(Baothanhhoa.vn) - Trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, để tiếp cận và có bước nhảy vọt về khoa học công nghệ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ, thương mại và du lịch, tỉnh ta luôn quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, coi đây là khâu đột phá trong kỷ nguyên số.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số

Trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, để tiếp cận và có bước nhảy vọt về khoa học công nghệ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ, thương mại và du lịch, tỉnh ta luôn quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, coi đây là khâu đột phá trong kỷ nguyên số.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số

Thí sinh thi nghề tự động hóa công nghiệp tại kỳ thi tay nghề cấp tỉnh tổ chức tháng 12-2019.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mở ra nhiều cơ hội, song cũng không ít những thách thức. Tại Thanh Hóa, cuộc cách mạng đã và đang tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực, trong đó có sự phát triển về kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh và an sinh xã hội. Để đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới thì nguồn nhân lực chất lượng cao có vai trò rất quan trọng mà lực lượng tiên phong chính là đội ngũ trí thức, các nhà khoa học và lực lượng lao động trẻ, họ cần được trang bị kiến thức chuyên môn, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu thị trường lao động.

Tuy nhiên vấn đề giáo dục trong tỉnh vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định. Đó là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đào tạo dàn trải, chồng chéo, chưa chuyên sâu; nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục còn hạn hẹp. Cơ sở vật chất, thiết bị thực hành đào tạo chưa đáp ứng việc tiếp cận khoa học công nghệ 4.0. Trong khi cơ chế, chính sách đào tạo nghề chất lượng cao cũng còn bất cập, chưa phù hợp để tác động vào khâu đột phá. Đội ngũ giáo viên cơ hữu cơ bản đạt chuẩn nhưng thiếu, nhiều cơ sở phải hợp đồng giáo viên... ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là cuộc cách mạng về việc làm, dịch chuyển từ lao động phổ thông sang lao động chất lượng cao để người lao động dễ tìm được việc làm tại các cơ sở, doanh nghiệp, khu kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm trong tỉnh, trong nước, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Quyết định số 291-QĐ/TU ngày 27-5-2016 về chương trình đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020. UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 125/KH-UBND ngày 22-8-2016 về thực hiện Quyết định số 291. Điều này tỏ rõ sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền tỉnh trong vấn đề đột phá nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, các cơ sở GDNN đã bắt tay với doanh nghiệp trong đào tạo; tổ chức thực hành, thực tập để người lao động vững về lý thuyết và được tiếp cận với máy móc thiết bị hiện đại, tiên tiến, góp phần nâng cao kỹ năng thực hành, tác phong công nghiệp, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp sau đào tạo. Cùng với đó là sự chuyển biến về nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong phân luồng học sinh đã giúp các em thay đổi quan điểm, lựa chọn cấp học, ngành học phù hợp với điều kiện của bản thân và gia đình để có việc làm, thu nhập.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: Do xác định đúng đắn từ mỗi cá nhân mà số học sinh đăng ký học nghề ngày càng tăng. Ước giai đoạn 2016-2020, các cơ sở GDNN và kèm cặp truyền nghề tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh tuyển sinh đào tạo cho 392.676 người, trong đó trình độ cao đẳng 11.955 người, trung cấp 30.990 người, sơ cấp 127.886 người, đào tạo dưới 3 tháng 221.845 người; gấp 4,9 lần so với năm 2015 và ước đạt 110,3% so với kế hoạch. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 55% năm 2015 lên 70% năm 2020.

Là một trong 10 trường cao đẳng nghề được thành lập đầu tiên trong cả nước, Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Thanh Hóa đã không ngừng đổi mới chương trình giảng dạy nhằm phát triển nguồn nhân lực có đủ kiến thức cần thiết để bắt kịp xu hướng công nghệ. Nhà trường đã gắn kết và giữ mối quan hệ với trên 30 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để đào tạo, giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận ứng dụng công nghệ, mô hình hoạt động thực tế. Riêng năm 2019 nhà trường đã kết nối đưa gần 900 sinh viên đi học nâng cao, thực tập, trải nghiệm và đi làm tại các doanh nghiệp. Ngoài ra, nhà trường còn giúp đỡ đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho 6 cán bộ quản lý, giáo viên trường dạy nghề tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào. Ông La Ngọc Tuấn, phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Thời gian tới trường mong muốn được Chính phủ bổ sung vào danh sách các trường được đầu tư để trở thành trường chất lượng cao giai đoạn 2020-2025; được tiếp cận, chuyển giao chương trình quốc tế để tuyển sinh đào tạo các nghề trọng điểm.

Kỷ nguyên số đòi hỏi cấp thiết của việc phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh đẩy mạnh CNH, HĐH nền kinh tế, tăng cường hội nhập quốc tế. Do đó công tác đào tạo nguồn nhân lực nói chung và GDNN nói riêng bắt buộc phải đổi mới để phù hợp với nhu cầu thị trường lao động. Tỉnh đã hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị đào tạo các nghề trọng điểm với số tiền hàng chục tỷ đồng. Cùng với sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, các cơ sở GDNN đã tích cực nghiên cứu khoa học, tự làm thiết bị đào tạo phục vụ công tác giảng dạy. Riêng năm 2019, tại hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc, Thanh Hóa có 10 thiết bị tham gia dự thi và đều đạt giải, xếp thứ 3 toàn quốc. Hiện tỉnh đã và đang rà soát, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm giảm các đầu mối, nâng cao thương hiệu và uy tín cho các cơ sở đào tạo. Nhà nước cũng đặt hàng các cơ sở GDNN để đào tạo và cung ứng lao động chất lượng cao cho các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh theo cơ chế 3 bên “Nhà nước – cơ sở GDNN – doanh nghiệp”, tạo động lực để các cơ sở GDNN tự đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, đồng thời doanh nghiệp cũng thực hiện trách nhiệm của mình trong việc đào tạo và sử dụng nhân lực, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.

Bài và ảnh: Mai Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]