(Baothanhhoa.vn) - Không còn được hỗ trợ áp dụng các cơ chế, chính sách theo quy định tại Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (Nghị quyết 30a), điều nhận thấy rõ ràng nhất ở Như Xuân là tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt. Đến nay, theo kết quả rà soát giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ hộ nghèo là 16,94%, hộ cận nghèo 19,58%. “Để thoát nghèo bền vững, người dân phải sản xuất, làm ra sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm đặc thù”, đó là chia sẻ của ông Lê Tiến Đạt, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Xuân.

Như Xuân ra khỏi danh sách huyện nghèo: Vẫn cần nhiều nguồn lực hỗ trợ (Bài 2): Liệu đã có sản phẩm đặc thù?

Không còn được hỗ trợ áp dụng các cơ chế, chính sách theo quy định tại Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (Nghị quyết 30a), điều nhận thấy rõ ràng nhất ở Như Xuân là tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt. Đến nay, theo kết quả rà soát giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ hộ nghèo là 16,94%, hộ cận nghèo 19,58%. “Để thoát nghèo bền vững, người dân phải sản xuất, làm ra sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm đặc thù”, đó là chia sẻ của ông Lê Tiến Đạt, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Xuân.

Như Xuân ra khỏi danh sách huyện nghèo: Vẫn cần nhiều nguồn lực hỗ trợ (Bài 2): Liệu đã có sản phẩm đặc thù?Cam Đường Canh là 1 trong 4 sản phẩm của HTX sản xuất nông nghiệp Thành Công đã được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Ảnh: Kiều Huyền

Tin liên quan:
  • Như Xuân ra khỏi danh sách huyện nghèo: Vẫn cần nhiều nguồn lực hỗ trợ (Bài 2): Liệu đã có sản phẩm đặc thù?
    Như Xuân ra khỏi danh sách huyện nghèo - Vẫn cần nhiều nguồn lực hỗ trợ (Bài ...

    Trước năm 2018, Như Xuân là huyện được thụ hưởng cơ chế, chính sách giải pháp hỗ trợ từ Nghị quyết số 30a ngày 27-12-2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 30a). Sau 10 năm, ngày 7-3-2018, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 275/QĐ-TTg phê duyệt Như Xuân ra khỏi huyện nghèo giai đoạn 2018-2020. Có được kết quả trên là sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Như Xuân, sự vận dụng sáng tạo các chính sách ưu đãi từ Nghị quyết 30a để phát triển kinh tế, vươn lên giảm nghèo bền vững...

Một điều rất vui mừng là sau 4 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đến nay huyện Như Xuân đã có 10 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, đứng đầu danh sách 11 huyện miền núi của tỉnh. Có được kết quả đó, huyện Như Xuân đã ban hành các nghị quyết đẩy mạnh phát kinh tế, như: Nghị quyết số 07-NQ/HU, ngày 31-12-2013 của Ban Thường vụ Huyện ủy về phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm đến năm 2020; Nghị quyết số 03-NQ/HU ngày 30-3-2016 của Ban Thường vụ Huyện ủy về tiếp tục đẩy mạnh cải tạo vườn tạp gắn với phát triển cây ăn quả giai đoạn 2016-2020...; tạo cơ chế hỗ trợ phát triển diện tích trồng cam, trang trại chăn nuôi... Từ đó nhiều mô hình giảm nghèo đã hình thành và phát triển giúp đời sống của Nhân dân từng bước thay đổi.

Bình Lương trước đây là xã thuần nông, người dân chủ yếu trồng lúa nên đời sống rất khó khăn. Với khát khao vươn lên, lại thêm lợi thế trong vùng đệm của Vườn Quốc gia Bến En, cây cối hoa màu phong phú quanh năm, một số hộ đã mạnh dạn đầu tư mua giống tốt, thùng nuôi đạt chuẩn, dụng cụ khai thác mật khoa học và tìm hiểu, tham gia các lớp tập huấn kiến thức nuôi ong. Từ câu lạc bộ (CLB) nuôi ong Bình Lương với 8 thành viên được thành lập vào năm 2018; đến tháng 4-2022, đã phát triển thành HTX Hợp Thành. Đến nay, trung bình mỗi năm HTX có 1.600 đàn ong, sản xuất khoảng 10.000 lít mật. Đặc biệt, sản phẩm mật ong hoa rừng Đức Lương của HTX đã được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Anh Lê Trọng Mai, Giám đốc HTX Hợp Thành cho biết: “Nuôi ong ngoài vấn đề kỹ thuật thì không đòi hỏi nhiều về thời gian, chi phí chăn nuôi, vì thế người dân có thể kết hợp làm thêm các ngành nghề khác. Gia đình tôi ngoài nuôi ong, còn nuôi dúi, ốc nhồi... Bà con hiện nay ai cũng mong muốn thoát nghèo để có điều kiện cho con cái học hành”.

Đến thăm mô hình nuôi ong của gia đình ông Đỗ Văn Trung, thôn Hợp Thành, hộ có tổng đàn ong lớn trong xã. Bắt đầu nuôi ong từ năm 2020 với 15 bọng, đến năm 2021 phát triển lên 60 bọng và hiện tại có gần 100 bọng. Trung bình những năm trước, nguồn thu từ nuôi ong lấy mật mỗi năm trung bình sau khi trừ chi phí còn được khoảng 60 triệu đồng. “Hy vọng năm nay, kinh tế ổn định, sức tiêu thụ của người dân tốt hơn, không chỉ gia đình tôi mà các thành viên trong HTX cũng sẽ bán được nhiều sản phẩm mang về lợi nhuận cao hơn” - anh Trung tâm sự.

Chia sẻ thêm về điều này, ông Lê Đức Tuấn, Chủ tịch UBND xã Bình Lương cho biết: “Ngoài triển khai các mô hình sản xuất mới, như: trồng chanh leo, xoài keo...; khuyến khích Nhân dân chuyển dịch cơ cấu lao động sang các ngành dịch vụ, công nhân đi làm các nhà máy, xí nghiệp, chúng tôi tiếp tục nhân rộng các mô hình kinh tế đang phát triển hiệu quả, như: nuôi ong lấy mật, nuôi ốc nhồi, chuột nứa... Hiện nay, người dân Bình Lương có thu nhập ổn định, bình quân đạt 46,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo tính đến ngày 26-9 là 4,6%. Đây là con số rất đáng mừng khi xã đang phấn đấu về đích nông thôn mới (NTM) vào cuối năm 2022”.

Nếu mật ong hoa rừng Đức Lương là sản phẩm nổi bật của xã Bình Lương, thì trồng cây ăn quả có múi là lợi thế lớn ở xã Xuân Hòa. Diện tích đất tự nhiên bằng phẳng, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp chính vì thế ngay từ năm 2015, xã đã vận động bà con tham gia trồng các loại cây ăn quả.

“Chỉ sau 7 năm kể từ ngày chúng tôi đầu tư trồng cây có múi ở Xuân Hòa, đến nay diện tích đã được mở rộng là 40 ha và có 4 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh là: cam Đường Canh, cam Xã Đoài, bưởi da xanh, bưởi Diễn. Trước năm 2018, bà con ở đây trồng toàn cây bản địa, cây công nghiệp như keo, sắn, mía... giá trị thu nhập hạn chế. Nhưng từ khi chuyển sang trồng cây có múi, kinh tế phát triển rõ rệt, mức thu nhập bình quân từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng trong mỗi niên vụ sản xuất. Không chỉ HTX chúng tôi mà nhiều hộ gia đình khác cũng đã tạo thêm công việc và thu nhập ổn định cho bà con. Hiện tại thu nhập trung bình của bà con lao động phổ thông là 220.000 đồng/người/ngày”, ông Chử Thanh Hải, Giám đốc HTX sản xuất nông nghiệp Thành Công cho biết.

Đánh giá về sự thay đổi của Xuân Hòa, Chủ tịch UBND xã Lê Văn Tuyên cho biết: “Nếu không có những chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết 30a thì không có “đòn bẩy” để Xuân Hòa phát triển. Đến nay, toàn xã có 172 ha cây có múi. Đây không chỉ là cây xóa đói, giảm nghèo mà còn là cây làm giàu cho nhiều hộ gia đình, qua đó góp phần tích cực vào chương trình xây dựng NTM ở địa phương. Bên cạnh đó, hiện nay chúng tôi đang tuyên truyền cho bà con Nghị quyết 185/2021/NQ-HĐND về việc ban hành chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022-2025 và chỉ đạo bà con tham gia trồng cây xoài keo, chanh leo. Theo Nghị quyết 185/2021/NQ-HĐND, người dân ở đây sẽ được hỗ trợ 30 triệu đồng/ha xoài keo. Đến thời điểm này toàn xã đã trồng được 24 ha xoài keo và 6 ha chanh leo”.

Ông Quản Trọng Thức, ở thôn Đồng Trình - thôn duy nhất của xã còn nằm trong “Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi” (Chương trình 135). Sau nhiều năm trồng keo, ông quyết định chuyển hết diện tích sang trồng xoài keo. Ban đầu ông cũng lo lắng, vì phải 3 năm sau mới biết được kết quả. “Tôi sẵn sàng chấp nhận rủi ro, thậm chí đã nghĩ tới trường hợp nếu trồng xoài keo không cho lợi nhuận như mong muốn, tôi sẽ bán cây cho những người ở thành phố có nhu cầu tạo bóng mát và trang trí sân vườn. Ngoài 12 ha xoài keo tôi còn trồng xen 3,7 ha chanh leo. Lấy ngắn nuôi dài, lấy chanh leo nuôi xoài keo, hay đúng hơn là nuôi gia đình”. Khi chúng tôi hỏi tại sao những người trong thôn không học tập mô hình của ông, ông cười nói: “Trước đây Nhân dân cũng thay đổi hết mô hình này đến mô hình khác như trồng cây cao su, cây mắc ca nhưng đều thất bại. Lý do chính là mọi người không tìm hiểu, không chủ động mà chạy theo số đông, nhìn thấy người ta làm được mình cũng làm. Giờ đây bà con lại rất cẩn thận, họ nhắc nhau cây cao su - cây vàng trắng của Như Xuân còn thất bại thì không biết cây xoài keo thế nào?”.

Khẳng định về thời cơ để bà con vươn lên thoát nghèo bền vững, Chủ tịch UBND xã Lê Văn Tuyên cho rằng: “Quan trọng nhất sau khi ra khỏi khu vực đặc biệt khó khăn thì bà con đang thích nghi dần và chủ động. Nhờ nguồn lực trước đó từ chương trình Nghị quyết 30a, nhiều hộ dân trong xã đã vươn lên, góp phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo. Trước đây tỷ lệ hộ nghèo của xã là 50% nhưng nay chỉ còn 17%. Chưa bao giờ tỉnh có chính sách đột phá trong việc phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân như hiện nay khi ban hành Nghị quyết 185/2021/NQ-HĐND”.

Về đích NTM từ năm 2017 và được công nhận lại sau khi sáp nhập với xã Xuân Quỳ vào năm 2020, điểm thuận lợi nhất ở xã Hóa Quỳ là dân định cư chiếm hơn 60% nên việc chuyển giao, áp dụng khoa học - kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt là khá nhanh. “Nếu nói về sản phẩm chủ lực của xã, tôi nghĩ rằng đó là chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hiện xã có 7 trang trại và gia trại, trong đó có 2 trang trại quy mô lớn. Thường mọi người vẫn lo lắng, nếu làm trang trại thì sẽ ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, nhưng đến với trang trại gà của Công ty CP Nông nghiệp sạch Như Xuân, mọi người sẽ có cảm nhận khác”, ông Lê Phúc Hải, Chủ tịch UBND xã vừa dẫn chúng tôi xuống khu trang trại chăn nuôi gà đồi của ông Hoàng Ngọc Năm ở thôn Thanh Xuân vừa nói.

Khu vườn đồi của ông Năm xanh mướt với các loại cây ăn quả như bưởi, mít Thái... xen lẫn là các khu chăn nuôi gà được vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát với đủ các giống gà, trong đó chủ đạo là giống gà ri. Ông Năm chia sẻ: “Nếu không có sự liên kết giữa các hộ chăn nuôi với nhau thì sản phẩm đưa ra thị trường sẽ bị trùng lặp, nhỏ lẻ, khi thì nhiều quá không tiêu thụ hết, khi lại thiếu hàng. Vì thế, tháng 10-2018, tôi đã vận động 10 người cùng góp vốn thành lập Công ty CP Nông nghiệp sạch Như Xuân”. Sau khi thành lập doanh nghiệp, các hộ thành viên được tập huấn, tư vấn, chi phí đầu vào giảm, trong khi giá đầu ra ổn định và có thể ký được nhiều hợp đồng lớn. Nhận thấy lợi thế khi cùng nhau liên kết, sau 4 năm, đến nay, công ty đã phát triển lên 50 thành viên với quy mô sản xuất là 100.000 con gà/lứa nuôi 4 tháng, riêng hộ gia đình ông Năm là 20.000 con/lứa.

Nhờ việc áp dụng khoa học - kỹ thuật bằng cách làm đệm lót sinh học mà trang trại của ông Năm vừa giảm rác thải ra môi trường, tạo nguồn phân bón cho cây trồng, vừa giảm chi phí vệ sinh.

Từ chiếc “cần câu”, hay nói đúng hơn là từ cơ chế của tỉnh, của Nhà nước, điều nhận thấy rõ là người dân Như Xuân hôm nay đã chủ động hơn từ tư duy đến hành động. Một con giống tốt, một cây trồng hiệu quả có thể tạo ra việc làm bền vững và thu nhập ổn định không chỉ 1 hộ nghèo mà cả một cộng đồng thoát nghèo. Hy vọng, khi được công nhận OCOP, những sản phẩm này sẽ có cơ hội phát triển, tạo thêm nhiều việc làm, để từ đó người dân được thu lợi trên chính sức lao động và khả năng sản xuất.

Kiều Huyền

Bài cuối: Cần tháo gỡ điểm nghẽn.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]