(Baothanhhoa.vn) - Lấy cảm hứng từ mô hình Happy School của UNESCO (Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc), mô hình “Trường học hạnh phúc” đang được triển khai ở nhiều địa phương trong cả nước. Từ năm học 2021-2022, ngành giáo dục Thanh Hóa cũng đã phát động triển khai mô hình này trong các trường học với thông điệp “Nhà trường, thầy, cô giáo thay đổi để hướng đến một môi trường sư phạm văn minh, thân thiện, an toàn”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11): Xây dựng “Trường học hạnh phúc” trong ngành giáo dục

Lấy cảm hứng từ mô hình Happy School của UNESCO (Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc), mô hình “Trường học hạnh phúc” đang được triển khai ở nhiều địa phương trong cả nước. Từ năm học 2021-2022, ngành giáo dục Thanh Hóa cũng đã phát động triển khai mô hình này trong các trường học với thông điệp “Nhà trường, thầy, cô giáo thay đổi để hướng đến một môi trường sư phạm văn minh, thân thiện, an toàn”.

Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11): Xây dựng “Trường học hạnh phúc” trong ngành giáo dục

Cô, trò Trường Mầm non Cẩm Ngọc (Cẩm Thủy).

Chia sẻ về việc xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” trên địa bàn tỉnh, ông Trần Văn Bình, Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục Thanh Hóa cho biết: Giá trị và mục tiêu hướng đến của các nhà trường là tạo ra một môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện cho cả thầy và trò. Tuy nhiên, trước những tác động của nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, nhất là những tác động xấu của mặt trái kinh tế thị trường, của mạng xã hội... đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý lứa tuổi học trò khiến nhiều em có những suy nghĩ, hành động lệch với những chuẩn mực đạo đức, văn hóa của xã hội. Trong thời gian qua đã xảy ra nhiều câu chuyện đau lòng liên quan đến học sinh (HS) ở một số địa phương trong và ngoài tỉnh như: HS đánh nhau quay clip tung lên mạng xã hội, những cái chết thương tâm khi HS bị bỏ quên trên xe ô tô hay chết do cây đổ, cổng trường đổ và nhiều tai nạn, rủi ro khác. Gần đây nhất, 3 học sinh lớp 8 Trường THCS Xuân Sơn (Thọ Xuân) bị đuối nước thương tâm... Rồi có cả trường hợp bảo mẫu bạo hành trẻ em tại một số cơ sở giáo dục mầm non, giáo viên chửi mắng, hành xử với HS một cách thiếu văn hóa; có những phụ huynh cư xử thiếu chuẩn mực, chà đạp lên nhân phẩm, danh dự người thầy... Những hành động tiêu cực này đã để lại dư chấn và hệ lụy không hề nhỏ, gây tâm lý hoài nghi, mất niềm tin, làm giãn cách mối quan hệ thầy trò, gia đình và nhà trường. Tất cả những lý do đó là động lực căn cơ buộc chúng ta phải thay đổi để xây dựng trường học là nơi không có bạo lực học đường, không có hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, không có những hành xử xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể nhà giáo và HS; là nơi thầy, cô và HS được tiếp nhận tri thức, sẻ chia, cảm thông và yêu thương nhau.

Được biết, mới đây, công đoàn ngành giáo dục Thanh Hóa đã phối hợp với công đoàn cơ sở tổ chức hội thảo xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” nhằm truyền đạt cũng như quán triệt những nội dung cốt lõi của việc xây dựng “Trường học hạnh phúc” tới đông đảo cán bộ quản lý, giáo viên các trường học. Trong đó nhấn mạnh 3 yếu tố để xây dựng “Trường học hạnh phúc” đúng nghĩa, đó là: yêu thương, an toàn và tôn trọng. Đồng thời xác định hoạt động nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo và đổi mới phương pháp giảng dạy là yếu tố quyết định để xây dựng nên một trường học hạnh phúc.

Cô giáo Trương Thị Ngọc Hân, giáo viên Trường THPT Nông Cống I (Nông Cống) cho hay: Thời gian gần đây, “Trường học hạnh phúc” đã trở thành từ khóa quen thuộc và quan trọng của ngành giáo dục. Nhìn lại quá trình xây dựng và phát triển của Trường THPT Nông Cống I cho thấy, việc xây dựng môi trường học tập thân thiện và hạnh phúc luôn được nhà trường quan tâm và các thế hệ cán bộ, giáo viên luôn có ý thức xây dựng. Đội ngũ giáo viên trong nhà trường đã nắm bắt với tư duy tích cực, xác định cần thay đổi từ nhận thức tới hành động để kiến tạo nên ngôi trường hạnh phúc. Mục tiêu hướng tới của nhà trường là xây dựng trường học “8 không” - không bạo lực học đường; không tệ nạn xã hội; không để cháy nổ xảy ra; không gây ô nhiễm môi trường; không có hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo; không có những hành xử xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể nhà giáo và HS; không nói tục, chửi thề và không để kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ.

Từ nội hàm của “hạnh phúc” cho thấy, “Trường học hạnh phúc” phải là nơi thầy, cô giáo, các em HS cũng như phụ huynh đều cảm thấy hạnh phúc trong quá trình dạy và học. Đó là nơi tình yêu thương giữa các nhà giáo với nhau, giữa thầy và trò, giữa trò với trò được trân trọng và bồi đắp hằng ngày. “Trường học hạnh phúc” phải là nơi an toàn cho các hoạt động dạy và học của thầy trò, không tồn tại cách hành xử bạo lực, không diễn ra các hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, không có sự xúc phạm danh dự, nhân phẩm, tính mạng nhà giáo và HS. “Trường học hạnh phúc” không chỉ lưu tâm truyền thụ kiến thức, kỹ năng, thái độ cho HS, mà còn chú trọng giáo dục cảm xúc cho các em. Mọi xúc cảm riêng biệt, cá tính sáng tạo của thầy và trò đều được tôn trọng, chứ không bị áp đặt một cách máy móc, rập khuôn theo phương cách giáo dục xưa cũ lỗi thời, lạc hậu...

Với ý nghĩa đó, theo đồng chí Bùi Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, để xây dựng thành công “Trường học hạnh phúc” cần nêu cao tinh thần dân chủ; không áp đặt, rập khuôn, một chiều; không nhồi nhét kiến thức; không chạy theo hình thức, hư danh. Trong môi trường này cần những không gian, chân trời của sự sáng tạo với những tri thức, tư duy mới không ngừng được khai phóng cùng tình yêu thương, sẻ chia. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục, các nhà trường cần bám sát vào các tiêu chí để xây dựng “Trường học hạnh phúc”, đó là: Tiêu chí về môi trường nhà trường và phát triển cá nhân, trong đó tập trung vào việc xây dựng môi trường làm việc và học tập lý tưởng cho cả giáo viên và HS; tiêu chí về dạy và học, trong đó tập trung vào việc tạo các điều kiện tốt nhất để mỗi HS có cơ hội phát triển, thể hiện và khẳng định năng lực bản thân và tiêu chí về các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường, trong đó tập trung vào việc giúp đỡ chia sẻ với HS; đồng thời phối hợp hiệu quả với phụ huynh, cộng đồng xã hội trong công tác giáo dục HS.

Thực tế cho thấy, xây dựng “Trường học hạnh phúc” luôn là nỗi trăn trở của mỗi nhà giáo. Đây chính là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục cả trong chặng đường trước mắt và lâu dài. Để xây dựng thành công “Trường học hạnh phúc”, trước hết phải xây dựng môi trường hạnh phúc, giáo viên hạnh phúc. Nếu giáo viên cảm thấy hạnh phúc, họ sẽ lan tỏa năng lượng này đến HS. Thầy, cô hạnh phúc, HS hạnh phúc sẽ tạo nên lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc. Khi ấy, niềm hạnh phúc không chỉ bó hẹp trong môi trường học đường mà sẽ lan tỏa đến gia đình hạnh phúc, xã hội hạnh phúc.

Bài và ảnh: Hoàng Xuân


Bài và ảnh: Hoàng Xuân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]