(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, các chương trình, dự án phát triển du lịch cộng đồng đã được triển khai ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những mô hình phát huy hiệu quả, thì cũng có không ít mô hình “chết yểu”, gây lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước và hao hụt niềm tin của người dân.

Hướng đến phát triển du lịch sinh thái cộng đồng bền vững: Những mô hình “chết yểu”

Những năm qua, các chương trình, dự án phát triển du lịch cộng đồng đã được triển khai ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những mô hình phát huy hiệu quả, thì cũng có không ít mô hình “chết yểu”, gây lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước và hao hụt niềm tin của người dân.

Hướng đến phát triển du lịch sinh thái cộng đồng bền vững: Những mô hình “chết yểu”Làng du lịch cộng đồng Linh Trường (xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa) được khai trương vào năm 2019 và rơi vào tình trạng vắng khách ngay sau đó. Ảnh: Hoài Anh

Tin liên quan:
  • Hướng đến phát triển du lịch sinh thái cộng đồng bền vững: Những mô hình “chết yểu”
    Hướng đến phát triển du lịch sinh thái cộng đồng bền vững: Sản phẩm mới - ...

    So với những sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh như du lịch biển hay du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh, sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng được xem là “đứa em út”. Mặc dù mới phát triển trong những năm gần đây, song sản phẩm này đã sớm được định danh, trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.

Mô hình làng du lịch cộng đồng Linh Trường (huyện Hoằng Hóa) bắt đầu được đưa vào khảo sát và xây dựng thử nghiệm vào tháng 2-2019. Bước đầu, huyện đã đưa vào thử nghiệm mô hình homestay tại 9 hộ dân, với tổng số 35 phòng, chủ yếu là nhà cao tầng khang trang, sạch đẹp. Để khuyến khích các hộ dân, huyện đã có cơ chế hỗ trợ 50 triệu đồng/hộ để chỉnh trang, bổ sung trang thiết bị phục vụ du lịch. Từ đây, “viễn cảnh” về một tương lai tươi sáng mà cả người dân và chính quyền đều kỳ vọng rằng, nơi đây sẽ trở thành mô hình tiên phong về du lịch cộng đồng ven biển của tỉnh, mang đến những trải nghiệm thú vị về cuộc sống ngư dân cho du khách.

Thế nhưng, thực tế không như mong đợi. Sau một thời gian đi vào hoạt động, làng du lịch cộng đồng luôn ở trong tình trạng vắng khách, thi thoảng mới phục vụ khách từ câu lạc bộ dù lượn. Mặc dù mới chỉ có 9 homestay đi vào hoạt động nhưng dường như “cung vượt cầu”. Thực tế hiệu quả hoạt động ở đây đã và đang đặt ra câu hỏi, loại hình du lịch này chưa thực sự phù hợp tại xã Hoằng Trường hay cách làm chưa bài bản?

Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa Lê Sỹ Nghiêm cho biết: Mặc dù việc phát triển du lịch cộng đồng được huyện đặc biệt quan tâm, hướng đến phát triển đa dạng sản phẩm du lịch cho du khách khi về với Hoằng Hóa. Song, sau một thời gian đi vào hoạt động, mô hình du lịch cộng đồng tại Linh Trường đã không mang lại hiệu quả. Một phần nguyên nhân do cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch cộng đồng chưa đồng bộ, các cơ sở lưu trú, cảnh quan chưa đáp ứng được yêu cầu của khách du lịch. Từ đó dẫn đến việc liên kết tour, tuyến du lịch đến đây chưa được hình thành rõ ràng, chưa thu hút được sự quan tâm của lữ hành; sản phẩm du lịch, dịch vụ chưa đa dạng, phong phú, hấp dẫn du khách. Về phía người dân, do tâm lý e ngại về hiệu quả du lịch cộng đồng nên chưa mạnh dạn đầu tư... Và hơn cả là việc tạo ra các hoạt động trải nghiệm cho du khách còn rất hạn chế, chưa thực sự bài bản...

Ở góc độ chuyên gia du lịch cộng đồng, ông Dương Minh Bình, Giám đốc CBT Travel - người được mệnh danh “phù thủy” của những homestay độc đáo, cho rằng: Nguyên nhân chính dẫn đến làng du lịch cộng đồng Linh Trường chưa thể hút khách là do sự nghèo nàn của điểm đến, thiếu các hoạt động trải nghiệm bài bản, thiếu tổ chức và thiếu liên kết. Trong khi đó, mục đích chính của du khách khi tìm đến du lịch cộng đồng chính là khám phá và trải nghiệm văn hóa bản địa. Tuy nhiên, kéo được du khách đến đã khó, việc duy trì được nguồn khách ổn định lại càng trở nên khó khăn hơn. Do đó, du lịch cộng đồng Linh Trường cần tạo ra thế mạnh riêng, điểm nhấn riêng, thể hiện được những nét đặc trưng, thương hiệu từ lợi thế, tiềm năng sẵn có. Sau đó, cần có sự khảo sát, kêu gọi doanh nghiệp du lịch vào cuộc và cần có những chính sách để thu hút họ.

Tương tự, tại một số điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Quan Sơn, sau bao kỳ vọng của chính quyền địa phương, của người dân cũng rơi vào trạng thái “chết yểu”. “Mặc dù thi thoảng vẫn có khách đến nhưng chỉ tập trung ở 1 - 2 hộ, đa số là khách chi tiêu thấp, khách tự do, chưa có khách đoàn từ lữ hành”, đại diện Phòng VHTT huyện Quan Sơn thừa nhận.

Được biết, vào năm 2017, huyện Quan Sơn đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, đồng thời sẵn sàng các điều kiện để năm 2019 vận hành tour Quan Sơn (tỉnh Thanh Hóa) - Viêng Xay (tỉnh Hủa Phăn, Lào). Trước mắt lựa chọn 3 điểm gồm: bản Ngàm (xã Sơn Điện), động Bo Cúng (xã Sơn Thủy) gắn với lễ hội Mường Xia và khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Na Mèo (xã Na Mèo) để đầu tư các hạng mục công trình như: cải tạo, nâng cấp đường giao thông từ Quốc lộ 16 đi vào động Bo Cúng; đường tránh và nhà quản lý, điều hành, nơi đón tiếp khách tại bản Ngàm và động Bo Cúng; xây dựng 3 công trình vệ sinh công cộng; 2 bãi đỗ xe tại khu vực động Bo Cúng và bản Ngàm; đưa công trình điện lưới quốc gia vào khu vực động Bo Cúng; trùng tu, tôn tạo các khu di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện; xây dựng các thiết chế văn hóa, dịch vụ du lịch như: hàng lưu niệm, không gian biểu diễn văn nghệ, các hoạt động thể thao, trò chơi, trò diễn dân gian, các hoạt động trải nghiệm sinh thái, lao động sản xuất... nhằm đáp ứng nhu cầu đối với khách tham quan, du lịch đến với địa phương...

Đầu tư không ít, sự quan tâm của các cấp, sở, ngành, địa phương dành cho du lịch cộng đồng tại huyện Quan Sơn là không nhỏ, thế nhưng mọi cố gắng, nỗ lực đến nay vẫn chưa được “đền đáp” một cách xứng đáng. Không chỉ lượng khách hạn chế, không thu hút sự vào cuộc của lữ hành, mà thậm chí 2 đơn vị tiên phong xây dựng và chào bán tour Quan Sơn - Viêng Xay là Vietravel - Chi nhánh Thanh Hóa và Công ty CP Đầu tư và Phát triển du lịch Xanh (TP Thanh Hóa) cũng đã sớm rút lui. Niềm tin của người dân - những con người từng kỳ vọng và quyết tâm thay đổi cuộc sống từ du lịch cộng đồng, cũng theo đó mà “nguôi ngoai”.

Và với bản Vịn (xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân) thực tế còn tệ hơn. Ngoài việc không có khách, chưa phát triển các dịch vụ, trải nghiệm thì người dân vẫn chưa thật sự tin tưởng từ lợi ích mà du lịch cộng đồng mang lại. Mặc dù, nhà đã được ghi số, giao thông, cảnh quan môi trường được quan tâm, đầu tư... Đáng chú ý là dự án trồng 20 ha mận tam hoa nhằm tạo cảnh quan ven đồi rừng phục vụ du lịch... Bước đầu đã có khách đến tham quan, ăn uống và lưu trú. Thế nhưng, ý thức về hoạt động du lịch vẫn còn mơ hồ với cộng đồng, ngay dưới chân nhà sàn đã có biển số, không ít hộ dân vẫn nuôi trâu, bò... Theo ông Lang Hồng Tuyên, trưởng bản Vịn “Phải có thay đổi, phải kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào bản Vịn theo những tiêu chí đề ra, phải có những mô hình kiểu mẫu để cộng đồng làm theo, người dân không thể tự xoay xở với giấc mơ du lịch của mình”.

Có thể nói, phát triển du lịch cộng đồng đang là xu hướng phát triển của nhiều địa phương trong cả nước, nhằm chia sẻ lợi ích cho người dân thông qua việc tạo sinh kế, thu nhập; nâng cao nhận thức cộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường; gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, sự thất bại từ những mô hình du lịch cộng đồng trong thời gian qua, đã và đang đặt ra cho các sở, ngành, chính quyền địa phương và cả cộng đồng bài toán làm gì để phát triển du lịch cộng đồng bền vững?.

Bài và ảnh: Hoài Anh

Bài cuối: Cần chiến lược phát triển lâu dài và bền vững.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]