(Baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, cùng với việc duy trì, phát triển các ngành nghề truyền thống, huyện Nông Cống đặc biệt quan tâm đến việc du nhập và phát triển nghề mới, nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nông Cống du nhập nghề mới giải quyết việc làm cho người lao động

Thời gian qua, cùng với việc duy trì, phát triển các ngành nghề truyền thống, huyện Nông Cống đặc biệt quan tâm đến việc du nhập và phát triển nghề mới, nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nông Cống du nhập nghề mới giải quyết việc làm cho người lao độngCơ sở sản xuất mây tre đan xuất khẩu của gia đình chị Phạm Thị Thắm, xã Tượng Văn hiện giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Trong tiết trời giá rét, thế nhưng tại cơ sở sản xuất mây tre đan xuất khẩu của gia đình chị Phạm Thị Thắm, thôn Đa Hậu, xã Tượng Văn (Nông Cống) không khí làm việc vẫn rất khẩn trương, sôi động. Các chị em phụ nữ tay đang thoăn thoắt, tỉ mỉ uốn từng sợi nan, người trong nhà, người ngoài sân, tất cả đều chăm chú, kỹ càng. Chị Thắm chia sẻ: “Nhận thấy phát triển nghề mây tre đan xuất khẩu không chỉ mang lại thu nhập cho gia đình mà còn là cơ hội để tạo việc làm cho bà con địa phương, nhất là khi nông nhàn, bởi vậy gia đình tôi đã kết nối, “bắt tay” với một số HTX, công ty để đưa nghề về địa phương. Thời gian đầu, cơ sở sản xuất của gia đình tôi chỉ nhập nguyên liệu về tổ chức sản xuất trong gia đình và hướng dẫn cho một số người họ hàng, thân quen cùng làm. Sau đó, nhận thấy công việc có hiệu quả, nên tôi đã mở rộng quy mô sản xuất, nhận thêm nguyên liệu và mở các lớp dạy nghề miễn phí để thu hút thêm nhiều người dân trong thôn, xã cùng làm”.

Theo chị Thắm, nghề này thu nhập khoảng 4 - 5 triệu đồng/người/tháng, công việc nhẹ nhàng, kỹ thuật sản xuất đơn giản, lại không phải đầu tư vốn, người lao động được mang nguyên liệu về làm tại nhà theo hình thức khoán sản phẩm, phù hợp với cả người già, người trẻ. Bởi vậy, dù cơ sở sản xuất nghề mây tre đan của gia đình mới chỉ hoạt động trong thời gian ngắn nhưng đã thu hút được khá đông lao động ở địa phương tham gia. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Cùng với đó, hàng tháng từ nghề mây tre đan gia đình chị Thắm cũng có thu nhập khoảng 200 triệu đồng.

Xác định tạo việc làm, nâng cao thu nhập là “đòn bẩy” để lao động nông thôn vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Bởi vậy, những năm qua huyện Nông Cống đã tạo mọi điều kiện để thu hút doanh nghiệp, HTX đầu tư đưa nghề về nông thôn, như: xây dựng các cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở tiểu thủ công nghiệp; tạo mặt bằng để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tìm hiểu đầu tư; ban hành cơ chế hỗ trợ các ngành nghề mới vào để thu hút lao động nông thôn. Cùng với đó, huyện đã chủ động phối hợp với nhiều công ty, đơn vị du nhập và nhân cấy nghề mới. Tính từ năm 2021 đến nay, huyện đã có hơn 10 doanh nghiệp và HTX du nhập về địa phương các ngành nghề mới, như: mây tre đan xuất khẩu, may túi xuất khẩu, chế biến... Các doanh nghiệp, HTX này đã trực tiếp đào tạo nghề, tạo việc làm cho trên 5.000 lao động. Cũng nhờ việc duy trì, phát triển tốt các ngành nghề truyền thống kết hợp du nhập, nhân cấy nghề mới, huyện đã giải quyết được việc làm tại chỗ cho hơn 70% số dân trong độ tuổi lao động. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao đời sống cho người dân nông thôn.

Ngoài ra, hàng năm, Phòng Lao động, Thương binh và xã hội huyện chủ động phối hợp với các đoàn thể, chính quyền địa phương rà soát số lượng lao động đã và chưa qua đào tạo, tìm hiểu về nhu cầu học nghề của người lao động để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với nghề truyền thống, nghề mới. Đồng thời, có chế độ khuyến khích, động viên người học nhằm từng bước nâng cao trình độ tay nghề phục vụ tốt cho thị trường lao động. Nhờ đó, tỷ lệ lao động hàng năm có việc làm qua đào tạo nghề của huyện đạt khoảng 75%; tỷ lệ người lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%; lao động được giải quyết việc làm hàng năm trên 3.000 người.

Trong thời gian tới, để tiếp tục thu hút HTX, công ty, doanh nghiệp du nhập nghề mới góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân, huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp, phát triển làng nghề, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Cùng với đó, huyện tiếp tục phối hợp chặt chẽ với đơn vị bao tiêu sản phẩm và các HTX tiểu thủ công nghiệp, các tổ chức, cá nhân thực hiện có hiệu quả các giải pháp duy trì, phát triển làng nghề truyền thống, nhân cấy nghề mới, bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động. Đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử hỗ trợ các cơ sở sản xuất nghề xây dựng website giới thiệu quảng bá, thương hiệu sản phẩm làng nghề, cung cấp thông tin thường xuyên về thị trường, những quy định về chất lượng, mẫu mã sản phẩm, thị trường tiêu thụ để cơ sở sản xuất có định hướng phát triển.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]