(Baothanhhoa.vn) - Xuất phát điểm là một huyện miền núi đặc biệt khó khăn với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, thường xảy ra mưa lũ, hạn hán và đất đai cằn cỗi, Mường Lát hôm nay đã thay da, đổi thịt, bước vào năm mới với nhiều khát vọng mới, dưới sự chỉ đạo đúng hướng của lãnh đạo các cấp và sự đồng lòng, quyết tâm thoát nghèo, xây dựng quê hương của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện.

Mường Lát: Khát vọng vươn lên từ đất

Xuất phát điểm là một huyện miền núi đặc biệt khó khăn với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, thường xảy ra mưa lũ, hạn hán và đất đai cằn cỗi, Mường Lát hôm nay đã thay da, đổi thịt, bước vào năm mới với nhiều khát vọng mới, dưới sự chỉ đạo đúng hướng của lãnh đạo các cấp và sự đồng lòng, quyết tâm thoát nghèo, xây dựng quê hương của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện.

Mường Lát: Khát vọng vươn lên từ đất

Người dân xã Quang Chiểu thu hoạch lúa nếp Cay Nọi. Ảnh: Tiến Đạt

Đất Mường Lát là “vàng”

Trở lại Mường Lát vào những ngày cuối năm Tân Sửu 2021, ẩn trong sương mù và tiết trời giá lạnh, trên những đồi núi cao, những cây mơ, mận, đào đá hàng trăm năm tuổi đã bung ra những bông hoa với sắc màu tươi thắm. Phải chăng vì ở vùng núi cao hoa đào nở sớm mà mùa xuân cũng đến với dải đất biên cương này ở độ thanh tân nhất. Nơi đây xưa kia là “mường” lớn nhất vùng nên người ta lấy tên bản này làm tên chung cho huyện. “Lát” là chữ “Lạt” của người Thái cổ - nghĩa là “nơi tập trung buôn bán sầm uất ở trên cao”. Có lẽ từ rất lâu về trước, nơi này đã từng là vùng đất giàu có, đông vui. Thế nhưng, trải qua những biến thiên của lịch sử, Mường Lát lại trở thành huyện khó khăn của tỉnh. Vài chục năm trở lại đây, với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo cùng sự kiên trì, chịu khó của người dân, Mường Lát đang từng ngày thay da, đổi thịt với những rừng cây ăn quả bạt ngàn, đường bê tông sạch sẽ, trường học khang trang, nhiều gia đình có điều kiện xây dựng, sửa sang nhà cửa, mua ti vi, máy lạnh, xe máy, ô tô...

Trong ngôi nhà kiên cố, khang trang, ngay mặt đường lớn, ông Triệu Văn Lỉu, trưởng bản Hạ Sơn, xã Pù Nhi, khoe: “Căn nhà này xây cách đây gần 5 năm, giá hơn nửa tỷ. Trước kia, khi gỗ rừng còn nhiều thì người ta chỉ việc lên rừng đốn gỗ về làm nhà. Để làm được ngôi nhà thì họ phải chuẩn bị 2 - 3 năm, còn bây giờ có tiền là làm được, vài tháng là xong”. Tôi nói đùa: “Ở quê tôi phải đi nước ngoài mới có tiền về xây nhà to”, ông Lỉu cười lớn, cũng đáp lại bằng một câu bông đùa: “Đất Mường Lát là vàng rồi, cứ chăm chỉ làm ăn, rồi chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà... mỗi năm tiết kiệm một ít là đủ tiền dựng nhà”. Thật vậy, có gặp gỡ, trò chuyện với những con người nơi đây mới cảm nhận rõ, trong họ cháy lên những khát vọng làm giàu từ chính mảnh đất nơi này. Họ đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm; bớt trông chờ, ỷ lại sự trợ giúp của Nhà nước mà tự lực vươn lên để thoát nghèo bền vững.

Ở Pù Nhi bây giờ có nhiều hộ phất lên nhờ trồng cây ăn quả, như: cam, bưởi... Ông Lỉu cho biết: “Nhà tôi có ít đất rừng đang trồng cây dược liệu. Cũng trồng cây ăn quả nhưng không đáng kể, tôi đang tính đưa cây gai xanh về trồng thử. Đây là giống cây đa tác dụng: vỏ dùng làm nguyên liệu dệt; lá làm bánh gai, thức ăn cho gia súc; lõi là nguyên liệu sản xuất giấy, làm giá thể để trồng nấm và làm phân bón hữu cơ; củ gai tươi lại là nguyên liệu quý để làm thuốc... Ước tính 1 ha trồng cây gai xanh trong một năm có thể thu được từ 2 - 3 tấn vỏ khô, tương đương với hơn 100 triệu đồng. Xã Mường Chanh đã trồng thí điểm, kết quả rất khả quan. Huyện đang khuyến khích trồng giống cây này nên người dân sẽ nhận được nhiều hỗ trợ, như: Vốn để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cây giống, máy móc. Chưa kể, Công ty An Phước sẽ kết hợp hướng dẫn kỹ thuật trồng và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân”.

Nói rồi, ông dẫn chúng tôi sang nhà anh Triệu Văn Cáu - một trong những hộ đi đầu trong phát triển kinh tế của bản Hạ Sơn. Đang vào mùa thu hoạch, vợ chồng anh Cáu bận tíu tít vì khách đã đặt tiền mua mấy tấn cam và sẽ lấy trong vài ba ngày tới. Bởi thế, từ sáng sớm vợ chồng anh đã dậy hái cam. Anh Cáu bảo: “Khách hàng điện suốt ngày, họ giục quá mà không dám nhờ người hái, sợ họ không biết lựa quả, lại vít cành quá tay sẽ hại cho cây...”.

Ngọn đồi trước nhà anh Cáu gần 10 năm trước trồng đủ loại cây sắn, khoai, xoan... chẳng cây nào cho thu nhập ra hồn. Thấy nhiều nơi trồng cam hiệu quả, anh quyết định mua 100 cây cam Vinh về trồng. Cây không phụ công người, vườn cam xanh ngằn ngặt, chỉ mấy năm không ai còn nhận ra mảnh đất sỏi đá khi xưa. Từ 100 gốc cam ban đầu, đến nay gia đình anh có gần 500 gốc cam các loại. Trung bình mỗi năm vườn cam thu về cho gia đình khoảng 200 - 250 triệu đồng. Cùng với việc trồng cam, gia đình anh Cáu còn nuôi thêm trâu, lợn để tăng thu nhập. Nhờ chăm chỉ làm ăn nên anh đã xây được nhà ở khang trang, mua ô tô, con cái được ăn học đầy đủ.

Trên đường trở về, ông Lỉu bộc bạch: “Tôi có mấy đứa cháu đang làm thuê ở Hà Nội, Sài Gòn... đợi tết chúng nó về tôi bảo chúng hãy ở nhà mà làm ăn, đất Mường Lát có đến nỗi nào đâu mà phải bỏ đất này, đi bôn ba xứ người”. Có lẽ, một đời sống và cống hiến nơi dải đất biên cương này ông Lỉu hiểu, Mường Lát cần những người sinh ra, lớn lên và sẽ sống cả đời ở cổng Trời. Bởi chỉ họ mới có thể đánh thức khát vọng đại ngàn trong làng bản của mình, làm thay đổi cuộc sống của đồng bào nơi đây.

Có sức người sỏi đá cũng thành cơm

Ngược núi, chúng tôi lạc vào giữa bạt ngàn lúa chín của đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Thái... thuộc các xã Quang Chiểu, Mường Chanh. Thấp thoáng dưới làn mây phủ, những quả núi sừng sững, xanh ngắt, bao bọc những ruộng lúa nếp Cay Nọi vàng óng tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Được trồng trên những mảnh đất màu mỡ, lớn lên từ mạch nước ngầm ngọt lịm, không khí tinh sạch, nếp Cay Nọi nổi tiếng bởi vị dẻo ngọt và hương thơm đặc trưng khó quên. Được biết, tháng 11-2021, gạo Cay Nọi đã được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là sản phẩm OCOP đầu tiên của huyện Mường Lát.

Từ bao đời nay, người dân 2 xã Quang Chiểu, Mường Chanh đã gắn bó với nghề nông, trong đó cây lúa nếp Cay Nọi được bà con trồng với diện tích lớn, trở thành cây trồng chủ lực của địa phương. Riêng xã Quang Chiểu có hơn 400 ha đất nông nghiệp thì đã có hơn 300 ha trồng lúa nếp Cay Nọi. Bởi, giá trị hạt gạo Cay Nọi mang lại cho người nông dân là rất lớn. Cụ thể, hiện nay, lúa Cay Nọi có giá 12.000 – 13.000 đồng/kg, gạo từ 28.000 – 30.000 đồng/kg (trong khi đó giá lúa thuần chỉ có 9.000 đồng/kg, gạo 13.000 – 14.000 đồng/kg).

HTX nông lâm Chung Thành được thành lập để làm cầu nối cho gạo Cay Nọi với thị trường. HTX liên kết với 31 hộ dân trên địa bàn xã Quang Chiểu sản xuất gạo Cay Nọi theo Chương trình OCOP. Các hộ dân này được HTX hỗ trợ kỹ thuật, phân bón và giúp tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định. Cùng với đó, để nâng tầm giá trị cho gạo Cay Nọi, HTX nông lâm Chung Thành dự tính sẽ cùng bà con xây dựng “Mô hình chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gạo Cay Nọi an toàn”. Đây sẽ là một bước tiến vượt bậc giúp sản phẩm gạo Cay Nọi Quang Chiểu có giá trị cao hơn, thị trường tiêu thụ rộng và giá bán ổn định.

Từ khi gạo Cay Nọi trở thành sản phẩm nông nghiệp hàng hóa được thị trường ưa chuộng thì sản phẩm thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đấy, thậm chí nhiều thương lái còn phải vào tận nơi đặt tiền trước mới mua được lúa. Những khách hàng sành ăn cũng đi ôtô vào tận ruộng hỏi mua khiến ngày mùa ở dải đất biên cương này càng thêm tấp nập. Chuyện làm giàu từ cây lúa không còn lạ nơi đây khi thôn, xóm bắt đầu khang trang, những ngôi nhà cao, đẹp mọc lên giữa mênh mông ruộng nương.

Ông Ngân Trọng Hiệp, Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu, cho biết: “Nếp Cay Nọi trở thành sản phẩm OCOP đầu tiên của huyện là tín hiệu đáng mừng, mở ra hướng phát triển mới cho nông nghiệp địa phương. Để nếp Cay Nọi tiếp tục vươn xa, bên cạnh việc khai hoang, mở rộng diện tích, để nâng cao năng suất cây lúa trên một đơn vị diện tích, chính quyền xã Quang Chiểu còn tích cực tuyên truyền giúp người dân thay đổi nhận thức, từ bỏ phương pháp canh tác lạc hậu, cũ kỹ, áp dụng các kỹ thuật tiên tiến mới vào phát triển sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập và thoát nghèo bền vững...”.

Chia sẻ về tiềm năng của Mường Lát, ông Trần Văn Thắng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Mường Lát, khẳng định: “Triển vọng nâng cao mức sống, nguồn thu nhập từ phát triển những mô hình nông, lâm nghiệp là rất lớn. Tuy nhiên, khó khăn chung hiện nay đối với việc xây dựng các mô hình là nguồn kinh phí đầu tư hạn chế; sản phẩm đầu ra gặp khó khăn, giá cả thị trường biến động, chưa có liên doanh, liên kết bao tiêu sản phẩm, làm người sản xuất chưa mạnh dạn tham gia thực hiện; trong khi đó cũng chưa có nhiều tập thể, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư công nghệ chế biến, bảo quản sản phẩm... nên ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và gây sức ép trong tiêu thụ... Do vậy, thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao, phát triển chăn nuôi quy mô lớn, đẩy mạnh xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng liên kết chặt chẽ giữa kinh tế hộ với doanh nghiệp, với thị trường để đưa nông nghiệp lên sản xuất quy mô lớn”.

Có lẽ trong hành trình vươn lên của mình, Mường Lát sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thử thách, song với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, Mường Lát sẽ tiếp tục phát huy nội lực cùng đồng tâm hiệp lực xây dựng quê hương ngày càng phát triển, góp phần cùng các địa phương trong tỉnh, xây dựng Mường Lát ngày một giàu đẹp văn minh.

Tăng Thúy


Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]