(Baothanhhoa.vn) - Không khí chuyến tàu cuối năm đi xuyên giao thừa lạ lắm, ai cũng trong tâm trạng bồi hồi, thấp thỏm, mong ngóng tàu sớm tới ga.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Người lái những chuyến tàu đêm giao thừa

Không khí chuyến tàu cuối năm đi xuyên giao thừa lạ lắm, ai cũng trong tâm trạng bồi hồi, thấp thỏm, mong ngóng tàu sớm tới ga.

Người lái những chuyến tàu đêm giao thừa

Anh Trần Văn Hiểu kiểm tra đầu máy tàu.

Chuyến tàu dài 2 năm

Ngày cận tết, không khí làm việc của hàng chục cán bộ, công nhân Trạm Đầu máy Thanh Hóa - Xí nghiệp Đầu máy Vinh, vẫn luôn khẩn trương như thường lệ. Trên buồng lái, lái tàu Trần Văn Hiểu, sinh năm 1972, đang sắp lại vài đồ vật cho gọn gàng. Dưới tàu, mấy anh em đồng nghiệp ngồi uống trà tán dóc, cười đùa rôm rả. Trong những câu chuyện phiếm tưởng như “thường ngày ở huyện” ấy lại khiến những người ngoại đạo như chúng tôi bỗng thấy ngậm ngùi.

- “Anh Tùng này, anh đã gọi điện thoại cho vợ chưa?” – anh Long hỏi đồng nghiệp.

- “Gọi làm gì, hôm qua mình mới ở nhà một ngày rồi” – anh Tùng trả lời.

- “Ơ, thế anh không nhớ sắp đến ngày ông công ông táo à?” – anh Long tỏ vẻ ngạc nhiên.

- “Ừ nhỉ! Mà thôi, anh em mình tháng này lo đi tàu có tiền thưởng tết thì các bà ấy mới vui” - anh Tùng tếu táo.

Anh Nguyễn Anh Tuấn, Trạm trưởng Trạm Đầu máy Thanh Hóa, ngồi lơ đãng nhìn xa xăm, nghe không sót câu nào. Anh cười nhẹ: “Anh em vào đợt vận tải tết như lính ra trận, ai nấy đều sẵn sàng, người nào việc nấy, cứ thế tự giác mà làm”.

Anh Long nhón ly trà nhấp một ngụm rồi chép miệng sảng khoái: “Anh em mình ăn tết trên tàu là chuyện quá đỗi bình thường. 11 tháng trước, mỗi tháng đã 16 ngày theo tàu. Tháng tết là 22 - 23 ngày, sao mà tránh khỏi”.

Hóng hớt mấy câu chuyện vụn vặt của cánh lái tàu, ai cũng nói câu “anh em mình, anh em mình” nghe thân thiết quá!

Anh Hiểu nãy giờ dọn dẹp trên đầu máy, xuống chỉ ngồi im. Vào nghề từ năm 1996, anh Hiểu chưa quên lần đầu tiên nhận nhiệm vụ lái tàu chính, đó là một ngày giữa năm 2003 trên chuyến tàu khách Vinh - Hà Nội. “Những km đầu tiên quả thực tôi run lắm, nhưng cứ lấy can đảm, bình tĩnh vận dụng kinh nghiệm trong 6 năm lái phụ. Dần dần, những km tiếp theo ổn. Kết quả chuyến tàu về ga đúng giờ, không gặp trục trặc gì” – anh kể và cho hay để trở thành lái tàu chính ít nhất phải vượt qua 40.000 km chạy tàu an toàn, cùng với nhiều quy định rất ngặt nghèo của ngành.

Cụ thể, trước khi tàu chạy 1 giờ 30 phút, ban lái tàu phải có mặt đầy đủ để nghe trực ban đầu máy phổ biến mệnh lệnh, kiểm tra nồng độ cồn, chỉ thị chạy tàu, tác nghiệp kiểm tra tổng thể đầu máy... Để giám sát ban lái tàu có thực hiện đầy đủ quy trình, quy phạm không, ngoài camera, thiết bị chống ngủ gật trong cabin, trên hành trình còn có các đoàn kiểm tra đột xuất, từ cán bộ trạm đầu máy, đội trưởng đội lái tàu đến cán bộ xí nghiệp... Anh Hiểu nói: “Nghề lái tàu coi vậy mà vất vả lắm, bởi để khuất phục một khối máy móc nặng hàng chục tấn và có giá trị nhiều tỷ đồng thì đòi hỏi người điều khiển phải cực kỳ dày dạn kinh nghiệm. Và trên hết, đó là sinh mạng, sự an toàn của hàng trăm con người trên các toa tàu”.

23 năm gắn bó với buồng lái, anh Hiểu không còn nhớ đã bao cái tết đón giao thừa trên tàu. Với nghề của các anh, đêm giao thừa cũng như ngày thường, đều không có giờ ăn, nghỉ cố định. Họ phải chờ khi tàu về đến ga mới có thể ăn cơm, hoặc tranh thủ ăn luôn trên tàu.

Tuy nhiên, theo lời anh Hiểu, không khí chuyến tàu cuối năm đi xuyên giao thừa lạ lắm, ai cũng trong tâm trạng bồi hồi, thấp thỏm, mong ngóng tàu sớm tới ga. Càng đến giờ phút thiêng liêng chuyển giao năm cũ - năm mới, anh em trong ban lái tàu, nhân viên với hành khách, hành khách với hành khách như tình cảm hơn, thân thuộc hơn. Những câu thăm hỏi, động viên gửi đến nhau chân tình cho người đi làm xa nhà vơi nỗi buồn, cho người xa quê chưa trở về kịp thấy ấm lòng. “Không nói ra nhưng anh em cũng cảm nhận được tuy xa gia đình nhỏ của mình nhưng lại được sống trong không khí của một “đại gia đình” lớn” - anh Hiểu nói.

Anh Hiểu vẫn nhớ như in lần đầu tiên anh được đón giao thừa trên tàu. Năm ấy tàu xuất phát từ Hà Nội vào Sài Gòn vào đúng ngày 29-12 âm lịch. Trước khi lên ban, anh nhận được vô số lời chúc “lái tàu an toàn” - câu cửa miệng đối với cán bộ, công nhân viên ngành đường sắt. Thời khắc giao thừa, đoàn tàu chạy qua địa phận Thanh Hóa, cảm giác nhớ nhà, nhớ người thân, nhớ vợ, nhớ đứa con gái bé bỏng đến trào nước mắt. Anh Hiểu nhớ lại: “Tàu chạy gần tới ga Thanh Hóa tôi liếc mắt nhìn đồng hồ thấy điểm 0h. Biết lái phụ xao lòng nên tôi nhanh nhảu hô sang năm mới rồi em ơi, hai anh em ta kéo còi tàu thay tiếng pháo hoa nhé... Vừa nói tôi vừa kéo ba hồi còi tàu để hai anh em tự động viên nhau...”.

Theo anh Hiểu, lái tàu tết vui buồn lẫn lộn. Ngày thường áp lực 1 thì ngày tết áp lực 10 vì tàu tăng chuyến, phải chờ dừng tránh vượt nhiều, trong khi đoàn tàu dài hơn. Hơn nữa, tàu quay vòng nhanh nên có khi đầu máy vừa về đến xưởng, mấy tiếng sau lại lên đường, anh em lái tàu phải cùng thợ trực tiếp khám máy để kịp nghiệm thu, cho máy ra kéo tàu. Nhưng sợ nhất vẫn là giáp tết, lượng phương tiện qua lại các điểm giao cắt đường bộ - đường sắt đông hơn, nguy cơ tai nạn rất cao. Tai nạn chỉ xảy ra trong tích tắc, nhưng đối với lái tàu thì có thể nhìn thấy tai nạn trước đó hàng chục giây, biết rõ có những cái chết đang đến gần mà đành bất lực. Dù đã hãm khẩn cấp, nhưng đoàn tàu với vài chục toa vẫn chạy ầm ầm theo quán tính, ít nhất phải hơn 300m, khi tàu chạy hết trớn mới có thể dừng lại. Chính vì vậy, nhiều vụ tai nạn đã xảy ra, gây thiệt hại cả về người và tài sản. “Với nghề lái tàu, mỗi chuyến tàu về đích an toàn, không xảy ra tai nạn, sự cố, không niềm vui nào sánh được” – anh Hiểu nói. Có lẽ cũng vì thế mà khi tôi gạn hỏi, anh Hiểu thành thật bảo, không muốn cho con cái nối nghiệp lái tàu, vì nghề này đòi hỏi phải có “thần kinh thép”, vất vả và đối mặt với nhiều rủi ro cũng như tổn thương tâm lý, tinh thần.

Gửi lời cảm ơn đến hậu phương

Chia sẻ về cuộc sống gia đình, anh Hiểu cho biết: “Công việc lái tàu bận rộn, luôn phải xa nhà. Nhưng tôi may mắn vì vợ hiểu công việc của mình, cô ấy chịu khó lo toan, đảm đương mọi việc trong gia đình, làm hậu phương vững chắc cho tôi yên tâm thực hiện nhiệm vụ trên mỗi cung đường. Nhiều khi về nhà, tôi cũng cố gắng dành thời gian cho con. Lần nào thấy tôi sửa soạn đồ chuẩn bị đi tàu, hai đứa nhỏ cũng chỉ hỏi có mỗi câu: “Chừng nào bố về?”. Xong nó đếm từng ngày, từng giờ, trễ chút là khóc, gọi điện trách móc bố”.

Không chỉ ban lái tàu mà các nhân viên phục vụ trên tàu, tuần đường cũng phải nhờ cậy đến vợ/chồng, ông bà dịp tết. Nếu ai tranh thủ được thì chợ búa, mua sắm vào ngày nghỉ sát ngày lên ban nhất. Hỏi các anh, chị về cảm xúc lúc đó thì luôn nhận được câu trả lời: “Xác định làm nghề vận tải thì phải chấp nhận, vả lại làm đêm giao thừa nhiều rồi nên cũng quen, miễn sao là phải đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu được thông suốt”.

Cái câu “cũng quen” nói ra thì nhẹ tênh nhưng để làm được, các anh, chị đã phải quên đi những cảm xúc rất con người, rất riêng để phục vụ hành khách tốt nhất. “Không được bên vợ con, gia đình sum vầy thời khắc giao thừa, lại phải đưa hàng trăm người lỡ tàu xe về với gia đình, có chút xao lòng nhưng tôi kịp trấn an âu đó là cái nghiệp” - người đàn ông trải lòng.

Nói đùa rằng “Công việc đặc thù thế này thì ngành và công đoàn ngành phải khen thưởng cho các anh hậu hĩnh lắm”. Ngay lập tức, các anh đều xua tay: “Nếu có khen thưởng thì khen thưởng những người vợ, người mẹ đã chia sẻ, làm thay phần việc của chúng tôi trong gia đình ấy, chứ chúng tôi thì... đó là công việc rồi”.

Theo anh Nguyễn Anh Tuấn, để chuẩn bị cho lịch chạy tàu, trước tết, lãnh đạo Xí nghiệp Đầu máy Vinh đã bố trí cho các lái tàu thuộc những mác tàu xuất phát trong các ngày 29, 30, mùng 1, mùng 2 tết được nghỉ trước ngày xuất phát để lo việc gia đình. Dịp tết hằng năm, các anh còn được nhận quà, lời chúc từ lãnh đạo trước khi tàu lăn bánh, đặc biệt là những mác tàu xuất phát trong chiều 30 tết. Bữa cơm tất niên của ban lái tàu cũng được ngành chuẩn bị đầy đủ. Sự tươm tất trong buổi chiều đặc biệt, sự đồng cảm của những “người lính” cùng cảnh ngộ đã phần nào động viên tinh thần cán bộ, công nhân viên ngày cuối năm.

Anh Hiểu chia sẻ: “Nếu cho chọn lại, tôi vẫn làm nghề lái tàu. Vì đó là niềm tự hào mà dường như đã ăn vào máu thịt không thể thiếu và khó thay đổi”.

Tăng Thúy


Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]