(Baothanhhoa.vn) - Vì cuộc sống mưu sinh mà không ít người phải rời xa quê hương đi làm ăn nơi đất khách. Mỗi người mỗi công việc, không ai giống ai nhưng sâu thẳm trong trái tim họ là ước mơ ngày trở về có cuộc sống đủ đầy hơn, để gia đình được trọn vẹn trong niềm vui đoàn tụ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mưu sinh nơi xứ người

Vì cuộc sống mưu sinh mà không ít người phải rời xa quê hương đi làm ăn nơi đất khách. Mỗi người mỗi công việc, không ai giống ai nhưng sâu thẳm trong trái tim họ là ước mơ ngày trở về có cuộc sống đủ đầy hơn, để gia đình được trọn vẹn trong niềm vui đoàn tụ.

Mưu sinh nơi xứ người

Môi trường làm việc ở Nhật Bản luôn hướng đến sự hoàn mỹ, vì vậy họ đòi hỏi mọi thứ phải đảm bảo chất lượng.

Những mảnh đời lưu lạc

Nếu nhắc đến Nhật Bản, có lẽ trong suy nghĩ của nhiều người đó là đất nước đáng sống, nơi có môi trường làm việc chuyên nghiệp với mức lương hậu hĩnh, cơ sở vật chất đủ đầy. Thế nhưng, Nguyễn Thị Phương, sinh năm 1997, quê ở xã Ngư Lộc (Hậu Lộc) lại nói với tôi rằng: “Phải đi mới biết, Nhật Bản không phải là một thế giới phủ sắc hồng như nhiều người lầm tưởng. Đó là một cuộc sống với khó khăn chồng chất khó khăn, mà người ta không thể mường tượng ra được”.

Là chị cả trong gia đình có 3 chị em, từ nhỏ Phương đã sớm tự lập vì biết hoàn cảnh gia đình mình còn nhiều khó khăn, vất vả. Năm 2015, sau khi tốt nghiệp THPT, Phương quyết định không thi đại học mà đăng ký đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở Nhật Bản để thay đổi cuộc sống của cả gia đình. “Chi phí phải nộp cho trung tâm môi giới XKLĐ để hoàn thành các thủ tục lên đến 265 triệu đồng. Bố mẹ em đã phải cầm cố nhà cửa, chạy vạy khắp nơi mới đủ tiền cho em đăng ký. Sau 7 tháng học tiếng Nhật ở Hà Nội và trải qua vòng phỏng vấn gắt gao, 3 tháng chờ đợi nữa cuối cùng em cũng được đặt chân đến đất nước mặt trời mọc” - Phương tâm sự.

Thế nhưng, khác với tâm trạng háo hức trên máy bay về một miền đất hứa, Phương vô cùng hụt hẫng khi bắt đầu cuộc sống mới. Công ty mà Phương đang làm việc thuộc tỉnh Mie, Nhật Bản, chuyên sản xuất đầu dây mạng, bảng chỉ đường, bản đèn led. Phương cho biết, môi trường làm việc ở Nhật Bản luôn hướng đến sự hoàn mỹ, vì vậy họ đòi hỏi mọi thứ phải đảm bảo chất lượng, tác phong làm việc phải có tính chuyên nghiệp cao. Nhiều lao động khi mới qua đây chưa quen việc, đi làm muộn đã bị mất tiền chuyên cần, giảm lương, thậm chí sa thải. Thời gian làm việc bình quân của các lao động ở đây khoảng 8-10 tiếng/ngày, mức lương từ 18 - 25 triệu đồng/tháng, với thời hạn hợp đồng lao động là 3 năm.

Hiện, Phương đang thuê nhà sống với 7 người bạn làm cùng công ty, đều là người Việt Nam đi XKLĐ. Đó là một căn nhà 2 tầng với giá thuê gần 40 triệu đồng/tháng và đặt cọc 20 triệu đồng để trừ dần nếu người thuê làm hỏng hóc hoặc mất đồ. Dù tiết kiệm song mỗi tháng Phương và các bạn cũng mất 6 triệu đồng/người cho tiền thuê nhà và điện, nước. “Mỗi lần đi chợ hay siêu thị, khi chuẩn bị chọn mua món đồ gì là em và các bạn lại quy ra tiền Việt Nam, cân nhắc kỹ rồi mới quyết định mua”. Bởi, mục tiêu của chúng em khi sang đến đây là phải tiết kiệm hết sức có thể để trả hết khoản nợ ngân hàng đã vay trước đó và dành dụm một ít gửi về nhà phụ giúp bố mẹ lo cho các em ăn học.

Mặc dù công việc khá vất vả khi phải thường thức khuya dậy sớm để tăng ca nhưng Phương vẫn thấy mình may mắn vì được công ty trả lương, đóng bảo hiểm đúng theo quy định. Bởi có rất nhiều lao động Việt phải “tự bơi” hoặc bỏ việc, tìm cách ra làm ngoài dù biết là vi phạm quy định vì công việc và mức lương không đúng như thỏa thuận ban đầu.

Cũng chọn cuộc sống tha hương nơi đất khách, chị Đoàn Thị Thương, sinh năm 1967, xã Hưng Lộc (Hậu Lộc) đã phải ăn hơn 10 cái tết nơi xứ người. Chị Thương vui vẻ nói: “Cái tết đầu tiên đi làm ăn xa về tôi nhớ mãi. Sắm đủ bánh mứt, hạt dưa... cho cả nhà. Lại sắm được cái ti vi màu cho ba đứa con ở nhà. Bởi thế tôi phải cố, chịu cực khổ mấy cũng được”. Nhưng rồi giọng chị chùng xuống: “Cũng vì khó khăn mới bỏ quê đi làm ăn, không có điều kiện chăm sóc con cái, đứa lớn không nói làm gì, mấy đứa nhỏ học hành cũng không đến nơi đến chốn gì cả, tội quá...”.

Hơn 10 năm trước, chị Thương chia tay người thân, lên đường sang Ma Cao làm giúp việc. Đã cứng tuổi, nên chị Thương phải cố gắng rất nhiều, nhất là về ngôn ngữ. May mắn là chị được phân vào gia đình tốt bụng. Công việc đơn giản chỉ là chăm sóc cho người mẹ già của chủ nhà và nấu nướng. Những gì chị không hiểu, họ đều cố gắng giải thích, hướng dẫn cả bằng lời nói và hành động. Bỡ ngỡ ban đầu qua đi, chị Thương quen dần với cuộc sống nơi đất khách.

Hết hạn hợp đồng, trở về nước một thời gian, chị Thương lại sang Ma Cao, tiếp tục làm giúp việc gia đình. Với kinh nghiệm và vốn ngôn ngữ tích lũy được, chị Thương đã bắt nhịp rất nhanh dù đối tượng chăm sóc chuyển từ già sang trẻ. Sáng dắt con chủ nhà tới lớp, chiều đón về tắm gội và chuẩn bị bữa tối cho cả nhà. Công việc xem ra nhàn hạ hơn nhiều so với chuyện “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” ở quê nhà, nhưng nếu không chịu khó học hỏi, để ý khẩu vị và thói quen của gia chủ, cũng không dễ trụ được. Để chủ dẫn ra công ty môi giới phàn nàn hay yêu cầu đổi người, đối với chị Thương thì không có gì xấu hổ bằng.

Hiện tại, dù con cái giờ đã lớn hơn, kinh tế gia đình cũng cải thiện nhiều, nhưng chị Thương vẫn muốn có thêm ít tiền tích lũy cho tuổi già và cả tương lai con cái. Vì thế, chị đã quyết định ở lại một thời gian nữa.

Hướng đi hiệu quả trong giảm nghèo

Câu chuyện xa xứ mưu sinh của chị Thương, chị Phương cũng giống như câu chuyện của hàng nghìn người con xứ Thanh khác đang đi XKLĐ. Tuy làm việc xa nhà, xa quê hương, nhưng chị Thương vẫn quyết tâm bám trụ ở đây bởi thu nhập hàng tháng của chị khá ổn định ở mức trên dưới 20 triệu đồng/tháng, sau khi đã trừ tất cả các khoản chi phí ăn ở, sinh hoạt. Chị Thương tin rằng, chỉ cần mình chịu khó dành dụm và chăm chỉ làm việc thì sẽ tích lũy được một ít vốn liếng để sau này trở về quê hương làm ăn, sinh sống.

Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, trong năm 2019, toàn tỉnh đã đưa được 10.309 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, tập trung ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước Trung Đông. Số tiền người lao động gửi về nước trên 100 triệu USD. Nhiều lao động thuộc diện hộ nghèo sau khi đi XKLĐ trở về đã thoát nghèo, trở thành hộ khá, giàu, nhiều người còn trở thành nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Những kết quả tích cực từ XKLĐ đã giúp kinh tế - xã hội của nhiều địa phương trong tỉnh ngày càng khởi sắc. Thu nhập bình quân của người dân tăng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Có thể khẳng định, nếu thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước về hoạt động XKLĐ thì việc đưa người ra nước ngoài làm việc là con đường xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững. Mặt khác, ra nước ngoài lao động là dịp tốt để mỗi người học hỏi, tiếp cận với môi trường, kỷ luật lao động tiên tiến nhằm giúp thay đổi những thói quen lao động tự do, trì trệ sau khi về nước.

Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng công dân xuất cảnh đi lao động trái phép ở nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp, gây nhiều hệ lụy và ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh tế, an ninh trật tự tại địa phương. Bởi, tự ý xuất cảnh đi lao động trái phép tại nước ngoài mà không thông qua các cơ quan, doanh nghiệp có chức năng XKLĐ nên quyền lợi của công dân thường không được bảo vệ. Họ phải đối mặt với nhiều rủi ro, như bị chủ sử dụng lao động nước ngoài nợ lương, quỵt lương, bóc lột sức lao động, mỗi ngày phải làm việc trung bình từ 12 - 14 tiếng đồng hồ; điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, phải làm những công việc trong môi trường độc hại dễ dẫn đến ốm đau, tai nạn, nhiều trường hợp còn bị ngược đãi, đánh đập, cưỡng bức lao động. Khi có đợt kiểm tra đột xuất của cơ quan chức năng sở tại, phải trốn chui, trốn lủi trong rừng hoặc các hầm chứa. Thậm chí có không ít người sa vào con đường phạm pháp, nghiện hút, tù tội. Nhiều phụ nữ bị bắt cóc, trở thành nạn nhân của các đường dây mua bán người, bị ép bán dâm... Theo số liệu thống kê của Công an tỉnh Thanh Hóa, chỉ tính từ năm 2015 đến đầu năm 2019, toàn tỉnh Thanh Hóa đã có gần 3.000 trường hợp bị phía Trung Quốc bắt, trục xuất về nước; 29 trường hợp bị đưa ra xét xử, 41 trường hợp bị tai nạn, tử vong. Nhiều gia đình phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đưa thi thể người thân về mai táng, nhiều trường hợp bị mất tích trên đất Trung Quốc. Vì vậy, người lao động không nên vì cái lợi trước mắt mà xuất cảnh đi lao động trái phép tại nước ngoài, bởi những hệ lụy và tổn thương về tinh thần, thể xác mà những nạn nhân phải gánh chịu thì không gì có thể bù đắp được.

Cuộc sống mưu sinh nơi đất khách, quê người vẫn còn nhiều nguy hiểm, vất vả và bộn bề lo toan. Nhưng dù khó khăn, những người như chị Thương, chị Phương vẫn luôn giữ vững tinh thần lạc quan, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau. Theo lời chị Thương, hầu hết người Việt Nam khi sang Ma Cao làm ăn thường sống tập trung thành một cộng đồng đoàn kết, chăm chỉ trong công việc, tuân thủ pháp luật nước sở tại nên được người dân địa phương rất yêu mến. Tuy không phải ai mưu sinh ở xứ người cũng gặp thuận lợi như chị Thương nhưng nếu chăm chỉ, cần cù, có ý thức kỷ luật cao và tuân thủ nghiêm luật pháp nước sở tại đều có thể dành dụm được một khoản tiền phụ giúp gia đình và nuôi dưỡng ước mơ của bản thân sau khi trở về nước.

Bài và ảnh: Đại Nghĩa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]