(Baothanhhoa.vn) - Những ngày cuối năm, khi những tia nắng xuân đã tràn ngập núi rừng, thắp lên sắc trắng tinh khôi trên những vườn mai, vườn mận thì cũng là lúc mà bản người Dao Hạ Sơn, xã Ngọc Khê, huyện Ngọc Lặc bắt đầu rộn ràng những đêm tết nhảy.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tết nhảy đoàn viên người Dao

Những ngày cuối năm, khi những tia nắng xuân đã tràn ngập núi rừng, thắp lên sắc trắng tinh khôi trên những vườn mai, vườn mận thì cũng là lúc mà bản người Dao Hạ Sơn, xã Ngọc Khê, huyện Ngọc Lặc bắt đầu rộn ràng những đêm tết nhảy.

Tết nhảy đoàn viên người Dao

Người Dao cúng mời tổ tiên về dự tết nhảy. Ảnh: N.M

Cứ đến kỳ 20 năm một lần dòng Phùng, họ Triệu tổ chức tết nhảy để báo đáp tổ tiên, thần linh và đoàn viên, sum họp con cháu trong những ngày cuối năm. Dòng họ Phùng lớn do ông Phùng Quang Du ở bản Hạ Sơn năm nay tổ chức tết năm cùng sớm hơn những năm trước vì dòng họ của ông đã đến kỳ tổ chức tết nhảy để tạ ơn tổ tiên, thần linh. Tết nhảy là một tục lệ đẹp gắn với truyền thuyết về một cuộc thiên di vượt biển đầy bi tráng của người Dao. Tết nhảy là việc của gia đình, dòng họ nhưng thu hút sự tham gia của đông đảo anh em bạn bè và làng trên xóm dưới.

Đã thành thông lệ khi một dòng họ nào của người Dao trong bản Hạ Sơn tổ chức tết nhảy thì trong bản các gia đình sẽ tạm gác công việc đồng áng, nương rẫy để sang giúp việc trong 3 ngày 3 đêm. 4 giờ sáng, khi trời còn chìm trong hơi lạnh của sương sớm thì thanh niên trong bản Hạ Sơn đã tập trung rất đông ở vườn nhà ông Du để chuẩn bị làm thịt 3 con lợn trong ngày tổ chức tết nhảy đầu tiên. Lợn được mổ xong, phần xương và thịt được chia để chế biến từng món ăn, phần thủ của lợn được bày trước bàn thờ tổ tiên, thần linh để cúng trong ngày đầu tiên. Những ngày sau, khi làm thịt những con lợn khác, sẽ thay bằng những thủ mới. Khi trời sáng tỏ được mặt người thì nhà ông Du người đến giúp làm tết nhảy đã đông như hội. Trong nhà, ngoài sân trẻ có, già có mỗi người một việc rộn ràng, phấn khởi với niềm vui tết đoàn viên của gia chủ. Trưa, ông Phùng sẽ làm khao cỗ tết năm cùng trước, sau đó mới đến các nghi thức chính của tết nhảy. Do đó trong gian bếp, ngoài sân công việc nấu nướng, cỗ bàn được chuẩn bị gấp rút.

Theo phong tục truyền thống của người Dao, mâm cỗ thết đãi anh em, bạn bè trong ngày tết năm cùng chỉ gói gọn trong một chiếc lá thịt, nghĩa là tất cả các loại thịt lợn, lòng sau khi luộc lên được thái nhỏ và chia đều trên từng chiếc lá chuối và trong mâm cỗ sẽ có một món không thể thiếu đó là món canh chuối rừng. Những cây chuối được chặt từ rừng về được bóc hết lớp bẹ xanh, chỉ lấy phần nõn trắng để trộn với lá đắng và tiết lợn để nấu món mát ngọt, mang đậm hương vị của núi rừng. Món canh chuối phải chọn những cây chuối rừng non, sau đó thái mỏng bóp lá đắng và tiết lợn. Các món gia vị làm món canh đắng không thể thiếu được sả và hạt mắc khẻn. Cũng giống như một số dân tộc khác ở vùng rẻo cao xứ Thanh, mâm cỗ tết của người Dao không thể thiếu được món bánh dày. Được làm từ gạo nếp đồ chín, giã nhuyễn món bánh dày tinh khiết là kết tinh của đất trời và công sức lao động của con cháu dành dâng cúng tổ tiên. Bánh dày là món ăn cổ truyền phổ biến và không thể thiếu được trong mâm cỗ tết của người Dao. Chiếc bánh tròn đầy, trắng tinh được dâng lên tổ tiên với ước nguyện một năm mới no ấm, tròn đầy.

Ngoài sân, những người đàn ông Dao khéo tay giúp gia đình đẽo gọt bộ binh khí từ những thanh gỗ mang hình dáng con dao, thanh kiếm, cán mai, thuổng... sau đó sơn màu lên các dụng cụ này. Những vật dụng này còn tượng trưng cho những công cụ mà tổ tiên người Dao đã dùng để lao động sản xuất, chống giặc ngoại xâm xa xưa. Bộ binh khí này dùng để thờ thần linh và cũng để trai tráng trong bản dùng làm đạo cụ để nhảy múa trong tết nhảy. Con cháu cũng chuẩn bị rất nhiều tiền và vàng để đốt cho tổ tiên và thần linh dùng để mua sắm quần áo mới và làm lộ phí đi về dự tết nhảy trong nhiều ngày.

Bộ tranh Tam Thanh cũng là đồ thờ thiêng liêng, là linh hồn của toàn bộ tết nhảy. Tranh thờ Tam Thanh gồm 12 - 17 tờ lớn nhỏ do những người thợ Hà Đông vẽ nên. Bộ tranh này mô phỏng hình ảnh các vị thần linh mà người Dao quần chẹt phụng thờ như Ngọc Hoàng, Linh Báo, Đạo Đức, Thánh Chỉ, Thiên Sư và các tướng quân, vệ sĩ, diêm vương. Bộ tranh thờ linh thiêng này là vật gia bảo quý giá của mỗi dòng họ nên chỉ được mang ra trưng bày khi gia đình tổ chức tết nhảy, lễ cấp sắc hoặc có đám hiếu. Trong bản Dao Hạ Sơn có một số dòng họ như họ Phùng, họ Triệu có bộ tranh Tam Thanh quý đã được lưu truyền vài trăm năm. Ông Phùng Quang Du cho biết: Bộ tranh Tam Thanh của dòng họ Phùng được lưu truyền khoảng 100 năm, gồm có 17 tranh. Do được vẽ bằng loại màu gia truyền nên mặc dù đã trải qua tròn 1 thế kỷ những nét màu trong tranh vẫn tươi sáng. Mỗi bức tranh vẽ các vị thần linh của người Dao. Bộ tranh này được cất giữ chỉ có dịp tết nhảy và cấp sắc mới mang ra để thờ.

Sáng ngày tổ chức tết nhảy đầu tiên, con cháu họ Phùng sau khi dọn dẹp sạch sẽ bàn thờ tổ tiên và mang tất cả các đồ thờ như nhạc khí, binh khí, “háp cảo” hay còn gọi là tiền đài để đặt vào bàn thờ tổ tiên. Phía dưới bộ tranh Tam Thanh con cháu lập đàn tế và đặt tất cả các binh khí. Để cúng tổ tiên và thần linh gia chủ cũng đặt 3 chiếc thủ lợn, gà và bánh dày để dâng tế. Mở đầu tết nhảy, các thầy cúng sẽ bắt bài cúng mời và dẫn đường để tổ tiên, thần linh về dự tết nhảy với con cháu. Đúng 9 giờ sáng, anh em, bạn bè ở xa bắt đầu đến viếng thăm và dự tết nhảy cùng dòng họ Phùng. Các mâm cỗ được dọn ra, mâm đầu tiên gần bàn thờ và đàn tế sẽ dành riêng để các thầy cúng tiếp tục thông báo về việc tổ chức ăn tết năm cùng, mời tổ tiên về dự. Nâng chén rượu ngô thơm lừng, trưởng dòng họ Phùng gửi lời chúc sức khỏe, may mắn và hạnh phúc đối với anh em, bạn bè và cảm ơn họ đã đến dự tết nhảy cùng gia đình.

Tết năm cùng nhanh chóng kết thúc vào buổi trưa để dòng họ Phùng chuẩn bị cho nghi lễ tiếp theo tết nhảy. Trước bàn thờ tổ tiên và đàn tế, các thầy cúng vẫn tiếp tục cúng dẫn đường cho tổ tiên và thần linh về dự tết nhảy. Trong cuộc thiên di vượt biển đầy bi tráng đến nơi ở mới, thuyền của các dòng họ dân tộc Dao bị sóng to, gió lớn nhấn chìm, họ đã được tổ tiên và các thần linh cứu giúp để vượt qua kiếp nạn. Để tri ân tổ tiên và thần linh, người Dao tổ chức tết nhảy. Theo sách Sử Dung của người Dao, nguồn gốc của tết nhảy bắt đầu từ một truyền thuyết: Xa xưa cộng đồng, tông tộc của người Dao đầu tiên cử hai người đi trước sang nước Nam, sau đó về đóng 7 chiếc thuyền dẫn bà con vượt biển Đông vào đất liền. Trong quá trình vượt biển, đoàn thuyền gặp mưa to bão lớn mịt mùng. Một số chiếc thuyền bị nhấn chìm xuống biển, những thuyền còn lại chở các dòng họ Lý, họ Dương, họ Phùng, họ Triệu cũng trở nên mỏng manh trước sóng gió của biển khơi. Trước tình thế nguy nan ấy, ông Tặng Xị và Phiềng Tặng phải thay mặt bà con người Dao cầu khấn đất trời, long vương nếu qua được hiểm nguy vào được đất liền lập làng, lập xóm thì người Dao sẽ làm tết nhảy để tạ ơn. Lời cầu khấn của người Dao đã thấu lên đến trời, những chiếc thuyền còn lại đã cập bờ bình yên và người Dao bắt đầu cuộc sống trên quê hương mới. Tết nhảy của người Dao được đặt ra, được duy trì bắt nguồn từ những truyền thuyết về cuộc thiên di đầy bi tráng và hào hùng của tổ tiên. Tết nhảy còn là dịp để cúng tổ trạc, táo quân, thần mưa, thần gió, cầu mùa, cầu phúc.

Cộng đồng dân tộc Dao quần chẹt có những quy định chặt chẽ đối với những người đàn ông. Ngoài việc bắt buộc phải tổ chức lễ cấp sắc khi trưởng thành thì những người đàn ông Dao phải biết lĩnh hội tất cả các điệu nhảy múa trong tết nhảy. Trong nghi thức tôn giáo linh thiêng, niềm tin vào sự hiện diện của thần linh và tổ tiên trong những đêm tết nhảy đã truyền cho trai tráng sức mạnh để cuốn vào các đêm tết nhảy. Các màn nhảy múa chiếm phần lớn thời gian, bao trùm không gian và diễn ra liên tục hết lớp này đến lớp khác. Các tổ khúc múa trong tết nhảy được lặp lại nhiều lần gồm 4 loại múa, múa văn múa võ, múa chạy rùa, chạy binh khí đến lần thứ 36 thì đã đủ quân, đủ tướng nhằm tái hiện lại khí thế chiến thắng ngoại xâm, tổ chức khao quân hào hùng của tổ tiên người Dao mỗi dịp xuân về. Trong không gian yên bình của bản làng, tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng thanh la của tết nhảy rộn vang núi rừng như thúc giục, mời gọi bạn bè, như níu chân những người trong cuộc thăng hoa trong những đêm tết nhảy. Đến đêm tết nhảy thứ 3, thầy cúng sẽ ra ngoài sân làm lễ mời Ngọc Hoàng về chứng giám cho tết nhảy của gia tộc và đề nghị ngài khuyên tổ tiên phù hộ độ trì cho con cháu trong dòng họ năm mới được mạnh khỏe, mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi nảy nở, gia đình làm ăn phát đạt và hẹn sau 20 năm nữa, gia đình lại tổ chức tết nhảy để tạ ơn thần linh, tổ tiên.

Tết nhảy với tất cả những nghi lễ văn hóa truyền thống đầy tính nhân văn đã trở thành sợi dây tâm linh, kết nối các thế hệ của người Dao quần chẹt. Tết nhảy còn là dịp để con cháu đoàn viên, tri ân tổ tiên và gửi gắm ước vọng về cuộc sống đủ đầy, ấm no trước thềm xuân mới.

Ngọc Mai



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]