(Baothanhhoa.vn) - Tháng 7-2018, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt đề án thực hiện cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công lập thuộc tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2018-2020, với mục tiêu giảm dần kinh phí chi thường xuyên từ nguồn ngân sách Nhà nước đối với các bệnh viện; ưu tiên dành nguồn kinh phí chi từ ngân sách Nhà nước sang mục tiêu đầu tư cho y tế dự phòng và y tế cơ sở. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện tự chủ tài chính và đặc biệt là dưới tác động tiêu cực từ dịch COVID-19 trong 2 năm qua, các bệnh viện cũng gặp không ít khó khăn.

Thực hiện tự chủ tại bệnh viện tuyến huyện: Nhiều cái khó

Tháng 7-2018, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt đề án thực hiện cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công lập thuộc tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2018-2020, với mục tiêu giảm dần kinh phí chi thường xuyên từ nguồn ngân sách Nhà nước đối với các bệnh viện; ưu tiên dành nguồn kinh phí chi từ ngân sách Nhà nước sang mục tiêu đầu tư cho y tế dự phòng và y tế cơ sở. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện tự chủ tài chính và đặc biệt là dưới tác động tiêu cực từ dịch COVID-19 trong 2 năm qua, các bệnh viện cũng gặp không ít khó khăn.

Thực hiện tự chủ tại bệnh viện tuyến huyện: Nhiều cái khó

Nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa huyện Lang Chánh chăm sóc bệnh nhân.

Theo lộ trình mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh đạt tỷ lệ 31,2 giường bệnh/vạn dân; 10 bác sĩ/vạn dân; có ít nhất 3 bệnh viện thực hiện tự chủ 100% về chi thường xuyên; 2 bệnh viện thực hiện tự chủ từ 80% đến 90% về chi thường xuyên; 8 bệnh viện thực hiện tự chủ từ 70% đến 80% về chi thường xuyên; 22 bệnh viện thực hiện tự chủ từ 60% đến 70% về chi thường xuyên; 2 bệnh viện thực hiện tự chủ từ 50% đến 60% về chi thường xuyên. Các bệnh viện tự chủ 100% về chi thường xuyên đối với số giường bệnh tăng thêm... Thực hiện theo lộ trình, ngành y tế đã và đang từng bước triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đổi mới, sắp xếp lại tổ chức; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy nhân sự và tài chính. Bên cạnh đó, ngành đã quyết liệt chỉ đạo các bệnh viện trên địa bàn tỉnh thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Chỉ đạo thường xuyên tổ chức lấy ý kiến thăm dò sự hài lòng của người bệnh và người nhà bệnh nhân. Đánh giá chất lượng bệnh viện thông qua các tiêu chí chấm điểm công khai, minh bạch; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát chi phí. Không ngừng nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ, đổi mới quy trình tiếp đón, hướng dẫn người bệnh. Thành lập tổ, phòng công tác xã hội trong các bệnh viện, nhằm kịp thời giải quyết vướng mắc cho người bệnh trong quá trình khám, điều trị... Nhiều bệnh viện đã triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng bệnh viện về mọi mặt, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe của Nhân dân.

Theo đánh giá của Sở Y tế, qua thực hiện tự chủ, cơ chế hoạt động, tài chính của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập đã từng bước được đổi mới. Cơ chế tự chủ cũng mở ra cơ hội để bệnh viện kêu gọi xã hội hóa, tuyển dụng viên chức, người lao động và chủ động trong việc mua sắm trang thiết bị, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng bệnh viện. Để các bệnh viện phát triển bền vững, việc tất yếu là phải đưa các hoạt động về công tác quản lý, cơ chế tài chính, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế, chuyên môn kỹ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ và chất lượng khám chữa bệnh (KCB), tạo thương hiệu cho chính bệnh viện của mình. Đây chính là động lực để các bệnh viện thi đua phát triển và người bệnh cũng có nhiều cơ hội để lựa chọn những nơi KCB tốt hơn. Tuy nhiên, việc thực hiện tự chủ tài chính đối với các bệnh viện trên địa bàn tỉnh, nhất là các đơn vị y tế tuyến huyện gặp nhiều khó khăn do điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ bác sĩ còn thiếu; chất lượng các cơ sở y tế không đồng đều, thiếu bác sĩ có trình độ tay nghề cao... Nhất là trong 2 năm qua, do tình hình dịch COVID-19 nên số lượng người đến KCB tại các cơ sở y tế công lập giảm mạnh, kéo theo nguồn thu của nhiều đơn vị giảm, dẫn đến thiếu hụt kinh phí chi trả lương và các khoản phụ cấp cho cán bộ, viên chức...

Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Lang Chánh, đến thời điểm này dù tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, tuy nhiên số lượng bệnh nhân đến bệnh viện vẫn khá ít đã tác động đến nguồn thu và kinh phí hoạt động của đơn vị giảm. Trong khi đó, thực hiện cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm về tài chính giai đoạn 2022-2025, ngân sách Nhà nước đã cắt giảm kinh phí cấp từ 70 triệu đồng/1 giường kế hoạch xuống 35 triệu đồng/1 giường kế hoạch. Để duy trì hoạt động, bệnh viện phải cân đối nguồn kinh phí trả lương, phụ cấp lương, các chế độ khác của cán bộ, nhân viên... Số tiền được bảo hiểm xã hội cấp ứng chưa đủ trả lương và các khoản phụ cấp khác. Bên cạnh đó, do nguồn kinh phí KCB bảo hiểm y tế (BHYT) hiện đang bị “treo” chưa được quyết toán và bị thu hồi số tiền vượt định mức kinh tế kỹ thuật từ năm 2017 và 2018 đã sử dụng cho bệnh nhân BHYT quá lớn đã làm mất cân đối tài chính của đơn vị. Do nguồn thu thấp, ngân sách cắt giảm nên bệnh viện không có nguồn để trả nợ tiền thuốc, vật tư y tế năm 2021 cho các nhà cung cấp. Năm 2022, các đơn vị cung cấp vật tư y tế, hoá chất xét nghiệm phục vụ KCB BHYT yêu cầu trả nợ năm trước thì mới cung cấp thuốc, vật tư y tế mới, gây nên tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế phục vụ KCB cho bệnh nhân BHYT, gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tham gia BHYT.

Trao đổi với lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa huyện Lang Chánh, được biết: Việc phải tự chủ hơn 90% là rất khó khăn với một bệnh viện tuyến huyện ở miền núi. Nguyên nhân là do việc giao dự toán kinh phí chi thường xuyên hàng năm giảm, chưa đánh giá mức độ tự chủ, sự tác động bởi các yếu tố khách quan của từng đơn vị; cơ sở vật chất xây dựng, cải tạo qua nhiều năm nên thiếu đồng bộ, không đáp ứng được nhu cầu KCB trong điều kiện hiện nay của người dân; việc thực hiện thẩm định, phê duyệt quyết toán chi phí KCB BHYT hàng năm qua nhiều khâu, nhiều lần, nhiều cấp và thời gian kéo dài, chi phí KCB BHYT đã được quyết toán những năm trước giảm trừ vào năm sau, gây ra những khó khăn cho đơn vị đối với hoạt động tài chính trong năm và những năm tiếp theo.

Tại một số bệnh viện khác, dù không mất cân đối thu - chi, nhưng nguồn chênh lệch thu - chi giảm thấp đã giảm thu nhập của nhân viên y tế và không thể tái đầu tư phát triển. Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Thủy Nguyễn Văn Nguyên chia sẻ: Bệnh viện thực hiện tự chủ trong điều kiện không thuận lợi, nhất là khi dịch COVID-19 tác động làm giảm số lượng người đến KCB tại các cơ sở y tế, giảm nguồn thu, do đó nguồn kinh phí để đầu tư mua sắm các trang thiết bị để nâng cao chất lượng bệnh viện cũng khó khăn. Dù phải nỗ lực để duy trì các hoạt động và bảo đảm được cân đối thu - chi, nhưng chưa bảo đảm chế độ chi khác cho nhân viên y tế. Nếu tình trạng nguồn thu giảm kéo dài, sẽ dẫn đến thu nhập của y, bác sĩ thấp, khi đó khó giữ chân được cán bộ y tế.

Tự chủ tài chính là chủ trương chung và là xu thế tất yếu phải thực hiện ở các bệnh viện hiện nay. Mục tiêu tự chủ nhằm phát huy trách nhiệm của cán bộ, nhân viên y tế, khích lệ tinh thần, làm càng tốt, càng thu nhiều thì tăng nguồn thu, bệnh viện phát triển, nhân viên gắn bó, nâng cao hiệu quả chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Tuy nhiên, thực tế triển khai tại nhiều bệnh viện cho thấy, khó khăn lớn nhất mà các bệnh viện phải đối mặt là liên quan đến cơ chế tài chính. Hiện giá dịch vụ y tế hiện hành vẫn chưa tính đầy đủ các chi phí cấu thành; được giao thực hiện tự chủ nhưng với những văn bản hiện hành, nhiều bệnh viện công đang lúng túng trong cách hiểu, cách vận dụng tự chủ bệnh viện, dẫn tới sự thiếu thống nhất, đồng bộ. Mặc dù chủ trương giao các bệnh viện tiến hành tự chủ về nhân lực, nhưng lại áp định mức giảm biên chế; giao tự chủ về tài chính nhưng việc mua sắm trang thiết bị phục vụ KCB vẫn phải chờ phê duyệt qua nhiều cấp, nhiều ngành, tốn nhiều thời gian. Bên cạnh đó là những bất cập trong công tác KCB bằng BHYT, giao dự toán chi phí KCB chưa sát thực tế..., dẫn đến các cơ sở KCB gặp nhiều khó khăn trong triển khai. Điều này càng bộc lộ rõ khi dịch COVID-19 bùng phát, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện đều sụt giảm, có những bệnh viện có thời điểm hầu như không có bệnh nhân. Không có bệnh nhân, đồng nghĩa với không có nguồn thu, trong khi các khoản chi vẫn phải duy trì, khiến một số bệnh viện, ngay cả tiền lương cũng không thể bảo đảm chi trả. Câu chuyện các bệnh viện khó khăn về kinh tế, thu nhập của nhân viên thấp, nhiều bệnh viện đã không giữ chân được bác sĩ trong thời gian qua là một minh chứng điển hình.

Đã đến lúc, cần sớm tổng kết mô hình thí điểm tự chủ bệnh viện, để từ đó lựa chọn ra mô hình phù hợp. Việc tự chủ cũng nên phân tuyến, phân cấp và được tính toán cụ thể để bảo đảm thực hiện được mục tiêu đề ra khi xây dựng thực hiện tự chủ bệnh viện là nâng cao hiệu quả chất lượng KCB cho người dân; đồng thời, tạo động lực nâng cao thu nhập cho nhân viên y tế, thay đổi tích cực về thái độ phục vụ và dịch vụ y tế để người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế chất lượng nhất.

Bài và ảnh: Tô Hà


Bài và ảnh: Tô Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]