(Baothanhhoa.vn) - Một trong những điểm mới nhận được sự chú ý của dư luận, đặc biệt là các giáo viên thời gian qua là dự thảo nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp quy định trong dự thảo Luật Nhà giáo.

Dự thảo về giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo: Ý kiến người trong cuộc

Một trong những điểm mới nhận được sự chú ý của dư luận, đặc biệt là các giáo viên thời gian qua là dự thảo nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp quy định trong dự thảo Luật Nhà giáo.

Dự thảo về giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo: Ý kiến người trong cuộcCô Nguyễn Thị Hạnh, giáo viên Trường Tiểu học Vĩnh Long (Vĩnh Lộc) trong giờ dạy.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo là văn bản do cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền cấp cho người đạt chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng yêu cầu để hoạt động nghề nghiệp nhà giáo. Giấy chứng nhận này có tác dụng thay thế cho quyết định công nhận hoàn thành chế độ tập sự và chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay. Giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo được cấp miễn phí và có giá trị sử dụng trong toàn quốc.

Những trường hợp được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp là người đã hoàn thành chế độ tập sự, người hiện đang là nhà giáo đạt chuẩn nghề nghiệp, nhà giáo đã nghỉ hưu, nhà giáo nước ngoài. Giấy chứng nhận sẽ bị thu hồi khi nhà giáo bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ hai năm liên tục, vi phạm kỷ luật ở mức buộc thôi việc, sa thải.

Dự thảo quy định mới này được các nhà giáo đón nhận với nhiều luồng ý kiến khác nhau.

Ông Nguyễn Văn Đông, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Giang (Hà Trung) chia sẻ: "Giấy chứng nhận nhà giáo nên cấp cho đối tượng sinh viên mới ra trường. Còn nếu cấp “đại trà” thì nên theo hướng tinh gọn, không thi cử, không sát hạch, không yêu cầu cung cấp lại các loại giấy tờ, chứng chỉ, không phải học thêm các loại chứng chỉ mới, bởi đối với những cán bộ, giáo viên đang hoạt động trong nghề thì họ nghiễm nhiên đã là nhà giáo. Do đó, làm sao để tránh trùng lặp, tránh hình thức”.

“Lúc đầu khi nghe đến việc giáo viên phải có giấy chứng nhận nhà giáo, đối với một giáo viên đã có 28 năm đứng lớp như tôi cảm thấy khá “dư thừa”. Bởi lẽ, đối với những giáo viên được đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng sư phạm, hiện đang trực tiếp dạy học tại các trường học, thực tế đối tượng này đã được cấp bằng tốt nghiệp, được tuyển dụng và được các cấp quản lý đánh giá, xếp loại về năng lực, phẩm chất theo chuẩn nghề nghiệp. Ngoài ra, đối tượng này cũng liên tục được tham gia các lớp bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp, chuyên môn, nghiệp vụ... Như vậy, về bản chất, đã có đầy đủ bằng chứng công nhận đủ tiêu chuẩn hành nghề. Nhưng sau khi nghiên cứu kỹ tôi nhận thấy, khi Bộ GD&ĐT đã đưa ra quy định mới nào thì ắt sẽ có lý lo bởi lẽ chúng ta không chỉ có khu vực giáo dục công lập mà còn có giáo dục ngoài công lập, các trung tâm ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống... cũng hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Do đó, nên chăng việc cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo nên dành cho đối tượng là người nước ngoài muốn giảng dạy ở nước ta; những người không được đào tạo chính quy về sư phạm; những giáo viên dạy các nhóm nhỏ tại nhà hoặc dạy thêm ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống tại các trung tâm...” - cô Nguyễn Thị Hạnh, giáo viên Trường Tiểu học Vĩnh Long (Vĩnh Lộc) bày tỏ quan điểm.

Đối với mỗi nhà giáo, quan trọng nhất là sự ghi nhận của học sinh, phụ huynh và đời sống được đảm bảo, do đó, bà Lê Thị Nhung, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Giang (Thọ Xuân), cho rằng: “Điều quan trọng nhất là việc cấp giấy chứng nhận nhà giáo mang lại lợi ích gì cho nhà giáo ở hiện tại và sau này? Còn nếu như chỉ để làm hồ sơ thì không cần thiết bởi đối với mỗi nhà giáo chúng tôi quan trọng nhất là hiệu quả, chất lượng giáo dục, song song với đó là chế độ được đảm bảo để chúng tôi ổn định cuộc sống, yên tâm công tác, gắn bó, cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục, có động lực học tập, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ”.

Như vậy, mục đích của Bộ GD&ĐT khi đưa dự thảo cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo vào dự thảo Luật Nhà giáo đã thấy rõ, mặc dù vẫn còn nhiều ý kiến rất khác nhau. Tuy nhiên, vấn đề “người trong cuộc” quan tâm nhất là loại giấy tờ này sẽ mang lại lợi ích gì? Sẽ giúp ích ra sao trong việc chuẩn hóa và nâng cao chất lượng giáo dục? Điều này đòi hỏi Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Bài và ảnh: Tống Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]