(Baothanhhoa.vn) - Dù hơn bốn mươi năm đã đi qua nhưng những ký ức về người con trai cả Lê Đình Chinh hi sinh nơi chiến trường biên giới phía Bắc vẫn luôn hiện hữu trong tâm trí bà Khương Thị Chu (85 tuổi), hiện đang sinh sống tại địa chỉ số 8, đường Trịnh Thị Ngọc Trúc (TP Thanh Hóa).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhớ người chiến sĩ đầu tiên hy sinh trong chiến tranh biên giới phía Bắc

Dù hơn bốn mươi năm đã đi qua nhưng những ký ức về người con trai cả Lê Đình Chinh hi sinh nơi chiến trường biên giới phía Bắc vẫn luôn hiện hữu trong tâm trí bà Khương Thị Chu (85 tuổi), hiện đang sinh sống tại địa chỉ số 8, đường Trịnh Thị Ngọc Trúc (TP Thanh Hóa).

Nhớ người chiến sĩ đầu tiên hy sinh trong chiến tranh biên giới phía Bắc

Bài thơ của một giáo viên viết tặng liệt sỹ Lê Đình Chinh.

Ước nguyện được phục vụ tổ quốc

Chúng tôi đến thăm gia đình liệt sỹ Lê Đình Chinh vào buổi chiều ngày đầu năm mới. Ngôi nhà nằm sâu trong một con hẻm nhỏ. Bà Khương Thị Chu, mẹ liệt sỹ Lê Đình Chinh đang chuẩn bị bữa cơm chiều.

“Tuổi cao, sức yếu nên tôi không làm được việc gì nhiều. Các con bận đi làm cả ngày, tôi ở nhà cũng chỉ tranh thủ giúp con nấu được nồi cơm” – bà Chu vừa rót chén nước chè mời khách vừa nói.

Nhắc đến người con cả đã hi sinh, đôi mắt bà Chu bỗng chùng xuống. Những ký ức xưa như ùa về. Bà Chu kể: Gia đình tôi có 6 người con (5 trai, một gái). Liệt sỹ Lê Đình Chinh (SN 17-2-1960) là con trai đầu. Trước đây, gia đình tôi sinh sống và làm việc tại Nông trường Ba Vì, sau chuyển về Nông trường sông Âm, huyện Ngọc Lặc. Năm 1990, sau khi chồng tôi mất, gia đình chuyển về sinh sống tại thành phố Thanh Hóa. Hiện tôi đang ở cùng người con trai thứ 4.

Nhớ người chiến sĩ đầu tiên hy sinh trong chiến tranh biên giới phía Bắc

Bà Khương Thị Chu xúc động kể lại những ký ức về người con cả đã anh dũng hi sinh nơi biên giới phía Bắc.

Theo bà Chu, ngày Lê Đình Chinh còn nhỏ, điều kiện gia đình khó khăn, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Chinh là anh cả trong nhà, nên là người thiệt thòi, vất vả nhất bởi ngoài việc đi học còn phải tham gia các công việc nhà, chăm sóc các em để giúp bố mẹ. Ngày 16-2-1975, khi Chinh mới 15 tuổi, anh bất ngờ xin phép bố, mẹ nhập ngũ. Thấy con còn nhỏ tuổi nên gia đình rất lo lắng. Nhưng vì anh kiên quyết với ước nguyện được phục vụ Tổ quốc nên gia đình đã đồng ý cho anh nhập ngũ và động viên khi anh lên đường.

Đôi mắt ngân ngấn nước, bà Chu xúc động nhớ lại: Ngày Chinh lên đường nhập ngũ, bố mẹ bận việc trên nông trường, các em còn nhỏ, nên chẳng ai đi đưa tiễn. Sau đó, có một lần duy nhất bố Chinh đến thăm khi Chinh đang huấn luyện ở Triệu Sơn.

Sau thời gian huấn luyện tại huyện Triệu Sơn, Lê Đình Chinh được biên chế vào Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 12, Bộ tư lệnh công an vũ trang Nhân dân (nay là Bộ đội biên phòng). Đơn vị của Lê Đình Chinh được điều động vào chiến trường Tây Nam chiến đấu chống quân Pôn Pốt xâm phạm biên giới. Năm 1978, đơn vị của Lê Đình Chinh được điều động lên bảo vệ biên giới phía Bắc.

Ngày 25-8-1978, quân xâm lược Trung Quốc vượt biên sang Việt Nam hành hung cán bộ, phụ nữ và nhân dân địa phương. Lê Đình Chinh (lúc bây giờ là Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2, Đại đội 6, Trung đoàn 12) ở dưới chân đồi Pù Tèo Hào đã cùng với đồng đội anh dũng chiến đấu chống lại kẻ thù. Lê Đình Chinh đã đánh gục hàng chục kẻ địch nhưng cuối cùng đã hy sinh khi mới 18 tuổi.

Nhớ người chiến sĩ đầu tiên hy sinh trong chiến tranh biên giới phía Bắc

Di ảnh của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Đình Chinh.

Anh đã về gần mẹ

Tuổi cao khiến đôi mắt bà Chu không còn nhìn rõ, mái tóc cũng đã bạc trắng, nhưng câu chuyện về người con trai cả của mình hy sinh, bà nhớ đến từng chi tiết.

Bà Chu nghẹn ngào kể lại: Đúng ngày Chinh hi sinh, vào lúc 18h ngày 25-8-1978 (tức 21-7-1978 âm lịch), cả nhà bật đài lên nghe thời sự thì thấy đài phát nội dung sự kiện chiến sỹ Lê Đình Chinh giải vây cho cán bộ, cứu đồng đội mình và đã hy sinh. Trong bản tin, không nói rõ Lê Đình Chinh quê ở đâu nên gia đình vô cùng lo lắng, thấp thỏm đứng ngồi không yên. Hi vọng đó chỉ là sự trùng hợp về tên tuổi. Tuy nhiên, ngày ấy cũng không có phương tiện để liên lạc và kiểm chứng thông tin nên tôi chỉ biết cầu trời phật cho con mình vẫn mạnh khỏe. Thế nhưng, phép màu đã không đến, ngày 2-9-1978, gia đình nhận được tin báo tử Lê Đình Chinh đã hi sinh.

Ngay trong năm 1978, Chủ tịch nước đã truy tặng liệt sỹ Lê Đình Chinh danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Anh được an táng tại khu vực hang Muối, xã Hồng Phong, Huyện Văn Lãng, gần với đồi Pù Tèo Hào nơi anh đã hi sinh. Đến năm 1979, anh đã được đồng đội quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ huyện Cao Lộc.

Nhớ người chiến sĩ đầu tiên hy sinh trong chiến tranh biên giới phía Bắc

Mộ của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Đình Chinh tại nghĩa trang Hàm Rồng, phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa.

30 năm sau ngày Lê Đình Chinh hy sinh, ngày 6-1-2013, Lê Đình Chinh đã được những người đồng đội cũ, ngành chức năng, chính quyền hai tỉnh đưa về yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng, phường Nam Ngạn (TP Thanh Hóa).

Đưa mắt nhìn lên tấm ảnh đen trắng khi Lê Đình Chinh mới gần 10 tháng tuổi đang được bà Chu bế trên tay- kỷ vật duy nhất của anh Chinh còn giữ lại được bà Chu, chia sẻ: “Trước đây, khi Chinh chưa được đưa về quê hương, không có ngày nào tôi thấy yên lòng. Mỗi ngày qua đi là nỗi khắc khoải, nhớ thương con. Từ ngày Chinh về gần với gia đình, tinh thần tôi cũng vui hơn. Vào các dịp lễ, Tết, ngày giỗ, gia đình thường cùng nhau ra mộ thăm Chinh. Thỉnh thoảng đồng đội cũ cũng về thăm mộ và thắp hương cho Chinh. Năm nào cũng vậy, vào dịp Tết Nguyên đán, đơn vị cũ của Chinh cũng về thăm gia đình tôi. Dù con đã đi xa, nhưng với tôi, con vẫn như luôn hiện hữu bên cạnh.

Nhớ người chiến sĩ đầu tiên hy sinh trong chiến tranh biên giới phía Bắc

Tấm ảnh khi anh Lê Đình Chinh còn nhỏ được mẹ Chu bế trên tay là kỷ vật duy nhất về anh còn sót lại.

Ngắm bức ảnh ngày nhỏ của Lê Đình Chinh được treo trang trọng trên tường nhà phòng khách, bà Chu đưa tay lên vuốt ve tấm ảnh như muốn chạm vào khuôn mặt người con trai đã bao năm xa cách. Đôi mắt tràn lệ, bà Chu thấy Lê Đình Chinh vẫn đang còn nhỏ như ngày anh hăm hở lên đường nhập ngũ.

Nhớ người chiến sĩ đầu tiên hy sinh trong chiến tranh biên giới phía Bắc

Mỗi khi nhớ con, bà Chu lại ngắm tấm ảnh ngày anh còn nhỏ và kể cho con cháu nghe những câu chuyện về anh.

Lê Đình Chinh là chiến sỹ đầu tiên hy sinh trong chiến tranh biên gi ới phía Bắc , tại mặt trận huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Anh hy sinh khi mới tròn 18 tuổi. Tên tuổi của Lê Đình Chinh đã trở thành một trong những biểu tượng anh hùng của thế hệ thanh niên Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc.

Hoàng Giang


Hoàng Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]