(Baothanhhoa.vn) - Năm 1993, câu chuyện bè tre Việt Nam do ngư dân Lương Viết Lợi ở Sầm Sơn và các nhà thám hiểm phương Tây vượt Thái Bình Dương đi Hoa Kỳ đã nổi tiếng trong và ngoài nước. Đến nay, tại Khu Du lịch biển Hải Tiến (Hoằng Hóa), một đề án phát triển du lịch bằng bè mảng mô phỏng lại chiếc bè Từ Phúc của ngư dân Sầm Sơn gần 30 năm trước đã được phục dựng. Loại phương tiện đường thủy “tối cổ” của người Việt này sẽ đưa du khách tham quan những đền chùa, danh thắng sâu trong đất liền, ra đảo Nẹ, mang theo kỳ vọng đa dạng hóa loại hình du lịch, tạo thêm sinh kế cho ngư dân địa phương...

Viết tiếp ước mơ bè tre vượt sóng

Năm 1993, câu chuyện bè tre Việt Nam do ngư dân Lương Viết Lợi ở Sầm Sơn và các nhà thám hiểm phương Tây vượt Thái Bình Dương đi Hoa Kỳ đã nổi tiếng trong và ngoài nước. Đến nay, tại Khu Du lịch biển Hải Tiến (Hoằng Hóa), một đề án phát triển du lịch bằng bè mảng mô phỏng lại chiếc bè Từ Phúc của ngư dân Sầm Sơn gần 30 năm trước đã được phục dựng. Loại phương tiện đường thủy “tối cổ” của người Việt này sẽ đưa du khách tham quan những đền chùa, danh thắng sâu trong đất liền, ra đảo Nẹ, mang theo kỳ vọng đa dạng hóa loại hình du lịch, tạo thêm sinh kế cho ngư dân địa phương...

Viết tiếp ước mơ bè tre vượt sóngBè tre phục vụ du lịch tại Hải Tiến đã hoạt động những chuyến đầu tiên.

Từ “kỳ tích” bè tre ngàn dặm...

Những ngày đầu hè 2021, ngư dân Lương Viết Lợi, ở phường Trường Sơn, TP Sầm Sơn – người Việt duy nhất trên chuyến thám hiểm bằng bè tre đi Hoa Kỳ năm xưa, đã được mời lên xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa) để tư vấn đóng 2 chiếc bè du lịch đầu tiên. Nhóm thợ đóng bè chuyên nghiệp ở thôn Thành Xuân, xã Hoằng Trường được thuê “thi công” các bè đúng thiết kế đã được phê duyệt theo đề án du lịch. Tại đây, mỗi khi kể lại chuyến đi “táo bạo và điên rồ” của mình cùng các đồng sự, ông Lợi rất tự hào. Toàn bộ diễn biến của kỳ tích vượt đại dương ấy đã được trưởng đoàn thám hiểm là ông Tim Severin - nhà khảo cổ, nhà thám hiểm người Anh kể lại trong cuốn sách “Bè tre Việt Nam du ký” bằng Anh ngữ, đã được dịch giả Đỗ Thái Bình và Vũ Diệu Linh dịch ra tiếng Việt.

Theo nội dung cuốn sách, ý tưởng dùng bè tre vượt Thái Bình Dương này xuất phát từ một giả thuyết mà Tim Severin nghiên cứu về lịch sử các cuộc thám hiểm thế giới tại Đại học Oxford (Hoa Kỳ). Cuối năm 1991, Tim đã đến Việt Nam, liên hệ và được Bộ Văn hóa – Thông tin khi ấy cử người phiên dịch và hỗ trợ, giới thiệu về vùng biển Sầm Sơn. Đến đây, nhà thám hiểm vô cùng vui mừng khi nhìn thấy hàng trăm chiếc bè tre luồng trên bãi biển – đúng loại phương tiện thô sơ mà mình đang tìm, rồi chụp ảnh, đi thử. Ông vui mừng trở về Anh để nghiên cứu kết cấu phương tiện, tìm hiểu thêm nguyên lý sử dụng cánh buồm truyền thống nhằm lợi dụng sức gió.

Đầu năm 1993, Tim Severin trở lại Sầm Sơn cùng với nhóm thám hiểm của mình để tìm hiểu thêm và muốn thực hiện chuyến đi được nhiều người khi ấy coi là “điên rồ”. Những ngư dân bản địa đã giúp đoàn mua về hàng trăm cây luồng từ các huyện miền núi Thanh Hóa, rồi thuê thợ đóng bè để vượt đại dương lớn nhất thế giới là Thái Bình Dương. Muốn có một ngư dân địa phương điều khiển bè thuần thục cùng đồng hành, ông Tim Severin đã vận động và người đàn ông trẻ tuổi Lương Viết Lợi đã đồng ý. 1.300 USD khi ấy chính là khoản thù lao mà ông Lợi sẽ được trả sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Ông Tim Severin cùng đoàn thám hiểm càng quyết tâm và tự tin vượt sóng gió trùng khơi khi có người thanh niên 30 tuổi lực lưỡng, vừa là thợ đóng thuyền, lại vừa là ngư dân thường xuyên đi biển bằng bè mảng cùng đồng hành.

Trung tuần tháng 3 năm ấy, chiếc bè do những ngư dân Sầm Sơn đóng đã hoàn thành, sau đó được đưa ra Quảng Ninh để gắn 3 cánh buồm theo lối cổ. Ngày 10-4-1993, chiếc bè hoàn chỉnh rồi rời Hạ Long đến Hồng Kông nhằm trang bị thêm các phương tiện thông tin liên lạc, lương thực, nước uống để bắt đầu hải trình được cho là “không tưởng”. Đến ngày 17–5-1993, chiếc bè tre “Made in Thanh Hóa” được “vinh dự” cắm cờ Việt Nam và Ireland, cùng các nhà thám hiểm vượt Thái Bình Dương hướng đến Mỹ quốc xa xôi. Hành trình của ngư dân Lương Viết Lợi và đoàn thám hiểm vượt Thái Bình Dương diễn ra trong 6 tháng với muôn vàn gian khó, đã vượt 5.500 dặm, chỉ còn hơn 900 dặm là đến đích là bờ biển California thì gặp bão lớn. Cột buồm gãy đổ làm Tim Severin gãy 2 xương sườn, thân bè bị sóng lớn đánh khiến một số cây luồng có dấu hiệu rời ra. Trước nguy cơ không an toàn, đoàn đã phát tín hiệu nhờ trợ giúp, sau đó được một tàu hàng của Nhật Bản đưa lên tàu. Mọi người trong đoàn thống nhất bỏ phương tiện trôi trên biển để bảo đảm an toàn và kịp thời cấp cứu cho ông Tim Severin. Chuyến đi chưa trọn vẹn do điều kiện khách quan, nhưng đã thành công với những tính toán hướng gió và đúng hải trình đã định. Điều đó đã khẳng định giả thuyết còn tranh cãi lúc ấy: Người châu Á xa xưa có thể vượt đại dương đến châu Mỹ bằng những phương tiện tre luồng thô sơ.

... đến ý tưởng biến bè tre thành sản phẩm du lịch

Biến câu chuyện “cổ tích giữa đời thường” liên quan đến bè tre Việt Nam vượt Thái Bình Dương để phát triển du lịch là ý tưởng hay. Sau khi tham khảo ý kiến các sở, ngành liên quan, Công ty CP Đầu tư và Du lịch Đại Dương Xanh ở huyện Hoằng Hóa đã xây dựng và trình Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đề án phát triển du lịch bằng bè mảng với tên gọi: “Phục dựng mô hình bè mảng truyền thống nhằm phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”. Hơn 2 tháng qua, 2 chiếc bè đầu tiên của chương trình phát triển du lịch cộng đồng này đã được hơn chục thợ đóng bè lành nghề xã Hoằng Trường nỗ lực hoàn thiện. Để phù hợp với đặc thù chở du khách nên bè có kích thước thu nhỏ hơn so với nguyên mẫu bè Từ Phúc ở Sầm Sơn. Với 62 cây luồng được sử dụng, mỗi phương tiện có chiều dài 11,8m, rộng 3,5m, thiết kế cả mái che mưa nắng. Nhằm bảo đảm an toàn, bè còn có phần lan can cao 1,2m bằng ván và luồng thiết kế đẹp mắt. Ngoài dùng 3 cánh buồm thu gió để vận hành, phương tiện còn thiết kế để lắp máy nổ loại 30 đến 50 mã lực khi cần tăng tốc hoặc đi ngược chiều gió. Dưới sự điều hành và giám sát của phía công ty chủ quản, một số ngư dân địa phương cũng được tập huấn để tham gia hoạt động du lịch này.

Về ý tưởng phát triển du lịch bằng bè tre luồng, ông Nguyễn Tiến Đức, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Du lịch Đại Dương Xanh, chia sẻ: Bè mảng là phương tiện mà hàng trăm năm trước, người Việt đã sử dụng đi trên sông nước, vươn ra biển, thậm chí đi tới đảo xa. Nay, khai thác hải sản đang được khuyến khích bằng những phương tiện hiện đại, xa bờ nên bè mảng bằng tre luồng gần gũi thiên nhiên dành cho phát triển du lịch là hợp lý. Đặc biệt hơn, Thanh Hóa có bè tre Sầm Sơn từng được thử nghiệm vượt Thái Bình Dương thành công, cần khơi dậy niềm tự hào cũng như giá trị của loại phương tiện này.

Vào trước dịp lễ 30-4, 1-5 vừa qua, 2 phương tiện bè tre đầu tiên đã được “hạ thủy” và chạy thử thành công những chuyến đầu tiên. Sau đó tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp, các hoạt động du lịch bị hạn chế nên hình thức du lịch cộng đồng này chưa có nhiều điều kiện phát triển. Tuy nhiên, theo nhận định từ phía công ty, đây chỉ là thời điểm khó khăn tạm thời, sau khi ổn định tình hình, chắc chắn mô hình sẽ phát triển bởi có nhiều khách du lịch thích trải nghiệm. Theo đề án phát triển du lịch bằng bè mảng nói trên, các phương tiện sẽ đưa du khách từ Khu Du lịch biển Hải Tiến kết nối các điểm du lịch như đảo Nẹ; Công viên du lịch tâm linh Hoằng Trường, Chùa Bụt; rừng ngập mặn Hậu Lộc, Cảng cá Hòa Lộc, trải nghiệm sông Cung, kết nối sông Mã qua cầu Hàm Rồng, ghé thăm Thiền viện Trúc lâm Hàm Rồng, đền Cô Bơ, Ngã Ba Bông, Đền Hàn... Theo lộ trình, sau khi khẳng định được sự thành công, đề án sẽ phát triển dần lên đến 100 phương tiện trong những năm tiếp theo, biến hoạt động này thành sản phẩm đặc trưng của du lịch Hải Tiến nhằm thu hút ngày càng nhiều du khách. Cùng với đó, đề án còn đề cập đến việc đầu tư xây dựng bảo tàng giới thiệu bè tre Việt Nam gắn với các phong tục tập quán, sinh hoạt, lao động sản xuất vùng sông nước, vùng ven biển...

Ngoài mục tiêu phục dựng, cải tiến nâng cao an toàn, thân thiện và độc đáo phục vụ du lịch cộng đồng, những bè mảng này còn góp phần giữ gìn giá trị văn hóa phi vật thể như Lễ hội Cầu Ngư, các lễ hội sông nước, hò Sông Mã, đua bè mảng... nhằm tăng thời gian lưu trú của du khách, nhất là du khách nước ngoài.

Bài và ảnh: Lê Đồng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]