(Baothanhhoa.vn) - Nằm trên địa bàn xã Pù Nhi (Mường Lát), trên đỉnh núi Pù Quăn cao ngất, là nơi sinh sống của 56 hộ gia đình với 363 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Dao bản Pù Quăn. Đây là bản nghèo nhất của xã. Cùng với sự tập trung tuyên truyền các chính sách, cách làm kinh tế để có cái ăn, cái mặc... bà con dù không còn thấp thỏm lo cái đói, nhưng cái nghèo thì vẫn bủa vây khắp nơi.

Pù Quăn hôm nay

Nằm trên địa bàn xã Pù Nhi (Mường Lát), trên đỉnh núi Pù Quăn cao ngất, là nơi sinh sống của 56 hộ gia đình với 363 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Dao bản Pù Quăn. Đây là bản nghèo nhất của xã. Cùng với sự tập trung tuyên truyền các chính sách, cách làm kinh tế để có cái ăn, cái mặc... bà con dù không còn thấp thỏm lo cái đói, nhưng cái nghèo thì vẫn bủa vây khắp nơi.

Pù Quăn hôm nay

Người dân Pù Quăn tập trung chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả cao.

Dù cách trung tâm xã không xa lắm, nhưng trước đây để đến được Pù Quăn có khi phải đi bộ gần một ngày trời vượt qua nhiều núi cao, vực sâu; địa hình hiểm trở, thiếu đất canh tác cùng với những hủ tục, khiến cho cuộc sống của bà con luôn quẩn quanh với cái đói, cái nghèo. Còn nay, so với các thôn, bản khác ở trên địa bàn xã Pù Nhi, bản Pù Quăn lại thuận lợi nhất về giao thông. Ít nhất có 4 lối đi vào Pù Quăn. Men theo con đường vành đai Na Tao - Mường Chanh dài 9 km, chúng tôi vào Pù Quăn gặp Bí thư kiêm trưởng bản Phan Văn San. Anh còn rất trẻ, nhanh nhẹn và nói chuyện rất hóm hỉnh: “Với địa hình dốc cao, trên là rừng phòng hộ đầu nguồn, dưới là đất sản xuất của bà con. Bản chúng tôi hiện nay ngoài con đường to rộng vào bản thì cái gì cũng nhỏ. Vườn nhỏ, nhà nhỏ, những đứa trẻ còi cọc”.

Nói về trồng cây, người dân Pù Quăn mấy năm nay trồng chủ yếu là cây trẩu. Vài năm trước thấy thương lái thu mua nhiều, những tháng 9, tháng 10, bà con không lên nương rẫy mà vào rừng nhặt quả về bán. “Trẩu là cây rừng, mọc tự nhiên, nên hạt trẩu ép được nhiều dầu, nghe nói dùng trong công nghiệp sơn, keo... gì đó”, một người dân của bản nói với chúng tôi. 3 - 4 năm gần đây, thấy hạt trẩu có giá trị nên người dân còn mang giống cây ấy về trồng trong đất rừng phòng hộ của gia đình. Trồng trẩu đơn giản, không cần phân bón, chăm sóc, khoảng 3 năm tuổi bắt đầu cho ra quả và mỗi năm lại càng nhiều quả hơn. Bên cạnh đó, giá cả cũng khá ổn, hạt trẩu tươi có giá bán 10.000 đến 12.000 đồng/kg, còn trẩu khô giá 18.000 đồng/kg. Năm nay là vụ đầu tiên gia đình anh Phan Văn Ú thu hoạch trẩu. Anh rất vui dù là “vụ bói”, nhưng cũng thu được gần một tấn hạt, bán được hơn 10 triệu đồng. Hy vọng những năm sau trẩu sẽ ra quả nhiều hơn, đồng nghĩa gia đình có thêm tiền lo cho con cái học hành. Ở gần đó, ông Chéo Văn San mướt mồ hôi cầm dao phát quang xung quanh vườn trồng trẩu để cây sinh trưởng tốt hơn. Hiện ông trồng hẳn một quả đồi gần 20 ha trẩu.

Hơn 1 năm nay từ khi có chủ trương trồng cây gai xanh, bản đã vận động 12 hộ gia đình trồng, hộ ít nhất khoảng 0,5 ha, hộ nhiều thì 0,9 ha. Tuy nhiên, ông Thao Văn Đua, Phó Bí thư Đảng ủy xã Pù Nhi chia sẻ: “Mặc dù đã được hướng dẫn về cách trồng nhưng bà con vẫn chưa thực hiện đúng kỹ thuật. Việc trồng xen vào cây đào, cây trẩu, khiến cây gai xanh không đủ ánh sáng để phát triển. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ mời chuyên gia, Nhà máy Sản xuất sợi dệt An Phước lên khảo sát để có kết luận chính xác về cây trồng này trên đất Pù Nhi”. Là người trực tiếp vận động bà con mở rộng diện tích trồng gai xanh, anh Phan Văn San cho biết: Dù có nghị quyết của HĐND tỉnh về việc hỗ trợ 30 triệu đồng/ha gai xanh nhưng bà con rất nôn nóng. Sau một năm chưa nhận được hỗ trợ, chưa thấy được hiệu quả của cây, vài hộ đã định phá bỏ. Chúng tôi phải vận động họ giữ và chăm sóc cây đúng cách”.

Ở Pù Quăn, cây đào được trồng nhiều hơn cả. Đi dọc đường vành đai, hai bên là đào. Anh Phan Văn San cho biết: Trước đây, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 5 có hướng dẫn cho 15 hộ gia đình ở Pù Quăn trồng đào. Về sau thấy thổ nhưỡng phù hợp với đào, một số gia đình đã tìm giống về tự trồng. Tiêu biểu phải kể đến gia đình anh Phan Văn Diện. Anh là người đầu tiên đưa giống đào tiên về trồng ở đất này. “So với loại cây khác thì trồng đào tiên khá hiệu quả về mặt kinh tế, một kg quả bán cũng được 15.000 đồng. Vì mới thu hoạch năm đầu tiên nên tôi còn thăm dò xem hiệu quả thế nào để có thể mở rộng diện tích trồng”, anh Diện chia sẻ. Anh còn cho biết, sẽ chia làm hai khu đào bán lấy quả và đào bán cành để phục vụ người dân trong dịp Tết Nguyên đán.

Điều nhận thấy rõ, nhiều thói quen, tập tục lạc hậu đã bị bà con loại bỏ, thay vào đó là họ tập trung cho lao động sản xuất, quyết tâm vươn lên thoát đói nghèo. Có những hộ gia đình vừa trồng cây, vừa chăn nuôi nên đã thoát nghèo. Trong đó gia đình anh Phan Văn Lộ (sinh năm 1981), Chẹo Văn Xế (sinh năm 1977) đã trở nên khá giả. Xuất phát điểm cùng cảnh khó khăn chung, nhưng nhờ chăm chỉ chăn nuôi trâu, bò rồi tiết kiệm mà có tiền sắm sửa các vật dụng trong nhà, có xe máy để đi.

Dẫu không còn bị đói, nhưng trong bản vẫn còn 33 hộ nghèo, cận nghèo. Ông Lâu Văn Đức, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Pù Nhi cho biết: “Xã còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm số đông, bà con chủ yếu trồng trọt, chăn nuôi, nhất là tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vẫn còn tồn tại. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền xã Pù Nhi đã và đang đề ra nhiều giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống của Nhân dân. Rất nhiều loại cây, con giống được thí điểm ở Pù Nhi nói chung, Pù Quăn nói riêng, nhưng chưa hiệu quả. Thực tế hiện nay cây trẩu đang mang lại thu nhập khá ổn định cho bà con, vì thế huyện có chủ trương cho khảo sát, thiết kế khu vực trồng loại cây này cho phù hợp”.

Mặc dù đã có những tín hiệu sáng, nhưng trưởng bản Phan Văn San cũng cho biết: “Bản Pù Quăn hiện chưa có một mô hình chăn nuôi hay trồng cây điển hình nào. Tất cả đang ở bước khởi đầu. Bà con thì dễ thay đổi, không làm đến cùng nên chúng tôi phải thường xuyên tuyên truyền, động viên để họ yên tâm khi thí điểm trồng các loại cây. Nhưng, sự thay đổi thì đã thấy rõ. Cách đây 2 năm thôi, Pù Quăn còn là địa điểm phức tạp về ma túy, trộm cắp. Từ điểm đỏ, rồi trở thành điểm vàng và nay là điểm xanh. Tất cả là nhờ có công an chính quy về đây. Bà con đỡ khổ hơn nhiều rồi. Nhà chỉ có vài con gà, con trâu là cả cơ nghiệp mà qua một đêm mất trắng, ai chịu cho nổi”,

Vạn sự khởi đầu nan. Nhiều thanh niên trai tráng đã dám bước ra khỏi cánh rừng của bản để đi làm ăn xa, mang tiền về cho gia đình để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Cùng với sự phát triển chung của xã hội, sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy, chính quyền mà người dân ở bản nghèo Pù Quăn đang nỗ lực để thay đổi cuộc sống của gia đình, của bản làng.

Kiều Huyền


Kiều Huyền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]