Một tiết mục văn nghệ dân gian của người Mường được biểu diễn tại Lễ hội Lê Hoàn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh và giàu bản sắc

(THO) - Một trong những mục tiêu quan trọng nhất khi triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) là tạo dựng được môi trường văn hóa lành mạnh, an toàn và giàu bản sắc. Từ đó, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân, cũng như góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Để hoàn thành mục tiêu này, việc triển khai hiệu quả 2 tiêu chí số 6 (cơ sở vật chất văn hóa) và số 16 (văn hóa) được xem là giải pháp trọng tâm, cốt lõi.

Một tiết mục văn nghệ dân gian của người Mường được biểu diễn tại Lễ hội Lê Hoàn.

Kết quả...

Trước khi triển khai xây dựng NTM (năm 2013), hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao (VHTT) trên địa bàn xã Yên Trường (Yên Định) vừa thiếu lại vừa yếu; hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao gặp rất nhiều khó khăn. Để hoàn thành tiêu chí số 6 và số 16, xã đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về lĩnh vực văn hóa và phương án xây dựng trung tâm VHTT xã. Để hiện thực hóa phương án, địa phương đã tổ chức họp và vận động nhân dân chuyển đổi đất ở để lấy mặt bằng cho công trình; đồng thời, tranh thủ các nguồn vốn từ chính sách kích cầu của huyện, của tỉnh, tài trợ của các cá nhân và đóng góp của nhân dân. Sau 2 năm triển khai xây dựng, Trung tâm VHTT xã Yên Trường đã hoàn thành, với đầy đủ các hạng mục công trình đạt chuẩn gồm hội trường, nhà thi đấu đa năng, sân vận động, các công trình phụ trợ khác như khuôn viên, tường rào, nhà vệ sinh, điện, nước... với tổng vốn đầu tư trên 7 tỷ đồng. Từ khi đưa vào sử dụng đến nay, trung tâm VHTT xã đã phát huy tốt chức năng, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động VHTT trên địa bàn.

Là huyện dẫn đầu các địa phương trong tỉnh về quy hoạch đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế VHTT, đến nay, huyện Yên Định đã có 27 trung tâm VHTT/27 xã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (trong đó có 25 công trình được xây dựng mới); có 16 nhà thi đấu đa năng; 226 nhà văn hóa, khu thể thao thôn, trong đó 120 công trình đạt chuẩn... Tính đến cuối tháng 9-2018, toàn huyện có 27/27 xã được công nhận xã đạt chuẩn văn hóa NTM; 226/226 làng, thôn đạt danh hiệu văn hóa và 85,5% gia đình đạt gia đình văn hóa... Để đạt được kết quả trên, bên cạnh sự quyết tâm và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã, huyện đã xây dựng các phương án và giải pháp phù hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; trong tuyên truyền, vận động và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; trong kích cầu xây dựng và huy động các nguồn lực...

Nhìn trên diện rộng, việc thực hiện các tiêu chí văn hóa NTM ở tỉnh ta những năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Toàn tỉnh hiện có 328 xã hoàn thành tiêu chí số 6 (đạt tỷ lệ 57,2%) và 468 xã hoàn thành tiêu chí số 16 (đạt tỷ lệ 81,7%). Đối với tiêu chí số 6, hiện 100% số xã đã hoàn thành quy hoạch thiết chế VHTT gắn với quy hoạch NTM. Đặc biệt, nhiều địa phương như Hoằng Hóa, Yên Định, Đông Sơn, Thiệu Hóa, Tĩnh Gia, Quảng Xương, Nga Sơn, Cẩm Thủy, TP Thanh Hóa... đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa cấp xã, thôn. Cùng với đó, các địa phương như TP Thanh Hóa, thị xã Bỉm Sơn, Hà Trung, Hoằng Hóa, Nga Sơn... đã xây dựng các khu VHTT giải trí theo hướng xã hội hóa, bao gồm sân bóng đá mini, bể bơi, sân bóng chuyền, cầu lông, sân chơi thiếu nhi, CLB thể hình.

Theo đó, toàn tỉnh hiện có 490/573 trung tâm VHTT xã, 4.978/5.401 nhà văn hóa thôn, 555 sân bóng đá diện tích 60m x 90m, 149 nhà tập luyện, 213 bể bơi, 4.289 sân bóng chuyền, 4.644 sân cầu lông, 4.046 sân chơi bãi tập, trên 53.000 CLB thể dục - thể thao hoạt động thường xuyên. Theo đánh giá của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, việc xây dựng và tổ chức các hoạt động tại nhà văn hóa, khu thể thao thôn, làng, bản đã và đang trở thành phong trào rộng khắp. Ở các địa phương, tiêu chí số 6 được triển khai bằng nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo, kết hợp vừa xây mới, vừa cải tạo, nâng cấp những thiết chế có sẵn như đình làng, chùa, hội trường UBND, nhà sinh hoạt cộng đồng... Hoạt động của các thiết chế VHTT ngày càng đa dạng, phong phú, hiệu quả, gắn bó thiết thực với đời sống cộng đồng và thu hút đông đảo nhân dân tham gia sinh hoạt.

Người dân vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là đối tượng hưởng thụ các giá trị văn hóa, do đó, việc thực hiện các tiêu chí văn hóa đang cho thấy mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ giữa xây dựng đời sống văn hóa với xây dựng NTM. Xây dựng đời sống văn hóa góp phần nâng cao tinh thần làm chủ, tính tự giác và ý thức trách nhiệm của mỗi người dân đối với sự phát triển của cộng đồng. Đối với tiêu chí số 16, quá trình triển khai thực hiện đã lấy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” làm nòng cốt. Với nhiều nội dung bao trùm và tác động đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, tiêu chí số 16 nói riêng và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nói chung, đã góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của văn hóa đối với sự phát triển xã hội. Đặc biệt, các phong trào xây dựng gia đình, làng, thôn, bản, tổ dân phố văn hóa đã phát huy được vai trò hạt nhân của nó trong xây dựng đời sống văn hóa NTM, lao động sản xuất, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước... Đến nay, toàn tỉnh có 4.310/5.401 làng, thôn, bản được công nhận danh hiệu văn hóa, trong đó, trên 50% làng, thôn, bản văn hóa đạt chuẩn cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế - xã hội NTM.

...Và bất cập

Tạo dựng môi trường văn hóa NTM đã và đang từng bước tạo ra sự chuyển mình tích cực cho nhiều làng quê và biến nhiều vùng nông thôn trở thành những “miền quê đáng sống”. Tuy nhiên, những khó khăn, bất cập trong xây dựng NTM nói chung và thực hiện các tiêu chí văn hóa nói riêng, đã và đang tác động không nhỏ đến quá trình triển khai và kết quả thực hiện tiêu chí số 6 và số 16 trên địa bàn tỉnh.

Tiêu chí số 6 là một trong những tiêu chí “nặng”, do cần nguồn vốn lớn và quỹ đất rộng để triển khai. Trong khi, với nhiều địa phương, việc huy động nguồn lực và dành quỹ đất để xây dựng các công trình văn hóa, thể thao đạt chuẩn, hiện rất khó khăn. Để triển khai thực hiện 2 tiêu chí 6 và 16, đến thời điểm hiện tại, huyện Thiệu Hóa cần nguồn kinh phí trên 112,23 tỷ đồng, bao gồm cả kinh phí từ ngân sách tỉnh, huyện, xã và kinh phí từ các nguồn xã hội hóa khác. Trong khi nhiều xã trên địa bàn còn khó khăn và phải trông chờ vào ngân sách cũng như các chính sách hỗ trợ, kích cầu của trung ương, của tỉnh. Cùng chung khó khăn với huyện Thiệu Hóa là huyện Triệu Sơn, khi tổng kinh phí thực hiện các tiêu chí NTM trên địa bàn huyện ước tính lên đến 1.702,149 tỷ đồng. Trong khi đó, quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về cơ sở vật chất văn hóa đạt chuẩn là quá cao so với điều kiện thực tế địa phương, dẫn đến việc cân đối ngân sách, huy động nguồn lực gặp khó khăn. Đồng thời, quỹ đất dành cho quy hoạch nhà văn hóa, khu thể thao ở một số xã trên địa bàn còn hạn hẹp, thiếu đồng bộ và thiếu tầm nhìn lâu dài.

Một trong những bất cập trong đầu tư xây dựng và hoạt động của hệ thống thiết chế VHTT NTM, vừa phát sinh thời gian gần đây, xuất phát từ việc sáp nhập các thôn, bản. Theo đó, nhiều trung tâm VHTT và các nhà văn hóa, khu thể thao được xây dựng những năm trước đây sẽ dư thừa, bị bỏ không, gây lãng phí lớn về kinh phí xây dựng và đất đai. Trong khi đó, việc quy hoạch và xây dựng mới các thiết chế này cho phù hợp với quy mô các thôn, bản sau sáp nhập, đang và sẽ gặp nhiều khó khăn về quỹ đất và kinh phí. Từ bất cập phát sinh này mà nhiều địa phương đang kiến nghị các cấp có sự điều chỉnh về tiêu chuẩn nhà văn hóa, khu thể thao đối với số hộ của thôn mới (theo Thông tư số 09/2017/TT-BNV của Bộ Nội vụ quy định 400 hộ/thôn trở lên đối với vùng đồng bằng; 200 hộ/thôn trở lên đối với vùng miền núi). Bởi trong thực tế, hầu hết các nhà văn hóa và khu thể thao thôn hiện chỉ đủ đáp ứng cho 100-150 chỗ ngồi theo quy mô thôn cũ.

Bên cạnh đó là những khó khăn, bất cập trong quản lý hệ thống thiết chế VHTT, khi nhiều địa phương chưa bố trí được cán bộ quản lý và cán bộ nghiệp vụ chuyên trách. Trong khi, nhiều nhà văn hóa, khu thể thao thôn chưa có ban chủ nhiệm để quản lý và tổ chức các hoạt động, nên các thiết chế này chưa phát huy được hiệu quả. Ngoài ra, chất lượng các làng, thôn, bản, gia đình văn hóa hiện nay còn đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm; kết quả thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội ở nhiều địa phương chưa cao; tệ nạn xã hội, tình hình tội phạm, ô nhiễm môi trường tại khu vực nông thôn vẫn còn xảy ra và tiềm ẩn nhiều phức tạp; những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, thuần phong mỹ tục đang âm ỉ... Tất cả đã và đang khiến cho việc tạo dựng môi trường văn hóa NTM an toàn, lành mạnh, văn minh và giàu bản sắc ở nhiều vùng quê trở nên khó khăn, phức tạp hơn bao giờ hết.


Bài và ảnh: Hoàng Xuân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]