(Baothanhhoa.vn) - Hiện nay nhiều cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, spa dù không được cấp phép hoạt động chuyên môn, quảng cáo dịch vụ, nhưng vẫn bất chấp tung các chiêu trò nhằm hút khách. Đã có không ít người cả tin vào những chiêu quảng cáo “trên trời” của các dịch vụ làm đẹp, không tìm hiểu về các cơ sở thẩm mỹ khiến “tiền mất, tật mang”. Thực trạng này gióng lên hồi chuông cảnh báo về những “lỗ hổng” trong công tác quản lý và cần phải được siết chặt hơn đối với loại hình dịch vụ này, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Tại sao thẩm mỹ viện vẫn hoạt động "chui” (Bài 2): Siết chặt công tác quản lý

Hiện nay nhiều cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, spa dù không được cấp phép hoạt động chuyên môn, quảng cáo dịch vụ, nhưng vẫn bất chấp tung các chiêu trò nhằm hút khách. Đã có không ít người cả tin vào những chiêu quảng cáo “trên trời” của các dịch vụ làm đẹp, không tìm hiểu về các cơ sở thẩm mỹ khiến “tiền mất, tật mang”. Thực trạng này gióng lên hồi chuông cảnh báo về những “lỗ hổng” trong công tác quản lý và cần phải được siết chặt hơn đối với loại hình dịch vụ này, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Tại sao thẩm mỹ viện vẫn hoạt động chui” (Bài 2): Siết chặt công tác quản lý

“Bắt đúng bệnh” để “kê đơn điều trị”

Theo thống kê của Văn phòng HĐND, UBND TP Thanh Hóa, hiện nay trên địa bàn thành phố có gần 100 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, trong đó có nhiều cơ sở đăng ký kinh doanh với loại hình dịch vụ thẩm mỹ (xăm, phun, thêu trên da), cơ sở chăm sóc da (spa), cơ sở cắt tóc gội đầu, dịch vụ massage xoa bóp có thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn liên quan đến y tế, nhưng vẫn chưa kiểm soát được. Từ tháng 3-2022 thành phố đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra 50 cơ sở, phát hiện, xử lý vi phạm hành chính 8 cơ sở, số tiền xử phạt nộp ngân sách Nhà nước 280 triệu đồng.

Với số lượng các cơ sở thẩm mỹ ngày một phát triển “nở rộ” trên địa bàn, trong khi đó đội ngũ nhân sự về quản lý Nhà nước về lĩnh vực y tế lại mỏng đã khiến công tác quản lý đối với các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ hoạt động không cần phải cấp giấy phép hoạt động của cơ quan quản lý (chỉ cần gửi thông báo cơ sở đủ điều kiện hoạt động dịch vụ thẩm mỹ về Sở Y tế). Bên cạnh đó, các cơ sở này thường hoạt động dưới hình thức đăng ký là spa, cắt tóc, gội đầu dưỡng sinh, massage…; việc quảng cáo dịch vụ quá phạm vi chuyên môn cho phép qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook… gây khó khăn trong việc phát hiện, kiểm tra và giám sát. Trong khi đó, khách hàng không tìm hiểu kỹ về cơ sở thẩm mỹ trước khi sử dụng dịch vụ; công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chưa hiệu quả…, dẫn đến các cơ sở dù bị xử lý vẫn tiếp tục vi phạm.

Tại sao thẩm mỹ viện vẫn hoạt động chui” (Bài 2): Siết chặt công tác quản lý

Qua những đợt kiểm tra của ngành y tế và các cơ quan chức năng cho thấy nhiều cơ sở làm đẹp thường có những hành vi vi phạm rõ nhất là: hoạt động khi không có giấy phép, nhân viên không được đào tạo và không có chứng chỉ hành nghề… Bên cạnh đó, nhiều cơ sở thẩm mỹ cũng vi phạm khi kinh doanh các loại mỹ phẩm không phép, sản phẩm không rõ nguồn gốc, nhập lậu; điều kiện cơ sở không đảm bảo phẫu thuật thẩm mỹ theo đúng quy định; quảng cáo các dịch vụ y tế chưa được các cơ quan chức năng cho phép; thực hiện các kỹ thuật xâm lấn và tiêm chất làm đầy (filler)… Thêm vào đó, hiện nay các trang web, facebook, fanpage cũng chính là nơi để các cơ sở làm đẹp “hoành hành” với những quảng cáo “trên trời”…; mức xử phạt đối với các vi phạm về kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ hiện nay vẫn chưa đủ sức răn đe, điều này dẫn đến các cơ sở thẩm mỹ “chui” cứ dẹp nơi này lại mọc lên ở nơi khác, vẫn “vô tư” vi phạm, chấp nhận nộp phạt để kinh doanh dịch vụ.

Trao đổi với một bác sĩ ở Bệnh viện Da liễu Thanh Hóa được biết, đã có không ít trường hợp bị tai biến sau cắt mí mắt, cắt sẹo sau mổ bụng, tiêm filler, nâng mũi, căng da mặt… phải nhập viện điều trị xử lý. Đa phần các ca tai biến nặng được thực hiện ở những cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không được cấp giấy phép. Các spa, cửa hàng cắt tóc gội đầu, chăm sóc da, phun xăm thẩm mỹ “đua nhau” làm phẫu thuật, thủ thuật tạo hình thẩm mỹ theo kiểu truyền nhau cách làm, tự mua hay mượn máy móc. Những ca tai biến nhẹ thì gây dị ứng, nhiễm trùng, tổn thương, nặng thì làm hoại tử da, sốc phản vệ, sốc nhiễm trùng…

Tăng cường kiểm tra xử phạt, chấn chỉnh

Hiện nay dự luận cho rằng, việc xử lý những cơ sở thẩm mỹ không phép vẫn chưa thực sự mạnh tay và triệt để nên tình trạng hoạt động tràn lan của các cơ sở này vẫn diễn ra trong một thời gian dài khiến nhiều người tiền mất, tật mang, gây dư luận không tốt trong xã hội, làm ảnh hưởng chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân.

Để kiểm soát và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến thẩm mỹ trên địa bàn tỉnh, ông Bùi Hồng Thủy, Trưởng phòng Hành nghề y dược tư nhân, Sở Y tế Thanh Hóa cho biết đã có văn bản đề nghị chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan tổ chức rà soát, kiểm tra toàn bộ các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn; xử lý nghiêm các tổ chức và cá nhân cố tình vi phạm pháp luật. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không đáp ứng điều kiện theo quy định tại Điểm 5 Khoản 4 Nghị định số 155/2018/NĐ-CP của Chính phủ nhưng vẫn hoạt động, quảng cáo, thực hiện các thủ thuật xâm lấn, phẫu thuật thẩm mỹ gây nguy hiểm cho sức khỏe người dân; công khai kết quả xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và phòng tránh.

Ngoài ra, ngày 21-7-2022 Chủ tịch UBND tỉnh cũng ban hành Công văn số 10568/UBND-VX về việc tăng cường quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Một trong những nội dung được Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo đó là các sở, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, tăng cường phối hợp với Sở Y tế trong quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để tình trạng cơ sở hành nghề y, dược không phép hoạt động…

Tuy nhiên, theo ông Thủy, do những quy định, chế tài cũng như công tác quản lý Nhà nước về kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ hiện chưa đồng bộ, sự phối kết hợp giữa các cơ quan, ban, ngành còn thiếu nhịp nhàng đã tạo ra nhiều kẽ hở khiến nhiều cơ sở hoạt động “chui”, hoạt động vượt quá phạm vi được cấp phép, quảng cáo quá chuyên môn của mình... gây ra nhiều sự cố và hệ lụy cho khách hàng.

Sự phát triển các cơ sở thẩm mỹ, làm đẹp là sự phát triển khách quan trong tình hình hiện nay khi mà điều kiện kinh tế ngày càng phát triển. Tuy nhiên, để sự phát triển này đi vào nền nếp, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra thì công tác quản lý Nhà nước cần phải được siết chặt. Theo đó, việc giám sát, kiểm tra, phát hiện và xử lý những vi phạm ở các cơ sở thẩm mỹ, spa phải được chính quyền địa phương tiến hành chặt chẽ, nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm soát việc quảng cáo của các cơ sở làm đẹp cũng cần phải được tăng cường, nhằm loại bỏ dạng quảng cáo “thổi phồng”, vượt quá phạm vi cho phép. Các cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân cần phải tìm hiểu rõ ràng, cẩn thận chọn lọc các thông tin quảng cáo trên các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử về các cơ sở thẩm mỹ trước khi quyết định “chọn mặt gửi vàng”.

Nhóm PV CT-XH


Nhóm PV CT-XH

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]