(Baothanhhoa.vn) - Nhằm đáp ứng nhu cầu luyện tập thể dục, thể thao của người dân, nhất là hoạt động giải trí, giảm nhiệt mùa hè của trẻ em, hiện nay, các bể bơi tư nhân trên địa bàn tỉnh được thành lập ngày càng nhiều. Tuy nhiên, để việc duy trì hoạt động bảo đảm an toàn cho người bơi lội và chuẩn theo các quy định của pháp luật vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở.

Tăng cường quản lý hoạt động bể bơi tư nhân

Nhằm đáp ứng nhu cầu luyện tập thể dục, thể thao của người dân, nhất là hoạt động giải trí, giảm nhiệt mùa hè của trẻ em, hiện nay, các bể bơi tư nhân trên địa bàn tỉnh được thành lập ngày càng nhiều. Tuy nhiên, để việc duy trì hoạt động bảo đảm an toàn cho người bơi lội và chuẩn theo các quy định của pháp luật vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở.

Tăng cường quản lý hoạt động bể bơi tư nhânBể bơi thuộc khu vui chơi văn hóa thể thao Phú Hưng của Công ty TNHH Đầu tư thể thao và Du lịch Phú Hưng (TP Thanh Hóa) luôn có nhân viên cứu hộ và cảnh báo.

Có mặt tại bể bơi Tân Lộc thuộc khu phố Tân Đồng, thị trấn Hậu Lộc (Hậu Lộc) vào những ngày đầu tháng 6, chúng tôi có thể cảm nhận sự nhộn nhịp, sức “nóng” của loại hình dịch vụ này, khi có hàng chục trẻ em, người lớn cùng tham gia bơi và học bơi. Được xây dựng vào năm 2021 với tổng kinh phí khoảng 1 tỷ đồng, bể bơi có diện tích gần 200 m2, được chia thành hai khu vực dành cho người lớn và trẻ em với độ cao phù hợp, đúng chuẩn quy định. Đây là bể bơi tư nhân được đầu tư hiện đại, với diện tích lớn nhất trên địa bàn thị trấn Hậu Lộc. Đến thời điểm hiện tại, bể bơi Tân Lộc không chỉ phục vụ khách đến tắm mát, mà còn phối hợp với 2 giáo viên thể dục trên địa bàn huyện dạy bơi cho các em nhỏ. Anh Trương Đức, giáo viên dạy bơi tại bể bơi Tân Lộc, cho biết: Việc xây dựng bể bơi và dạy bơi không chỉ là những hoạt động dịch vụ thiết thực, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân mà còn tạo sân chơi bổ ích, tuyên truyền về thông điệp phòng, chống đuối nước cho trẻ em trong dịp nghỉ hè. Bên cạnh đó, tại bể bơi ngoài giáo viên dạy còn có nhân viên cứu hộ theo dõi trực tiếp tại bể để xử lý và ứng phó khi có trường hợp đột xuất xảy ra. Nhờ được trang bị đầy đủ dụng cụ, kỹ năng bảo hiểm, bảo vệ và đào tạo bài bản kỹ thuật bơi nên bể bơi Tân Lộc đã thu hút được hàng trăm học viên ở độ tuổi 6 đến 15 tuổi trên địa bàn thị trấn và các xã lân cận.

Còn tại bể bơi thuộc khu vui chơi văn hóa thể thao Phú Hưng của Công ty TNHH Đầu tư thể thao và Du lịch Phú Hưng (TP Thanh Hóa), ngay từ đầu mùa hè luôn ở tình trạng đông khách. Không chỉ bởi bể bơi rộng, được đầu tư hiện đại mà còn tại bể bơi việc theo dõi, bảo đảm an toàn cho khách hàng luôn được đặt lên hàng đầu. 10h20 phút, khi bể bơi chỉ còn lác đác vài khách bơi, song trên bờ vẫn có 4 nhân viên cứu hộ lặng lẽ làm nhiệm vụ. Trong một căn phòng, thông qua màn hình nhỏ, một nhân viên khác theo dõi hình ảnh truyền về từ 4 chiếc camera được gắn xung quanh bể bơi. Ông Lê Minh Hải, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thể thao và Du lịch Phú Hưng, cho biết: "Dù đã vào cuối ca sáng và bể chỉ còn ít khách nhưng số nhân viên cứu hộ vẫn phải làm nhiệm vụ, bảo đảm đúng quy định. Bể bơi do doanh nghiệp điều hành nên vấn đề an toàn, bảo đảm quy định luôn được đặt lên hàng đầu”.

Trên đây chỉ là hai trong hàng trăm bể bơi được đầu tư và đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Hầu hết các bể bơi được doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, đưa vào sử dụng luôn phải bảo đảm các điều kiện được quy định tại Nghị định số 36/2019/NĐ-CP ngày 29-4-2019 quy định đối với kinh doanh hoạt động thể thao dưới nước. Cùng với các bể bơi của các đơn vị sự nghiệp Nhà nước, sự ra đời của bể bơi tư nhân đã góp phần giảm nguy cơ đuối nước ở trẻ em, tuyên truyền về phòng, chống đuối nước và tai nạn thương tâm ở trẻ em trong dịp hè. Tuy nhiên, bên cạnh những bể bơi đã và đang làm tốt, đầu tư hiện đại, đồng bộ thì vẫn còn nhiều bể bơi tư nhân bộc lộ các lỗ hổng trong quản lý, vận hành.

Trên địa bàn tỉnh đã từng có những vụ tai nạn thương tâm xảy ra tại các bể bơi tư nhân. Đơn cử như, tháng 7-2019, tại huyện Triệu Sơn đã xảy ra đuối nước trẻ em tại bể bơi tư nhân thuộc xã Thọ Vực. Đây là bể bơi đã được cấp phép, bảo đảm các quy định, tiêu chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ngoài ra, ở một số bể bơi tư nhân khác thuộc các huyện: Vĩnh Lộc, Yên Định cũng xảy ra trường hợp tương tự. Dù là nguyên nhân khách quan hay chủ quan thì trong đó không thể thiếu phần trách nhiệm của những người kinh doanh bể bơi và công tác quản lý Nhà nước.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện toàn tỉnh có khoảng 200 bể bơi tư nhân đang hoạt động. Tuy nhiên trong đó chỉ có khoảng 50% số bể bơi đã được cấp phép, còn lại đang hoạt động không phép. Điều này đã vi phạm Thông tư số 02 ngày 10-1-2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về điều kiện hoạt động của cơ sở thể thao tổ chức hoạt động bơi, lặn. Các bể bơi có hoạt động kinh doanh dịch vụ bơi, lặn cần bảo đảm các điều kiện về chuyên môn, như: có nhân viên chuyên môn hướng dẫn tập luyện, nhân viên cứu hộ, nhân viên y tế, có dây phao và trang bị cứu hộ... Điều này thì không phải ở bể bơi nào cũng có và bảo đảm. Mặc dù các quy định về kinh doanh dịch vụ bể bơi tư nhân đã có đầy đủ và quy định khá chặt chẽ, nhưng việc phân công, phân cấp quản lý hiện nay lại rất bất cập. Bởi, thẩm quyền cấp phép hoạt động và kiểm tra, xử lý vi phạm thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhưng cơ quan quản lý lại là UBND cấp phường, xã. Do đó, việc giám sát, xử lý vi phạm còn không ít những bất cập.

Để phát huy hiệu quả các bể bơi tư nhân và bảo đảm an toàn cho người sử dụng dịch vụ bơi, lặn thì công tác quản lý, giám sát luôn cần được các ngành, đơn vị, địa phương liên quan quan tâm và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật.

Bài và ảnh: Lê Thanh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]