Giải mã các cuộc khủng hoảng chính trị ở châu Âu
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Pháp xảy ra chỉ một tháng sau sự sụp đổ của liên minh “đèn giao thông” cầm quyền ở Đức. Tình trạng hỗn loạn ở cả hai nước xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó đặc biệt là các vấn đề về điều phối ngân sách. Ở cả hai nước, uy tín của các nhà lãnh đạo đều sụt giảm nghiêm trọng. Vậy tại sao một làn sóng xung đột chính trị lại đe dọa toàn bộ châu Âu và việc Donald Trump trở lại Nhà Trắng cùng cuộc xung đột ở Ukraine sẽ ảnh hưởng đến điều này như thế nào?
Tại sao chính phủ Đức và Pháp sụp đổ?
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Đức và Pháp đều có những đặc điểm chung. Trong cả hai trường hợp, nguyên nhân bất đồng là việc thông qua ngân sách cho năm tài khóa tiếp theo. Giới cầm quyền không thể thống nhất về việc nên cắt giảm chi tiêu nào để tránh là phình to nợ công, đồng thời bảo đảm thực hiện nghĩa vụ với cử tri của mình. Hai nền kinh tế lớn nhất châu Âu không đủ vốn để đáp ứng yêu cầu và việc giải thể chính phủ có lẽ là giải pháp duy nhất nhằm tránh tình trạng bế tắc trước khi bước sang năm mới.
Cả hai cuộc khủng hoảng đều đi kèm với sự sụt giảm xếp hạng của các quan chức hàng đầu. Thủ tướng Đức Olaf Scholz không nằm trong nhóm những chính trị gia được yêu thích nhất ở Đức, còn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chỉ được chưa đến 1⁄4 người dân tán thành. Mất đi sự ủng hộ của người dân, không ai trong số họ có thể gây áp lực lên các đối thủ chính trị vào thời điểm quan trọng để đạt được mục tiêu và tránh những lời kêu gọi từ chức.
Sự trỗi dậy của các đảng cực hữu là yếu tố không thể bỏ qua. Bằng cách thu hút một bộ phận cử tri ở cả Đức và Pháp, các đảng cực hữu đã làm xói mòn nền tảng mà các đảng chính thông gây dựng và dựa vào. Chỉ 7 năm trước, phe cực hữu gần như không giữ vai trò đáng chú ý và chỉ nhận được một số ghế ít ỏi trong quốc hội ở cả Đức và Pháp. Tuy nhiên, theo thời gian, các đảng cực hữu đã gia tăng đáng kể quyền lực, tiếng nói của mình trong quốc hội, khiến đối thủ có ít cơ hội hơn để hành động. Kết quả là, một liên minh cầm quyền gồm 3 đảng yếu kém được hình thành ở Đức, và ở Pháp, tổng thống không có được đa số trong quốc hội. Nếu đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) và đảng Tập hợp Quốc gia (RN) của Pháp được phân bổ đồng đều cho các đảng nghị viện khác thì hệ thống chính trị ở cả hai nước sẽ ổn định hơn nhiều.
Đức và Pháp thậm chí còn có thời điểm giống nhau khi ảnh hưởng của phe cực hữu gia tăng đáng kể. Các lực lượng cầm quyền đã không đạt được kết quả khả quan trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vừa qua và mất đi một phần ảnh hưởng quyền lực trong quốc hội. Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa hai nước là phản ứng của các đảng cầm quyền. Trong khi Pháp ngay lập tức tổ chức cuộc bầu cử sớm thì Đức đã rơi vào tình trạng bế tắc tới 6 tháng.
Hiện nay, Đức vẫn còn cơ hội tìm được một chính phủ hoạt động hiệu quả sau cuộc bầu cử vào tháng 2; tuy nhiên, tình hình có vẻ khó khăn hơn với Tổng thống Pháp Macron với một quốc hội bị chia làm ba. Tổng thống Macron tuyên bố rằng ông sẽ không từ chức trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2027 và một cuộc bỏ phiếu mới tại quốc hội sẽ không diễn ra cho đến mùa hè năm 2025. Nhưng trên thực tế, cả hai nước đều rơi vào tình trạng bế tắc giống nhau, đe dọa đến phần còn lại của châu Âu.
Nguy cơ bất ổn cho toàn châu Âu
Bất đồng về ngân sách không thể giải quyết được, cũng như tình hình phát triển kinh tế - xã hội khó khăn không chỉ xảy ra ở Pháp và Đức, mà còn đang đe dọa phần còn lại của châu Âu. Thực tế, cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine và việc châu Âu giành một phần lớn trong ngân sách để viện trợ cho Chính quyền Kiev đã khiến các nước này gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội.
Điển hình như trong lĩnh vực an ninh năng lượng, cuộc xung đột Nga - Ukraine, cuộc chiến cấm vận đã buộc châu Âu phải từ bỏ các nguồn năng lượng giá rẻ của Nga, khiến ngành công nghiệp châu Âu thiếu tính cạnh tranh trên thị trường thế giới. Đổi lại, châu Âu mua nguyên liệu thô đắt tiền hơn từ Mỹ, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực châu Âu, vốn đã quen với nhiều năm thịnh vượng kinh tế dựa vào dầu khí từ Nga.
Theo chính trị gia người Pháp Emmanuel Leroy, tình hình châu Âu càng trở nên bất ổn với sự trở lại Nhà Trắng của Tổng thống Donald Trump. Hiện tại, một khoảng thời gian bất ổn vẫn đang tiếp diễn ở châu Âu, vì Brussels không thể hiểu chính xác chính sách của Tổng thống Donald Trump trong nhiệm kỳ thứ hai sẽ như thế nào. Sự khó đoán định trong chính sách của ông Trump khiến người châu Âu lo ngại khi nhớ lại nhiệm kỳ đầu tiên của ông, trong đó Tổng thống Donald Trump đã buộc châu Âu phải đóng góp nhiều hơn cho ngân sách quốc phòng.
Với tình hình hiện nay, châu Âu sẽ cần phải tìm thêm nguồn vốn cho sản xuất quân sự, đặc biệt vì châu Âu chưa có ý định cắt giảm nguồn viện trợ cho Ukraine. Tuy nhiên, nếu cuộc khủng hoảng ở Đức và Pháp kéo dài, nhiều khả năng các nước này sẽ phải cắt giảm dòng viện trợ cho Kiev, đặc biệt vì đây là yêu cầu của các lực lượng cánh hữu đang gia tăng ảnh hưởng tại các nước này.
Quốc gia châu Âu nào sẽ là nạn nhân tiếp theo?
Trong tương lai gần, cộng đồng quốc tế sẽ tiếp tục chứng kiến những tác động tiêu cực của nền kinh tế đối với tình hình xã hội ở châu Âu, bởi nếu chỉ nhìn vào thành phần mới của Ủy ban châu Âu, bắt đầu hoạt động từ ngày 1/12, cho thấy xu hướng chống Nga và xích lại gần Mỹ của châu Âu thời gian tới. Điều này đồng nghĩa là châu Âu sẽ tiếp tục chi những khoản tiền hậu hĩnh nhằm hỗ trợ cho Chính quyền Kiev và hợp tác với Mỹ nhằm cô lập Nga. Khi đó, các chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở châu Âu sẽ khó tránh khỏi bị tác động, ảnh hưởng, nhất là khi các nước này đang phải đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách nghiêm trọng.
Bất ổn chính trị ở châu Âu sẽ không chỉ dừng lại ở Pháp, Đức, mà nhiều khả năng sẽ lan rộng ra toàn khu vực. Hiện nay, tình hình ở Romania đang đặt ra thách thức mới cho lực lượng cầm quyền, có chủ trương thân phương Tây. Việc ứng cử viên độc lập Calin Georgescu giành chiến thắng trước Thủ tướng Marcel Ciolacu trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống hôm 24/11 là một bất ngờ lớn. Điều này phản ánh sự phản đối với tình trạng hiện tại của Romania cũng như khát vọng ngày càng tăng của cử tri nước này đối với sự thay đổi của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh lo ngại về sự ổn định kinh tế và bản sắc dân tộc. Ngoài ra, tình hình bất ổn chính trị nội bộ cũng đang âm ỉ ở Ý, Slovakia, Hungary và một số quốc gia khác.
Vốn được xem là hai nhà lãnh đạo của châu Âu, việc Đức và Pháp rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị có thể sẽ tạo ra hiệu ứng domino, khiến tình trạng khủng hoảng lan rộng hơn và có quy mô lớn. Ngoài ra, hai nước này còn là các nhà tài trợ kinh tế, và vấn đề của họ sẽ nhanh chóng ảnh hưởng đến các quốc gia được hưởng lợi từ trợ cấp của châu Âu. Các nhà phân tích dự báo rằng, Ba Lan có thể là quốc gia tiếp theo rơi vào khủng hoảng, nơi một liên minh cầm quyền thậm chí còn đối mặt với khó khăn, thách thức lớn hơn so với liên minh tồn tại ở Đức.
Hùng Anh (CTV)
{name} - {time}
-
2025-01-14 09:05:00
Ukraine mất thế trận trên chiến trường, thoả thuận ngừng bắn còn mơ hồ
-
2025-01-13 07:00:00
Điều gì chờ đợi Trung Đông sau một năm đẫm máu?
-
2024-12-05 16:49:00
30 năm Bản ghi nhớ Budapest và bài học của Ukraine
Lựa chọn nhân sự phụ trách vấn đề quốc tế của ông Trump dự báo quan hệ Mỹ - Nga sẽ gặp nhiều sóng gió
Phản ứng khác nhau của các quốc gia trước biến động chính trị tại Hàn Quốc
Cơ hội xích lại gần Nga của Donald Trump gặp khó bởi người tiền nhiệm
Thị trường Hàn Quốc biến động như thế nào sau khi tổng thống thiết quân luật
Phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên là “bài toán khó” với tân Tổng thống Donald Trump
Chuyện gì đang xảy ra ở Syria? Đâu là mục đích của phiến quân?
Georgia rung chuyển bởi biểu tình, Nga so sánh với cuộc đảo chính Maidan
“Bóng ma” chiến tranh Syria quay trở lại?
Xung đột Syria, điềm báo về thảm họa toàn cầu tiềm tàng