(Baothanhhoa.vn) - Để tạo nên sức lan tỏa đến người dân, sự quyết tâm vươn lên để không chỉ thoát nghèo mà còn đưa Như Xuân trở thành một trong những huyện dẫn đầu khu vực miền núi của tỉnh Thanh vào năm 2025, điều cần hơn hết lúc này chính là sự tháo gỡ những điểm nghẽn.

Như Xuân ra khỏi danh sách huyện nghèo: Vẫn cần nhiều nguồn lực hỗ trợ (Bài cuối): Cần tháo gỡ điểm nghẽn

Để tạo nên sức lan tỏa đến người dân, sự quyết tâm vươn lên để không chỉ thoát nghèo mà còn đưa Như Xuân trở thành một trong những huyện dẫn đầu khu vực miền núi của tỉnh Thanh vào năm 2025, điều cần hơn hết lúc này chính là sự tháo gỡ những điểm nghẽn.

Như Xuân ra khỏi danh sách huyện nghèo: Vẫn cần nhiều nguồn lực hỗ trợ (Bài cuối): Cần tháo gỡ điểm nghẽnTrang trại gà đồi Năm Dung của Công ty CP Nông nghiệp sạch Như Xuân. Ảnh: Hoàng Đông

Tin liên quan:
  • Như Xuân ra khỏi danh sách huyện nghèo: Vẫn cần nhiều nguồn lực hỗ trợ (Bài cuối): Cần tháo gỡ điểm nghẽn
    Như Xuân ra khỏi danh sách huyện nghèo - Vẫn cần nhiều nguồn lực hỗ trợ (Bài ...

    Trước năm 2018, Như Xuân là huyện được thụ hưởng cơ chế, chính sách giải pháp hỗ trợ từ Nghị quyết số 30a ngày 27-12-2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 30a). Sau 10 năm, ngày 7-3-2018, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 275/QĐ-TTg phê duyệt Như Xuân ra khỏi huyện nghèo giai đoạn 2018-2020. Có được kết quả trên là sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Như Xuân, sự vận dụng sáng tạo các chính sách ưu đãi từ Nghị quyết 30a để phát triển kinh tế, vươn lên giảm nghèo bền vững...

Tin liên quan:
  • Như Xuân ra khỏi danh sách huyện nghèo: Vẫn cần nhiều nguồn lực hỗ trợ (Bài cuối): Cần tháo gỡ điểm nghẽn
    Như Xuân ra khỏi danh sách huyện nghèo: Vẫn cần nhiều nguồn lực hỗ trợ (Bài 2): ...

    Không còn được hỗ trợ áp dụng các cơ chế, chính sách theo quy định tại Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (Nghị quyết 30a), điều nhận thấy rõ ràng nhất ở Như Xuân là tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt. Đến nay, theo kết quả rà soát giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ hộ nghèo là 16,94%, hộ cận nghèo 19,58%. “Để thoát nghèo bền vững, người dân phải sản xuất, làm ra sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm đặc thù”, đó là chia sẻ của ông Lê Tiến Đạt, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Xuân.

Giảm nghèo không còn là "cho không"

Trước đây, nhắc đến vai trò của cán bộ là người ta nghĩ đến hình ảnh hằng tháng cán bộ xuống thôn, bản để tư vấn, hướng dẫn khoa học - kỹ thuật với phương thức cầm tay chỉ việc cho từng hộ dân, mà thực chất là “làm từ A đến Z”. Trong khi cán bộ lo từ giống, xắn ống quần giữa trời nắng, tự tay cải tạo vườn tạp, rồi đi đào hốc trồng cây sau đó giao cho một số đồng chí phụ trách từng hộ thì người dân ngồi trong nhà uống nước chè, xem đó là việc của Nhà nước. Còn đến thời điểm này - sau khi ra khỏi danh sách huyện nghèo, về cơ bản nhận thức của người dân đã có nhiều thay đổi. Không còn nhiều tâm lý trông chờ, ỷ lại, bị cắt đi nhiều nguồn hỗ trợ “cấp phát, cho không”, người dân buộc phải thay đổi phương thức canh tác, tập quán và dịch chuyển, sản xuất hàng hóa để thoát nghèo. Việc giảm nghèo giờ đây đã chuyển từ “cho không” sang “cho vay”. Nhiều hộ dân đã nhận thức được rằng, chỉ có tự mình cố gắng thì mới có thể thoát nghèo. Không có tiền thì vay ngân hàng chính sách xã hội. Nói như ông Lê Phúc Hải, Chủ tịch UBND xã Hóa Quỳ: “Khi tự bỏ tiền túi ra để mua một cây gì đó, một con vật gì đó thì người dân thấy quý hơn, chăm lo hơn. Đơn giản như trước đây để huy động người dân tham gia làm tuyến đường, câu đầu tiên họ hỏi chúng tôi là: Nhà nước cho được nhiều ko?. Giờ họ hỏi: Làm đường hết bao nhiêu và tự chia bình quân mỗi hộ phải đóng”.

Tuy vậy, không phải ai cũng có thể thay đổi được nhận thức. Dù được tuyên truyền về lợi thế của một số loại cây trồng, cơ chế hỗ trợ của Nhà nước thì người dân vẫn thích trồng keo, trồng sắn, mía... Vì ít phải chăm sóc, để cây tự do phát triển, sau 5 - 6 năm thì thu hoạch. Nhưng cũng vì không được sự chăm sóc thường xuyên, năng suất keo ngày càng giảm, cây trồng ngày càng thoái hóa, kém phát triển. Dù hiện nay, huyện Như Xuân đang có cơ chế hỗ trợ người dân khi tham gia mô hình trồng xoài keo, nhưng bà con chưa sẵn sàng, chưa dám đầu tư.

Thậm chí ngay cả lãnh đạo cũng cần phải thích ứng. Ông Lê Phúc Hải, Chủ tịch UBND xã Hóa Quỳ, chia sẻ: “Trước đây, cán bộ không nhận định và không xác định được dân nghèo đi, hay giàu lên là vì cái gì, nhưng khi không còn sự đầu tư của Nhà nước thì dân tự phát triển và ngày một mạnh hơn lên. Điều đó cho thấy, để thoát nghèo, hơn hết phải là nguồn lực tự có của địa phương, sự tự thân vận động của người dân”. Cán bộ thay vì cầm tay chỉ việc, làm hết cho dân thì cần nhất là tuyên truyền cho họ hiểu, xác định được lợi thế của từng địa phương, thậm chí từng thôn, từng hoàn cảnh gia đình để tập trung sản xuất. Khi thôn Đồng Xuân xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu cũng là khi xã không còn được thụ hưởng chương trình Nghị quyết 30a, lúc đầu lãnh đạo xã xuống họp từ cấp ủy, chi bộ, tổ chức hội nghị Nhân dân và các tổ chức đoàn thể cùng phân tích, tuyên truyền việc hiến đất thì nhận sự phản đối gay gắt. Nhưng sau khi hiểu ra mình chính là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, nhiều hộ gia đình đã hiến đất, 100% số hộ tự nguyện đóng góp xây dựng nông thôn mới với số tiền 800 nghìn đồng/khẩu. Vì thế, sau 2 tháng đã thu được 300 triệu đồng.

“Quá sức tưởng tượng. Trước đây, cán bộ cũng chưa bao giờ tưởng tượng bộ mặt nông thôn thay đổi được thế này. Làm giàu là trong tầm tay của người dân” - ông Hải bày tỏ.

Ly nông bất ly hương

Thực tế, trước đây 1 ha cao su tính bình quân tạo công ăn việc làm bền vững cho ít nhất 2 lao động. Nhưng nếu chuyển đổi sang trồng cây cam dù đem lại lợi nhuận cao nhưng không phải ai cũng có điều kiện về đất đai, nguồn vốn, kỹ thuật. Các trang trại nuôi theo kiểu công nghiệp, bán công nghiệp cũng không cần đòi hỏi nguồn nhân lực lớn. Vì thế, dù diện tích trồng trọt, diện tích trang trại lớn nhưng ý nghĩa tạo việc làm tại chỗ không nhiều. Tỷ lệ người đi xuất khẩu lao động, đi làm ăn xa ngày càng cao kéo theo không ít hệ lụy. Điển hình có những năm số vụ ly hôn tăng đột biến, cụ thể là chỉ tính riêng trong 9 tháng năm 2020, toàn huyện có 140 vụ ly hôn. Đây chính là những trăn trở của các cấp chính quyền.

Tại Đại hội lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025, Như Xuân đề ra mục tiêu phát triển công nghiệp là then chốt, trong đó tập trung kêu gọi thu hút đầu tư vào 4 cụm công nghiệp (CCN) Bãi Trành (33,66 ha), Thượng Ninh (20 ha), Xuân Hòa (30 ha) và Yên Cát (12,5 ha). Tất cả các CCN này đều nằm trên trục đường Hồ Chí Minh là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào đầu tư phát triển sản xuất. Tuy nhiên đến thời điểm này, ngoài CCN thị trấn Yên Cát đã thu hút được doanh nghiệp đầu tư, tạo việc làm cho khoảng 500 lao động thì CCN Xuân Hòa sau khi được khởi công vào năm 2017 và CCN Thượng Ninh khởi công năm 2019, đến nay vẫn “chưa có nhà đầu tư”. Gần đây nhất (tháng 9-2022), CCN Bãi Trành vừa được thành lập do Công ty CP Mailands làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 150 tỷ đồng... Nếu 4 CCN hoàn thành và đi vào hoạt động thì sẽ tạo nhiều việc làm, giúp bà con ly nông mà không phải ly hương.

Chưa tìm ra được sản phẩm chủ lực của huyện

Dù có 10 sản phẩm OCOP 3 sao là: Bưởi da xanh, bưởi Diễn, cam đường Canh, cam Xã Đoài Như Xuân, nấm linh chi đỏ, măng khô, ổi Như Xuân, hương bài Yên Cát, mật ong hoa rừng Đức Lương và gà đồi Năm Dung nhưng khi chúng tôi hỏi đâu là sản phẩm chủ lực của Như Xuân thì không nhận được câu trả lời cụ thể của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Để thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, huyện Như Xuân đã hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể làm hồ sơ thủ tục, tư vấn thiết kế bao bì, nhãn mác, tập huấn về quy trình sản xuất an toàn, thực hiện đúng các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Trong đó, huyện có mức thưởng 30 triệu đồng cho một sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh. Song, ngoài Công ty CP Nông nghiệp sạch Như Xuân với sản phẩm gà đồi Năm Dung thì hầu hết đều ở quy mô sản xuất nhỏ, chưa đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, vệ sinh an toàn thực phẩm... Diện tích trồng cam khá khiêm tốn với 1.000 ha trong tổng số hơn 700.000 ha diện tích đất tự nhiên toàn huyện; măng, mật ong là những sản phẩm có ở hầu hết các huyện miền núi...

Vì thế, để đưa sản phẩm của địa phương ra thị trường trong và ngoài tỉnh vẫn đang còn là bài toán khó với cấp ủy, chính quyền huyện Như Xuân.

Để tháo những điểm nghẽn, ông Lê Văn Thuận, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Như Xuân cho rằng: “Ngoài Nghị quyết 88/2019/QH14, ngày 18-11-2019 của Quốc hội về phê duyệt đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, huyện Như Xuân rất cần sự hỗ trợ của tỉnh về cán bộ, về hạ tầng, về chuyển giao khoa học - kỹ thuật, định hướng chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ thương mại... Có nguồn lực hỗ trợ, huyện Như Xuân chắc chắn sẽ trở thành một trong những huyện dẫn đầu khu vực miền núi của tỉnh Thanh vào năm 2025”.

Nghị quyết 30a đang là nguồn lực tốt, vì thế ra khỏi huyện nghèo đồng nghĩa với nhiều chương trình hỗ trợ bị cắt giảm, Như Xuân cần phải có một thời gian để thích ứng. Sau 4, 5 năm, bộ mặt nông thôn ở Như Xuân đã có nhiều sự đổi thay, tỷ lệ hộ nghèo giảm, đời sống người dân khá hơn trước, nhưng bài toán thoát nghèo bền vững vẫn luôn là nỗi trăn trở của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến huyện và xuống xã. Song, với rất nhiều nghị quyết, đề án được ban hành từ Trung ương đến địa phương, cùng sự nỗ lực vươn lên của người dân, chắc chắn Như Xuân sẽ có nhiều nguồn lực hỗ trợ để đạt được mục tiêu giảm nghèo và phát triển bền vững.

Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]