(Baothanhhoa.vn) - Ngoài tình yêu học trò, nhiệt huyết, trách nhiệm với công việc, thì với mỗi thầy, cô giáo, phương pháp dạy học là rất quan trọng, cũng góp phần quan trọng làm nên “thương hiệu”, “bản sắc” và thành công. Cô giáo, Ths. Nguyễn Thị Hương (Trường THPT Quảng Xương 1) là một trong số đó.

Người góp phần đưa văn học đến gần hơn với học sinh

Ngoài tình yêu học trò, nhiệt huyết, trách nhiệm với công việc, thì với mỗi thầy, cô giáo, phương pháp dạy học là rất quan trọng, cũng góp phần quan trọng làm nên “thương hiệu”, “bản sắc” và thành công. Cô giáo, Ths. Nguyễn Thị Hương (Trường THPT Quảng Xương 1) là một trong số đó.

Người góp phần đưa văn học đến gần hơn với học sinhCô giáo Nguyễn Thị Hương luôn tìm tòi, sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học để tạo hứng thú cho học sinh trong mỗi giờ học Ngữ Văn.

“Vì gia đình nghèo, lại đông em nên bố mẹ khuyên mình nghỉ học để đi làm phụ giúp gia đình từ năm lớp 7, song mình vẫn cố gắng xin đi học. Với mình lúc bấy giờ, hoàn cảnh gia đình cũng không làm mình nản chí, buông xuôi hay vơi bớt khao khát được cắp sách đến trường, được cùng bạn bè lắng nghe thầy cô giảng bài trên bục giảng, được bước vào thế giới văn học qua những trang sách. Và có lẽ, chính những khao khát ấy đã biến thành đam mê, động lực thôi thúc. Mình vẫn nhớ niềm vui sướng khi được tham gia trò chơi đóng vai làm cô giáo dạy chữ cái cho mấy đứa em và tụi nhỏ hàng xóm. Mình thích được làm cô giáo từ khi còn bé lắm”. Câu chuyện giữa tôi và cô giáo Hương bắt đầu từ những câu chuyện vui, chia sẻ chân thành như thế.

Cũng từ những ngày còn bé, cô giáo Hương đã dành nhiều sự say mê, thích thú và bộc lộ năng khiếu đối với môn Ngữ Văn. Từ những bài giảng tâm huyết của thầy cô trên lớp, trải qua các cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, cô Hương thi đỗ vào khoa Văn Đại học Sư phạm Vinh rồi tiếp tục học cao học tại Đại học Sư phạm Hà Nội chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn Văn. Sau nhiều năm giảng dạy bộ môn Ngữ Văn tại Trường THPT Cầm Bá Thước (Thường Xuân), từ tháng 8/2011 đến nay cô Hương công tác ở Trường THPT Quảng Xương 1 - một trong những “điểm sáng” về chất lượng giáo dục của tỉnh Thanh Hóa. Bên cạnh việc giảng dạy cho các em học sinh trên lớp, cô Hương còn mở trang “Học Ngữ Văn cùng cô Nguyễn Hương” trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Youtube dạy Văn trực tuyến. Mỗi bài giảng của cô Hương thu hút đông đảo học sinh trong và ngoài tỉnh tham gia, nhận được nhiều phản hồi tích cực. Cô Hương cho biết: “Đây là niềm vui, cổ vũ, động viên rất lớn đối với mình. Còn gì quý giá hơn với một người thầy, người cô là bài giảng của mình được học sinh đón nhận, yêu thích và những kiến thức truyền tải, phương pháp dạy của mình giúp các em ngày càng hứng thú hơn, học tốt hơn”.

Trong suốt 20 năm giảng dạy bộ môn Ngữ Văn, cô Hương đã “gặt hái” được nhiều thành tích đáng ngưỡng mộ, có nhiều học sinh đạt giải cao, điểm cao môn Ngữ Văn trong các kỳ thi học sinh giỏi tỉnh, tốt nghiệp THPT quốc gia. Năm học 2016-2017, đội tuyển Văn của Trường THPT Quảng Xương do cô Hương bồi dưỡng tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh có 5/5 em đoạt giải; trong đó có 1 giải nhất, 2 giải nhì, 1 giải ba, 1 giải khuyến khích, xếp thứ 2 toàn tỉnh và thứ nhất toàn huyện. Năm học 2018-2019, cô Hương và đội tuyển Văn của trường tiếp tục giành nhiều giải cao tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, gồm: 1 giải nhì, 1 giải ba, 1 giải khuyến khích. Có những học sinh do cô trực tiếp dạy đạt số điểm từ 9,0 đến 9,5 môn Văn trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Điều cô Hương cảm thấy hạnh phúc nhất, đó là được lan tỏa tình yêu, đưa Ngữ văn đến gần hơn với học sinh. “Thành tựu” lớn nhất mà cô có được chính là sự trưởng thành theo thời gian, thành công của các thế hệ học trò và tình cảm, niềm trân trọng mà các em dành cho mình.

“Em cảm ơn cô! Người phụ nữ thật nhiệt huyết với công việc của mình. Chắc cô trò mình dù chỉ mới gắn bó với nhau không đến một tháng cô nhỉ. Ban đầu em đến với cô chỉ còn 3 tuần nữa là là thi. Từ một đứa viết văn lủng củng, thậm chí chưa biết triển khai luận điểm như thế nào, điểm số lúc nào cũng ở mức 5 đến 6, không biết viết câu văn như thế nào cho mềm mại, cho cảm xúc... Ấy vậy mà khi gặp cô, dù chỉ là học trực tuyến, dù thời gian chỉ còn vỏn vẹn 3 tuần, nhưng cô vẫn cố gắng giúp đỡ chúng em. Cô trò mình có những đêm phải thức đến gần 1 giờ sáng, cô nhỉ. Trong suốt 12 năm đi học, em chưa từng gặp một thầy, cô “dạy học từ xa” mà sẵn sàng thức cùng học sinh như thế. Cô có phương pháp dạy học rất hay...”. Những dòng tin nhắn tâm sự của học sinh sau khi học trực tuyến cùng cô Hương như gửi gắm bao tình cảm yêu mến, lòng biết ơn.

Ngoài tình yêu học trò, nhiệt huyết, trách nhiệm với công việc, thì với mỗi thầy, cô giáo, phương pháp dạy học là rất quan trọng, cũng góp phần quan trọng làm nên “thương hiệu”, sự thành công. Dạy văn và học văn vẫn luôn là chủ đề nhận được sự quan tâm, bàn luận. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc dạy văn và học văn của chúng ta vẫn bộc lộ hạn chế. Từ thực tiễn, kinh nghiệm dạy học, bản thân cô Hương cũng băn khoăn, trăn trở rất nhiều về vấn đề này. Điều đó được cô quan tâm, tập trung khai thác, diễn giải từ những ngày làm luận văn thạc sĩ, cũng từng có nhiều bài viết bày tỏ quan điểm, phương pháp để đổi mới phương pháp dạy và học văn với loạt bài đăng tải trên báo chí. Có rất nhiều nguyên nhân được “chỉ điểm”. Cô Hương nhận định: “Thực sự việc dạy văn và học văn thời nào và lúc nào cũng có nhiều vấn đề tồn tại và bộc lộ nhiều hạn chế từ chương trình, sách giáo khoa, kiểm tra đánh giá đến các giờ giảng của giáo viên đứng lớp, học tủ, học gạo, phụ thuộc văn mẫu; sự thờ ơ của học sinh đối với môn Văn... Giờ học khô khan thiếu sức hấp dẫn, không tạo được hứng thú; tình trạng đọc chép của học sinh; tình trạng giáo viên thuyết giảng một chiều"...

Quãng thời gian 20 năm gắn bó với nghề giáo, giảng dạy môn Ngữ Văn ở bậc THPT, cô trải qua nhiều lần cải cách, đổi mới giáo dục, thay sách... Nhưng cô luôn tâm niệm một điều: “Dù chương trình, mục tiêu có thay đổi thế nào thì bộ môn Ngữ Văn trong nhà trường cũng không thể đánh mất bản chất thẩm mỹ và vai trò sứ mệnh trong việc hun đúc lý tưởng thẩm mỹ, bồi dưỡng thị hiếu thẩm mỹ cho người học”. Vì vậy, thầy cô giáo khi “đứng lớp”, trước hết, phải là người truyền cảm hứng, thực sự yêu và hiểu môn Văn. Đừng khô cứng, “đóng khung” với cách học “đọc - chép”, học thuộc như cái máy. Mỗi giờ học cần có sự trao đổi, tương tác; học sinh được phát huy trí liên tưởng, tưởng tượng, năng lực phân tích, tổng hợp và bày tỏ quan điểm của mình...

Việc dạy và học môn Ngữ Văn theo Chương trình GDPT 2018 có nhiều ưu điểm nổi bật. Dạy học theo hướng phát triển kỹ năng giúp học sinh được hình thành và rèn luyện kỹ năng đọc hiểu - viết - nghe - nói tập trung và toàn diện điều này sẽ thổi một luồng gió mới, mang đến nhiều trải nghiệm học tập thú vị cho học sinh. Sự thay đổi hoàn toàn từ nội dung, kiểm tra đánh giá giúp giáo viên, học sinh thoát tình trạng đọc chép, học và thi theo văn mẫu. Học sinh được mở rộng vốn đọc, học phương pháp chung, không học thuộc máy móc... Chính điều này đã tạo ra nhiều cơ hội cũng như thử thách với giáo viên và học sinh.

“Đổi mới giúp cho giờ học Ngữ Văn mang màu sắc khác, sẽ khai phá được thêm nhiều năng lực, phẩm chất của học sinh hơn. Tuy nhiên, có hiệu quả và triệt để hay không còn phụ thuộc vào phẩm chất năng lực và sự trở mình lột xác của chính giáo viên và sự tích cực chủ động ở học sinh”, cô Hương cho biết.

Bài và ảnh: Hương Thảo



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]