(Baothanhhoa.vn) - “Đi không được, ở lại bất an” là tâm trạng lo lắng của 91 hộ dân xã Xuân Thái (Như Thanh) khi sống trong vùng ngập úng lòng hồ sông Mực.

“Sống mòn” trong vùng ngập úng

“Đi không được, ở lại bất an” là tâm trạng lo lắng của 91 hộ dân xã Xuân Thái (Như Thanh) khi sống trong vùng ngập úng lòng hồ sông Mực.

“Sống mòn” trong vùng ngập úng

Căn nhà của gia đình ông Lương Văn Thoa, xã Xuân Thái dù mới được xây dựng ở vị trí cao hơn nhưng mực nước sông đã dâng cao ngấp nghé móng nhà.

Từ thị trấn Bến Sung vượt gần 20km qua những dãy đồi núi cao, chúng tôi có mặt ở xã Xuân Thái. Dù là xã vùng cao, nhưng các khu dân cư của xã lại quần tụ ở vùng phụ cận lòng hồ sông Mực. Người dân Xuân Thái bao đời nay sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi trâu, bò... chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nước từ lòng hồ sông Mực. Bà con nơi đây cho biết trước khi chưa tích nước, ngăn hồ thì mỗi mùa mưa lũ, nước dù có ngập cao bất thường thì cũng tiêu úng rất nhanh. Giờ thì tình trạng ngập úng kéo dài, nếu bà con ở lại thì rất bất an.

Ông Lê Văn Hải ở thôn Cây Nghia đón chúng tôi với ánh mắt đầy tò mò. Ông cho biết đang dọn dẹp lại nhà cửa, vườn tược sau thời gian dài đi tránh lũ, trở về. Gia đình ông định cư bên vùng phụ cận lòng hồ sông Mực từ những năm 1975. Thời điểm những năm trước vùng triền hồ sông Mực có những bãi bồi màu mỡ thích hợp để phát triển kinh tế, đặc biệt là trồng trọt và chăn nuôi trâu, bò. Đất ở đây tơi xốp, bà con chỉ cần cuốc cày rồi trồng các loại rau màu đều cho năng suất cao. Mùa mưa bão nước sông Mực dâng lên cao, có năm nước tiến vào tận hiên nhà, nhưng chỉ là tức thời rồi rút nhanh, không ngập úng kéo dài như bây giờ. Nhiều thôn như Đồng Lườn, Cây Nghia, Làng Lúng... bấy giờ còn phát triển loại hình du lịch cộng đồng, du lịch cắm trại. Nhiều nhà đã đầu tư homestay thu hút được nhiều du khách. Hiện nay những vùng để du khách cắm trại, vui chơi gần như bị xóa sổ do ngập nước.

“Sống mòn” trong vùng ngập úng

Người dân vùng ngập úng sông Mực mong muốn sớm được di dời tái định cư.

Nói đến đây, ông Hải nhìn vào gốc cây mít vừa bị đốn hạ do ngập úng, vẻ mặt buồn rầu: Kể từ khi đập Bến En được đắp cố định, nước lòng hồ sông Mực được ngăn lại để cung ứng nguồn nước cho nhà máy nước sạch thì mùa mưa lũ nước không có lối thoát, ngập úng kéo dài. Năm nay là đỉnh điểm nhất, nước dâng lên nhanh, ngập sâu, buộc ông bà phải đi di dời gần tháng nay. Thương mấy đàn gà đang đến kỳ cất bán, nháo nhác chạy, chết đuối hơn nửa. May mà dân quân cứu sống được 5 con lợn cùng các vật dụng thiết yếu trong nhà.

Còn bà Dương Thị Gái, vợ ông Hải thì tỏ rõ sự lo lắng. Bà cho biết: “Sống trong vùng ngập nên lúc nào tâm trạng cũng bất an, lo lắng. Ngôi nhà cũ đã hư hỏng nhưng cũng không muốn sửa sang vì gia đình nằm trong danh sách di dời. Sửa nhà lúc này nhỡ mai kia di dời thì lãng phí. Nhưng không sửa thì chờ biết đến khi nào. Thông báo thì nhận được từ hơn 10 năm trước rồi”.

Trong khi đó, dù căn nhà mới sắp hoàn thành, khang trang nhưng tâm trạng ông Lương Văn Thoa ở thôn Cây Nghia lại không khỏi bất an. Bao lần thấy cán bộ xã xuống là ông Thoa nghĩ ngay đến việc gia đình sắp được di dời tái định cư đi vị trí mới, tuy nhiên niềm vui chưa một lần trọn vẹn vì đoàn về chỉ để khảo sát, đo đạc... Cố gắng bám trụ để chờ di dời không được, vừa rồi nước ngập vào nhà không thể ở, buộc gia đình ông phải vay mượn dựng ngôi nhà mới lên vị trí cao hơn.

“Sống mòn” trong vùng ngập úng

Ông Lương Văn Thoa, thôn Cây Nghia, xã Xuân Thái.

Ông kể cho chúng tôi nghe về những mùa lũ trước. Nước dâng đến đầu gối, gia đình ông rồng rắn kéo nhau đi tránh ngập, sau khi trở về đồ đạc trong nhà bị hư hỏng, nhiều lần tay trắng, bắt đầu lại cuộc sống.

Ông Chu Văn Tài, cán bộ địa chính xã Xuân Thái cho biết: Hiện toàn xã có khoảng 50 ha đất hoa màu và 30 ha trồng lúa bị ảnh hưởng khi nước lòng hồ sông Mực dâng cao. Bên cạnh đó, từ tháng 10 đến tháng 1 dương lịch năm sau, người dân trong xã cũng không thể làm du lịch cộng đồng do nước hồ dâng cao.

Theo Quyết định số 4803/QĐ-UBND, ngày 31-12-2010 của UBND tỉnh về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình, bố trí sắp xếp dân cư vùng ngập hồ sông Mực, xã Xuân Thái, qua rà soát thực tế trên địa bàn xã Xuân Thái chỉ có 155 hộ sinh sống trong vùng lòng hồ sông Mực bị ảnh hưởng cần phải di chuyển đến nơi ở mới an toàn. Sau 12 năm triển khai, xã đã bố trí, sắp xếp được cho 51 hộ dân đến vị trí mới, 13 hộ đã di dời nhưng chưa bố trí được kinh phí hỗ trợ. Hiện còn 91 hộ đang sinh sống dưới cao trình 37,7m thường xuyên bị ngập lụt.

Chủ tịch UBND xã Xuân Thái Nguyễn Khắc Đại cho biết, năm 2021 xã đề xuất đến các cấp, ngành và đã có đoàn về kiểm tra, đo đạc nhưng do chưa có vốn nên dự án đang dừng lại. Hiện UBND huyện Như Thanh đã tiến hành khảo sát, lập quy hoạch diện tích 18 ha ở thôn Đồng Lườn làm khu tái định cư cho 91 hộ dân đang sinh sống trong vùng ngập úng lòng hồ. Xã đã thực hiện việc giải phóng mặt bằng nhưng chưa có vốn để thực hiện di dời, ổn định cuộc sống cho bà con.

Được biết, nguyên nhân của việc dự án chậm triển khai là do nguồn kinh phí phân bổ thực hiện chương trình bố trí dân cư theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg, ngày 21-11-2012 của Thủ tướng Chính phủ chưa bố trí được nguồn vốn.

Bài và ảnh: Đình Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]