(Baothanhhoa.vn) - Cùng với hoạt động dạy, học văn hóa, ngành giáo dục Hoằng Hóa luôn quan tâm đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống cho học sinh (HS) thông qua các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh trên địa bàn. Qua đó, khơi dậy tinh thần trách nhiệm, niềm tự hào và trân trọng truyền thống lịch sử quý báu của dân tộc cho thế hệ trẻ.

Hoằng Hóa quan tâm giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử địa phương cho học sinh

Cùng với hoạt động dạy, học văn hóa, ngành giáo dục Hoằng Hóa luôn quan tâm đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống cho học sinh (HS) thông qua các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh trên địa bàn. Qua đó, khơi dậy tinh thần trách nhiệm, niềm tự hào và trân trọng truyền thống lịch sử quý báu của dân tộc cho thế hệ trẻ.

Hoằng Hóa quan tâm giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử địa phương cho học sinhGiáo viên và học sinh Trường THCS Tố Như tham quan di tích lịch sử, văn hóa quốc gia Bảng Môn Đình, xã Hoằng Lộc.

Huyện Hoằng Hóa có gần 100 di tích lịch sử được xếp hạng, trong đó có 16 di tích xếp hạng cấp quốc gia. Đây là cơ sở và cũng là những địa danh ý nghĩa để ngành giáo dục huyện Hoằng Hóa tổ chức cho HS tham quan, tìm hiểu những giá trị văn hóa, lịch sử của quê hương. Đặc biệt, Nhà truyền thống huyện Hoằng Hóa được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2020 với nhiều tư liệu, hình ảnh, hiện vật phản ánh một phần tiến trình lịch sử, văn hóa, cách mạng của đất và người Hoằng Hóa cũng được xem là điểm đến rất ý nghĩa cho HS các nhà trường cùng tìm hiểu quá trình trưởng thành phát triển đi lên của quê hương Hoằng Hóa.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường THCS Hoằng Quý, cho biết: Những năm qua, cùng với việc dạy văn hóa, để HS hiểu rõ hơn những giá trị văn hóa, lịch sử cũng như những truyền thống tốt đẹp của ông cha, hàng năm nhà trường đều tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp như: “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”... Vào dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của Đảng, của dân tộc như: Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2), Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4), Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Ngày Thương binh, liệt sĩ (27-7), Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22-12)... nhà trường đều tổ chức các hoạt động ý nghĩa, thiết thực như: thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách, HS có hoàn cảnh khó khăn, thăm di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện; phối hợp Hội Cựu chiến binh xã tổ chức các buổi nói chuyện về truyền thống cách mạng... Đây là hình thức giáo dục trực quan sinh động giúp HS biết tri ân những thế hệ đã hy sinh máu xương của mình để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Đồng thời, nhắc nhở thế hệ trẻ phải tiếp bước cha anh, kế tục xứng đáng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo thầy giáo Đoàn Đăng Khoa, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Hoằng Hóa, từ sự chỉ đạo của phòng giáo dục, ngay từ đầu năm học, các trường trên địa bàn huyện đều xây dựng kế hoạch và phân công giáo viên giảng dạy, tiến hành lồng ghép việc giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử địa phương cho HS thông qua các môn học chính khóa như: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân... Quá trình giảng dạy yêu cầu giáo viên chuẩn bị nguồn tư liệu lịch sử đảm bảo tính khoa học, có chọn lọc, sinh động, phù hợp với đối tượng HS các cấp học, làm cho các em có thể hình dung một cách khái quát nhất về lịch sử hình thành, phát triển và những truyền thống của quê hương, đất nước. Ngoài ra, phòng GD&ĐT huyện còn chỉ đạo các trường tổ chức các buổi học ngoại khóa tham quan, tìm hiểu các điểm di tích lịch sử, văn hóa tại địa phương. Thông qua hoạt động này, bồi dưỡng thêm lòng tự hào về truyền thống của dân tộc trong mỗi HS. Từ đó, giúp cho các em hiểu hơn về giá trị của hòa bình, độc lập, khí phách của những người anh hùng trung kiên, bất khuất để ra sức học tập. Càng tự hào với lịch sử anh hùng của quê hương, truyền thống cách mạng của cha anh bao nhiêu, thế hệ trẻ càng quyết tâm học tập, rèn luyện để trở thành những người kế thừa xứng đáng.

Qua thống kê, mỗi năm các trường trên địa bàn huyện Hoằng Hóa tổ chức gần 100 đoàn với khoảng 6.000 HS, giáo viên, phụ huynh tham gia hoạt động trải nghiệm tại các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh trên địa bàn như: Bảng Môn Đình - nơi thờ 12 vị đại khoa của xã Hoằng Lộc; nhà thờ Nguyễn Quỳnh; nhà thờ Thượng thư Quận công Bùi Khắc Nhất; Đài chiến thắng trận đầu của Hải Quân Nhân dân Việt Nam, Chùa Bụt, Hòn Bò... Hoạt động này giúp các em HS tìm hiểu sâu sắc những giá trị lịch sử và truyền thống cách mạng của quê hương, qua đó, nâng cao nhận thức, lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho HS. Em Lê Thị Hà An, HS Trường THCS Nhữ Bá Sỹ chia sẻ: “Được đến các di tích lịch sử ngay tại quê mình, em cũng như các bạn cùng lớp, cùng trường cảm thấy rất tự hào và có thêm ý chí quyết tâm trong học tập và rèn luyện để trở thành công dân có ích”.

Có thể thấy, việc các trường trên địa bàn huyện Hoằng Hóa tổ chức nhiều tiết học gắn với các di tích lịch sử của địa phương đã, đang mang lại nhiều hiệu ứng tích cực. Thông qua hoạt động ý nghĩa này các em HS chủ động tìm hiểu lịch sử, văn hóa của địa phương. Từ đó, biết trân trọng những giá trị truyền thống, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa một cách hiệu quả, thiết thực hơn. Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hoằng Hóa Đoàn Đăng Khoa, việc làm này là cần thiết và là một hướng đi đúng, phù hợp với thực tiễn giáo dục hiện nay. Từ ý nghĩa đó, trong thời gian tới, ngành giáo dục huyện tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thống cho HS thông qua các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh trên địa bàn. Qua đó, định hướng lý tưởng cho HS, giúp các em có ý thức bảo vệ, gìn giữ những di tích lịch sử và tự hào về những giá trị truyền thống của quê hương.

Bài và ảnh: Phong Sắc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]