(Baothanhhoa.vn) - Các sản phẩm làng nghề truyền thống luôn chứa đựng trong nó nhiều giá trị tinh tế của một nền văn hóa. Và do đó, việc phát triển các nghề và làng nghề truyền thống gắn với phát triển, vừa góp phần gìn giữ văn hóa dân tộc, vừa mang đến cho khách du lịch thêm những trải nghiệm thú vị.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Du lịch làng nghề: Vẫn còn ở dạng tiềm năng

Du lịch làng nghề: Vẫn còn ở dạng tiềm năng

Nhiều sản phẩm làng nghề là những món quà lưu niệm phục vụ du lịch. Ảnh: Lê Dung

Các sản phẩm làng nghề truyền thống luôn chứa đựng trong nó nhiều giá trị tinh tế của một nền văn hóa. Và do đó, việc phát triển các nghề và làng nghề truyền thống gắn với phát triển, vừa góp phần gìn giữ văn hóa dân tộc, vừa mang đến cho khách du lịch thêm những trải nghiệm thú vị.

Từ những làng nghề du lịch nổi tiếng...

Ngày nay, khi xu hướng du lịch tìm hiểu và trải nghiệm các giá trị văn hóa đặc sắc ngày càng phổ biến, thì du lịch làng nghề cũng theo đó dần phát triển. Nắm bắt xu thế tất yếu đó, nhiều địa phương vốn được xem là “đất trăm nghề” như Hà Nội, Hòa Bình, Bắc Ninh, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam... đã xây dựng và quảng bá mạnh mẽ sản phẩm mới này đến du khách. Ở những địa phương này hiện có không ít làng nghề truyền thống có lịch sử lâu đời, với nhiều thương hiệu và sản phẩm nổi tiếng xa gần. Trong đó phải kể đến làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội); làng gốm Phù Lãng (huyện Quế Võ, Bắc Ninh); làng tranh Đông Hồ (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh); làng đá Non Nước (TP Đà Nẵng); làng nghề vàng bạc Châu Khê (huyện Bình Giang, Hải Dương)...

Vài năm trở lại đây, khi nói đến Quảng Nam, người ta không chỉ biết đến phố cổ Hội An, mà còn nhắc đến nhiều điểm du lịch vốn là những làng nghề có lịch sử hàng trăm năm, nằm cách Hội An chỉ chừng vài ba km. Nổi tiếng hơn cả phải kể đến làng gốm Thanh Hà, làng mộc Kim Bồng, rau Trà Quế. Trong đó, làng rau Trà Quế đã có được chỗ đứng riêng trên bản đồ du lịch. Đến thăm làng rau này, trước hết du khách sẽ nghỉ ngơi tại điểm dừng chân và nghe giới thiệu khái quát về lịch sử hình thành, tồn tại của làng nghề. Tiếp đó, du khách sẽ được mặc áo nâu, đội nón lá và sẵn sàng ra đồng, cùng nông dân trồng trỉa. Chưa hết, sau khi trải nghiệm làm nông dân, du khách sẽ được trải nghiệm thêm nhiều dịch vụ thú vị khác như ngâm chân thảo dược và mát xa chân, thưởng thức các món ăn truyền thống mà nguyên liệu được sản xuất trên chính mảnh ruộng khách vừa tham quan. Đây là sản phẩm du lịch mang đến cho khách tham quan, đặc biệt là khách quốc tế, nhiều thích thú và ấn tượng. Tất cả không chỉ bởi sự mới lạ, độc đáo của sản phẩm, mà còn bởi sự giản dị, gần gũi của cư dân bản địa và nếp sống, nếp canh tác truyền thống của họ vốn rất đặc trưng cho văn hóa dân tộc.

Du lịch làng nghề: Vẫn còn ở dạng tiềm năng

Khách quốc tế trải nghiệm sản phẩm du lịch làng nghề rau Trà Quế (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam).

Nằm ven sông Hồng thuộc ngoại thành Hà Nội, có một làng nghề mà tên tuổi của nó đã đi vào ca dao: Gốm Bát Tràng. Làng gốm có lịch sử chừng 6 thế kỷ và nổi tiếng bậc nhất Việt Nam này, đang trở thành điểm đến yêu thích của khách du lịch, nhất là khách trẻ và khách quốc tế. Du khách đến với làng gốm không chỉ được xem các nghệ nhân sản xuất các mặt hàng gốm sứ đa dạng mẫu mã, màu sắc, kiểu dáng; mà còn được trải nghiệm cảm giác của người thợ thủ công, bằng cách tự tay nhào nặn các vật dụng theo mong muốn. Chính quá trình được làm nghề đã tạo hứng thú cho du khách và sản phẩm lưu niệm họ mang về cũng là những sản phẩm có phần kém dáng, nhưng hàm chứa niềm vui và sự thoải mái của bản thân. Ngoài ra, khi đến đây, du khách còn được tham quan làng cổ Bát Tràng, hay ghé thăm chợ gốm Bát Tràng để chọn mua những món đồ thủ công tinh xảo.

Làng rau Trà Quế, làng gốm Bát Tràng và hàng chục làng nghề truyền thống trên khắp cả nước, khi bắt tay làm du lịch đều xuất phát từ chính nguồn tài nguyên du lịch nhân văn sẵn có. Đó là cái nghề truyền thống, có lịch sử lâu dài và đã ăn rất sâu vào đời sống, vào nếp nghĩ, việc làm của cư dân. Để rồi, làm du lịch với họ dường như cũng trở nên tự nhiên và không làm mất đi bản tính chân thật, chất phác, hiền lành của người nông dân. Một điểm chung của các làng nghề này là người dân khá nhạy bén trong việc thu hút du khách, bằng cách lôi cuốn họ tham gia vào quá trình lao động và tự tay tạo ra các sản phẩm lưu niệm cho mình. Hoặc, cái họ thu được sau khi hóa thân thành người nông dân là những khám phá mới về văn hóa, con người một vùng đất mà không cần dùng sợi dây ngôn ngữ. Bên cạnh đó, việc xây dựng và đưa vào khai thác hiệu quả sản phẩm du lịch làng nghề đang cho thấy, sản phẩm này đã tạo ra sự tác động tích cực đến việc duy trì và phát triển làng nghề. Trong đó, đáng kể nhất là góp phần thôi thúc các nghệ nhân tích cực cải tiến kỹ thuật, tay nghề nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Đồng thời, giúp nâng cao ý thức giữ gìn cảnh quan tự nhiên, bảo vệ môi trường và nếp sinh hoạt văn hóa cổ truyền trong cộng đồng cư dân.

... đến du lịch làng nghề xứ Thanh

Dù có thể chưa sánh với vùng “đất trăm nghề” đồng bằng Bắc bộ, nhưng Thanh Hóa cũng có không ít làng nghề mà sản phẩm nó làm ra đã vang danh khắp các vùng miền. Chẳng hạn chiếu Nga Sơn đã đi vào ca dao, hay đồ đồng Chè Đông khá nổi tiếng. Rồi thì làng mộc Đạt Tài (xã Hoằng Đạt, Hoằng Hóa); làng nghề chế tác đá mỹ nghệ (TP Thanh Hóa); làng nhiễu Hồng Đô (xã Thiệu Đô, Thiệu Hóa); làng nghề nón lá (xã Trường Giang, Nông Cống); làng nghề mây tre đan (xã Hoằng Thịnh, Hoằng Hóa); làng nghề nước mắm Do Xuyên – Ba Làng (xã Hải Thanh, Tĩnh Gia); làng nghề nấu rượu (xã Cầu Lộc, Hậu Lộc); làng nghề bánh gai Tứ Trụ (xã Thọ Diên, Thọ Xuân), làng nghề nem chua Tào Xuyên (TP Thanh Hóa)...

Có một thời, chiếu cói Nga Sơn có mặt khắp các vùng miền. Sản phẩm của làng nghề đã có được “thương hiệu” của riêng nó, gắn với câu ca dao chỉ dẫn địa lý “Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng, vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông”. Đồng thời, nhiều sản phẩm thủ công được dệt từ đôi bàn tay tài hoa của người nghệ nhân, đã tạo ra một đời sống và không gian văn hóa riêng cho cư dân các làng biển Nga Sơn. Nhưng rồi, dù có cầu kỳ đến mấy thì những sản phẩm thủ công mặn mòi vị biển ấy, cũng chẳng thể vượt qua sức ép của những mặt hàng được sản xuất bằng nhựa, nứa rẻ hơn và cũng bắt mắt hơn. Thị trường bị thu hẹp, làng nghề cũng thu hẹp và những cánh đồng cói chạy một vệt dài ven biển cũng dần biến mất. Trước thực trạng đó, huyện Nga Sơn đã phải tìm hướng đi mới cho cây cói. Đồng thời, nhiều làng nghề cũng đã đa dạng hóa các sản phẩm từ cói và tìm kiếm thị trường cho các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Nhờ đó, làng nghề truyền thống từng “vang bóng một thời” vẫn phần nào còn giữ được hồn cốt.

Tìm hướng giữ nghề, truyền nghề và phát triển các làng nghề truyền thống, đã và đang là vấn đề đặt ra cho tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt quy hoạch các điểm du lịch làng nghề giai đoạn 2016 - 2020, bao gồm 15 làng nghề được chọn để đầu tư phát triển, trở thành điểm du lịch. Quy hoạch đề ra mục tiêu đến năm 2020, các điểm du lịch này sẽ thu hút được 57.000 lượt khách quốc tế và 1,3 - 1,5 triệu lượt khách nội địa. Qua đó, từng bước khai thác các sản phẩm đặc trưng của làng nghề, nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của Thanh Hóa. Đồng thời, kết hợp quảng bá giá trị văn hóa, lịch sử gắn với các thương hiệu, sản phẩm truyền thống của địa phương, đưa du lịch làng nghề trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc của Thanh Hóa... Cho đến nay, một số làng nghề nằm trong quy hoạch như làng đúc đồng Chè Đông, làng bánh gai Tứ Trụ, nước mắm Ba Làng, nem chua Tào Xuyên, mây tre đan Hoằng Thịnh, bước đầu đã nhận được sự quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực từ phía chính quyền các địa phương. Nhờ đó, các mặt hàng làm ra đã có được chỗ đứng nhất định trên thị trường.

Mặc dù vậy, để người dân các làng nghề có thể tiếp cận với khái niệm “du lịch làng nghề” thì vẫn chưa dễ. Điều này xuất phát từ không ít rào cản, khó khăn đặt ra trong chính sự tồn tại, phát triển của các làng nghề; từ năng lực và khả năng đầu tư, quản lý của chính quyền cơ sở; từ nhận thức và cách thức làm du lịch của người dân. Về nội tại các làng nghề, vấn đề ô nhiễm và nguy cơ ô nhiễm môi trường đang là vấn đề gây nhức nhối. Hầu hết các làng nghề chưa được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Do đó, nước thải từ nhiều làng nghề (nhất là nghề chế biến lương thực, thực phẩm, thủy, hải sản) thường có nồng độ ô nhiễm rất cao. Bên cạnh đó, tỷ lệ các cơ sở hoạt động trong làng nghề xây dựng hệ thống xử lý khí thải là rất thấp. Ngoài ra, chất thải rắn phát sinh từ quá trình sản xuất cũng chưa được xử lý hoặc xử lý không triệt để; tỷ lệ thu gom, xử lý mới chỉ đạt khoảng 60%. Điều này đã và đang tác động xấu đến môi trường đất, nước, không khí và sức khỏe người dân.

Để hoàn thiện sản phẩm du lịch, các làng nghề cần được đầu tư toàn diện các hạng mục như khu đón tiếp khách, khu trưng bày giới thiệu sản phẩm, hệ thống hạ tầng điện, thoát nước, xử lý môi trường. Cùng với đó là nhân lực, quản trị, vùng nguyên liệu, dịch vụ du lịch, xúc tiến thương mại, quảng bá. Để thực hiện được cần số tiền đầu tư lớn, cho nên hầu hết các làng nghề trong quy hoạch phát triển du lịch hiện vẫn chưa được đầu tư khai thác và thu hút du khách. Do đó, mục tiêu đề ra đến năm 2020 đón 57.000 lượt khách quốc tế và 1,3 - 1,5 triệu lượt khách nội địa, là không dễ đạt được. Đồng thời, du lịch làng nghề hiện vẫn ở dạng tiềm năng, hay nói cách khác, sản phẩm du lịch làng nghề chưa thể thổi một luồng sinh khí mới vào các làng nghề truyền thống hiện nay.

Lê Dung


Lê Dung

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]