Mô hình trường học mới VNEN được đánh giá cao với nhiều ưu điểm như giúp giáo viên (GV) và học sinh (HS) chủ động, sáng tạo trong cách dạy và học, hạn chế tối đa việc truyền thụ kiến thức một chiều... Tuy nhiên, sau hơn 6 năm học triển khai thực hiện ở cấp tiểu học kết quả mang lại từ mô hình trường học này vẫn chưa được như mong đợi.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhìn lại việc thực hiện mô hình trường học mới VNEN

Mô hình trường học mới VNEN được đánh giá cao với nhiều ưu điểm như giúp giáo viên (GV) và học sinh (HS) chủ động, sáng tạo trong cách dạy và học, hạn chế tối đa việc truyền thụ kiến thức một chiều... Tuy nhiên, sau hơn 6 năm học triển khai thực hiện ở cấp tiểu học kết quả mang lại từ mô hình trường học này vẫn chưa được như mong đợi.

Nhìn lại việc thực hiện mô hình trường học mới VNEN

Một giờ học theo mô hình trường học mới VNEN của cô, trò Trường Tiểu học Thiệu Nguyên (Thiệu Hóa).

Là một trong hai trường tiểu học trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn thực hiện mô hình trường học mới, Trường Tiểu học Ngọc Trạo luôn bám sát quy định, hướng dẫn của ngành, chủ động, linh hoạt xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với điều kiện nhà trường. Tuy nhiên, theo cô giáo Võ Đào Hoa, hiệu trưởng nhà trường, quá trình thực hiện vẫn gặp không ít khó khăn khi tiếp cận với chương trình, sách giáo khoa, đặc biệt là quy trình tổ chức hoạt động học cho HS. Bên cạnh đó, nhà trường thiếu phòng học, phòng chức năng; GV vừa thiếu lại yếu về năng lực khi triển khai thực hiện mô hình; sĩ số HS/lớp nhiều gần gấp đôi so với quy định của mô hình mỗi lớp từ 20 - 25 HS nên hiệu quả trong dạy, học không cao. Từ những khó khăn, bất cập trên, năm học 2017-2018 nhà trường đã xin ý kiến và được sự đồng ý của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho dừng thực hiện mô hình. Được biết, sau nhiều năm thực hiện, hiện cả 2 trường tiểu học trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn đã dừng tổ chức dạy, học theo mô hình VNEN.

Tương tự, tại Trường Tiểu học Thiệu Nguyên (Thiệu Hóa), việc triển khai mô hình trường học mới VNEN cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, bất cập. Trong đó, khó khăn lớn nhất của nhà trường là cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Do không có nguồn kinh phí nên việc đầu tư, mua sắm đồ dùng, trang thiết bị phục vụ hoạt động nhóm trên lớp chưa bảo đảm. Tính đến năm học 2018-2019, nhà trường thiếu tới 30% sách cho học sinh học, điều này cũng đồng nghĩa với việc nhiều em phải học chung một bộ sách. Cô giáo Thiều Thị Minh, phó hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Mô hình trường học mới có nhiều ưu điểm nhưng nhược điểm cũng không ít. Chưa nói đến việc thiếu kinh phí, cơ sở vật chất, chất lượng HS nhà trường không đồng đều, nhiều em lớp 2 chưa đọc thông, viết thạo, rồi ý thức tự học của các em chưa cao đang là “rào cản” trong quá trình triển khai mô hình. Nhà trường đã đề nghị ngành và sẽ dừng thực hiện mô hình này trong năm học 2019-2020.

Mô hình trường học mới VNEN thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo nguyên tắc lấy HS làm trung tâm, theo đó, GV chỉ là người giao việc, hạn chế tối đa thuyết trình, giảng giải mà tập trung vào việc quan sát, hướng dẫn, tổ chức học tập, hỗ trợ, thúc đẩy quá trình học tập của HS. HS tự thảo luận theo nhóm, phân công nhiệm vụ cho nhau và gặp vấn đề khó không giải đáp được mới yêu cầu sự trợ giúp bằng thẻ cứu trợ. Thế nhưng, theo phản ánh của nhiều GV, một bộ phận HS chưa có ý thức cao trong việc tự học, còn hạn chế khi tham gia thảo luận nhóm. Trong một nhóm từ 5-7 em nhưng chỉ một vài em có ý thức học, biết hợp tác, các em khác còn thiếu tập trung... Đánh giá kết quả sau hơn 6 năm triển khai mô hình trường học mới VNEN trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó trưởng Phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT, cho biết: Dạy học theo mô hình trường học mới VNEN, có một số thuận lợi như HS phát huy tính tự học, sáng tạo, tự giác, tự quản, tự tin, hứng thú trong học tập; phát huy tốt các kỹ năng giao tiếp, hợp tác, tự đánh giá lẫn nhau trong giờ học; gắn kết giữa nội dung dạy học với đời sống thực tiễn của học sinh, của cộng đồng... Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, các trường tham gia thực hiện mô hình vẫn gặp những khó khăn nhất định. Bởi lẽ, yêu cầu của chương trình là HS khi học lên lớp 2 phải biết đọc và viết thành thạo mới tự học được, nhưng thực tế tỷ lệ HS yếu tiếng Việt lại khá phổ biến ở các địa phương, nhất là khu vực miền núi. Điều này khiến cho không ít phụ huynh và GV lo ngại phương pháp học mới này sẽ làm tăng khoảng cách giữa các đối tượng học sinh khá, giỏi và yếu, kém. Một khó khăn nữa đó là các trường tiểu học tham gia dự án VNEN đang gặp phải là vấn đề kinh phí để đầu tư mua sắm thiết bị và đồ dùng dạy học. Một bộ phận GV chưa mạnh dạn đổi mới, chưa nắm chắc phương pháp dạy mới nên vẫn ham thuyết trình, giảng giải, nghiêng về lối dạy cũ. Trong khi đó, hằng năm, các địa phương đều thực hiện công tác điều động, luân chuyển GV, nhiều GV dạy ở trường không thực hiện mô hình VNEN được điều động đến trường thực hiện mô hình VNEN nên việc tiếp cận và hiệu quả triển khai dạy học của GV luân chuyển không cao...

Theo thống kê, năm học 2012-2013, tỉnh ta có 91 trường tiểu học thuộc 27 huyện, thị xã, thành phố tham gia mô hình trường học mới VNEN, trong đó có 15 trường thuộc các xã đặc biệt khó khăn, 46 trường thuộc khu vực miền núi. Đến năm học 2018-2019 đã có 4 trường xin không tham gia mô hình và được Sở GD&ĐT chấp thuận, trong đó, thị xã Bỉm Sơn có 2 trường, huyện Đông Sơn có 2 trường. Được biết, quan điểm của ngành giáo dục tỉnh nhà hiện nay là không nhân rộng mô hình; linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT trong quản lý, cách đánh giá HS, tổ chức hoạt động học cho HS, không vận dụng máy móc 5 hoạt động học cũng như việc bố trí lớp học theo mô hình mới, tổ chức dạy học không nhất thiết theo nhóm... Cùng với đó, động viên các nhà trường tiếp tục thực hiện mô hình đến khi Bộ GD&ĐT thực hiện chương trình thay sách.

Phong Sắc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]