(Baothanhhoa.vn) - Luân chuyển giáo viên liên vùng, liên huyện là chủ trương lớn, có ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ và chất lượng giáo dục hiện nay. Tuy nhiên, có đôi khi, chính sách lại đang tạo ra gánh nặng cho những người thực thi và tác động trực tiếp đến quyền lợi, cuộc sống, nghề nghiệp, tâm tư, tình cảm, thậm chí là niềm tin của đội ngũ nhà giáo. Đồng thời, nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình thực thi chính sách, đã và đang khiến cho con đường luân chuyển giáo viên trở thành những “cung đường ngược” nhiều trái khoáy và lắm nước mắt.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giáo viên luân chuyển – những “cung đường ngược”: Bài 1 - Đi dễ… khó về

Luân chuyển giáo viên liên vùng, liên huyện là chủ trương lớn, có ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ và chất lượng giáo dục hiện nay. Tuy nhiên, có đôi khi, chính sách lại đang tạo ra gánh nặng cho những người thực thi và tác động trực tiếp đến quyền lợi, cuộc sống, nghề nghiệp, tâm tư, tình cảm, thậm chí là niềm tin của đội ngũ nhà giáo. Đồng thời, nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình thực thi chính sách, đã và đang khiến cho con đường luân chuyển giáo viên trở thành những “cung đường ngược” nhiều trái khoáy và lắm nước mắt.

Giáo viên luân chuyển – những “cung đường ngược”: Bài 1 - Đi dễ… khó về

Học sinh Trường THCS Pù Nhi (Mường Lát) trong giờ tập thể dục.

Nước mắt thấm vào đá núi

Chúng tôi đến Trường THCS Trung Sơn (Quan Hóa) đúng lúc cô giáo Lê Thị Nhàn đang chuẩn bị cho giờ lên lớp. Nán lại đôi phút tiếp chuyện chúng tôi, chị Nhàn kể chuyện mà đôi mắt ngấn lệ. Tôi cứ nghĩ hết thời gian đi “nghĩa vụ” 3 năm với nữ và 5 năm đối với nam như quy định thì sẽ được trở về quê nhà để tiếp tục cống hiến sức trẻ cho sự nghiệp “trồng người”. Thế nhưng, đến nay, 13 năm công tác trong ngành là bấy nhiêu thời gian tôi gắn bó với sự nghiệp “trồng người” ở vùng “sơn cước”. Từ năm 2009 đến nay, cô Nhàn đã nhiều lần xin chuyển công tác về đồng bằng. Nhưng rồi, mỗi lần đi xin chuyển trường là mỗi lần cô nhận được câu trả lời “không có chỉ tiêu”. Năm 2011, cô Nhàn sinh cháu thứ 2, không thể một mình cáng đáng được 2 con nhỏ, “Vạn sự bất đắc dĩ”, chồng cô phải bỏ việc ở quê để lên non cùng vợ chăm sóc các con. Mặc dù có vợ, có chồng, nhưng niềm mong ước được luân chuyển về quê lúc nào cũng tiềm thức trong cô. Cô Nhàn tâm sự: “Vì cơ chế mà tôi tình nguyện và mang nhiệt huyết của tuổi trẻ lên với vùng “sơn cước”, nhưng cũng vì cơ chế mà sau nhiều năm công tác, nhiệt huyết ấy cũng dần bị mai một. Giờ tìm lại cảm xúc của những năm đầu nhận công tác là rất khó. Khát khao lúc này là ngành sớm có cơ chế mới để những người đã cống hiến tuổi thanh xuân cho núi rừng được thuyên chuyển về gần nhà”. Sau nhiều lần xin chuyển về xuôi bất thành lại tận mắt chứng kiến cảnh lũ dữ hồi cuối tháng 9-2018 cuốn trôi toàn bộ nhà cửa, tài sản mà vợ chồng tích góp bao năm mới có khiến cô Nhàn hoang mang tột độ, nước mắt cô như xuôi theo dòng nước lũ. “Không còn suy nghĩ nào khác, trong đầu tôi lúc ấy là bỏ nghề cùng gia đình trở về quê nhà kiếm kế sinh nhai. Nhưng rồi được sự an ủi của chồng, của các thầy, cô trong trường và “ngọn lửa nghề” vẫn chưa “tắt” nên tôi vẫn bám trường, bám bản” – cô Nhàn chia sẻ.

Giáo viên luân chuyển – những “cung đường ngược”: Bài 1 - Đi dễ… khó về

Ngoài lên lớp cô giáo Lê Thị Nhàn còn phải dành thời gian cho việc dạy các con học ở nhà.

Khác với cô Nhàn, 12 năm công tác nơi “rẻo cao” là 12 năm cô giáo Đoàn Thị Hạnh, Trường THCS Pù Nhi (Mường Lát) phải sống xa gia đình, chồng, con và cũng từng ấy thời gian cô “nhường” việc bảo ban, dạy dỗ con cái cho chồng, cho ông, bà nơi quê nhà Quảng Châu (TP Sầm Sơn). Một mình giữa chốn núi rừng, tránh sao nổi những khi rơi nước mắt vì nhớ gia đình, tủi thân. Lúc con đau ốm, lúc gia đình có chuyện, chẳng làm được gì ngoài những lời động viên. Đã có lần nghĩ đến chuyện bỏ cuộc nhưng rồi những nỗi tủi hờn, những nỗi nhớ đã không thắng được lòng yêu nghề. Trong câu chuyện với chúng tôi, mắt cô đỏ hoe khi nói tới gia đình: “Chị chỉ mong những người trong gia đình có sức khỏe và thông cảm cho chị để chị được an tâm công tác. Những vất vả về vật chất chị cũng dần quen rồi, gắn bó được ở đây vì yêu nghề thôi. Mình vất vả thật nhưng không có những người như mình, những em thơ ở đây sẽ không có ngày mai”. Nghĩ đến chuyện mỗi lần xin chuyển trường không thành cô Hạnh lại thấy cay cay nơi khóe mắt. Ít ai biết được đằng sau nụ cười trên bục giảng của cô giáo Đoàn Thị Hạnh là những giọt nước mắt lăn dài và những đêm thao thức không ngủ. Chị khóc thương cho bản thân khi không về thăm và chăm lo thường xuyên cho bố, mẹ ở quê đã già yếu; khóc thương cho những đứa con không có bàn tay mẹ che chở, bảo ban. Và rồi nếu việc xin chuyển trường bất thành với số phận “an bài”, đến lúc “có tuổi” thì việc đi lại mỗi lần về thăm gia đình sẽ vất vả hơn rất nhiều... Vì lẽ đó, sau cuộc trò chuyện và chia tay chúng tôi cô Hạnh vẫn không quên nhắm nhủ chúng tôi rằng: “Hy vọng nguyện vọng chuyển trường về gần nhà của chị sẽ sớm được Nhà nước quan tâm giải quyết”.

Giáo viên luân chuyển – những “cung đường ngược”: Bài 1 - Đi dễ… khó về

Mỗi lần nhắc đến gia đình và chuyện xin chuyển trường cô Hạnh lại thấy cay cay nơi khóe mắt.

Với quan điểm “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, nghề dạy học - đội ngũ nhà giáo luôn được xã hội tôn vinh, đề cao. Bởi nghề dạy học và người giáo viên có sứ mệnh quan trọng, thiêng liêng là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo ra những con người mới, có kiến thức, có phẩm chất cách mạng, có kĩ năng để xây dựng và bảo vệ đất nước. Vinh quang là vậy, nhưng rồi vì thời cuộc, vì cơ chế mà không ít giáo viên đã phải “bứt” khỏi biên chế ngành để tìm cho mình hướng đi mới. Trường hợp của cô Nguyễn Thị Hà Thành, quê Thiệu Hóa là một ví dụ tiêu biểu, sau gần 7 năm công tác tại Trường THPT Mường Lát, nhiều lần xin chuyển trường không thành, cuối năm 2017 cô đã viết đơn xin ra khỏi biên chế ngành giáo dục. Theo chia sẻ của cô Thành, khi mới vào nghề, cô luôn nỗ lực dạy thật tốt để sớm được về quê ở gần chồng, con nhưng nỗ lực ấy không được như ý muốn. Cô đã vài lần gửi đơn đến ban giám hiệu nhà trường xin chuyển công tác về quê nhưng không được đáp ứng nên có lúc cũng chán nản. Xin ra khỏi ngành với cô Thành không phải là do hết đam mê, nếu được giải quyết về nguyện vọng thì mong ước lớn nhất của cô vẫn là công tác và cống hiến cho ngành giáo dục. Sau khi “bứt” khỏi biên chế ngành giáo dục, nghề mà cô Thành chọn lựa là bốc thuốc Nam và dược liệu. Cô Thành tin tưởng, những gì tâm huyết chưa cống hiến hết cho ngành giáo dục, trong thời gian tới, cô sẽ cống hiến hết mình cho nghề mà mình đã chọn lựa...

Những “tấm vé 1 chiều”

Những năm gần đây, cứ vào dịp chuẩn bị năm học mới, cơ quan quản lý giáo dục cấp tỉnh, cấp huyện trên địa bàn tỉnh đều tổ chức rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp; điều động, thuyên chuyển đội ngũ cán bộ, giáo viên trong phạm vi từng đơn vị trường và giữa các trường trong huyện cũng như ngoài huyện nhằm bảo đảm cơ cấu bộ môn, chất lượng chuyên môn... đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Theo đó, không ít giáo viên công tác lâu năm ở vùng đặc biệt khó khăn đã làm hồ sơ xin thuyên chuyển công tác. Chúng ta vẫn còn nhớ sự việc 62 giáo viên trên địa bàn huyện Mường Lát đồng loạt viết đơn xin chuyển trường đầu năm học 2017-2018. Trong số đó có những người đã được luân chuyển, nhưng có người vẫn thầm lặng “cắm bản”. Ngành giáo dục huyện Quan Sơn, Quan Hóa... cũng vậy, mỗi năm tiếp nhận cả chục lá đơn xin chuyển trường của giáo viên, nhưng vì nhiều lí do khác nhau việc xin chuyển của giáo viên bất thành. Thực tế thì hầu hết giáo viên nộp hồ sơ xin được thuyên chuyển về đồng bằng đều được cơ quan chức năng ở vùng đặc biệt khó khăn đồng ý cho phép chuyển công tác. Tuy nhiên, vấn đề đáng nói ở đây là nơi nào sẽ là “bến đỗ” của giáo viên sau nhiều năm công tác ở miền núi. Thầy giáo Mai Xuân Giang, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Lát, cho biết: “Nếu giáo viên đủ điều kiện xin được thuyên chuyển thì huyện đều tạo điều kiện cho đi, nhưng vấn đề bất cập ở đây là họ không xin được chỗ dạy mới ở đồng bằng nên phải tiếp tục ở lại công tác”. Nói như vậy để thấy rằng giáo viên công tác ở vùng đặc biệt khó khăn nếu muốn xin chuyển công tác về đồng bằng thì phải tự “bơi”. Đúng như một giáo viên ở Trường THCS Trung Sơn (Quan Hóa) chia sẻ, giáo viên muốn về xuôi phải tự “lo”. Người nào “lo giỏi” sẽ nhanh chóng xin được chỗ dạy ở đồng bằng. Còn những người “miệt mài” viết đơn thì năm này xin chuyển không được, năm sau lại tiếp tục viết. Cứ thế, họ chập chờn “hy vọng rồi lại thất vọng”! Dẫu mang nặng tâm tư, song lương tâm của nhà giáo không cho phép họ lơ là việc dạy. Thế nên dù gặp muôn vàn khó khăn, họ vẫn cống hiến sức mình để mang ánh sáng tri thức cho học trò vùng cao.

Giáo viên luân chuyển – những “cung đường ngược”: Bài 1 - Đi dễ… khó về

Cô giáo Lê Thị Nhàn cùng các em học sinh Trường THCS Trung Sơn (Quan Hóa).

Nhà nước đã có quy định về thời hạn luân chuyển đối với giáo viên ở vùng đặc biệt khó khăn, nên đối với những người đủ điều kiện thì không lý gì cơ quan chức năng ở đây không ký vào hồ sơ cho phép họ thuyên chuyển. Nhưng năm này qua năm khác hồ sơ của nhiều giáo viên vẫn “án binh bất động”. Phải chăng chính sách luân chuyển giáo viên là “tấm vé 1 chiều”, chỉ có chiều đi, không có chiều về? Điều này có lẽ chính những người làm công tác tuyển dụng là hiểu thấu hơn cả!.

Nhóm PV Phòng VH-XH

Bài 2: Thực thi chính sách: “Bàn cờ” không dễ chơi!


Nhóm PV Phòng VH-XH

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]