(Baothanhhoa.vn) - Sau cùng, dù không muốn, nhưng chúng tôi phải vượt Dốc Xây sang tỉnh Ninh Bình, lòng vòng gần 15km để đến khu phố 12, phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn. Mặc dù sinh sống ở thị xã sầm uất, nhộn nhịp, nhưng đã hàng chục năm trôi qua, một khu phố có 61 hộ dân với 219 nhân khẩu vẫn mong ngóng từng ngày để được đáp ứng những nhu cầu tối thiểu…

Nơi ấy, họ đang khẩn thiết mong chờ…

Sau cùng, dù không muốn, nhưng chúng tôi phải vượt Dốc Xây sang tỉnh Ninh Bình, lòng vòng gần 15km để đến khu phố 12, phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn. Mặc dù sinh sống ở thị xã sầm uất, nhộn nhịp, nhưng đã hàng chục năm trôi qua, một khu phố có 61 hộ dân với 219 nhân khẩu vẫn mong ngóng từng ngày để được đáp ứng những nhu cầu tối thiểu…

Nơi ấy, họ đang khẩn thiết mong chờ…

Xa xỉ giấc mơ điện sáng

Tôi “hẹn tái hẹn hồi” với Phó Chủ tịch UBND phường Bắc Sơn Trần Nam Chung cho chuyến đi về khu phố 12, bởi nhiều ngày mưa, đường vào đã bị ngập sâu trong nước, ngầm phía dưới là những hố, rãnh, xe máy không qua nổi. Ý vị Phó Chủ tịch UBND phường rằng đợi thêm ít hôm, trời tạnh ráo, nước rút hết thì mới đi xe máy vào được. Nhưng vì tò mò, tôi đã vượt Dốc Xây sang TP Tam Điệp lúc trời còn nặng những đám mây đen, đi vào sâu trong một thung lũng bạt ngàn cây cối, bên đường lưa thưa những nóc nhà.

Đó là khu phố 12, người dân vẫn quen gọi là Thung Cớn. Anh Chung cho hay: Năm 1991, phường Bắc Sơn được thành lập, thì khu phố 12 ra đời, có chi bộ Đảng và các đoàn thể chính trị - xã hội. Trước đó, Thung Cớn thuộc phường Ba Đình, nơi mà người dân từ các huyện Nga Sơn, Hoằng Hóa đến định cư, sinh sống từ những năm 80 của thế kỷ trước.

Gặp chúng tôi, bí thư chi bộ, trưởng khu phố 12 Phạm Thị Nhâm mừng rỡ, rồi lôi bao nỗi nhọc nhằn của người dân ra kể. Giọng bà trầm buồn: “Trăm cái vất vả, khổ nhất vẫn là bà con chưa được quan tâm đầu tư lưới điện quốc gia. Chúng tôi đề nghị lên phường, rồi kiến nghị qua các cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND các cấp đã hơn 10 năm nay. Nhưng rồi, bà con khu phố đã phải bàn bạc, tự nguyện chung nhau quyên góp tiền của, ngày công quyết tâm dùng điện… chui”.

Theo lời bí thư Nhâm, bắt đầu từ năm 1997 đến năm 2012, bà con đã góp hơn 30 triệu đồng mỗi hộ, mua sắm hàng trăm cây cột bê tông, hàng nghìn mét dây để kéo điện “chui”. Hơn 40 hộ ở phía Bắc khu phố thì kéo điện từ tổ dân phố 16, phường Nam Sơn, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình sang. Số hộ còn lại ở phía Nam thì kéo điện từ khu phố 10, phường Ba Đình (thị xã Bỉm Sơn) về. Và để người dân được dùng điện “chui”, bí thư Nhâm cũng đã phải bao phen lặn lội “gõ cửa” các đơn vị điện lực ở cả 2 tỉnh. Biết sai, nhưng vẫn phải làm, bởi với bà - là cán bộ của dân thì phải biết lo cho dân.

Trong khi đời sống chủ yếu dựa vào cây dứa, thì việc bỏ ra hơn 30 triệu đồng mỗi hộ để đầu tư đường điện là quá sức với người dân nơi đây. Vậy nên cột điện của họ dùng thấp bé, sứt sẹo, được chằng nối với nhau bằng thứ dây điện nhỏ tí bọc nhựa màu đen. Vì khoảng cách cột xa, nên dây võng xuống, có đoạn sát đầu người đi đường, rồi chui qua những lùm cây rậm rạp. Mà khi nhìn, chúng tôi đã nghĩ đến khi những ngọn cây kia đu đưa trong gió bão, thì hậu quả chẳng biết sẽ ra sao. Bí thư Nhâm kể, vào mùa mưa bão hàng năm, cột bị gẫy đổ, dây bị đứt, mất điện là chuyện bình thường. Sau đó, bà con lại nộp tiền, chung nhau mua sắm cột và dây mới để thay thế. Chưa hết, do đường dây nhỏ, khoảng cách đến trạm biến áp xa, mức hao hụt điện năng lớn, nên nguồn điện rất yếu, chập chờn, không đủ phục vụ nhu cầu sinh hoạt.

Lúc tôi đến nhà, chị Mai Thị Đào (sinh năm 1974) đang mò mẫm trong căn bếp bám đầy bồ hóng để chuẩn bị bữa cơm chiều. Chị cảm khái: “Gia đình tôi sinh sống ở đây đã 30 năm nay. Mang tiếng là có điện, nhưng vào buổi tối, phải tắt hết quạt, rút điện tủ lạnh thì bóng điện mới sáng được. Trong khi đó, tôi phải trả giá điện cao, từ 2.800 đồng đến 4.000 đồng/KW”. Nhà chị Đào có nồi cơm điện, nhưng đã lâu lắm không sử dụng nên đã rỉ gét, nằm chỏng chơ dưới nền nhà. Còn cái bếp ga cũng không mấy khi được sử dụng, bởi tốn tiền mua ga, trong khi chị có thể đi hái củi từ trên đồi cao.

Giữa thị xã Bỉm Sơn sầm uất, toàn bộ hộ gia đình ở khu phố 12 vẫn duy trì bếp củi và tuyệt nhiên không một nhà nào có điều hòa nhiệt độ hay một loại máy điện nào. Nếu có máy móc, thì nhiên liệu cũng chỉ là xăng, dầu. Trong khi đó, tivi, tủ lạnh họ sử dụng thường xuyên phải sửa chữa, thay thế, do nguồn điện chập chờn gây ra. Lý giải về điện giá cao, bí thư Nhâm, cho biết: “Chúng tôi phải chia nhau chi phí điện năng hao hụt hàng tháng do đường dây quá dài, nên đẩy giá điện lên cao. Giá điện được áp dụng mức chung theo đầu số, không tính theo khung bậc thang”.

Mong ngóng quy hoạch dân cư

Đi tìm nguyên nhân khu phố 12 chưa được đầu tư lưới điện quốc gia, chúng tôi đã đến Điện lực thị xã Bỉm Sơn và UBND thị xã Bỉm Sơn, rồi bất ngờ với lý do, khu phố 12 chưa được quy hoạch dân cư. Mà theo quy định, nếu chưa được quy hoạch dân cư thì sẽ rất khó lập các dự án đầu tư xây dựng, trong đó có lưới điện. Không có quy hoạch dân cư cũng đồng nghĩa là khu phố không có đất ở, toàn bộ nhà dân đã xây dựng trái phép?.

Tôi ngẫm nghĩ hồi lâu nhưng vẫn mơ hồ về lý giải của Phó Chủ tịch UBND phường Bắc Sơn Trần Nam Chung: “Khu phố 12 có nhà văn hóa, có điểm trường mầm non, dân cư có sổ hộ khẩu thường trú, nhưng lại chưa phải là khu dân cư. Thực tế nhà dân đã xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp từ lâu”. Mơ hồ bởi đây là chuyện hy hữu mà tôi chưa từng gặp. Và chuyện không có quy hoạch dân cư chính là nguồn cơn, là căn nguyên, là nút thắt buộc cuộc sống của người dân nơi đây luẩn quẩn trong bộn bề khó khăn. Và cho đến nay, cả khu vẫn còn 9 hộ thuộc diện nghèo, chiếm gần 15% dân số của phố.

Sau khó khăn về lưới điện là giao thông. Từ trung tâm phường Bắc Sơn đến với khu phố 12 có ba đường chính, một là qua khu phố 8 với chiều dài khoảng 7km. Con đường thứ 2 là qua khu phố 5, men theo chân đèo Ba Dội để vào, với chiều dài khoảng 9km. Những đoạn đường này do người dân tự mở, được chính quyền vận động doanh nghiệp ủng hộ máy móc, trang thiết bị để thi công xây dựng đã lâu, nay đã xuống cấp, gồ ghề những ổ voi và đá dăm sắc lẹm nhô lên, mà bí thư Nhâm đã phải thay 4 cái săm, 2 cái lốp xe máy trong đợt dịch COVID-19 cuối năm ngoái khi chạy đi chạy lại UBND phường để lấy giấy quyết định cách ly và hết cách ly. Con đường thứ 3 có chiều dài gần 15km, dọc theo Quốc lộ 1A, qua hầm Dốc Xây, rồi rẽ vào phường Nam Sơn, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình để vào.

Giao thông khó khăn, nên bao lâu nay người dân nơi đây thường gắn với TP Tam Điệp nhiều hơn là với thị xã Bỉm Sơn. Trừ khi có việc liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính, thì người dân mới về trung tâm phường. Đến như việc học tập của con em họ cũng đa phần học ở Trường Tiểu học Nguyễn Trãi và Trường THCS Lê Lợi, phường Nam Sơn, TP Tam Điệp.

Để tránh việc học trái tuyến, người dân nơi đây đã phải “lách”, bằng cách xin ghép khẩu con em mình vào hộ có quen biết ở phường Nam Sơn. Nhưng với con em những hộ thuộc diện nghèo đã phải chịu thiệt thòi vì không được hưởng hỗ trợ của Nhà nước, do hộ gia đình họ ghép khẩu không phải là hộ nghèo, như trường hợp của gia đình anh Vũ Văn Cảnh. Anh Cảnh sinh năm 1990, quê xã Nga Tiến (Nga Sơn), đến năm 1991 thì theo bố mẹ lên đây sinh sống. Gia đình anh là hộ nghèo, có 2 con: Vũ Văn Huy và Vũ Văn Nam đang theo học tại Trường Tiểu học Nguyễn Trãi. Anh chia sẻ: “Biết là thiệt thòi nhưng phải đành chấp nhận. Rồi như năm ngoái, dịch COVID-19 ở Thanh Hóa diễn biến phức tạp, các cháu cũng không được sang Ninh Bình học trong cả một thời gian dài. Tôi rất muốn đưa các cháu về phường Bắc Sơn để học, nhưng giao thông quá khó khăn”.

Trong khuôn viên nhà văn hóa khu phố 12 có một căn phòng mái ngói được dùng làm điểm lẻ trường mầm non vào những năm học trước, với 1 giáo viên “cắm phố”. Do không tổ chức được bán trú, trong khi người dân phải làm ruộng ở xa nhà, không tiện đưa đón con 4 buổi trong ngày, nên từ năm học này, họ đã đưa các cháu sang Ninh Bình để học bán trú. Và rồi căn phòng kia bất đắc dĩ đã phải im ỉm khóa. Bí thư Nhâm nói: “Chỉ có một vài hộ quá khó khăn mới đưa con em về Bắc Sơn học tập. Còn phần đa các cháu đều học tại phường Nam Sơn. Từ khu phố đến các trường học ở Nam Sơn, nhà nào xa cũng 6km, nhưng đường đi dễ dàng hơn”.

Tôi nhìn những đứa trẻ thơ với áo quần cũ kỹ chơi đùa trên con đường đá lởm chởm, sắc lẹm trong bóng chiều dần tắt sau dãy Tam Điệp mà thấy chạnh lòng. Sau tiếng phành phạch liên hồi phát ra từ những chiếc xe máy cũ kỹ trở về từ phía đồi xa, Thung Cớn trở nên im ắng, le lói thứ ánh sáng yếu ớt bị che phủ bởi làn khói bếp. Bí thư Nhâm thõng một tiếng thở dài rồi đưa ánh mắt nhìn con đường dẫn về trung tâm phường như ao ước một điều gì đó quá đỗi lớn lao...

Ghi chép của Đỗ Đức


Ghi chép của Đỗ Đức

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]