(Baothanhhoa.vn) - Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh (HS), vấn đề không mới nhưng luôn thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi sự lệch chuẩn về đạo đức của HS có chiều hướng gia tăng thì vấn đề này càng trở nên quan trọng và cấp thiết.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh: Vấn đề cần quan tâm

Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh: Vấn đề cần quan tâm

Học sinh Trường THCS Quảng Hòa (Quảng Xương) tham gia diễn đàn phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em do Tỉnh Đoàn THCS Hồ Chí Minh tổ chức.

Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh (HS), vấn đề không mới nhưng luôn thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi sự lệch chuẩn về đạo đức của HS có chiều hướng gia tăng thì vấn đề này càng trở nên quan trọng và cấp thiết.

Ngày nay, cùng với sự phát triển và đi lên của xã hội, mỗi chúng ta được sống trong môi trường văn minh, hiện đại, nhưng kéo theo đó cũng có nhiều vấn đề nảy sinh làm ảnh hưởng ít nhiều đến đời sống xã hội. Trong đó, đáng lo ngại là sự lệch chuẩn về đạo đức của một bộ phận HS dẫn đến tình trạng bạo lực học đường, những hành vi gian lận ở nhiều góc độ, sống hưởng thụ, lười lao động và học tập, thiếu ý thức rèn luyện, không dám đấu tranh với cái sai... Thực trạng này cũng xuất phát từ kết quả của sự giáo dục thiếu đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Theo đánh giá của cán bộ quản lý, giáo viên một số trường học trên địa bàn tỉnh, môn học giáo dục đạo đức ở tiểu học hay giáo dục công dân (GDCD) ở cấp THCS, THPT (gọi chung là môn GDCD) là môn học đặc thù, có ý nghĩa quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách, năng lực, phẩm chất cho học sinh. Có vị trí quan trọng là vậy, nhưng so với các môn học khác, thời lượng dạy học của môn GDCD lại khá khiêm tốn, chỉ 1 tiết/tuần, tương đương với 35 tiết/năm. Mặt khác, việc tổ chức dạy và học môn GDCD ở một số nhà trường cũng chưa thực sự được coi trọng. Phần lớn giáo viên dạy môn này ở các trường là giáo viên dạy các môn khoa học xã hội như văn, sử... đảm nhiệm. Bên cạnh đó, tâm lý của nhiều phụ huynh, HS thường quan niệm GDCD chỉ là môn phụ, không cần thiết mà chỉ chú tâm học toán, văn, ngoại ngữ. Và một thực tế hiện nay là không ít giáo viên được giao trọng trách “trồng người” đang nghiêng về dạy chữ và xem nhẹ về dạy người, chỉ lo truyền giảng kiến thức chuyên môn, không uốn nắn chỉnh sửa những sai trái của HS.

Đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo về kết quả xếp loại hạnh kiểm của HS thuộc cấp THCS và THPT trên địa bàn tỉnh trong năm học 2017-2018 cho thấy, đa phần HS đều có ý thức trong học tập, rèn luyện, song vẫn còn nhiều HS xếp loại hạnh kiểm trung bình và yếu. Đáng chú ý là càng lên cấp học cao, tỷ lệ HS xếp loại hạnh kiểm trung bình và yếu lại có chiều hướng tăng. Cụ thể, ở cấp THCS, toàn tỉnh có gần 3.000 HS xếp loại hạnh kiểm trung bình và yếu, chiếm tỷ lệ 1,63%, trong đó loại yếu là 0,1% (189 HS). Ở cấp THPT, tỷ lệ HS trung bình và yếu là 4,2% với trên 4.000 HS, trong đó tỷ lệ HS xếp loại yếu là 0,55% (526 HS). Nhiều cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên cho rằng, số học sinh vi phạm nền nếp, xếp hạnh kiểm yếu hàng năm thường rơi vào con em những gia đình làm nghề tự do, kinh tế khó khăn, bố (mẹ) đi làm xa; bố mẹ ly hôn, gia đình không hòa thuận, hạnh phúc...

Thực tế trên cũng đã đem đến những kết cục không như mong muốn. Các vụ, việc xảy ra có liên quan đến HS như bạo lực học đường, vi phạm đạo đức, có hành vi cấu thành tội phạm... đã từng xuất hiện. Hẳn chúng ta đã biết trường hợp của một HS Trường THPT Lê Lai (Ngọc Lặc) giết một giáo viên Trường Tiểu học Sông Âm, xã Nguyệt Ấn và đốt xác phi tang tại nhà riêng; hay như vụ việc 2 HS Trường THCS Ba Đình (thị xã Bỉm Sơn) dùng dao đâm chết bạn cùng trường vì mâu thuẫn cá nhân cách đây ít năm. Gần đây nhất cuối năm 2018, 8 HS Trường THPT Nguyễn Trãi (TP Thanh Hóa) nhắn tin trên facebook xúc phạm đến danh dự, uy tín của thầy, cô giáo và nhà trường... Câu chuyện về giáo dục đạo đức, lối sống cho HS không phải là mới, nhưng đang là yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay. Toàn tỉnh hiện có hơn 800.000 HS các cấp, việc giáo dục đạo đức, lối sống cho các em có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần rèn luyện, hình thành lối sống có trách nhiệm và biết lựa chọn cách ứng xử phù hợp; thúc đẩy hành vi mang tính tích cực, giảm bớt tỷ lệ phạm pháp. Việc làm này còn tạo mối quan hệ thân thiện, cởi mở giữa thầy, trò, sự hứng thú, tự tin, chủ động sáng tạo trong học tập, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục.

Để việc giáo dục đạo đức, lối sống cho HS đạt kết quả cao, ngoài sự nỗ lực của ngành giáo dục, cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, việc gắn kết giữa ba “nhà” càng trở nên quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết. Trong đó, nhà trường giữ vai trò định hướng, uốn nắn những hành vi của HS theo chuẩn mực chung. Gia đình và xã hội là môi trường vun đắp, nuôi dưỡng có ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành giá trị đạo đức cho HS. Tấm gương về đạo đức, lối sống của cha mẹ và thầy, cô giáo luôn có ý nghĩa và hiệu quả hơn ngàn vạn bài học lý thuyết về đạo đức mà HS được học. Đã đến lúc chúng ta cần có cái nhìn khách quan về việc giáo dục đạo đức, lối sống cho HS.

Phong Sắc


Phong Sắc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]