(Baothanhhoa.vn) - 180 đối tượng cũng chính là bấy nhiêu số phận, cảnh đời. Khi được tiếp nhận vào nuôi dưỡng dưới mái nhà Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2, họ như được “hồi sinh”, xóa bỏ mặc cảm, tự ty, nỗi cô đơn tuổi già cùng nhau sống vui, sống khỏe...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nơi “hồi sinh” những phận đời yếu thế

180 đối tượng cũng chính là bấy nhiêu số phận, cảnh đời. Khi được tiếp nhận vào nuôi dưỡng dưới mái nhà Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2, họ như được “hồi sinh”, xóa bỏ mặc cảm, tự ty, nỗi cô đơn tuổi già cùng nhau sống vui, sống khỏe...

Nơi “hồi sinh” những phận đời yếu thếKiểm tra sức khỏe cho thương, bệnh binh nặng là việc làm thường xuyên ở Trung tâm Nuôi dưỡng người có công.

10 năm nay, bà Nguyễn Thị Hồng Thủy, 72 tuổi, quê ở Quảng Trị luôn coi Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2 là ngôi nhà thứ 2 của mình. Cũng trong 10 năm ấy, bà luôn nhận được tình yêu thương, sự quan tâm của các cán bộ, nhân viên trung tâm và các cơ quan, đoàn thể, ban, ngành.

Vào trung tâm, mỗi người một số phận, hoàn cảnh. Với bà Thủy, đó là nỗi đau mất chồng, mất con. Khi không còn người thân bên cạnh và không nơi nương tựa, chính quyền địa phương đã đưa bà về với trung tâm. Bà Thủy nhớ lại: Khi chồng, con lần lượt bỏ tôi ra đi, tôi tưởng như mình không thể đứng dậy đi tiếp. Nhưng 10 năm ở đây, tôi đã vơi đi nỗi cô đơn, trống trải. Vào trung tâm mới thấy nhiều hoàn cảnh còn éo le hơn mình, nhưng khi được sống dưới mái nhà chung, chúng tôi cùng động viên, an ủi nhau để sống vui, sống khỏe. Điều này làm cho mọi người thấy ấm áp, nghĩa tình hơn nên nỗi buồn cũng dần nguôi ngoai.

Kém may mắn hơn bà Thủy là chị Doãn Thị Hợp, quê ở xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn. Sinh ra trong gia đình có 5 anh chị em, thì 3 người bị tâm thần phải đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội số 1. Hiện 2 người đã mất. Bản thân chị Hợp bị thiểu năng trí tuệ, không biết quê quán mình ở đâu, năm nay bao nhiêu tuổi, chỉ biết tên của mình vì thường xuyên được nghe mọi người gọi. Trước khi về sống trong ngôi nhà chung này, chị Hợp sống lang thang, cơ nhỡ, thể trạng yếu ớt. Nhờ sự chăm sóc tận tình, chu đáo của cán bộ, nhân viên và sự bao bọc, uốn nắn của những cụ ông, cụ bà trong ngôi nhà chung mà sức khỏe, thể trạng cũng như tinh thần chị Hợp dần ổn định.

Khác với Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2, Trung tâm Nuôi dưỡng người có công – nơi đang chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng và thực hiện chế độ, chính sách cho 70 thương, bệnh binh tâm thần; 46 thương, bệnh binh nặng có thương tật và bệnh lý tổng hợp; 30 thân nhân liệt sĩ già cả cô đơn không nơi nương tựa, con liệt sĩ bị tàn tật và 95 người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Anh Trịnh Văn Cường, Trưởng Khoa Thương binh, bệnh binh nặng và thân nhân người có công, chia sẻ: Ở khoa phần lớn số thương, bệnh binh nặng đều có gia đình; số còn lại không có vợ con, bố mẹ mất từ lâu, anh chị em lại già cả. Có rất nhiều đối tượng đã gắn bó với trung tâm 30 - 40 năm. Dù quản lý nhiều loại đối tượng khác nhau, phần lớn tuổi cao, sức khỏe giảm sút, tình trạng thương tật, bệnh tật đa dạng, phức tạp; song đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, điều dưỡng luôn có tinh thần, ý thức trách nhiệm, ân cần chu đáo, coi đối tượng như người thân của mình hết lòng chăm sóc, phục vụ.

Theo lời giới thiệu của bác sĩ Cường, chúng tôi đến phòng ở của bác Lê Trọng Bái. Bác Bái hiện đã 85 tuổi, quê ở huyện Hoằng Hóa, bị thương tật nặng suy giảm sức khỏe 100%, cụt 1 chân, mù 1 mắt. Tuy vậy, hơn 40 năm sống tại trung tâm, bác Bái luôn là người sống mẫu mực, coi cán bộ như người nhà. Bác Bái chia sẻ: Tôi tham gia chiến đấu ở các chiến trường Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, đến năm 1971 khi chiến đấu tại Đường 9 Nam Lào thì bị thương nặng. Sau nhiều năm chữa trị tại các bệnh viện, đến năm 1979 tôi vào Trung tâm Nuôi dưỡng thương binh nặng và gắn bó với trung tâm đến nay. Tại đây, tôi được đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, điều dưỡng bằng trách nhiệm, sự tri ân đã tận tình chăm sóc từ bữa ăn, giấc ngủ, thuốc thang chữa trị khi đau ốm, trái gió trở trời, giúp xoa dịu những cơn đau, tàn dư do chiến tranh để lại.

Do sức khỏe kém, thường xuyên đau ốm lại không có con cái phụng dưỡng, nên vợ liệt sĩ Nguyễn Thị Bông, 81 tuổi, ở xã Hoằng Cát (Hoằng Hóa) đã vào trung tâm và gắn bó được 12 năm. Bà Bông chia sẻ: Trước đây khi mắt còn sáng, còn sức khỏe thì thi thoảng còn về quê ăn tết. Nay tuổi cao lại mắc các bệnh tiểu đường, tim mạch, đại tràng... nên đã 4 năm liền tôi không về. Ở trung tâm mà nhiều lần tôi tưởng mình không qua khỏi vì bệnh tật, nếu ở nhà có khi tôi đã xanh mồ lâu rồi. Tôi sống được là nhờ đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ ở trung tâm và tôi cũng rất yên tâm khi gửi gắm quãng đời còn lại nơi đây...

Tết đã cận kề. Cũng như tâm trạng bao người, mỗi đối tượng ở các trung tâm này cũng mang trong mình những nỗi niềm... Có người sẽ trở về quê ăn tết hoặc có người ở lại trung tâm đón tết. Nhưng có một điều mà họ luôn thấy ấm áp, đó là ở trong ngôi nhà thứ 2 này, họ sẽ không bao giờ bị bỏ rơi bởi sự tri ân và những trái tim nhân hậu...

Bài và ảnh: Mai Phương


Bài và ảnh: Mai Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]