(Baothanhhoa.vn) - Mục đích khảo sát, đánh giá là nắm được chất lượng thực của đội ngũ giáo viên (GV) tiếng Anh của tỉnh, giúp cho GV tự nhận biết được trình độ chuyên môn của mình đang ở mức độ nào, từ đó có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khảo sát năng lực giáo viên tiếng Anh – giải pháp cho chất lượng

Mục đích khảo sát, đánh giá là nắm được chất lượng thực của đội ngũ giáo viên (GV) tiếng Anh của tỉnh, giúp cho GV tự nhận biết được trình độ chuyên môn của mình đang ở mức độ nào, từ đó có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn.

Khảo sát năng lực giáo viên tiếng Anh – giải pháp cho chất lượng

Học sinh Trường Tiểu học Tam Chung (Mường Lát) trong giờ học tiếng Anh.

Xuất phát từ chất lượng dạy và học môn tiếng Anh, đồng thời thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, ngành giáo dục đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các đơn vị giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025”. Thực hiện đề án này, Sở GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch khảo sát, đánh giá trình độ, năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ giáo viên (GV) tiếng Anh trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch này hướng đến mục tiêu kiện toàn và tăng cường năng lực đội ngũ GV tiếng Anh, nâng cao chất lượng dạy và học môn tiếng Anh trong các trường phổ thông.

Vì sao phải khảo sát, đánh giá?

Có thể thấy, trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, ngành giáo dục tỉnh ta đã tích cực, chủ động đổi mới về mọi mặt, không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học các môn học nói chung, môn ngoại ngữ nói riêng trong các cấp, bậc học. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020” của Bộ GD&ĐT, chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các nhà trường ở Thanh Hóa vẫn bộc lộ những hạn chế, yếu kém. Thống kê điểm thi môn tiếng Anh của tỉnh trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 và 2016 cho thấy: Năm 2015, toàn tỉnh có 2,32% học sinh (HS) đạt điểm khá, giỏi; 3,03% HS đạt điểm trung bình; 94,65% HS đạt điểm yếu kém. Năm 2016 kết quả thấp hơn chỉ có 0,46% HS đạt điểm khá, giỏi, 1,83% HS đạt điểm trung bình và có đến 97,71% HS đạt điểm yếu, kém. Đặc biệt, Thanh Hóa xếp thứ 56 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước về điểm trung bình môn tiếng Anh trong kỳ thi THPT quốc gia những năm gần đây. Đối với GV, hiện toàn tỉnh có gần 600 GV tiếng Anh cấp THPT, trên 1.000 GV cấp THCS và 654 GV cấp tiểu học. Tất cả GV dạy tiếng Anh ở các cấp học đều đạt chuẩn về bằng cấp, song, do được đào tạo bằng nhiều nguồn khác nhau như chính quy, tại chức, từ xa và từ nhiều trường đại học khác nhau trong cả nước nên chất lượng không đồng đều. Qua thống kê của Sở GD&ĐT cho thấy, số lượng GV tiếng Anh đang giảng dạy trong các nhà trường trên địa bàn tỉnh tốt nghiệp các hệ đào tạo không chính quy lên tới 55,17%, trong đó THPT 26%, THCS 66,48%, tiểu học 73,04%. Trong khi đó, số lượng GV được đào tạo hệ chính quy trong giảng dạy vẫn còn nặng về kiến thức ngữ pháp, từ vựng, khả năng tổ chức các hoạt động dạy và học theo hướng giao tiếp chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn... Từ thực tế này, cần thiết phải xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các đơn vị GDĐT trên địa bàn tỉnh đến năm 2025”. Và việc tổ chức khảo sát, đánh giá trình độ, năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ GV tiếng Anh được xem là giải pháp tất yếu để thực hiện có hiệu quả đề án trên. Qua đó, từng bước nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ GV, hướng tới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Ngày 13-2-2019, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có công văn số 272/SGD ĐT-GDTrH, về kế hoạch cụ thể để tiến hành khảo sát, đánh giá năng lực cho giáo viên Tiếng Anh trên địa bàn.

Quá trình khảo sát được triển khai thành 2 đợt: Đợt một (chiều 9 đến 10-3) sẽ khảo sát cho 630 người gồm giáo viên chưa đạt chuẩn; chưa tham gia khảo sát, đánh giá; giáo viên đã tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ sau khảo sát nhưng chưa đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT. Đợt hai (20 đến 21-4) sẽ khảo sát cho 550 giáo viên tiếng Anh gồm số đã tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ; giáo viên tự bồi dưỡng đạt chuẩn tính từ năm 2011 đến nay.

Khảo sát để nâng cao chất lượng

Để nâng cao chất lượng dạy học môn tiếng Anh cần thay đổi nhiều yếu tố như nhận thức về vai trò ý nghĩa của tiếng Anh trong mỗi cán bộ, GV, người dân, sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất của xã hội và đặc biệt là phải nâng được chất lượng đội ngũ GV tiếng Anh. Vì lẽ đó, ngay sau khi Đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các đơn vị GD&ĐT tỉnh đến năm 2025” được thực thi, Sở GD&ĐT đã ban hành nhiều công văn, hướng dẫn các nhà trường thực hiện. Đặc biệt là việc xây dựng kế hoạch khảo sát, đánh giá trình độ, năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ GV tiếng Anh. Thực hiện kế hoạch, trong năm 2019, Sở GD&ĐT sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá trình độ năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ GV tiếng Anh các cấp học trên địa bàn tỉnh với số lượng 1.180 GV. Theo Công văn số 272/SGDĐT-GDTrH, ngày 13-2-2019 của Sở GD&ĐT, kế hoạch khảo sát, đánh giá trình độ năng lực được triển khai thành 2 đợt. Trong đó, đợt 1 sẽ triển khai khảo sát cho 630 GV tiếng Anh, bao, gồm: Số GV chưa đạt chuẩn; GV chưa tham gia khảo sát, đánh giá; GV đã tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ sau khảo sát nhưng chưa đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT. Thời gian tổ chức khảo sát, đánh giá trong 2 ngày 9 và 10-3-2019. Đợt 2 sẽ triển khai khảo sát cho 550 GV tiếng Anh, bao gồm: Số lượng GV đã tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ; GV tự bồi dưỡng đạt chuẩn tính từ năm 2011 đến nay. Thời gian tổ chức khảo sát, đánh giá trong 2 ngày 20 và 21-4-2019. Đơn vị tham gia tổ chức khảo sát là Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Trước khi tổ chức khảo sát, đánh giá, Sở GD&ĐT phối hợp với Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức bồi dưỡng và hướng dẫn cho GV tiếng Anh về quy định, quy chế, kỹ năng làm bài khảo sát tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc.

Ngay sau khi kế hoạch được ban hành nhiều GV tỏ ra băn khoăn, lo lắng. Đặc biệt là sau khi khảo sát xong nếu không đạt sẽ như thế nào?. Về vấn đề này, đồng chí Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT cho hay: Mục đích khảo sát, đánh giá là nắm được chất lượng thực của đội ngũ GV tiếng Anh của tỉnh, giúp cho GV tự nhận biết được trình độ chuyên môn của mình đang ở mức độ nào, từ đó có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn. Nếu GV khảo sát lần đầu không đạt sẽ phải tham gia các lớp bồi dưỡng. Sau khi được học tập, bồi dưỡng xong, tổ chức, đánh giá lần nữa mà vẫn không đạt yêu cầu thì lúc này Sở GD&ĐT và Sở Nội vụ sẽ báo cáo UBND tỉnh có hướng sắp xếp, bố trí GV phù hợp. Đồng chí Giám đốc Sở GD&ĐT nhấn mạnh, quá trình tổ chức khảo sát, đánh giá Sở GD&ĐT sẽ tạo mọi điều kiện, không gây áp lực cho GV tham gia khảo sát, đánh giá. Về kinh phí khảo sát do tỉnh hỗ trợ, tuy nhiên, sau khảo sát, GV nào không đạt chuẩn thì phải tự túc kinh phí để đi học bồi dưỡng.

Việc thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các đơn vị GDĐT trên địa bàn tỉnh đến năm 2025” cũng như tổ chức khảo sát, đánh giá trình độ, năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ GV tiếng Anh thể hiện sự quan tâm của tỉnh, của ngành giáo dục đối với mỗi GV và sự phát triển của ngành. Vì vậy, ngoài việc đầu tư, tạo điều kiện của tỉnh, của ngành, sự ủng hộ của các lực lượng xã hội, tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, sự tích cực của GV trong dạy học, tự học và tự bồi dưỡng là không thể thiếu để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và vai trò của người GV ngoại ngữ trong bối cảnh hiện nay. Như chúng ta đã biết, ngoại ngữ vẫn được ví là “chìa khóa vàng” để hội nhập quốc tế, nên việc dạy học ngoại ngữ hiện nay là cần thiết và quan trọng. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ dạy học có nhiều thuận lợi nhưng khó khăn, thách thức cũng không ít. Từ sự nỗ lực, cố gắng của ngành, của các đơn vị nhà trường và mỗi GV, sự quan tâm, đầu tư kịp thời của ngành chức năng, hy vọng trong những năm học tới, quy mô, chất lượng, hiệu quả dạy và học môn tiếng Anh ở các trường sẽ không ngừng nâng lên, từng bước góp phần thực hiện thành công Đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các đơn vị GDĐT trên địa bàn tỉnh đến năm 2025”, phấn đấu đến năm 2025, ít nhất 80% GV được bồi dưỡng phương pháp giảng dạy; 100% GV tiếng Anh các cấp đạt chuẩn trình độ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc. Trong đó GV tiếng Anh tiểu học, THCS đạt trình độ ngoại ngữ tối thiểu bậc 4 (B2); GV tiếng Anh THPT đạt trình độ ngoại ngữ tối thiểu bậc 5 (C1). 100% HS đạt chuẩn đầu ra theo quy định của Bộ GD&ĐT. Trong đó, HS lớp 5 cấp tiểu học đạt trình độ ngoại ngữ bậc 1 (A1); học sinh lớp 9 cấp THCS đạt trình độ ngoại ngữ bậc 2 (A2); HS lớp 12 cấp THPT đạt trình độ ngoại ngữ bậc 3 (B1).

Trong 2 ngày 23, 24-2, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã phối hợp với Trường Đại học Ngoại ngữ về tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ giáo viên Tiếng Anh để các thầy cô giáo tự tin bước vào đợt khảo sát sắp tới. Đồng thời, trò chuyện để những giáo viên này yên tâm công tác trong thời gian tiếp theo.

Mong muốn qua đợt khảo sát sẽ đánh giá được đúng chất lượng giáo viên Tiếng Anh ở các cấp học trên địa bàn tỉnh, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã phối hợp với Trường Đại học Ngoại ngữ chuẩn bị rất kỹ lưỡng để việc khảo sát diễn ra nghiêm túc, khách quan. Đến thời điểm hiện nay, công tác chuẩn bị cho kỳ thi khảo sát đã hoàn tất.

Phong Sắc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]