(Baothanhhoa.vn) - Cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển, Ngân hàng Chính sách xã hội – Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa (NHCSXH tỉnh Thanh Hóa) đã khẳng định vai trò và sứ mệnh của mô hình quản lý vốn tín dụng chính sách đặc thù, sáng tạo với khả năng huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị - xã hội chung sức, đồng lòng thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Quả ngọt” từ tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội

Cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển, Ngân hàng Chính sách xã hội – Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa (NHCSXH tỉnh Thanh Hóa) đã khẳng định vai trò và sứ mệnh của mô hình quản lý vốn tín dụng chính sách đặc thù, sáng tạo với khả năng huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị - xã hội chung sức, đồng lòng thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

“Quả ngọt” từ tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội

Từ hộ “nghèo nhất làng”, nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, chị Đinh Thị Thân (51 tuổi, thôn Ngù Xẻ, xã Quang Trung, Ngọc Lặc) đã có của ăn, của để, cải thiện chất lượng cuộc sống, phát triển sản xuất chăn nuôi.

Mặc dù điều kiện, nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng những năm qua, xã Cẩm Tú (huyện Cẩm Thủy) đã gặt hái kết quả đáng khích lệ, nhất là trong xây dựng nông thôn mới. Nhiệm kỳ 2020 – 2025, xã tích cực phấn đấu, nỗ lực về đích nông thôn mới nâng cao; tập trung chỉ đạo thôn Thuần Lương hoàn thành các tiêu chí đánh giá thôn kiểu mẫu. Trong những kết quả đạt được của xã Cẩm Tú nói riêng, huyện Cẩm Thủy nói chung không thể không kể đến đóng góp quan trọng của nguồn vốn tín dụng chính sách do NHCSXH triển khai đối với việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Hiệu quả từ các chương trình tín dụng của NHCSXH như: Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, xuất khẩu lao động, học sinh, sinh viên, giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn... tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút nhiều người tham gia. Trên địa bàn xã Cẩm Tú hiện có 540 hộ đang vay vốn/1.624 hộ dân, với tổng số dư nợ gần 17 tỷ đồng, tập trung vào 11 chương trình cho vay. Ông Trương Đình Phong, Chủ tịch UBND xã Cẩm Tú nhận định “Các chương trình cho vay từ nguồn vốn tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện rất cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế, nguyện vọng của từng địa phương, từng hộ dân; từ đó tạo tiền đề, bước ngoặt cho xã Cẩm Tú trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, góp phần thay đổi tập quán sinh hoạt, sản xuất, cải thiện đời sống cho người dân”.

“Nói có sách, mách có chứng”, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Cẩm Tú dẫn chúng tôi ghé thăm gia đình chị Nguyễn Thị Vân (48 tuổi, thôn Thuần Lương, xã Cẩm Tú, Cẩm Thủy) là hộ mới thoát nghèo của xã. Chấp nhận cuộc sống “chăn đơn gối chiếc” suốt 12 năm qua, đôi vai gầy, đôi bàn tay chai sạn của chị Vân đã phải gồng gánh, lam lũ nuôi 3 người con nhỏ. Ngoài diện tích nhỏ đất canh tác kém hiệu quả, chị tất tưởi đi làm thuê làm mướn, ai thuê gì làm đó, cuộc sống gia đình khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Nung nấu ý chí thoát nghèo, năm 2008, chị mạnh dạn làm đơn xin vay vốn theo chương trình cho vay hộ nghèo của NHCSXH huyện Cẩm Thủy với mức vay 20 triệu đồng. Từ nguồn vốn vay, chị Vân đã mua 2 con trâu, cả 3 mẹ con chị tập trung chăm sóc, không một ngày nào dám lơ là, lười biếng. Với sự nỗ lực của bản thân, sự quan tâm, tận tình hướng dẫn của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và cán bộ tổ chức hội đoàn thể nhận ủy thác, chị Vân đã quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay của NHCSXH. Sau nhiều lần “tái đầu tư”, gia đình chị Vân từng bước gây dựng được cả “cơ nghiệp”. Thời điểm “thịnh vượng” nhất, gia đình chị Vân nuôi 20 con trâu, bò, nghé, me... đủ cả. Đến nay, gia đình chị Vân đã thoát nghèo, 3 mẹ con chị Vân đã có cuộc sống đầy đủ hơn. Niềm vui lớn nhất trong cuộc đời chị cho đến thời điểm hiện tại là có thể nuôi nấng các con ăn học đàng hoàng, đến nơi đến chốn; trong đó con trai thứ hai của chị đang theo học đại học. Chị nói như khoe với những vị khách lạ, trong niềm vui xen lẫn niềm xúc động: “Tuy có con đang theo học đại học nhưng xét thấy khả năng có thể lo cho cháu được nên gia đình không vay vốn sinh viên, dành lại cơ hội cho những hoàn cảnh khó khăn hơn”.

Theo chân cán bộ NHCSXH tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi tiếp tục chặng hành trình đến với các huyện miền Tây xứ Thanh để được tận mắt chứng kiến, tận tai lắng nghe về những câu chuyện xoay quanh hiệu quả, tác động tích cực của nguồn vốn tín dụng chính sách đối với cuộc sống bà con nơi đây. Ví như cái cách mà chị Đinh Thị Thân (51 tuổi, thôn Ngù Xẻ, xã Quang Trung, Ngọc Lặc) từng bước nỗ lực thoát nghèo. Bà Trương Thị Mùi, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn thôn Ngu Xẻ cho biết: Trước đây, gia đình chị Thân thuộc diện “nghèo nhất làng”. Chồng bệnh tật, con cái còn nhỏ, áp lực kinh tế đều do một mình chị Thân gồng gánh, bươn chải. Năm 2013, chị quyết định vay vốn từ chương trình tín dụng học sinh, sinh viên do NHCSXH huyện Ngọc Lặc thực hiện nhằm cho con đi học nghề. Chị Thân khoe: “Cháu ra trường đã có việc làm với mức thu nhập ổn định, vừa trả hết nợ vay vốn sinh viên lại có thể phụ giúp kinh tế gia đình”. Từ “quả ngọt” ấy, chị Thân càng có thêm động lực, niềm tin; năm 2015, chị tiếp tục làm đơn xin vay vốn từ chương trình cho vay hộ nghèo. Với số tiền đó, chị Thân đầu tư mua thêm trâu, trồng rừng... Giờ đây, gia đình chị Thân có của ăn của để, sửa được nhà ở khang trang hơn, mua thêm chiếc xe máy để đi lại đỡ vất vả, sắm sanh thêm tiện nghi sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Được biết, huyện Ngọc Lặc là đơn vị có dư nợ quy mô tín dụng lớn nhất trong 11 huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa với tổng dư nợ đạt 448 tỷ đồng, gần 12,3 ngàn hộ đang vay vốn. Trong những năm qua, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Ngọc Lặc đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương các xã, thị trấn tổ chức giải ngân cho vay đúng đối tượng, quản lý chặt chẽ, hiệu quả nguồn vốn. Hiện nay, đơn vị triển khai thực hiện 18 chương trình tín dụng, tập trung chủ yếu vào các chương trình: cho vay hộ nghèo (98 tỷ đồng), hộ cận nghèo (110 tỷ đồng), hộ mới thoát nghèo (65 tỷ đồng), sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn (khoảng 77 tỷ đồng)... Ông Hồ Minh Hoàn, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Ngọc Lặc chia sẻ: “Có thể nói, mô hình và phương thức quản lý vốn của NHCSXH là mô hình đặc thù, sáng tạo, nhân văn, mang lại hiệu quả cao cho sự phát triển kinh tế, chính trị - xã hội của đất nước nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng. Thông qua việc ủy thác cho vay với các tổ chức chính trị - xã hội đã góp phần vào việc phát triển hội viên, bổ sung kinh phí hoạt động, nâng cao vị thế của các tổ chức chính trị - xã hội. Đặc biệt, mô hình giao dịch của NHCSXH tại các điểm giao dịch xã đã giúp cho các hộ dân tiếp cận nhanh hơn, tiết giảm chi phí đi lại; thông tin trao đổi giữa ngân hàng, cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và hộ vay được thông suốt, kịp thời giải quyết các công việc phát sinh liên quan; thực hiện công khai hóa chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước tại cơ sở”.

Không chỉ có riêng chị Vân, chị Thân, nguồn vốn tín dụng chính sách thực sự đã góp phần làm thay đổi nhiều cuộc đời, số phận. Để rồi, chính những cuộc đời, số phận ấy trở thành tấm gương sáng về nghị lực sống, lao động sản xuất, vượt qua hoàn cảnh, từng bước xây dựng nên diện mạo quê hương ngày càng tươi đẹp hơn, đàng hoàng hơn.

Theo số liệu thống kê của NHCSXH tỉnh Thanh Hóa, tính đến ngày 31-7-2020, tổng nguồn vốn tín dụng đạt 9.966,1 tỷ đồng, tăng 2.682,4 tỷ đồng so với đầu năm 2016 (tỷ lệ tăng trưởng bình quân 6,8%/năm). Doanh số cho vay trong giai đoạn từ năm 2016 đến ngày 31-7-2020 đạt 14.130,7 tỷ đồng, với trên 423.400 lượt hộ được vay vốn; doanh số thu nợ trong giai đoạn đạt 11.155,8 tỷ đồng. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đang triển khai trên địa bàn tỉnh đạt 9.929,9 tỷ đồng, với trên 256.200 khách hàng đang vay vốn, tăng 2.657,2 tỷ đồng so với đầu năm 2016. Giai đoạn 2016 - 2020, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp gần 247.860 lượt hộ vay vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm ngàn lao động; trên 3.550 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn theo học; trên 1.060 lao động vay vốn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; trên 107.200 hộ vay vốn xây dựng gần 123.200 công trình nước sạch; 119.900 công trình vệ sinh hợp tiêu chuẩn; trên 9.700 hộ vay vốn làm nhà ở. Chất lượng tín dụng ngày càng nâng cao. Công tác truyền thông về hoạt động tín dụng chính sách xã hội được chú trọng. Việc lồng ghép, phối hợp thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội được triển khai hiệu quả.

Nhằm tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện miền núi Thanh Hóa đến năm 2020; nhận thức sâu sắc vai trò, nhiệm vụ của mình, trong những năm qua, NHCSXH tỉnh Thanh Hóa đã tập trung huy động các nguồn lực tài chính, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Để duy trì và phát huy kết quả đạt được, NHCSXH tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 401/QĐ-TTg ngày 14-3-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; tích cực tham mưu cho ban đại diện hội đồng quản trị NHCSXH thực hiện tốt vai trò quản trị trong hoạt động tín dụng chính sách; đặc biệt chủ tịch UBND cấp xã, là thành viên Ban đại diện, thực hiện tốt vai trò trong chỉ đạo rà soát, xác nhận đối tượng thụ hưởng, quản lý tốt nguồn vốn tín dụng chính sách tại cơ sở, tổ chức lồng ghép các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả gắn với việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách.

Các cơ quan, ban, ngành liên quan tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tập trung các nguồn lực tài chính, tham gia cùng nguồn vốn tín dụng chính sách để hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn. Các tổ chức chính trị - xã hội tích cực phối hợp, thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách; bồi dưỡng kiến thức sản xuất, chăn nuôi, định hướng cây trồng, vật nuôi cho người vay vốn; thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân biết cách chi tiêu hợp lý, tiết kiệm trong sinh hoạt để đầu tư phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống.

Bài và ảnh: Hương Thảo


Bài Và Ảnh: Hương Thảo

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]