(Baothanhhoa.vn) - Trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam ở mỗi thời đại đều ghi dấu những chiến công lẫy lừng. Trong đó, đại thắng mùa xuân năm 1975 là một trong những chiến công hiển hách nhất, lẫy lừng nhất, vang dội nhất.

Nhớ những ngày tháng Tư lịch sử

Trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam ở mỗi thời đại đều ghi dấu những chiến công lẫy lừng. Trong đó, đại thắng mùa xuân năm 1975 là một trong những chiến công hiển hách nhất, lẫy lừng nhất, vang dội nhất.

Nhớ những ngày tháng Tư lịch sử

Cựu chiến binh Nguyễn Thăng Long (bên phải) ôn lại kỷ niệm tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Những ngày cuối tháng Tư lịch sử, chúng tôi có dịp gặp gỡ và trò chuyện với các cựu chiến binh - những người từng sống và trực tiếp chiến đấu để sống lại không khí của mùa xuân thống nhất. Trong hành trình về nguồn lần này, tôi gặp cựu chiến binh Nguyễn Thăng Long, thôn Hạ Vũ 2, xã Hoằng Đạt (Hoằng Hóa). Trong miền ký ức của cựu chiến binh Nguyễn Thăng Long, không khí sục sôi của những ngày tháng Tư năm 1975 luôn được ông lưu giữ một cách trọn vẹn. Ông Long kể: “Tháng 3-1975, đơn vị tôi đang đóng quân ở Nông Cống thì nhận được lệnh hành quân tham gia chiến dịch giải phóng Huế. Ngày ấy, tôi là trợ lý tác chiến của Sư đoàn 390 nên được cử đi trước cùng cán bộ trinh sát và chiến sĩ thông tin. Vào đến Quảng Trị thì Huế đã được giải phóng nên đơn vị tôi được lệnh tiếp tục hành quân tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Toàn đơn vị di chuyển theo đường 9 tỉnh Quảng Trị sang đất Hạ Lào, đến ngã ba biên giới thì chuyển hướng đi về Phan Rang, vượt qua sông Đồng Nai, vào đến Đồng Xoài theo đường 14 đi xuống đánh ở Tân Uyên. Khi đến Tân Uyên, một số xe tăng của ta bị vướng mìn của địch, có một chiếc bị hỏng. Sáng ngày 30-4, tôi được giao nhiệm vụ tìm đường cho Sư đoàn 390 tiến về cầu Bình Triệu, đi đến đâu tôi đánh dấu đường đến đó cho Sư đoàn 390 đi theo. Đến cầu Bình Triệu, tôi lại nhận được lệnh quay trở lại Búng - trận địa pháo của Trung đoàn pháo binh 54 để thông tin cho Trung đoàn trưởng Bùi Đạt thực hiện nhiệm vụ bắn vào Bộ tổng tham mưu Ngụy. Sau khi hoàn thành nhiệm, tôi trở lại cầu Bình Triệu thì Sư đoàn 390 đã tiến vào đánh chiếm Bộ tổng tham mưu. Trưa ngày 30-4, người dân tràn ra các đường phố vui sướng cầm cờ chào đón, hoan hô quân giải phóng, còn Mỹ, Ngụy vứt hết súng đạn, cởi bỏ quần áo trà trộn vào dân mình. Tôi là người may mắn được chứng kiến thời khắc chiến thắng vô cùng tưng bừng và huy hoàng, thật sự xúc động và hạnh phúc vô cùng”.

Nhớ những ngày tháng Tư lịch sử

Cựu chiến binh Phạm Văn Diễu (bên trái) chia sẻ về những ngày tháng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Từng xông pha trận mạc, từng vào sinh, ra tử và may mắn khi được chứng kiến thời khắc đất nước thống nhất, những người lính tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh luôn thấy vinh dự và tự hào. Trải qua nhiều năm tháng, câu chuyện của những người lính vẫn luôn xoay quanh chiến công từ khắp các chiến trường. Với cựu chiến binh Phạm Văn Diễu, xã Hoằng Cát (Hoằng Hóa), hình ảnh một thời oanh liệt cùng với quân dân cả nước cầm súng đánh đuổi giặc ngoại xâm vẫn còn hằn in trong tâm trí. Ông nhớ lại: “Ngày 17-3-1975, đơn vị tôi nhận lệnh hành quân vào chiến trường miền Nam và được bổ sung vào Trung đoàn xe tăng 273, Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên) để tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Sau khi đánh chiếm Buôn Ma Thuột, Tư lệnh Quân đoàn quyết định lấy toàn bộ xe tăng của địch để tham gia giải phóng Sài Gòn. Theo mệnh lệnh của cấp trên, đơn vị tôi chia thành 3 mũi tấn công, tôi tham gia mũi chủ yếu cùng Đại đội 9, Tiểu đoàn 3 trực tiếp đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu Ngụy do Tiểu đoàn trưởng Trần Đệ làm chỉ huy. Qua các trận đánh, tôi nhớ nhất là trận cảm tử ở cầu Bông, trước cửa ngõ Sài Gòn. Để vào được trung tâm Sài Gòn, Quân đoàn 3 phải vượt qua được cầu Bông. Nhiệm vụ chiếm và giữ cây cầu này được giao cho Trung đoàn 273 xe tăng và Đại đội 9 của tôi trực tiếp thực hiện. Khi đến gần cầu Bông, Đại đội 9 chúng tôi bị bao vây bởi xe tăng, xe bọc thép của quân địch đang rút về cố thủ, chốt chặn ngăn không cho quân ta tiến vào Sài Gòn. Rất nhanh trí, Tiểu đoàn trưởng Trần Đệ ra lệnh cho tất cả xe tăng của ta tập trung bắn vào xe tăng của địch, không bắn vào xe bọc thép vì xe bọc thép không có pháo bắn trả. Chỉ 30 phút sau, toàn bộ xe tăng của địch đã bị tiêu diệt. Thừa thắng, quân ta xông lên vượt qua cầu Bông để tiến vào Sài Gòn. Ngày 29-4, 3 mũi tấn công của đơn vị gặp nhau, chúng tôi phối hợp cùng các đơn vị bộ binh nhanh chóng tiến vào giải phóng sân bay Tân Sơn Nhất. Đại đội 9 của tôi hành quân xa, vất vả hơn nên được cử ở lại chốt giữ sân bay, còn Đại đội 7 tiếp tục nhận lệnh đánh vào Bộ Tổng tham mưu. Chiến công của Trung đoàn 273 đã góp phần cùng toàn quân, toàn dân ta làm nên Đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Tổng kết chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đại đội 9, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 273 được tuyên dương đơn vị anh hùng và nhiều đồng chí được tặng thưởng Huân chương Chiến công”.

11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng. Trong 21 năm trường kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Thanh Hóa là hậu phương lớn chi viện sức người, sức của cho các chiến trường. Để đáp ứng yêu cầu mới của cách mạng miền Nam, quân và dân Thanh Hóa đã làm hết sức mình, chi viện tối đa sức người, sức của cho các chiến trường. Năm 1974, Thanh Hóa tuyển 14.304 thanh niên nhập ngũ, chi viện cho chiến trường miền Nam. Từ giữa năm 1974, tình hình cách mạng miền Nam chuyển biến nhanh chóng, tin chiến thắng liên tiếp vang dội trên chiến trường đã dấy lên phong trào “Tòng quân chi viện” giải phóng miền Nam sôi động khắp các huyện, thị xã của Thanh Hóa. Ngày tuyển quân trở thành ngày hội của mọi người, mọi nhà, có gia đình động viên đến người con thứ 8 ra mặt trận. Riêng tháng 2-1975, Thanh Hóa giao quân đợt 1 đạt 17.959 tân binh, vượt 20% chỉ tiêu cả năm. Khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để giải phóng miền Nam” được giăng khắp mọi nẻo đường.

Những đóng góp to lớn, kịp thời của quân và dân Thanh Hóa đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng lịch sử ngày 30-4-1975. Nhiều tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ ghi nhận, tuyên dương, trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân; được Bác Hồ tặng Cờ thi đua “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” cùng nhiều thư khen, nhiều huân chương các loại và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Tố Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]