

Ở mặt bia hướng về phía Đông Nam là bài biểu của Tổng đốc Thanh Hóa - Nguyễn Thuật tâu lên triều đình về việc cho sĩ tử Thanh Hóa được thi riêng ở trường thi Thanh Hóa với lý do năm Mậu Tý (đời Đồng Khánh thứ 3, 1888), sĩ tử Thanh Hóa phải vào thi ở trường Nghệ An vừa vất vả, vừa tốn kém, phải đi bộ đường xa, bị ốm đau bỏ thi nhiều. Cuối bài biểu là tóm tắt chiếu chỉ của triều đình cho phép như lời của Tổng đốc Thanh Hóa, do 3 quan ở triều đình ký.

Bài biểu được soạn mạch lạc, khúc chiết, chân thành bày tỏ những băn khoăn, đề đạt thấu tình hợp lý của Tổng đốc Thanh Hóa lúc bấy giờ: "Giải ngạch chỉ được một người. Từ nay thân sĩ phần nhiều thi phụ ở trường Nghệ An không tiện, vì nói rằng: Tỉnh Thanh thần, theo như trước chưa có trường chuyên. Đó duy chỉ có sự chiếu cố thương đến của triều đình ơn huệ đến các sĩ tử thân bàn cùng các tỉnh tới tám năm nay. Nhân vì các sĩ tử đi học không được như trước, nếu lại khiến cho việc thao diễn học tập, giảng dạy mà phải dự thi ở xa, phần nhiều vì nghèo, ốm đau, vốn trở ngại sĩ số giảm lớn, dần dần tương lai khó mà bù đắp lại được sự nghiệp dạy và học”.

Đọc bài biểu, người đời sau phần nào có thêm tư liệu, kiến thức lịch sử về một giai đoạn thi cử, giáo dục của xứ Thanh, từ đó càng thêm yêu mến, trân trọng, tự hào truyền thống hiếu học trên mảnh đất quê hương: “Tỉnh Thanh ta kính ngưỡng theo điển tịch, bậc thánh thần đã hóa ơn trạch. Văn học nổi lên sầm uất, buổi đầu nhà nước vâng đặt trường chuyên thi hương vốn để ban ơn hiệt cho kẻ sĩ mà coi trọng đất thang mộc (quê hương vua chúa). Về sau hoặc thi phụ ở tỉnh khác. Cho tới nay, năm Mậu Thân đời Tự Đức khôi phục lại chế độ cũ, trông ngóng đường hòe. Gần đây, kẻ sĩ ách trở ngày một tăng, một quê hương nổi tiếng bậc cự nho lớn, từ đó đã hơn bốn chục năm rồi"...

Bài biểu cũng giải thích một phần lý do vì sao lại khắc tấm bia đá này: “Bậc thiên tử nhà vua soi xét đã hạ lệnh cho các thân sĩ bàn bạc sao chép tờ sớ văn chỉ dụ bàn khắc vào đá, nhân suy ơn về việc đó vì kẻ sĩ hâm mộ tốt đẹp mà không thể quên được. Đã có tấm lòng như vậy thì ghi lời minh bằng bia miệng, việc gì phải cần đến bia đá, song như vậy không thể được. Có lẽ ngày nay trường thi của ta lại được khôi phục như xưa thì khó có thể không khắc vào bia. Có lẽ để cổ vũ thêm cho kẻ sĩ học tập và chấn động lòng người ngày càng nhiều tới trường thi tỉnh nhà bên núi rồng non phượng còn ca tụng lâu dài”.

Ở mặt bia phía Tây Bắc là tụng của sĩ phu Thanh Hóa ca ngợi công ơn của Tổng đốc và các quan triều đình đã quan tâm đến việc học và việc thi, ca ngợi ơn ban ra của triều đình làm nức lòng sĩ tử và phát triển việc học của tỉnh nhà.

Đền thờ Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi - người thầy dạy hai đời vua Lê

Không chỉ nổi danh là vùng đất thang mộc, nơi lưu dấu các vương triều, có truyền thống cách mạng, người dân bất khuất, kiên cường, xứ Thanh được biết đến với tinh thần hiếu học. Mạch nguồn quý báu ấy được hun đúc từ thế hệ này qua thế hệ khác. Có thể điểm lại ở đó bao gương mặt anh hùng hào kiệt, nhân vật văn hóa, giáo dục tiêu biểu, được “điểm mặt gọi tên” trong lịch sử dân tộc. Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi là nhân vật như thế.

Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi là người làng Kim Bôi, xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn. Vốn xuất thân từ gia đình “danh gia vọng tộc”, trên vùng quê hiếu học - “Đông Sơn tứ bôn, Hoằng Hóa lưỡng bột”, ngay từ khi còn trẻ, Phúc Khê tướng công đã ham học hỏi, tư chất thông minh hơn người. Năm 39 tuổi, ông thi đỗ Nhất giáp Chế khoa, khoa thi năm Giáp Dần, đời vua Lê Trung Tông. Ông là người tài đức vẹn toàn nên được giao cho giữ nhiều chức vụ quan trọng dưới 3 triều vua Lê: Lê Trung Tông, Lê Anh Tông và Lê Thế Tông. Ông cũng là người trực tiếp hầu giảng 2 vị vua: Lê Anh Tông và Lê Thế Tông nên thường được người đời ca ngợi là “người thầy của 2 đời vua”. Phan Huy Chú cũng từng có những dòng nhận định về con người, nhân cách cao đẹp của ông: “Ông tính đoan trang, cẩn thận, có khuôn phép... Là bậc danh nho đỗ cao, được ba vua tri ngộ, đức nghiệp và tiếng tăm hơn cả các nho thần đầu thời Trung hưng”. Sau khi ông mất, Nhân dân lập đền thờ; vua Lê Thế Tông gia ân tặng chức Thượng thư Bộ Công, tước Thái bảo, ban thụy hiệu là Phúc Khê tướng công, ban cho 30 mẫu ruộng ở quê nhà để Nhân dân làm công điền thờ cúng ông.

Các thế hệ cháu con hôm nay đến với ngôi đền thờ Đền thờ Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi như đang lạc bước vào quá khứ. Sự chảy trôi của thời gian, tác động của thời tiết khiến cho kiến trúc ngôi đền không còn được bảo tồn nguyên vẹn. Nhưng không gian tĩnh lặng cùng khuôn viên rợp bóng cây xanh, rì rào gió lộng và những dấu tích còn lưu lại nơi đây như vẫn đang thì thầm kể chuyện về bậc danh nhân đáng kính trọng, ngưỡng mộ.

Đền thờ là một quần thể kiến trúc với tổng diện tích khoảng 38.000m2, được xây dựng theo kiểu “nội công ngoại quốc”, gồm 2 vòng thành khép kín: Thành ngoài bằng đất, thành trong bằng đá. Bên trong thành nội là các cụm kiến trúc gỗ được xây dựng theo hình chữ “Công”, chữ “Tam”, chữ “Nhị” và chữ “Nhất”. Cổng dẫn vào đền có hình mái vòm, 1 cửa duy nhất, kết hợp giữa kỹ thuật xếp đá (ở thành cổng) và gạch xây (ở phía nóc thành), bên trên có khắc ba chữ “Tướng công môn”. Nhóm tượng chầu dọc hai lối đi dẫn vào đền đa dạng, độc đáo, không chỉ tôn lên nét đẹp kiến trúc, thẩm mỹ, mà tăng thêm phần linh khí nơi đây như: voi đá, chó đá, tướng chầu... Cùng với đó, khu đền thờ còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ như giếng đá, bia đá... Khu vực thờ chính, đến nay, chỉ còn là gian nhà nhỏ, mái ngói cong cong đã nhuốm màu thời gian; phía trong bài trí đơn giản. Với những giá trị văn hóa - lịch sử, nghệ thuật kiến trúc còn lưu giữ lại được, Đền thờ Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1990.

Những bia đá sống cùng lịch sử như tấm bia Trường Thi, những ngôi đền thờ, lễ hội gắn với cuộc đời và sự nghiệp của bậc danh nhân như Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi... là niềm tự hào, đồng thời cũng từ đó mà giáo dục truyền thống, nhân lên tinh thần hiếu học trong mỗi người xứ Thanh.

Bài và ảnh: Hoàng Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]