(Baothanhhoa.vn) - Trên sân chơi kiến thức đại trà, dẫu mang danh “đất học”, nhưng Thanh Hóa lại luôn đứng tốp sau về môn tiếng Anh (TA). Tại kỳ thi THPT quốc gia năm học 2016-2017, kết quả môn TA của học sinh xứ Thanh nằm trong tốp cuối (56/63 tỉnh, thành phố trong cả nước). Nhiều người cho rằng, kết quả này là “phần ngọn” của những khó khăn, hạn chế trong dạy và học TA ở các nhà trường trong nhiều năm qua.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Dạy và học tiếng Anh trong nhà trường Cần những giải pháp mang tính vĩ mô

Trên sân chơi kiến thức đại trà, dẫu mang danh “đất học”, nhưng Thanh Hóa lại luôn đứng tốp sau về môn tiếng Anh (TA). Tại kỳ thi THPT quốc gia năm học 2016-2017, kết quả môn TA của học sinh xứ Thanh nằm trong tốp cuối (56/63 tỉnh, thành phố trong cả nước). Nhiều người cho rằng, kết quả này là “phần ngọn” của những khó khăn, hạn chế trong dạy và học TA ở các nhà trường trong nhiều năm qua.

Đại diện phòng giáo dục thành phố và trung tâm Anh ngữ trao giải cho các em học sinh đạt giải cao trong kỳ thi giao lưu Olympic Tiếng Anh năm học 2017 - 2018.

Đội ngũ giáo viên thiếu và yếu

Thẳng thắn nhìn nhận chất lượng đầu vào của đội ngũ giáo viên (GV) TA trên địa bàn, ông Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, căn cứ theo bằng cấp, hầu hết các GV đều đạt chuẩn và trên chuẩn. Nhưng trên thực tế, đầu vào của GV TA ở Thanh Hóa rất thấp, chưa đồng đều về trình độ. Trong tổng số 2.260 GV, chỉ có một số ít được đào tạo chính quy bài bản, số còn lại chủ yếu là không chính quy, chiếm tỷ lệ 55,17%.

Tại Trường THPT Nông Cống 3 (Nông Cống) hiện có 5 GV biên chế môn TA nhưng chỉ có khoảng 20% GV đạt trình độ theo yêu cầu. Hàng năm nhà trường phải hợp đồng thêm từ 3 - 4 GV từ các trung tâm về dạy TA theo tinh thần tự nguyện của học sinh. Phó hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Bá Tư cho biết: Hiện tại nhà trường có 7 GV TA cả biên chế và hợp đồng. Mặc dù hàng năm, nhà trường đã tạo điều kiện cho các GV biên chế đi học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nhưng vẫn không đáp ứng được yêu cầu.

Tương tự như vậy, tại Trường THPT Lưu Đình Chất (Hoằng Hóa) có 8 GV dạy TA, thừa đến 50% so với nhu cầu. Tuy nhiên, điểm trung bình thi tốt nghiệp môn TA của nhà trường nhiều năm qua vẫn nằm trong top cuối của cả tỉnh. Lý giải về thực trạng này, bà Hoàng Thị Thúy, hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhà trường hiện chỉ có 2 trên tổng số 8 GV dạy TA đạt chuẩn C1 theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, 6 GV còn lại chỉ đạt trình độ đào tạo hệ tại chức. Thêm vào đó, cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học môn TA còn thiếu thốn nên dù các GV đã có nhiều nỗ lực nhưng vẫn không thể đáp ứng được yêu cầu chất lượng đào tạo.

Cùng với những hạn chế về chất lượng, thì việc đảm bảo số lượng GV ở bộ môn này cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Phạm Quốc Bảo, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Cẩm Thủy cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, toàn huyện có 44 GV TA, trong đó, tiểu học (TH) 5 người, THCS 26 người, THPT 13 người. Năm học 2017-2018, huyện Cẩm Thủy cần thêm 49 GV, riêng bậc TH cần thêm 29 GV TA; huyện Bá Thước thiếu 28 GV; Quảng Xương thiếu 23 GV; Hoằng Hóa thiếu 22 GV; Như Xuân thiếu 18 GV...

Trước thực trạng thiếu GV TA ở các cấp học thì phòng GD&ĐT các địa phương đã tham mưu cho UBND huyện hợp đồng thêm các GV tại các trung tâm về dạy. Tuy nhiên, số GV hiện tại mới chỉ đáp ứng được nhu cầu tối thiểu.

Chương trình, cơ sở vật chất bất cập

Thực tế cho thấy, việc dạy và học TA hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn đang “loay hoay” ở 2 kỹ năng đọc và viết. Chương trình sách giáo khoa phổ thông 7 năm thiếu tính liên thông về thực hành các kỹ năng, chưa cập nhật, không đa dạng về chủ đề đáp ứng các nhu cầu khác nhau của người học; thời lượng dành cho môn Ngoại ngữ còn ít, sĩ số trên lớp đông, không phù hợp với việc tổ chức các hoạt động lôi cuốn và hiệu quả trong giờ học. Các nhà chuyên môn cho rằng, hạn chế trong việc học chưa đi đôi với hành ở bộ môn này một phần là do kiến thức trong sách giáo khoa đã cũ, không được chỉnh sửa. Chương trình học quá nặng về ngữ pháp, biến các em thành những “cuốn ngữ pháp biết đi”. Bên cạnh đó, ở bậc TH, TA đang là chương trình tự chọn nên tùy vào điều kiện, có trường dạy 2 tiết, 3 tiết, cũng có trường đảm bảo được 4 tiết/tuần theo chương trình mới hệ 10 năm. Thực trạng đó dẫn đến khi lên đến bậc THCS và THPT, đầu vào các trường “muôn hình muôn vẻ” khiến cho việc tổ chức dạy học vừa khó cho GV, vừa không hiệu quả đối với người học.

Ngoài ra, trang thiết bị phục vụ việc dạy và học TA chưa đáp ứng yêu cầu cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học bộ môn này. Theo kết quả khảo sát về trang thiết bị dạy và học ngoại ngữ ở các trường học của Sở GD&ĐT, trung bình số phòng học phòng Lab/luyện âm tính cho mỗi trường TH là 0,01%; trường THCS là 0,13%; THPT là 0,03%. Tỷ lệ học sinh được học phòng trang bị tối thiểu là 516 học sinh TH/phòng; 1.149 học sinh THCS/phòng; 113 học sinh THPT/phòng. Số lượng băng, đĩa hình, ghi tiếng phục vụ cho việc dạy học TA của một trường, tính bình quân 2,13%/trường. Tuy nhiên, đa số các trường học đều chưa có phòng luyện âm/thực hành tiếng; nhiều trường hệ thống máy chiếu, video vẫn chưa được trang bị, đặc biệt là các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, các phần mềm dạy TA gần như chưa có và phòng học TA riêng cùng các thiết bị hỗ trợ như: Máy tính, máy chiếu đa năng, máy chiếu vật thể, bảng thông minh... vẫn còn là mơ ước của các GV TA. Ví như, huyện Quan Sơn có 14 trường TH, 13 trường THCS, 2 trường THPT nhưng chưa có trường nào có phòng học TA đạt chuẩn, chưa có phòng học thực hành, các phòng học chưa được trang bị thiết bị nghe nhìn, chủ yếu là kỹ năng nghe nên hầu như việc dạy chay, học chay TA trên địa bàn vẫn đang phổ biến.

Cần giải pháp mang tính vĩ mô

Để nâng cao chất lượng dạy và học TA trong các nhà trường, tỉnh ta đã triển khai Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020” của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, sau 9 năm thực hiện đề án thì chất lượng dạy và học môn TA trong các nhà trường vẫn còn thấp. Theo thống kê điểm thi môn TA của tỉnh trong kỳ thi THPT Quốc gia 2 năm gần đây cho thấy: Năm 2015, toàn tỉnh có 2,32% học sinh đạt điểm khá giỏi; 3,03% học sinh đạt điểm trung bình; 94,65% học sinh đạt điểm yếu kém. Thậm chí, năm 2016 kết quả còn thấp hơn: Chỉ có 0,46% học sinh đạt điểm khá giỏi, 1,83% học sinh đạt điểm trung bình và có đến 97,71% học sinh đạt điểm yếu kém. Nguyên nhân của thực trạng nêu trên là do nhu cầu nâng cao chất lượng dạy học TA ngày càng cao, trong khi đó, khả năng đáp ứng của ngân sách Nhà nước còn hạn chế. Bên cạnh đó, kinh phí chi thường xuyên cho các đơn vị, trường học còn ít dẫn đến khó khăn trong việc tổ chức hoạt động chuyên môn, đặc biệt là các hoạt động phục vụ dạy và học TA. Ngoài ra, sự phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng miền còn có sự chênh lệch, đặc biệt là ở khu vực miền núi, điều kiện kinh tế còn khó khăn dẫn đến sự quan tâm về học tập nói chung và TA nói riêng đối với cấp học phổ thông còn hạn chế.

Đổi mới phương pháp dạy học; phân luồng học sinh theo nhu cầu của học sinh và phù hợp với từng khối học để nâng cao chất lượng dạy và học; tổ chức nhiều chương trình hoạt động ngoài giờ lên lớp cho học sinh các lớp giao lưu bằng TA bằng cách cho các em sinh hoạt trong các câu lạc bộ; đưa thêm môn học tự chọn: Dạy Toán bằng TA cho học sinh; các phòng học TA được đầu tư bài bản với tivi nối mạng internet; các khẩu hiệu trong nhà trường đều là song ngữ... đó là cách làm ở Trường THPT Nguyễn Xuân Nguyên (Quảng Xương). Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, hiệu trưởng nhà trường: Không thể ngay lập tức nâng cao chất lượng dạy và học TA trong toàn tỉnh mà nên lựa chọn đối tượng tác động trước mắt là những em học sinh giỏi. Trong kỳ thi học sinh giỏi toàn tỉnh hàng năm Sở GD&ĐT nên đưa môn TA vào thi như một điều kiện cần đối với các em học sinh giỏi. Nếu các em qua được vòng thi TA thì mới được tiếp tục thi các môn tự chọn khác. Nếu làm được điều này sẽ thúc đẩy các nhà trường nâng cao chất lượng dạy và học môn TA và các em học sinh sẽ có ý thức học bộ môn này.

Còn ông Trần Như Chuyên, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Duy Từ (TP Thanh Hóa) cho biết: Chất lượng dạy và học TA hiện nay là một vấn đề mang tính xã hội. Do đó, trước hết cần nâng cao nhận thức của người dân và các em học sinh về tầm quan trọng của việc học TA; có giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ GV không chỉ về chuyên môn mà còn cả về cái tâm với nghề; ngoài phương tiện, máy móc, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học cần được trang bị thì một chương trình phù hợp với trình độ học sinh và tiếp cận được với thị trường lao động là hết sức cần thiết.

Những chuyên gia TA mà chúng tôi có dịp tiếp xúc đều cho rằng: Cái khó nhất mà cũng là mục tiêu cuối cùng của người học TA là biến kiến thức thành năng lực sử dụng nó trong cuộc sống cũng như công việc. Tuy nhiên, để đi đến cái đích đó là cả một hành trình dài mà phần lớn người học chưa xác định đúng và chưa kiên trì theo đuổi. Dẫu vẫn biết để đạt được mục tiêu mà Đề án dạy và học ngoại ngữ đưa ra còn rất nhiều khó khăn, nếu không thực sự nỗ lực, cố gắng thì đích đến để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ là điều khó khả thi. Do đó cần lắm các giải pháp đồng bộ từ các cấp quản lý.


Bài và ảnh: Trần Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]